1

Triệu chứng ung thư bàng quang ở phụ nữ

Vì ung thư bàng quang xảy ra phổ biến hơn ở nam giới nên các dấu hiệu ban đầu ở nữ giới thường bị bỏ qua. Phụ nữ cũng nên đi khám khi có các dấu hiệu của ung thư bàng quang như tiểu ra máu hay đau khi đi tiểu.
Triệu chứng ung thư bàng quang ở phụ nữ Triệu chứng ung thư bàng quang ở phụ nữ

Ung thư bàng quang là một trong mười loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới, với khoảng 550.000 ca mắc mới mỗi năm. Ước tính số ca mắc ở nam giới cao hơn gấp 3 – 4 lần số ca mắc ở ở phụ nữ.

Vì ung thư bàng quang ít phổ biến hơn ở nữ giới nên nhiều phụ nữ thường chủ quan khi gặp các triệu chứng ban đầu của căn bệnh này.

Điều này dẫn đến phát hiện muộn khi bệnh đã ở các giai đoạn sau và lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, khả năng sống sót thấp hơn. Theo nghiên cứu vào năm 2019, phụ nữ mắc bệnh ung thư bàng quang thường có khối u phát triển và lan rộng nhanh hơn, đồng thời tiên lượng kém hơn so với nam giới.

Giống như nhiều loại ung thư khác, chẩn đoán sớm là điều rất quan trọng để cải thiện tiên lượng của người bị ung thư bàng quang. Và để phát hiện bệnh từ sớm thì mỗi người cần nhận biết được các triệu chứng bệnh.

Triệu chứng ban đầu của ung thư bàng quang ở phụ nữ

Không giống như ung thư vú, không có phương pháp sàng lọc tiêu chuẩn nào cho bệnh ung thư bàng quang. Vì lý do này nên điều quan trọng là phải biết các triệu chứng ban đầu của căn bệnh này và đi khám ngay khi có biểu hiện bất thường.

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư bàng quang ở phụ nữ.

Tiểu ra máu (đái máu)

Tiểu ra máu (đái máu) là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ung thư bàng quang. Tuy nhiên, đó cũng có thể là triệu chứng của các bệnh lý khác ít nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng đường tiết niệu.

Tiểu ra máu cũng có thể là do quan hệ tình dục, đặc biệt là khi bị khô âm đạo. Ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, máu trong nước tiểu có thể là do kinh nguyệt hoặc ra máu đột ngột giữa chu kỳ.

Cho dù nghi ngờ nguyên nhân nào gây tiểu ra máu thì cũng không được bỏ qua triệu chứng này.

Theo nghiên cứu vào năm 2016, hiện tượng tiểu ra máu ở phụ nữ thường được chẩn đoán là do nhiễm trùng đường tiết niệu. Điều này có nghĩa là nhiều trường hợp ung thư bàng quang bị bỏ sót hoặc phát hiện muộn.

Đừng nên chủ quan khi thấy nước tiểu có máu, đặc biệt là khi tình trạng này này xảy ra liên tục hoặc kéo dài. Hãy đi khám càng sớm càng tốt.

Máu có thể làm cho nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc nâu. Người bệnh cũng có thể thấy vết máu trên giấy vệ sinh sau khi lau. Tuy nhiên, đôi khi, lượng máu trong nước tiểu chỉ rất nhỏ và không nhìn thấy bằng mắt thường mà chỉ khi làm xét nghiệm nước tiểu mới phát hiện ra.

Những người có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao, ví dụ như người có tiền sử gia đình bị ung thư bàng quang nên làm xét nghiệm nước tiểu định kỳ.

Đau khi đi tiểu

Đau khi đi tiểu hoặc tiểu khó có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư bàng quang. Người bệnh cũng có thể cảm thấy nóng rát hoặc khó chịu khi đi tiểu.

Giống như đái máu, những triệu chứng này ở phụ nữ cũng có thể là do các bệnh lý khác gây ra, bao gồm cả nhiễm trùng bàng quang .

Tiểu gấp hoặc tiểu nhiều lần

Ngoài những cảm giác bất thường khi đi tiểu, bệnh ung thư bàng quang còn có thể làm thay đổi thói quen tiểu tiện. Tiểu nhiều lần có thể là triệu chứng ban đầu của ung thư bàng quang. Tình trạng này có thể xảy ra vào ban đêm và khiến người bệnh phải thức giấc liên tục.

Người bệnh còn có thể bị tiểu gấp, tình trạng đột ngột buồn tiểu dù bàng quang chưa đầy.

Các triệu chứng khác còn có tiểu khó, phải rặn mạnh khi đi tiểu và dòng nước tiểu yếu.

Triệu chứng ung thư bàng quang di căn ở phụ nữ

Nếu không được điều trị, bệnh ung thư bàng quang sẽ tiến triển và gây ra các triệu chứng khác ngoài những triệu chứng kể trên. Nhiều triệu chứng là do khối u ban đầu ngày càng tăng kích thước.

Ung thư thường bắt đầu ở lớp niêm mạc bên trong bàng quang nhưng theo thời gian, ung thư sẽ xâm lấn vào các lớp bên trong thành bàng quang và sau đó lan ra ngoài bàng quang đến khu vực xung quanh rồi tiếp theo là các cơ quan ở xa trong cơ thể. Giai đoạn này được gọi là ung thư di căn.

Ung thư bàng quang di căn gây ra các triệu chứng sau đây.

Đau cục bộ

Đau ở vùng chậu, lưng dưới hoặc vùng hạ sườn có thể là do khối u phát triển và chèn ép lên bàng quang cũng như các cơ quan nội tạng lân cận.

Khi khối u chèn ép lên niệu quản (ống nối thận với bàng quang), người bệnh sẽ bị đau lưng dưới hoặc đau một bên hạ sườn. Hạ sườn là khu vực kéo dài từ bên dưới khung xương sườn đến hông.

Triệu chứng đau ở những khu vực này thường đi kèm tình trạng tiểu khó.

Đau ở các vùng khác trên cơ thể

Ung thư bàng quang có thể di căn đến các vị trí dưới đây:

  • Xương
  • Hạch bạch huyết
  • Gan
  • Phổi
  • Phúc mạc (lớp màng bao phủ bề mặt bên trong của khoang bụng)

Giống như các loại ung thư khác, ung thư bàng quang cũng có thể di căn xương. Điều này có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào trong cơ thể. Ung thư di căn xương sẽ gây đau nhức xương, nhất là vào ban đêm và khi hoạt động. Ung thư di căn khiến xương trở nên yếu và dễ gãy hơn.

Ung thư di căn đến phổi sẽ gây đau ngực, khó thở, ho mạn tính hoặc làm thay đổi giọng nói.

Ung thư di căn đến bụng hoặc gan sẽ gây đau bụng, chướng bụng, mệt mỏi, sốt, ngứa ngáy, vàng da, ăn không ngon miệng.

Sưng phù chân

Khi ung thư bàng quang lan đến các hạch bạch huyết, chân sẽ bị phù nề. Các hạch bạch huyết có chức năng điều hòa sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Khi các hạch bạch huyết bị sưng lên, chất lỏng dư thừa sẽ tích tụ trong các mô và dẫn đến tình trạng sưng phù.

Ngoài sưng phù chân, ung thư lan đến hạch bạch huyết còn có thể gây đổ mồ hôi vào ban đêm.

Triệu chứng toàn thân

Khi ung thư bàng quang tiến triển, người bệnh có thể gặp các triệu chứng toàn thân như:

  • Sụt cân
  • Chán ăn
  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Da xanh xao

Ai có nguy cơ bị ung thư bàng quang?

Phụ nữ có tỷ lệ mắc ung thư bàng quang thấp hơn nam giới. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, ví dụ như:

  • trên 55 tuổi
  • Hút thuốc lá
  • Tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư bàng quang
  • Từng bị ung thư bàng quang
  • Uống nước nhiễm asen
  • Tiếp xúc với các hóa chất như amin thơm và hydrocarbon thơm đa vòng (thường được dùng trong sản xuất nhựa, kim loại tấm và hóa chất)
  • Bị bệnh sán máng (một bệnh nhiễm ký sinh trùng)

Một số nghiên cứu cho thấy hormone cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Những phụ nữ có kinh nguyệt lần đầu sau 15 tuổi, sử dụng liệu pháp hormone hoặc đã từng mang thai có nguy cơ mắc ung thư bàng quang thấp hơn. (1)

Khi nào cần đi khám?

Điều quan trọng là phải đi khám ngay khi nhận thấy những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư bàng quang. Mặc dù các triệu chứng đó cũng có thể là của các bệnh lý khác không phải ung thư nhưng vẫn nên đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh. Ung thư càng được phát hiện sớm thì tiên lượng sẽ càng tốt.

Câu hỏi thường gặp về ung thư bàng quang

Khi nào bệnh ung thư bàng quang bắt đầu có triệu chứng?

Bệnh ung thư thường không biểu hiện triệu chứng ngay khi hình thành. Có thể phải sau vài tháng hoặc vài năm kể từ khi các tế bào biến đổi bất thường thì các triệu chứng mới xuất hiện, tùy thuộc vào loại ung thư và tốc độ phát triển của bệnh. Tuy nhiên, theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), 84% số ca ung thư bàng quang được chẩn đoán trước khi ung thư lan ra ngoài bàng quang. (2)

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư bàng quang thường là máu trong nước tiểu và triệu chứng này có thể xảy ra ngay ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu nước tiểu có nhiều máu thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy ung thư đã ở các giai đoạn sau.

Theo Mạng lưới Vận động Ung thư Bàng quang (The Bladder Cancer Advocacy Network), ung thư bàng quang ở phụ nữ thường được chẩn đoán muộn hơn so với ở nam giới do các triệu chứng ung thư giống với triệu chứng của nhiều tình trạng khác, chẳng hạn như chảy máu sau mãn kinh.

Ung thư bàng quang thường được phát hiện như thế nào?

Hiện không có khuyến nghị về việc sàng lọc ung thư bàng quang định kỳ, do đó hầu hết các trường hợp được phát hiện khi có triệu chứng, chẳng hạn như có máu trong nước tiểu.

Trong những trường hợp có nguy cơ cao, một số xét nghiệm nước tiểu có thể giúp phát hiện dấu hiệu ung thư bàng quang nhưng các xét nghiệm này không chính xác 100%.

Triệu chứng đau do ung thư bàng quang thường xảy ra ở vị trí nào?

Tương tự như nhiễm trùng đường tiết niệu, ung thư bàng quang có thể gây đau và cảm giác nóng rát khi đi tiểu. Khi ung thư di căn, người bệnh có thể bị đau ở một bên lưng. Ung thư di căn đến xương sẽ gây đau nhức xương. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị đau ở những khu vực khác, tùy vào vị trí ung thư di căn.

Tóm tắt bài viết

Nói chung, các triệu chứng ung thư bàng quang ở phụ nữ cũng tương tự như triệu chứng ở nam giới. Do phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư bàng quang thấp hơn nam giới nên nhiều người chủ quan không đi khám khi có triệu chứng và cho rằng các triệu chứng là do một bệnh lý ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu.

Ung thư bàng quang ở phụ nữ thường được phát hiện muộn hơn nhiều so với nam giới và do đó, phụ nữ mắc ung thư bàng quang có tiên lượng kém hơn. Điều quan trọng là phải biết các triệu chứng của bệnh ung thư bàng quang.

Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi có những triệu chứng kể trên hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Ung thư bàng quang là bệnh có thể điều trị được và nếu được phát hiện sớm, bệnh thậm chì còn có thể được chữa khỏi.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: ung thư bàng quang
Tin liên quan
Triệu chứng và điều trị ung thư bàng quang giai đoạn cuối
Triệu chứng và điều trị ung thư bàng quang giai đoạn cuối

Ung thư bàng quang giai đoạn cuối còn được là ung thư bàng quang di căn, có nghĩa là ung thư đã lan ra khỏi bàng quang đến các cơ quan khác. Việc điều trị ung thư giai đoạn cuối rất khó khăn. Bài viết dưới đây là những thông tin cơ bản về ung thư bàng quang giai đoạn cuối, gồm có các triệu chứng, những lựa chọn điều trị hiện có, biến chứng và tiên lượng của người bệnh.

Ung thư bàng quang xâm lấn cơ: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư bàng quang xâm lấn cơ: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Khi ung thư đã lan vào lớp cơ của bàng quang hoặc xa hơn thì được gọi là “ung thư bàng quang xâm lấn cơ”. Loại ung thư bàng quang này thường lan nhanh chóng, vì vậy nên tiên lượng của những người mắc bệnh rất kém.

Ung thư bàng quang giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư bàng quang giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Ung thư bàng quang bắt đầu xảy ra ở lớp niêm mạc của bàng quang. Ung thư có thể lan đến các mô quanh bàng quang và theo máu hoặc hệ bạch huyết lan đến các vị trí ở xa trong cơ thể. Ung thư bàng quang được chia giai đoạn dựa trên mức độ lan rộng của tế bào ung thư.

Triệu chứng ung thư bàng quang ở nam giới
Triệu chứng ung thư bàng quang ở nam giới

Hầu hết các triệu chứng của ung thư bàng quang ở nam giới và nữ giới là giống nhau nhưng nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nước tiểu có máu là triệu chứng phổ biến nhất nhưng ngoài ra, ung thư bàng quang còn có các triệu chứng khác, đặc biệt là khi ung thư tiến triển.

Ung thư bàng quang giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư bàng quang giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Ung thư bàng quang bắt đầu lớp niêm mạc bàng quang. Sau một thời gian, ung thư sẽ lan vào các lớp bên trong của thành bàng quang rồi lan ra khỏi bàng quang đến khu vực xung quanh. Tế bào ung thư có thể lan theo máu hoặc hệ bạch huyết đến các cơ quan ở xa trong cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây