Thực phẩm và đồ uống nào có thể làm tăng triglyceride?

Ngoài các thực phẩm giàu chất béo, đồ uống có đường và rượu, có nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng và làm tăng mức triglyceride trong máu.
Hình ảnh 141 Thực phẩm và đồ uống nào có thể làm tăng triglyceride?

Triglyceride là một dạng chất béo lưu thông trong máu và là loại chất béo phổ biến nhất trong cơ thể, đóng vai trò là nguồn năng lượng chính của cơ thể.

Triglyceride được hấp thụ từ thực phẩm như bơ, dầu, thịt, sản phẩm từ sữa và các loại chất béo khác. Cơ thể sử dụng một phần triglyceride để tạo năng lượng ngay lập tức, phần còn lại được dự trữ để sử dụng sau. Ngoài ra, gan cũng có khả năng tổng hợp triglyceride nội sinh.

Mặc dù triglyceride rất quan trọng đối với sức khỏe nhưng mức triglyceride quá cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

Mức triglyceride trong máu dưới 150 mg/dL được coi là bình thường. Mức triglyceride cao được phân loại như sau:

  • Giới hạn cao: 150–199 mg/dL
  • Cao: 200–499 mg/dL
  • Rất cao: Trên 500 mg/dL

Một số yếu tố lối sống, chẳng hạn như chế độ ăn giàu chất béo và đường, có thể góp phần làm tăng triglyceride. Dưới đây là các loại thực phẩm và đồ uống có thể làm tăng triglyceride.

Những thực phẩm và đồ uống làm tăng triglyceride

Theo một nghiên cứu năm 2021, chế độ ăn giàu chất béo bão hòa, đường hoặc thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao có thể làm tăng mức triglyceride trong máu.

Chất béo bão hòa

Chất béo bão hòa là một loại chất béo không lành mạnh có thể làm tăng cholesterol LDL và triglyceride. Chúng có nhiều trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật như:

  • Thịt bò
  • Thịt cừu
  • Thịt lợn
  • Gia cầm (da gà, vịt...)
  • Phô mai
  • Mỡ lợn, kem béo
  • Kem lạnh

Chất béo chuyển hóa

Chất béo chuyển hóa cũng là một dạng chất béo không lành mạnh. Chúng làm tăng LDL (“cholesterol xấu”) và triglyceride, đồng thời làm giảm HDL (“cholesterol tốt”).

Chất béo chuyển hóa tự nhiên có thể chứa một lượng nhỏ chất béo không tốt nhưng loại chất béo chuyển hóa nhân tạo trong thực phẩm chế biến sẵn chứa hàm lượng cao hơn nhiều.

Những thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa gồm:

  • Thực phẩm chiên rán (bánh rán, khoai tây chiên...)
  • Bánh nướng (bánh quy, bánh ngọt, bánh pie...)
  • Pizza đông lạnh
  • Bơ thực vật dạng thỏi

Thực phẩm và đồ uống có đường

Một phần đường trong chế độ ăn sẽ được chuyển hóa thành triglyceride trong cơ thể.

Trái cây nguyên chất chứa đường tự nhiên và chất xơ có thể là được thêm vào chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, các thực phẩm có nhiều đường bổ sung có thể làm tăng đáng kể mức triglyceride, bao gồm:

  • Kẹo
  • Bánh kem, bánh quy
  • Bánh ngọt, bánh nướng
  • Bánh rán
  • Kem lạnh

Các loại đồ uống có nhiều đường gồm:

  • Nước ngọt có ga
  • Nước chanh có đường
  • Cà phê pha sẵn có đường
  • Nước uống thể thao
  • Nước uống có hương vị
  • Nước ép trái cây có đường

Thực phẩm giàu calo

Những thực phẩm chứa nhiều calo không chỉ làm tăng triglyceride mà còn góp phần gây tăng cân. Ví dụ như:

Thực phẩm chế biến sẵn (thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng...)

  • Đồ ăn nhanh
  • Đồ chiên rán
  • Đồ ăn đóng gói (bim bim, chocolate...)

Carbohydrate tinh chế

Carbohydrate tinh chế là loại carb đã qua xử lý, bị loại bỏ nhiều dưỡng chất và chất xơ có lợi. Chúng thường được gọi là “calo rỗng” vì chủ yếu chứa đường và tinh bột tinh chế.

Thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế có thể làm tăng triglyceride, bao gồm:

  • Bánh mì trắng
  • Mì sợi trắng
  • Gạo trắng
  • Kẹo
  • Mật ong
  • Xi-rô
  • Ngũ cốc ăn sáng tinh chế

Thực phẩm giàu tinh bột

Tinh bột, còn gọi là carbohydrate phức hợp, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Chúng có lợi cho sức khỏe và cung cấp các dưỡng chất quan trọng cho cơ thể.

Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu tinh bột có thể làm tăng mức triglyceride. Các thực phẩm thuộc nhóm này bao gồm:

  • Bánh mì
  • Khoai tây
  • Mì ống
  • Bún, phở
  • Ngũ cốc ăn sáng
  • Bánh quy giòn
  • Gạo
  • Ngô

Rượu

Theo nghiên cứu năm 2021, tiêu thụ 1 ounce (khoảng 30 ml) rượu mỗi ngày có thể làm tăng mức triglyceride lên 5–10%.

Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng đáng kể mức triglyceride, đặc biệt là ở những người đã có mức triglyceride cao sẵn.

Các nguyên nhân khác gây tăng triglyceride

Ngoài chế độ ăn, một số bệnh lý, thuốc men và yếu tố lối sống cũng có thể góp phần làm tăng triglyceride.

Các nguyên nhân này gồm có:

  • Bệnh lý: Bệnh thận, tiểu đường, béo phì, bệnh gan
  • Thuốc: Lợi tiểu, thuốc chẹn beta, retinoid, liệu pháp miễn dịch
  • Di truyền: Tăng triglyceride máu gia đình
  • Thiếu vận động
  • Hút thuốc lá

Mối liên hệ giữa triglyceride và cholesterol

Cả triglyceride và cholesterol đều là những chất quan trọng đối với sức khỏe nhưng có vai trò khác nhau.

Cholesterol là một chất sáp giống chất béo, được gan sản xuất. Cholesterol từ thực phẩm chủ yếu có trong các sản phẩm động vật như thịt, hải sản, gia cầm, trứng và sữa.

Có hai loại cholesterol chính:

  • LDL (“cholesterol xấu”): Mức LDL cao có thể gây tích tụ mảng bám trong động mạch
  • HDL (“cholesterol tốt”): Mức HDL cao giúp giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ

Nếu mức triglyceride cao đi kèm với LDL cao hoặc HDL thấp, nguy cơ tích tụ mảng bám trong động mạch sẽ tăng, dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh tim và đột quỵ.

Một người có thể có triglyceride cao ngay cả khi mức cholesterol bình thường. Ví dụ, chế độ ăn nhiều carbohydrate, chất béo bão hòa và calo có thể làm tăng triglyceride ngay cả khi các thực phẩm này không chứa nhiều cholesterol.

Thực phẩm giúp giảm triglyceride

Những thực phẩm lành mạnh có thể giúp giảm triglyceride bao gồm:

  • Bánh mì nguyên cám, ngũ cốc nguyên hạt, mì ống nguyên cám
  • Gạo lứt, gạo hoang
  • Rau xanh
  • Thịt nạc: Ức gà, gà tây bỏ da
  • Cá béo: Cá hồi, cá hồi vân
  • Yến mạch
  • Các loại hạt không muối
  • Hạt lanh, hạt chia
  • Bơ hạt
  • Quả bơ
  • Các loại đậu: Đậu đỏ, đậu lăng
  • Sản phẩm sữa không béo hoặc ít béo: Sữa, phô mai
  • Trái cây tươi

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Mức triglyceride cao thường không gây ra triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và viêm tụy cấp.

Trong một số trường hợp, mức triglyceride rất cao có thể gây các triệu chứng như:

  • Thay đổi (màu sắc,...) ở mạch máu trong mắt
  • Xuất hiện các nốt sần trên da quanh mí mắt, đầu gối, gót chân, vai hoặc khuỷu tay
  • Suy giảm trí nhớ
  • Trầm cảm
  • Mệt mỏi
  • Đau bụng hoặc đau lưng
  • Buồn nôn
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Da đỏ bừng hoặc nóng bừng khi uống rượu

Nếu bạn thấy xuất hiện các triệu chứng trên hoặc lo lắng về mức triglyceride và cholesterol của mình, hãy đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra mức triglyceride và đánh giá nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khoẻ liên quan.

Các câu hỏi thường gặp về mức triglyceride cao

Những thực phẩm nào cần tránh khi có triglyceride cao?

Người có triglyceride cao nên hạn chế hoặc tránh tiêu thụ:

  • Chất béo không lành mạnh (chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa)
  • Thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao
  • Thực phẩm giàu tinh bột
  • Đồ ăn, thức uống có nhiều đường
  • Rượu

Trứng có làm tăng triglyceride không?

Theo nghiên cứu hiện tại, trứng không ảnh hưởng đến mức triglyceride hoặc làm xấu đi các chỉ số mỡ máu. Mặc dù vẫn cần thêm nghiên cứu nhưng các khuyến nghị dinh dưỡng hiện tại vẫn coi trứng là một thực phẩm lành mạnh.

Nguyên nhân chính gây triglyceride cao là gì?

Mức triglyceride cao có thể do kết hợp nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Bệnh lý nền (béo phì, tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận)
  • Thuốc men
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Lối sống ít vận động

Kết luận

Triglyceride là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng của cơ thể. Tuy nhiên, mức triglyceride quá cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Chế độ ăn nhiều chất béo không lành mạnh, đường bổ sung và tinh bột có thể làm tăng triglyceride. Để kiểm soát triglyceride một cách hiệu quả, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và hạn chế rượu.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những loại thực phẩm giúp kiểm soát bệnh động mạch ngoại biên
Những loại thực phẩm giúp kiểm soát bệnh động mạch ngoại biên

Mặc dù phương pháp chính để điều trị bệnh động mạch ngoại biên là dùng thuốc nhưng chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh.

Điều chỉnh chế độ ăn uống như thế nào khi bị tăng áp động mạch phổi?
Điều chỉnh chế độ ăn uống như thế nào khi bị tăng áp động mạch phổi?

Tăng áp động mạch phổi (hay tăng áp phổi) là tình trạng xảy ra khi các động mạch mang máu từ tim đến phổi bị thu hẹp. Điều này làm tăng áp lực máu trong động mạch. Tăng áp động mạch phổi gây ra các triệu chứng như chóng mặt, ngất xỉu, buồn nôn và khó thở. Bên cạnh dùng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống cũng là điều rất quan trọng để kiểm soát bệnh tăng áp động mạch phổi.

Rượu có làm tăng triglyceride không?
Rượu có làm tăng triglyceride không?

Uống rượu dù chỉ ở mức vừa phải cũng có thể làm tăng mức triglyceride trong máu. Mức triglyceride cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh gan.

Cách hạ chỉ số triglyceride máu
Cách hạ chỉ số triglyceride máu

Cách hạ chỉ số triglyceride máu tại nhà dùng thuốc và không dùng thuốc

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây