Tại sao cần hạn chế natri khi bị suy thận mạn?
Suy thận mạn tính hay bệnh thận mạn tính là tình trạng thận bị giảm dần chức năng và không thể hồi phục. Mặc dù không thể khôi phục lại chức năng thận bình thường nhưng có các cách để ngăn chặn hoặc trì hoãn sự tiến triển của bệnh và bảo tồn chức năng thận. Một điều rất quan trọng để kiểm soát suy thận mạn là điều chỉnh chế độ ăn uống. Người bệnh cần hạn chế ăn muối.
Muối ăn (NaCl) là sự kết hợp của các khoáng chất natri và clorua. Cơ thể con người cần cả hai khoáng chất này nhưng ở những người có vấn đề về thận, ăn nhiều muối sẽ khiến thận phải làm việc nhiều và ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh.
Natri ảnh hưởng như thế nào đến chức năng thận?
Natri là thành phần chính trong muối ăn. Do đó, natri có mặt trong tất cả các loại thực phẩm chế biến sẵn có chứa muối, chẳng hạn như bánh mì, thịt nguội, nước sốt, rau củ muối, bim bim, bánh quy mặn, đồ hộp,…
Chế độ ăn có càng nhiều thực phẩm chế biến sẵn thì càng có nhiều natri. Ngoài ra, natri còn đến từ lượng muối cũng như gia vị chứa muối mà chúng ta sử dụng khi nấu ăn.
Natri là một khoáng chất quan trọng. Natri giúp duy trì sự cân bằng nuóc và hỗ trợ chức năng thần kinh và các cơ. Tuy nhiên, quá nhiều natri có thể góp phần gây ra một số vấn đề sức khỏe phổ biến.
Ví dụ, chế độ ăn có nhiều natri có thể gây cao huyết áp. Điều này là do nồng độ natri trong máu quá cao có thể cản trở quá trình đào thải nước của thận và sự tích nước sẽ làm tăng huyết áp.
Không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp còn là một yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh suy thận mạn.
Nghiên cứu chỉ ra rằng ăn quá nhiều muối còn có thể gây suy giảm chức năng thận không liên quan đến huyết áp.
Một nghiên cứu được thực hiện trên 12.126 người không bị suy thận mạn cho thấy rằng những người ăn nhiều muối có nguy cơ bị suy thận mạn trong tương lai cao hơn. Mặc dù chức năng thận suy giảm theo tuổi tác là điều bình thường nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều muối có thể đẩy nhanh tốc độ suy giảm chức năng thận. (1)
Người bị suy thận mạn có thể ăn bao nhiêu natri mỗi ngày?
Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation), người trưởng thành không nên ăn quá 2.300 miligam (mg) natri mỗi ngày. Lượng natri này tương đương khoảng một thìa cà phê muối ăn. (2)
Giới hạn natri đối với người bị suy thận mạn còn tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Càng về các giai đoạn sau thì người bệnh sẽ càng phải hạn chế natri. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng natri phù hợp.
Nếu có thể, hãy lên thực đơn cho cả ngày để kiểm soát lượng natri tiêu thụ và không vượt quá giới hạn.
Khi ăn thực phẩm đóng gói, hãy chú ý đến hàm lượng natri và kích thước khẩu phần. Hàm lượng natri ghi trong bảng thành phần dinh dưỡng thường là của một khẩu phẩn (serving size) chứ không phải của toàn bộ sản phẩm. Nếu ăn nhiều hơn kích thước khẩu phần này thì lượng natri tiêu thụ sẽ tăng lên.
Giảm lượng muối trong chế độ ăn uống là một phần quan trọng trong việc kiểm soát suy thận mạn. Nếu thận không thể xử lý kịp lượng muối tiêu thụ, natri và nước sẽ tích tụ trong cơ thể. Điều này gây ra các triệu chứng như:
- Sưng phù chân, mặt
- Hụt hơi
- Bọng mắt
- Tăng huyết áp
- Tích tụ dịch xung quanh tim và phổi
Một phân tích tổng hợp vào năm 2018 gồm những người mắc suy thận mạn giai đoạn 1 đến 4 đã phát hiện ra rằng việc cắt giảm natri trong chế độ ăn uống giúp giảm huyết áp và đồng thời giảm nồng độ protein, bao gồm cả albumin trong nước tiểu.
Duy trì huyết áp khỏe mạnh và giảm nồng độ protein, albumin trong nước tiểu là những bước quan trọng để kiểm soát suy thận mạn.
