1

Thế nào là dương tính giả với HIV?

Đôi khi, dù xét nghiệm ELISA cho kết quả dương tính thì cũng chưa chắc đã bị nhiễm HIV vì đó có thể là kết quả dương tính giả.
Thế nào là dương tính giả với HIV? Thế nào là dương tính giả với HIV?

HIV là gì?

HIV là một loại virus tấn công hệ miễn dịch. Cụ thể, virus này tấn công các tế bào CD4 - một loại tế bào bạch cầu trong cơ thể. Các tế bào này là một phần của hệ miễn dịch và có nhiệm vụ chống lại nhiễm trùng. Khi bị nhiễm HI, số lượng tế bào CD4 trong cơ thể sẽ giảm. Điều này làm suy yếu hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Không giống như các loại virus khác, hệ miễn dịch không thể tiêu diệt hoàn toàn HIV, có nghĩa là một khi đã bị nhiễm thì virus sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời.

Tuy nhiên, nếu như tuân thủ đúng phác đồ điều trị bằng thuốc kháng virus thì người nhiễm HIV vẫn có thể sống một cuộc sống bình thường. Việc uống thuốc kháng virus đều đặn còn giúp làm giảm tải lượng virus trong máu xuống mức không thể phát hiện được. Điều này có nghĩa là lượng HIV trong máu ở mức thấp đến mức xét nghiệm không phát hiện ra và không còn khả năng lây truyền virus sang người khác khi quan hệ tình dục.

HIV lây truyền như thế nào?

Lây truyền qua đường tình dục

Con đường lây truyền HIV phổ biến là qua quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su. Virus có trong máu, dịch tiền xuất tinh, tinh dịch, dịch tiết âm đạo hoặc dịch hậu môn của người bệnh sẽ xâm nhập vào cơ thể bạn tình âm tính qua vết thương hở hoặc niêm mạc.

HIV có thể lây truyền qua cả quan hệ tình dục đường âm đạo, hậu môn và đường miệng, trong đó quan hệ đường hậu môn có nguy cơ cao nhất. Sử dụng bao cao su sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ.

Lây truyền qua đường máu

HIV cũng có thể lây truyền qua đường máu. Điều này thường xảy ra khi dùng chung bơm kim tiêm hoặc đụng vào các vật dụng có dính máu của người nhiễm HIV. Không bao giờ được dùng chung kim tiêm để tránh bị nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường máu khác.

Lây truyền từ mẹ sang con

Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền virus sang con khi mang thai, trong quá trình sinh nở hoặc khi cho con bú. Tuy nhiên, nhờ chăm sóc tốt trước khi sinh và điều trị bằng thuốc kháng virus đều đặn trong thai kỳ mà nhiều phụ nữ nhiễm HIV vẫn có thể sinh con ra khỏe mạnh, âm tính với HIV.

Phương pháp chẩn đoán HIV

HIV thường được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm ELISA (xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với enzyme). Xét nghiệm này phát hiện và đo nồng độ các kháng thể kháng HIV trong máu. Kháng thể là chất được cơ thể sản sinh ra khi phát hiện thấy có tác nhân lạ xâm nhập, ví dụ như vi khuẩn hay virus. Kháng thể sẽ tiêu diệt những tác nhân này.

Hiện nay có phương pháp xét nghiệm nhanh được thực hiện trên mẫu máu chích từ ngón tay và có thể cho kết quả trong vòng chưa đầy 30 phút. Tuy nhiên, để đảm bảo chính xác thì vẫn cần lấy mẫu máu từ tĩnh mạch và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Phương pháp này sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Sau khi bị virus xâm nhập, thường phải mất từ 3 đến 6 tuần thì cơ thể mới tạo ra kháng thể chống lại. Nếu làm xét nghiệm kháng thể trong giai đoạn này thì sẽ không phát hiện được gì. Giai đoạn này được gọi là “thời kỳ cửa sổ”.

Đôi khi, dù xét nghiệm ELISA cho kết quả dương tính thì cũng chưa chắc đã bị nhiễm HIV vì đó có thể là kết quả dương tính giả, có nghĩa là không hề bị nhiễm virus nhưng xét nghiệm lại cho thấy sự hiện diện của kháng thể. Điều này có thể xảy ra do xét nghiệm phát hiện thấy các kháng thể khác trong hệ miễn dịch.

Tất cả các trường hợp dương tính đều phải làm xét nghiệm lại để xác nhận.

Kết quả xét nghiệm âm tính giả

Các phương pháp xét nghiệm HIV đều có độ nhạy cao và có thể cho ra kết quả dương tính giả. Khi làm xét nghiệm lần hai, nếu kết quả vẫn là dương tính thì có thể kết luận nhiễm HIV.

Ngoài dương tính giả, xét nghiệm cũng có thể cho kết quả âm tính giả, có nghĩa là kết quả âm tính trong khi thực sự đã bị virus. Điều này thường xảy ra trong những trường hợp mới bị nhiễm HIV và làm xét nghiệm ngay trong thời kỳ cửa sổ. Đây là khoảng thời gian trước khi cơ thể sản xuất đủ lượng kháng thể kháng HIV. Thường phải sau 4 – 6 tuần kể từ khi phơi nhiễm thì xét nghiệm mới phát hiện được những kháng thể này.

Nếu nhận được kết quả xét nghiệm âm tính nhưng vẫn nghi ngờ đã tiếp xúc với HIV thì nên xét nghiệm lại sau 3 tháng.

Điều trị HIV

Sau khi kết luận nhiễm HIV, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng virus (thuốc ARV) để điều trị. Trong vài năm trở lại đây, thuốc ARV điều trị HIV đã hiệu quả hơn nhiều so với trước, giúp người bệnh sống khỏe mạnh và lâu hơn. Mặc dù vẫn chưa thể chữa khỏi HIV nhưng những loại thuốc này sẽ ngăn chặn sự phát triển của virus, tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh cơ hội.

Phải bắt đầu điều trị ngay sau khi có kết quả chẩn đoán để hạn chế mức độ tổn hại hệ miễn dịch. Bắt đầu từ sớm và uống thuốc đều đặn sẽ làm giảm tải lượng virus trong máu xuống mức không phát hiện được và không còn nguy cơ lây truyền HIV sang người khác.

Tải lượng virus được coi là không phát hiện được khi trong 1ml máu có dưới 200 bản sao HIV.

Biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm HIV

Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục:

  • Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ: khi được sử dụng đúng cách, bao cao su sẽ ngăn chặn sự tiếp xúc với chất dịch cơ thể có chứa HIV.
  • Hạn chế số lượng bạn tình: quan hệ tình dục với nhiều người sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HIV.
  • Thường xuyên xét nghiệm: biết được tình trạng sức khỏe tình dục là điều cần thiết để tránh lây truyền HIV sang người khác.

Nếu nghi ngờ mình mới bị phơi nhiễm với HIV thì cần đến ngay bệnh viện để được cấp thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP). Đây là phương pháp uống thuốc ARV để làm giảm nguy cơ nhiễm HIV sau khi tiếp xúc với virus. PEP phải được bắt đầu trong vòng 72 giờ kể từ khi có khả năng bị phơi nhiễm. Ngoài ra, những người âm tính với HIV nhưng có bạn tình dương tính với HIV nên điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) để giảm nguy cơ lây bệnh. PrEP là phương pháp sử dụng thuốc ARV hàng ngày, dành cho những người chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: thế nào, dương tính
Tin liên quan
HIV Có Lây Truyền Qua Quan Hệ Tình Dục Bằng Miệng Không?
HIV Có Lây Truyền Qua Quan Hệ Tình Dục Bằng Miệng Không?

Quan hệ bằng miệng có bị HIV không? Đây không chỉ là câu hỏi mà còn là vấn đề cũng được rất nhiều bạn trẻ quan tâm và chú ý. Để tìm kiếm và giải đáp câu trả lời này. Hãy tham khảo nội dung bài viết dưới đây!

Tìm Hiểu Về Nguy Cơ Lây Nhiễm HIV Khi Quan Hệ Tình Dục
Tìm Hiểu Về Nguy Cơ Lây Nhiễm HIV Khi Quan Hệ Tình Dục

Lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục có thể khi không dùng bao cao su, dùng chung kim tiêm. Hoặc nhiều lý do khác nhau. Vậy những nguy cơ nào có thể bị nhiễm bệnh, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé

Cách khắc phục loạn dưỡng mỡ do HIV
Cách khắc phục loạn dưỡng mỡ do HIV

Có một số cách để khắc phục chứng loạn dưỡng mỡ do nhiễm HIV, gồm có đổi thuốc ARV, thay đổi chế độ ăn, tập thể dục thường xuyên, dùng thuốc, hút mỡ, cấy mỡ tự thân, tiêm chất làm đầy.

Tìm hiểu về nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác
Tìm hiểu về nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác

Quan hệ tình dục là con đường lây truyền HIV phổ biến và các bệnh lây qua đường tình dục (STD/STI) khác.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây