Tại sao suy thận mạn gây táo bón?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón ở những người mắc bệnh suy thận mạn. Các nguyên nhân phổ biến gồm có:
- Chế độ ăn uống thiếu chất xơ
- Uống ít nước
- Bệnh lý xảy ra đồng thời hoặc thứ phát
- Tác dụng phụ của thuốc
Tình trạng táo bón thường được khắc phục bằng các biện pháp tự nhiên như điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất.
Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một số nguyên nhân và cách điều trị táo bón ở người bị suy thận mạn.
Nguyên nhân gây táo bón ở người bị suy thận mạn
Suy thận mạn có thể dẫn đến táo bón. Các nguyên nhân phổ biến gây táo bón ở người bị suy thận gồm có:
- Chế độ ăn không đủ chất xơ: Người bị suy thận mạn cần phải hạn chế một số loại thực phẩm, chẳng hạn như thực phẩm chứa nhiều kali, natri, phốt phô và protein. Trong số này có những thực phẩm giàu chất xơ. Tuy nhiên, các khuyến nghị mới hiện nay về chế độ ăn dành cho người mắc suy thận mạn đã không còn quá ít khắt khe đối với các loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây và rau củ. Điều này có nghĩa là người bị suy thận vẫn có thể ăn được thực phẩm giàu chất xơ, miễn là hiểu rõ những chất khác có trong thực phẩm và kiểm soát khẩu phần ăn.
- Các bệnh đồng mắc: Nhiều người bị suy thận mạn còn mắc các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, suy giáp và tăng canxi máu. Những bệnh lý này có thể làm chậm quá trình tiêu hóa. Tốc độ tiêu hóa chậm có thể dẫn đến táo bón.
- Mất cân bằng vi khuẩn trong đường ruột: Thận không hoạt động bình thường có thể dẫn đến mất cân bằng vi khuẩn trong đường ruột, hay còn được gọi là rối loạn hệ khuẩn ruột do thận không lọc được vi khuẩn. Điều này tạo ra tỷ lệ vi khuẩn bất thường trong đường ruột và gây táo bón.
- Tác dụng phụ của thuốc: Người suy thận mạn có thể mắc các bệnh thứ phát như bệnh gút, thiếu máu hoặc bệnh về xương. Một số loại thuốc và thực phẩm chức năng điều trị các bệnh lý này, chẳng hạn như thuốc huyết áp, chế phẩm bổ sung sắt, thuốc chống buồn nôn hay viên uống bổ sung canxi có thể gây táo bón.
- Uống ít nước: Những người bị suy thận mạn giai đoạn sau cần phải giảm lượng nước uống, đặc biệt là những người phải lọc máu. Cơ thể thiếu nước có thể dẫn đến táo bón.
Điều trị táo bón
Thay đổi thói quen sống và chế độ ăn uống có thể giúp khắc phục tình trạng táo bón. Nếu như những cách này không hiệu quả thì người bệnh có thể phải dùng thuốc trị táo bón.
Những thay đổi lối sống dưới đây có thể giúp giảm và ngăn ngừa táo bón ở người bị suy thận mạn:
- Ăn nhiều chất xơ: Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm táo bón. Chất xơ giúp tăng khối lượng phân và nhờ đó giúp đại tiện đều đặn hơn. Chất xơ có trong rất nhiều loại thực phẩm, gồm có ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, đậu, yến mạch, các loại rau củ và trái cây.
- Tăng cường vận động: Tập thể dục giúp máu lưu thông tốt hơn và giúp thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa nhanh hơn, nhờ đó làm giảm táo bón. Nếu không quen vận động, bạn có thể bắt đầu từ các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, sau đó tăng dần cường độ tập luyện lên.
- Tăng lượng nước uống: Uống nhiều nước là một trong những cách tốt nhất để trị táo bón. Uống nhiều nước làm mềm phân và giúp phân di chuyển qua đại tràng dễ dàng hơn. Những người bị suy thận mạn nên trao đổi với bác sĩ về lượng nước có thể uống mỗi ngày.
- Bổ sung probiotic: Probiotic là những vi sinh vật có lợi giúp tăng cường sức khỏe đường ruột và giảm táo bón. Probiotic có trong các loại thực phẩm lên men như sữa chua, dưa cải muối, miso, kim chi, tempeh, natto, kombucha, kefir... Một cách nữa để bổ sung probiotic là uống men vi sinh.
- Sử dụng thuốc không kê đơn: Nếu tình trạng táo bón nghiêm trọng và không cải thiện dù đã thử các biện pháp tự nhiên kể trên thì có thể phải dùng đến thuốc không kê đơn, ví dụ như thuốc làm mềm phân, thuốc nhuận tràng kích thích và thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ. Tuy nhiên, không nên dùng các loại thuốc này trong thời gian dài.
- Thuốc kê đơn: Nếu thuốc không kê đơn không đủ hiệu quả, bác sĩ sẽ kê các loại mạnh hơn để trị táo bón.
- Liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback): Phương pháp điều trị này giúp rèn luyện lại các cơ kiểm soát nhu động ruột.
- Phẫu thuật: Nếu nguyên nhân gây táo bón là do tắc nghẽn đại tràng thì sẽ phải điều trị bằng phẫu thuật.
Táo bón ảnh hưởng như thế nào đến suy thận mạn?
Táo bón có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tiên lượng của những người bị suy thận mạn. Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy táo bón có thể làm tăng nguy cơ tử vong và nguy cơ gặp phải biến chứng nghiêm trọng ở người bị suy thận mạn, gồm có suy thận mạn giai đoạn cuối, bệnh tim mạch và bệnh Parkinson.
Nghiên cứu cũng cho thấy những bệnh nhân suy thận mạn bị táo bón có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và đột quỵ cao hơn.
Táo bón có phải là triệu chứng của suy thận?
Táo bón thường không phải là triệu chứng ban đầu của suy thận. Suy thận thường có các triệu chứng ban đầu như:
- Mệt mỏi
- Khó tập trung
- Thiếu máu
- Chán ăn
- Ngủ kém
- Co thắt cơ, chuột rút
- Ngưng thở khi ngủ
- Nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng do có lẫn máu
- Nước tiểu có bọt
- Tiểu gấp và tiểu nhiều lần
- Da khô và ngứa
- Sưng quanh mắt
- Sưng bàn chân và mắt cá chân
Triệu chứng suy thận mạn giai đoạn cuối
Càng sang các giai đoạn sau thì các triệu chứng của suy thận mạn sẽ càng gia tăng. Một số triệu chứng ở giai đoạn sau cũng tương tự như triệu chứng ở giai đoạn đầu nhưng nghiêm trọng hơn. Và cũng có những triệu chứng chỉ xuất hiện khi suy thận mạn tiến triển sang giai đoạn cuối.
Các triệu chứng của suy thận mạn giai đoạn cuối gồm có:
- Sốt
- Mệt mỏi
- Lú lẫn
- Phát ban da
- Ngứa ngáy
- Da nhợt nhạt
- Suy nhược
- Thường xuyên bị chuột rút
- Đau xương
- Lượng nước tiểu quá ít hoặc quá nhiều
- Chảy máu bất thường, ví dụ như chảy máu cam
- Đau lưng
- Đau bụng
- Bụng phình to hoặc sờ thấy cục cứng ở bụng
- Tiêu chảy, phân có lẫn máu
- Chán ăn
- Hơi thở hôi
- Miệng có vị kim loại
- Nôn mửa
- Phù nề
- Giảm thính lực
Tóm tắt bài viết
Suy thận mạn không phải lúc nào cũng gây táo bón nhưng có một số nguyên nhân gây táo bón ở người bị suy thận mạn, gồm có chế độ ăn thiếu chất xơ, uống ít nước, tác dụng phụ của thuốc, các bệnh đồng mắc, biến chứng của suy thận,…
Có thể giảm và ngăn ngừa táo bón bằng cách thay đổi lối sống như ăn nhiều chất xơ, tăng lượng nước uống và tập thể dục. Nếu những biện pháp này không hiệu quả thì có thể phải dùng đến thuốc, liệu pháp phản hồi sinh học và thậm chí là phẫu thuật.
Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận, giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu.
Ở những người bị suy thận và mắc bệnh tim, lợi ích của việc điều trị bằng statin có thể sẽ lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh suy thận.
Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến thận và dẫn đến suy thận. Vấn đề về thận thường xảy ra vào các giai đoạn sau của ung thư.
Mỗi quả thận có những đơn vị lọc máu nhỏ gọi là nephron. Có nhiều nguyên nhân khiến cho các đơn vị lọc máu này bị hỏng và lọc máu kém, cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Hai nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn giai đoạn cuối là bệnh tiểu đường và cao huyết áp.
Bệnh thận mạn và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ hai chiều. Bệnh thận mạn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe tinh thần cũng có thể ảnh hưởng đến bệnh thận mạn.