Các cách giảm lượng natri trong chế độ ăn
Người bệnh chỉ cần thực hiện một vài thay đổi đơn giản là sẽ có thể giảm đáng kể lượng natri trong chế độ ăn uống.
Hầu hết các loại thực phẩm đóng gói và đóng hộp đều chứa natri, ngay cả những thực phẩm có vị ngọt. Các chuyên gia khuyến nghị người bệnh nên hạn chế ăn những thực phẩm này và nếu ăn thì nên chọn những sản phẩm có hàm lượng natri thấp (giá trị hàng ngày hay DV từ 5% trở xuống). (3)
Hãy chú ý hàm lượng natri (sodium) ghi trên bảng thông tin dinh dưỡng của sản phẩm. Những sản phẩm có lượng natri từ 20% DV trở lên được coi là có hàm lượng natri cao.
Hoặc cũng có thể tìm những sản phẩm có nhãn “ít natri” (low sodium), “giảm natri” (reduced sodium) hoặc “không thêm muối” (no salt added).
Ngoài việc lựa chọn những thực phẩm chế biến sẵn ít natri, các cách khác để giảm lượng muối trong chế độ ăn còn có:
- Tự nấu ăn bằng thực phẩm tươi sống
- Sử dụng ít muối trong quá trình nấu ăn
- Hạn chế ăn đồ hộp hoặc rửa với nước trước khi ăn
- Sử dụng các loại gia vị không chứa muối để nêm nếm thức ăn
- Tự làm nước sốt thay vì dùng nước sốt bán sẵn
- Hạn chế đồ ăn vặt có vị mặn như snack khoai tây, bim bim, bánh quy mặn
- Hạn chế ăn thịt muối và rau củ muối chua
Cần lưu ý, một số loại muối thay thế có chứa nhiều kali. Kali cũng là một khoáng chất có thể tích tụ trong máu khi chức năng thận suy giảm.
Một số người bị suy thận mạn cần hạn chế cả kali để nồng độ kali trong máu không tăng quá cao. Nếu bác sĩ khuyến nghị theo chế độ ăn ít kali thì người bệnh nên chọn những loại muối thay thế có hàm lượng kali thấp.
Thực hiện chế độ ăn ít muối không có nghĩa là chỉ có thể ăn những món nhạt nhẽo, không có gia vị. Có nhiều cách để tạo hương vị cho món ăn mà không cần sử dụng quá nhiều muối.
Tóm tắt bài viết
Natri và clorua trong muối ăn đều quan trọng đối với sức khỏe nhưng ăn nhiều sẽ không tốt, đặc biệt là đối với những người bị suy thận mạn.
Thận khỏe mạnh có thể loại bỏ lượng natri dư thừa nhưng thận bị tổn thương sẽ không thể kiểm soát tốt lượng natri trong máu. Sự tích tụ natri sẽ dẫn đến nhiều vấn đề như tăng huyết áp, phù nề, tích tụ dịch xung quanh tim và phổi.
Do đó, nnhững người mắc bệnh suy thận mạn nên giảm lượng muối ăn.
Có nhiều cách để giảm lượng natri trong chế độ ăn uống, ví dụ như ăn thực phẩm tươi, chú ý đến hàm lượng natri của thực phẩm đóng gói và lựa chọn những sản phẩm ít hoặc không có natri. Hãy thử nêm nếm thức ăn bằng các loại thảo mộc và gia vị không chứa muối.
Điều chỉnh chế độ ăn uống là một phần quan trọng trong việc kiểm soát suy thận mạn và ngăn sự tiến triển của bệnh. Giảm natri trong chế độ ăn uống là một bước đơn giản để duy trì sức khỏe của thận.
Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận, giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu.
Ở những người bị suy thận và mắc bệnh tim, lợi ích của việc điều trị bằng statin có thể sẽ lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh suy thận.
Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến thận và dẫn đến suy thận. Vấn đề về thận thường xảy ra vào các giai đoạn sau của ung thư.
Mỗi quả thận có những đơn vị lọc máu nhỏ gọi là nephron. Có nhiều nguyên nhân khiến cho các đơn vị lọc máu này bị hỏng và lọc máu kém, cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Hai nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn giai đoạn cuối là bệnh tiểu đường và cao huyết áp.
Bệnh thận mạn và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ hai chiều. Bệnh thận mạn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe tinh thần cũng có thể ảnh hưởng đến bệnh thận mạn.