1

Viêm khớp tự miễn là gì?

Bệnh tự miễn là các bệnh xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào bình thường. Bệnh viêm khớp tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công niêm mạc khớp và gây viêm. Tình trạng viêm này không chỉ xảy ra ở các khớp mà còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể.
Viêm khớp tự miễn là gì? Viêm khớp tự miễn là gì?

Các triệu chứng của viêm khớp tự miễn ở mỗi người là khác nhau và còn tùy vào mức độ tiến triển của bệnh. Mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp tự miễn nhưng có nhiều phương pháp điều trị để làm giảm các triệu chứng, giảm tốc độ tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Triệu chứng viêm khớp tự miễn

Các triệu chứng của bệnh viêm khớp tự miễn thường xuất hiện từ từ và xảy ra theo đợt. Tình trạng viêm đa phần xảy ra ở các khớp giống nhau ở cả hai bên cơ thể và gây ra các triệu chứng sau:

  • Đau khớp
  • Sưng khớp
  • Cứng khớp
  • Biến dạng khớp
  • Cục cứng dưới da gần khớp, thường là ở bàn tay
  • Giảm phạm vi chuyển động

Ngoài ra, bệnh viêm khớp tự miễn còn có thể gây ra những triệu chứng toàn thân và triệu chứng ở những bộ phận khác trên cơ thể như:

  • Khô miệng
  • Khó ngủ
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân
  • Viêm mắt, khô mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt
  • Sốt
  • Thiếu máu
  • Đau ngực khi thở (do viêm màng phổi

Ai có nguy cơ bị viêm khớp tự miễn?

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp:

  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới.
  • Tuổi tác: Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng các triệu chứng đa phần bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi từ 49 đến 60.
  • Tiền sử gia đình: Những người có người thân trong gia đình bị viêm khớp dạng thấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Hút thuốc: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp. Bỏ thuốc có thể làm giảm nguy cơ.

Chẩn đoán viêm khớp tự miễn

Các bệnh tự miễn thường có triệu chứng giống với nhiều bệnh lý khác nên việc chẩn đoán có thể khó khăn, đặc biệt là khi bệnh ở giai đoạn đầu.

Ví dụ, không có bất cứ xét nghiệm hay kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nào có thể phát hiện bệnh viêm khớp dạng thấp. Thay vào đó, việc chẩn đoán dựa trên các triệu chứng mà người bệnh miêu tả, khám lâm sàng, xét nghiệm máu và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, gồm có:

  • Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF)
  • Xét nghiệm anti-CCP
  • Công thức máu toàn bộ
  • Tốc độ máu lắng và protein phản ứng C
  • Chụp X-quang
  • Siêu âm
  • Chụp MRI

Người bệnh cần mô tả chi tiết các triệu chứng gặp phải cho bác sĩ và cung cấp thông tin đầy đủ về bệnh sử cá nhân.

Điều trị viêm khớp tự miễn

Việc điều trị tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ tiến triển của bệnh.

Một phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm khớp tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp là dùng thuốc để làm giảm các triệu chứng và làm giảm sự tấn công của hệ miễn dịch lên các khớp. Các loại thuốc thường được sử dụng gồm có:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)
  • Corticoid
  • Thuốc sinh học
  • Thuốc ức chế miễn dịch
  • Thuốc ức chế TNF-alpha

Một phương pháp điều trị khác là vật lý trị liệu để giảm đau và cải thiện tính linh hoạt của khớp. Người bệnh có thể đến các cơ sở trị liệu định kỳ hoặc được hướng dẫn các bài tập để tự tập tại nhà. Người bệnh cũng sẽ được hướng dẫn chế độ tập thể dục phù hợp cũng như các thiết bị hỗ trợ việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày như gậy chống, nạng, tay vịn.

Những trường hợp nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật để sửa hoặc thay các khớp bị hỏng bằng khớp nhân tạo.

Biến chứng của viêm khớp tự miễn

Nếu không được kiểm soát tốt, viêm khớp tự miễn có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Ví dụ, các biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có hội chứng ống cổ tay, loãng xương và biến dạng khớp. Bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể dẫn đến các biến chứng về phổi như:

  • Tổn thương mô
  • Viêm phế quản tắc nghẽn
  • Tăng áp động mạch phổi
  • Tràn dịch màng phổi
  • Nốt mờ phổi
  • Xơ phổi

Các biến chứng về tim mạch của bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Xơ cứng động mạch
  • Viêm màng ngoài tim
  • Viêm cơ tim
  • Viêm mạch máu
  • Suy tim sung huyết

Thay đổi lối sống để kiểm soát viêm khớp tự miễn

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Thừa cân hoặc béo phì sẽ gây áp lực lớn lên các khớp, vì vậy hãy cố gắng duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn. Việc tập thể dục thường xuyên còn gíup cải thiện phạm vi chuyển động của khớp.
  • Chườm: Chườm lạnh giúp giảm đau khớp và giảm sưng tấy, còn chườm nóng giúp giảm đau nhức cơ và giảm cứng khớp.
  • Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng có thể làm tăng viêm và làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp tự miễn. Các biện pháp giảm căng thẳng gồm có tập thể dục, hít tập thở sâu và thiền.
  • Ngủ đủ giấc: Người trưởng thành cần ngủ từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày. Nếu ngủ không đủ vào ban đêm thì có thể ngủ thêm vào ban ngày nhưng không nên ngủ ngày quá nhiều và quá muộn để tránh bị khó ngủ vào ban đêm
  • Tránh các hoạt động gây áp lực lên khớp
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc sẽ khiến cho bệnh viêm khớp tự miễn trở nên nghiêm trọng hơn và làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng như bệnh tim mạch và bệnh phổi.

Tiên lượng

Tiên lượng của người mắc bệnh viêm khớp tự miễn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Tình trạng sức khỏe tổng thể
  • Độ tuổi tại thời điểm phát hiện bệnh
  • Thời gian bắt đầu điều trị và mức độ tuân thủ điều trị
  • Mức độ đáp ứng điều trị

Tuân thủ điều trị và duy trì lối sống lành mạnh, điều độ có thể cải thiện đáng kể tiên lượng. Các nhà khoa học hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm các loại thuốc mới điều trị bệnh viêm khớp tự miễn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.

Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.

Viêm khớp tự phát thiếu niên là gì?
Viêm khớp tự phát thiếu niên là gì?

Viêm khớp tự phát thiếu niên, hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên, là loại viêm khớp phổ biến nhất ở trẻ em. Viêm khớp là một tình trạng với các triệu chứng đặc trưng là cứng, sưng và đau ở các khớp.

Điều Trị Viêm Khớp Bằng Dầu Cá Và Omega-3 (EPA Và DHA)
Điều Trị Viêm Khớp Bằng Dầu Cá Và Omega-3 (EPA Và DHA)

Điều trị viêm khớp bằng dầu cá và omega-3 (EPA và DHA). Nhờ tác dụng giảm viêm nên dầu cá có lợi cho những người bị bệnh viêm khớp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây