Thuốc chẹn beta có hiệu quả trong điều trị suy tim không?
Thuốc chẹn beta có tác dụng ngăn ngừa sản sinh hai hormone là epinephrine và norepinephrine. Bác sĩ có thể kê đơn loại thuốc này để kiểm soát nhiều tình trạng liên quan đến tim, chẳng hạn như tăng huyết áp (hypertension), rối loạn nhịp tim, và suy tim.
Khi nào nên sử dụng thuốc chẹn beta?
Bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng thuốc chẹn beta trong điều trị suy tim nếu tim bơm máu không hiệu quả như bình thường. Những thuốc này giúp cải thiện hiệu suất của tim và giảm tải công việc cho tim, vì vậy chúng cũng được sử dụng để điều trị các bệnh lý khác liên quan đến tim.
Một số trường hợp thường sử dụng thuốc chẹn beta là:
- Phân suất tống máu giảm: Nếu bạn bị suy tim mãn tính với phân suất tống máu giảm, nghĩa là tâm thất trái bơm máu không hiệu quả. Thuốc chẹn beta có thể giúp cải thiện khả năng bơm máu của tim, tăng tỷ lệ sống sót và giảm số lần nhập viện.
- Rối loạn nhịp tim: Thuốc chẹn beta có thể có hiệu quả trong việc kiểm soát một số loại rối loạn nhịp tim, đặc biệt là nhịp tim nhanh (trên 100 nhịp/phút), vừa là triệu chứng vừa là yếu tố nguy cơ của suy tim.
- Tiền sử nhồi máu cơ tim: Bác sĩ có thể đề nghị điều trị lâu dài bằng thuốc chẹn beta để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát.
- Tăng huyết áp: Thuốc chẹn beta giúp giảm tải cho tim và cải thiện chức năng tim nhờ giảm lực tác động của máu lên thành động mạch. Thuốc cũng giúp làm giảm nguy cơ suy tim do tăng huyết áp.
- Đau thắt ngực (loại đau ngực điển hình): Thuốc chẹn beta có thể giúp giảm đau ngực do bệnh tim bằng cách cải thiện lưu lượng máu và điều hòa nhịp tim.
- Liệu pháp kết hợp: Thuốc chẹn beta có thể được sử dụng cùng với các thuốc khác để điều trị suy tim mãn tính, đặc biệt nếu bạn thường xuyên gặp các triệu chứng nặng.
Khi nào không nên sử dụng thuốc chẹn beta để điều trị suy tim?
Mặc dù thuốc chẹn beta có thể hữu ích trong điều trị triệu chứng và nguyên nhân suy tim nhưng loại thuốc này lại không phù hợp trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như:
- Tình trạng nhịp tim chậm tiến triển nặng: Thuốc chẹn beta có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nhịp tim chậm, gây ra các biến chứng nghiêm trọng như ngất xỉu hoặc suy tim.
- Hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nặng: Thuốc chẹn beta có thể gây co thắt phế quản, làm các vấn đề hô hấp ở những người mắc các bệnh này trở nên nặng hơn.
- Hạ huyết áp quá mức: Thuốc chẹn beta có thể làm giảm huyết áp, dẫn đến lưu lượng máu không đủ tới các cơ quan quan trọng.
- Bệnh động mạch ngoại vi nặng: Thuốc chẹn beta có thể làm giảm lưu lượng máu tới chân tay, làm nặng thêm triệu chứng của bệnh động mạch ngoại vi đang ở giai đoạn tiến triển hoặc đã tiến triển nặng.
Bác sĩ sẽ xem xét lịch sử bệnh, các bệnh lý kèm theo, và triệu chứng hiện tại trước khi quyết định có nên tránh dùng thuốc chẹn beta hay không. Chỉ các bác sĩ có chuyên môn mới có thể xác định liệu bạn có cần ngừng sử dụng thuốc chẹn beta hay không, và nếu có thì nên ngừng khi nào.
Ngừng sử dụng thuốc chẹn beta
Bạn không nên tự ý ngừng sử dụng thuốc chẹn beta đột ngột hoặc không có sự giám sát của bác sĩ. Việc ngừng thuốc đột ngột có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát. Nó cũng có thể gây ra các biến chứng khác như tăng huyết áp hoặc đau thắt ngực.
Các loại thuốc chẹn beta được ưu tiên trong điều trị suy tim
Bác sĩ sẽ dựa theo nhu cầu cá nhân của bạn để đưa ra khuyến nghị sử dụng một loại thuốc chẹn beta cụ thể. Bác sĩ cũng có thể chỉ định loại thuốc khác hoặc một loại thuốc chẹn beta khác tùy theo tình trạng bạn gặp phải.
Thuốc chẹn beta thường được cân nhắc sử dụng trong điều trị suy tim nếu tỷ lệ máu được bơm ra khỏi tim với mỗi nhịp đập là 40% hoặc thấp hơn.
Dưới đây là một số loại thuốc chẹn beta phổ biến trong điều trị suy tim:
Carvedilol
Carvedilol (Coreg) hoạt động bằng cách chẹn cả thụ thể beta và alpha-1, giúp giảm nhịp tim và huyết áp, giảm tải công việc cho tim. Thuốc này có dạng viên uống.
- Không dùng cho: người có tình trạng nhịp tim chậm tiến triển nặng, hen suyễn mất kiểm soát, hoặc bệnh gan nặng.
Metoprolol succinate
Metoprolol succinate (Toprol-XL) chỉ chẹn có chọn lọc thụ thể beta-1, giúp làm giảm nhịp tim, huyết áp và cải thiện chức năng tim cũng như triệu chứng suy tim.
Thuốc này có dạng viên nén hoặc viên nang giải phóng kéo dài.
- Không dùng cho: người có tình trạng nhịp tim chậm tiến triển nặng, hạ huyết áp nặng, hoặc bệnh block tim độ hai hoặc ba.
Bisoprolol
Bisoprolol chẹn có chọn lọc thụ thể beta-1, giúp làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp và giảm nhu cầu oxy của tim. Thuốc có thể được dùng dưới dạng viên uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Không dùng cho: người có tình trạng nhịp tim chậm tiến triển nặng, bệnh phổi tác nghẽn mãn tính (COPD) nặng hoặc hen suyễn.
Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc chẹn beta nào hoặc các loại thuốc khác trong điều trị suy tim đều phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì thế, hãy trao đổi với bác sĩ để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Tác dụng phụ của thuốc chẹn beta trong điều trị suy tim
Tác dụng phụ của thuốc chẹn beta có thể khác nhau tùy từng người nhưng thường là những tình trạng sau:
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Hạ huyết áp
- Nhịp tim chậm bất thường
- Tăng cân (thường gặp hơn khi dùng carvedilol)
Một số thuốc cũng có thể gây triệu chứng hạ đường huyết tiềm ẩn ở người mắc bệnh tiểu đường và có thể gây hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng trầm cảm.
Bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc chẹn beta phù hợp nhất dựa trên triệu chứng và tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn.
Các phương pháp điều trị khác cho suy tim
Ngoài thuốc chẹn beta, bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị khác để cải thiện chức năng tim, kiểm soát triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các phương pháp để điều trị suy tim là:
- Sử dụng thuốc: Bác sĩ có thể kê thêm:
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors): Những loại thuốc này giúp làm giãn mạch máu và giảm tải công việc cho tim, ví dụ như enalapril (Vasotec) và lisinopril (Zestril).
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II: Thuốc này cũng giúp làm giãn mạch máu và hạ huyết áp. Các loại được dùng phổ biến là losartan (Cozaar) và valsartan (Diovan).
- Thuốc lợi tiểu và thuốc kháng aldosterone: Những loại thuốc này giúp kiểm soát tình trạng tích nước, ví dụ như furosemide (Lasix) và spironolactone (Aldactone).
- Thay đổi lối sống: Các biện pháp như giảm muối trong chế độ ăn, tập thể dục đều đặn, bỏ hút thuốc và hạn chế uống rượu có thể giúp cải thiện tình trạng suy tim.
- Thiết bị cấy dưới da: Các thiết bị như máy tạo nhịp tim (pacemaker) hoặc máy khử rung tim cấy dưới da (implantable cardioverter-defibrillator) có thể giúp điều chỉnh nhịp tim và ngăn ngừa nguy cơ tử vong đột ngột do tim.
- Phẫu thuật: Trong các trường hợp bệnh nặng, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các phẫu thuật như bắc cầu động mạch vành, thay hoặc sửa van tim, hoặc ghép tim.
Kết luận
Bác sĩ có thể kê thuốc chẹn beta để điều trị suy tim khi lượng máu được bơm ra khỏi tim sau mỗi nhịp đập bị giảm đi nhiều so với mức bình thường. Thuốc chẹn beta có thể giúp cải thiện triệu chứng và tiên lượng bằng cách hạ huyết áp, giảm nhịp tim, từ đó giảm tải công việc cho tim.
Tuy nhiên, thuốc chẹn beta không phù hợp với tất cả trường hợp suy tim và có thể gây ra các rủi ro như nhịp tim chậm bất thường, mệt mỏi và hạ huyết áp. Bác sĩ sẽ đánh giá nhu cầu cá nhân của bệnh nhân trước khi quyết định bắt đầu hoặc ngừng bất kỳ kế hoạch điều trị nào.
Suy tim sung huyết là một bệnh lý tiến triển mãn tính ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của cơ tim
Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể. suy tim cấp là một tình trạng cấp cứu y tế, có thể xảy ra đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước.
Các thủ thuật y khoa khác nhau, như bắc cầu động mạch vành hoặc can thiệp động mạch vành qua da, có thể giúp điều trị các nguyên nhân cơ bản gây suy tim. Một số trường hợp có thể cần cấy thiết bị dưới da để hỗ trợ tim, thậm chí là ghép tim.
Suy tim xảy ra khi tim trở nên yếu đi hoặc cứng hơn và không còn bơm máu hiệu quả như bình thường. Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ đánh giá triệu chứng, tiến hành khám lâm sàng và có thể sử dụng nhiều xét nghiệm cần thiết.