Tại sao phụ nữ mắc bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm nấm âm đạo?
Bệnh tiểu đường và nhiễm trùng nấm men
Nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida là một dạng nhiễm trùng do nấm với các triệu chứng như kích ứng, ngứa ngáy, mẩn đỏ và tiết dịch.
Nhiễm nấm âm đạo hay viêm âm đạo do nấm là loại nhiễm trùng nấm men phổ biến nhất. Theo Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ (Office on Women’s Health), cứ 4 phụ nữ lại có 3 người bị nhiễm nấm âm đạo ít nhất một lần trong đời. Khoảng một nửa số phụ nữ bị nấm âm đạo từ hai lần trở lên. (1)
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm men, một trong số đó là các bệnh lý như tiểu đường.
Tại sao bệnh tiểu đường lại làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm men và làm thế nào để phòng ngừa?
Tại sao bệnh tiểu đường gây nấm âm đạo?
Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa lượng đường trong máu cao và nhiễm nấm âm đạo.
Một nghiên cứu vào năm 2018 đã tổng hợp dữ liệu từ hơn 300.000 người và cho thấy rằng những người mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 có nguy cơ nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm trùng nấm men, cao hơn so với những người không bị tiểu đường.
Nấm men sử dụng đường làm thức ăn. Khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt, lượng đường trong máu sẽ tăng lên mức rất cao.
Sự gia tăng lượng đường này tạo điều kiện cho nấm men phát triển mạnh, đặc biệt là ở vùng âm đạo. Lúc này, cơ thể tạo ra phản ứng viêm để tấn công nấm men và dẫn đến các triệu chứng nhiễm trùng nấm men như ngứa ngáy, mẩn đỏ và tiết dịch bất thường.
Ổn định đường huyết sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng. Phụ nữ bị tiểu đường nên khám phụ khoa định kỳ để phát hiện nhiễm nấm âm đạo.
Một số dạng nhiễm nấm Candida có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng nếu không được điều trị.
Các nguyên nhân khác gây nhiễm nấm âm đạo
Âm đạo luôn tồn tại nấm men và vi khuẩn. Bình thường, sự phát triển của nấm men luôn được kiểm soát và các loại vi sinh vật này tồn tại ở trạng thái cân bằng.
Tuy nhiên, một số yếu tố phá vỡ sự cân bằng này và khiến cho nấm men phát triển quá mức, chẳng hạn như:
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc tránh thai đường uống
- Liệu pháp hormone
- Suy giảm hệ miễn dịch
- Quan hệ tình dục
- Mang thai
Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị nhiễm trùng nấm men, bất kể có quan hệ tình dục hay không. Nhiễm trùng nấm men không được coi là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI).
Chẩn đoán nhiễm nấm âm đạo
Nên đi khám nếu đang gặp các triệu chứng của nhiễm nấm âm đạo. Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hện một số biện pháp chẩn đoán cần thiết để xác định chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng và đưa ra phương pháp điều trị.
Nhiễm nấm âm đạo có nhiều triệu chứng giống như các bệnh lây truyền qua đường tình dục, vì vậy nên điều quan trọng là phải chẩn đoán chính xác. Nếu không được điều trị, các bệnh lây qua đường tình dục có thể dẫn đến nhiều hậu quả lâu dài và nghiêm trọng.
Trước hết, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng cũng như là các loại thuốc và vấn đề sức khỏe khác mà bệnh nhân đang mắc.
Sau khi khai thác bệnh sử, bác sĩ sẽ tiến hành khám phụ khoa. Trước tiên, bác sĩ kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng và sau đó đưa mỏ vịt vào âm đạo. Dụng cụ này mở rộng thành âm đạo, cho phép bác sĩ quan sát bên trong âm đạo và cổ tử cung.
Bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch âm đạo để xác định loại nấm gây nhiễm trùng và từ đó kê thuốc cho phù hợp.
Điều trị nhiễm nấm âm đạo
Nhiễm nấm âm đạo nhẹ đến vừa thường có thể được điều trị khỏi bằng các loại thuốc bôi hoặc thuốc đặt. Quá trình điều trị có thể kéo dài đến 7 ngày, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và loại thuốc được sử dụng.
Các loại thuốc được dùng phổ biến để điều trị nhiễm nấm âm đạo gồm có:
- butoconazole (Gynazole-1)
- clotrimazole (Gyne-Lotrimin)
- miconazole (Monistat 3)
- terconazole (Terazol 3)
Những loại thuốc này có cả dạng kê đơn và không kê đơn.
Bác sĩ cũng có thể sẽ kê thuốc đường uống đơn liều, chẳng hạn như fluconazole (Diflucan). Trong trường hợp có các triệu chứng nghiêm trọng, bệnh nhân có thể sẽ phải dùng 2 liều đơn cách nhau 3 ngày để điều trị dứt điểm nhiễm trùng.
Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để tránh lây bệnh sang bạn tình.
Nhiễm nấm âm đạo nghiêm trọng
Nhiễm nấm âm đạo nghiêm trọng cũng có thể được điều trị bằng thuốc bôi hoặc thuốc đặt nhưng quá trình điều trị thường sẽ kéo dài hơn, có thể lên đến 17 ngày.
Nếu đã dùng những loại thuốc này nhưng tình trạng nhiễm trùng không khỏi hoặc tái phát trong vòng 8 tuần thì phải đi tái khám.
Nhiễm nấm âm đạo tái phát
Nếu tình trạng nhiễm nấm âm đạo quay trở lại, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị duy trì để ngăn nấm men phát triển quá mức, ví dụ như:
- Trước tiên dùng một đợt thuốc kéo dài 2 tuần
- Dùng viên nén fluconazole một lần/tuần trong 6 tháng
- Dùng clotrimazole một lần/tuần trong 6 tháng
Điều trị nhiễm nấm âm đạo ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy hơn một nửa số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường bị nhiễm trùng nấm men là do nấm Candida glabrata. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng loại nấm này đáp ứng tốt hơn với đợt điều trị dài ngày.
Nếu muốn dùng thử thuốc đặt âm đạo, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Ngăn ngừa nhiễm nấm âm đạo
Ngoài kiểm soát lượng đường trong máu, các phương pháp khác để phòng ngừa nhiễm nấm âm đạo ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường cũng giống như ở người không mắc bệnh tiểu đường.
Có thể giảm nguy cơ nhiễm nấm âm đạo bằng cách:
- Không mặc quần bó sát vì điều này khiến vùng kín luôn trong trạng thái ẩm ướt
- Mặc đồ lót bằng vải cotton để vùng kín thông thoáng
- Thay đồ bơi và quần áo tập ngay sau khi tập xong
- Không tắm nước quá nóng, nhất là ngâm mình trong bồn nước nóng
- Không thụt rửa hoặc dùng vòi xịt vào bên trong âm đạo
- Thay băng vệ sinh hoặc tampon thường xuyên
- Không dùng băng vệ sinh hoặc tampon có mùi thơm
Nhiễm nấm âm đạo có trị khỏi được không?
Nếu nghi ngờ mình bị nhiễm nấm âm đạo thì nên đi khám bác sĩ phụ khoa để tìm nguyên nhân gây ra các triệu chứng và có biện pháp điều trị thích hợp từ sớm. Khi được điều trị đúng cách, nhiễm nấm âm đạo thường khỏi trong vòng 14 ngày.
Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường cần cho bác sĩ biết về tình trạng bệnh của mình. Bác sĩ sẽ đánh giá các biện pháp kiểm soát bệnh và đưa ra một số lời khuyên để giảm nguy cơ nhiễm nấm âm đạo tái phát trong tương lai.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida và một trong số đó là bệnh tiểu đường.
Bên cạnh việc dùng thuốc để kiểm soát mức đường huyết, những người mắc bệnh tiểu đường còn phải điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như hạn chế đồ ăn thức uống có đường và ăn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, việc lựa chọn đúng loại chất béo trong chế độ ăn cũng rất quan trọng.
Người bị bệnh thận và tiểu đường tốt nhất nên hạn chế một số chất dinh dưỡng, gồm có carb, natri, kali và phốt pho.
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây ra các vấn đề về mắt, thận và da... Bệnh tiểu đường còn có thể dẫn đến rối loạn cương dương và các vấn đề về tiết niệu ở nam giới.
Mít là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Châu Á nhưng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mít là loại trái cây lớn với vỏ xù xì màu xanh hoặc nâu và các múi bên trong có màu vàng, vị ngọt. Múi mít có kết cấu dai nên ở một số nơi, loại quả này được những người ăn chay và thuần chay sử dụng thay cho thịt để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên những người bị bệnh tiểu đường cần chú ý trước khi ăn loại quả này.