1

Sử dụng steroid có thể dẫn đến loãng xương

Steroid được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, từ bệnh lupus cho đến viêm khớp dạng thấp. Một tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng các loại thuốc này trong thời gian dài là loãng xương.
Sử dụng steroid có thể dẫn đến loãng xương Sử dụng steroid có thể dẫn đến loãng xương

Loãng xương là tình trạng mật độ khoáng chất và khối lượng của xương bị suy giảm, điều này ảnh hưởng đến cấu trúc và độ chắc khỏe của xương, làm tăng nguy cơ gãy xương. Gãy xương do loãng xương xảy ra phổ biến nhất ở cổ tay, cột sống và hông.

Sử dụng steroid là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương. Vậy tại sao sử dụng steroid lại gây loãng xương, điều trị bằng cách nào và làm thế nào để phòng ngừa loãng xương?

Tại sao steroid gây loãng xương?

Steroid bắt chước các hormone tự nhiên trong cơ thể, các hormone này giúp tế bào khỏe mạnh, giảm viêm và thúc đẩy sự tăng trưởng. Mặc dù hữu ích nhưng steroid có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng canxi và vitamin D mà đây lại là những chất cần thiết để hình thành và duy trì xương chắc khỏe.

Khi sử dụng steroid trong thời gian dài, xương có thể bị giảm mật độ khoáng chất, trở nên yếu, giòn và dễ gãy hơn. Steroid còn kích hoạt các tế bào phân hủy xương, cản trở các tế bào tạo xương mới, đồng thời làm thay đổi nồng độ estrogen và testosterone trong cơ thể.

Mức độ ảnh hưởng của steroid đến xương phụ thuộc vào thời gian sử dụng và liều dùng. Dùng steroid liều càng cao thì sức khỏe xương sẽ càng suy giảm nhanh.

Những loại steroid nào gây loãng xương?

Steroid có nhiều dạng bào chế, gồm có viên uống, dạng hít hay dạng xịt mũi, dạng tiêm và bôi lên da hoặc mắt. Steroid được sử dụng để điều trị nhiều chứng bệnh, gồm có hen suyễn, viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus, bệnh viêm ruột và bệnh đa xơ cứng.

Các loại steroid gồm có:

  • beclometasone
  • cortisone
  • fluticasone
  • hydrocortisone
  • prednisone

Steroid đường uống gây ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe xương do thuốc đi vào máu và đi khắp cơ thể trong khi các dạng bào chế khác chỉ được sử dụng ở một khu vực nhất định và điều này giúp tránh được tác dụng phụ ở các bộ phận khác.

Có một vài bằng chứng cho thấy rằng steroid dạng hít ít có nguy cơ gây loãng xương hơn so với steroid dạng uống. Tuy nhiên, sử dụng steroid dạng hít liều cao vẫn có thể dẫn đến các vấn đề về xương.

Có vẻ như steroid dạng bôi ngoài da ít có nguy cơ gây loãng xương hơn.

Cấc loại steroid có thể gây loãng xương

Loại steroid Nguy cơ loãng xương
Steroid dạng viên uống Có thể gây loãng xương nếu sử dụng trên 3 tháng; nguy cơ tăng theo liều dùng
Steroid dạng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp Sử dụng liều cao, thường xuyên có thể gây ra các vấn đề về xương theo thời gian
Steroid dạng tiêm vào khớp Thi thoảng mới dùng không gây ra vấn đề về xương nhưng dùng càng thường xuyên thì nguy cơ càng cao
Steroid dạng hít ít có nguy cơ gây ra các vấn đề về xương nhưng cần nghiên cứu thêm
Steroid dạng bôi Hầu như không gây ảnh hưởng đến xương
Steroid dạng nhỏ mắt Hầu như không gây ảnh hưởng đến xương
Liệu pháp thay thế steroid Hầu như không gây ảnh hưởng đến xương nếu dùng liều thích hợp

Điều trị loãng xương do steroid

Trước khi bắt đầu dùng steroid, người bệnh có thể phải đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA (DXA). Sau đó trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ phải đo mật độ xương định kỳ để bác sĩ theo dõi những thay đổi về xương.

Trong những trường hợp bị loãng xương hoặc cần phải sử dụng steroid lâu dài, bác sĩ có thể kê thuốc và thực phẩm chức năng giúp phòng ngừa mất xương hoặc thúc đẩy sự phát triển xương:

  • Thực phẩm chức năng: Người bệnh có thể cần uống bổ sung một số chất để hỗ trợ sự phát triển xương tự nhiên, chẳng hạn như vitamin D (800 IU) và canxi (1000 mg).
  • Thuốc chống tái hấp thu xương: thường được sử dụng làm phương pháp điều tị bước đầu. Loại thuốc này giúp giảm tốc độ phân hủy xương. Nhóm thuốc chống tái hấp thu xương được sử dụng phổ biến nhất là bisphosphonate (ví dụ như Fosamax, Boniva…). Những loại thuốc này có thể được dùng qua đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.
  • Liệu pháp đồng hóa (anabolic therapy): Phương pháp điều trị này thúc đẩy quá trình hình thành xương. Một số loại thuốc trong liệu pháp đồng hóa gồm có teriparatide (Forteo), thuốc này có dạng tiêm dưới da.
  • Liệu pháp hormone thay thế: Liệu pháp hormone thay thế, đặc biệt là estrogen và progesterone sau mãn kinh, giúp cải thiện mật độ xương.
  • Các loại thuốc điều trị khác: Các loại thuốc khác như tamoxifen và raloxifene có thể bắt chước estrogen và giúp bảo vệ xương.

Phòng ngừa loãng xương do steroid

Người bệnh nên hỏi bác sĩ về những tác dụng phụ của thuốc steroid trước khi bắt đầu sử dụng. Trong nhiều trường hợp, lợi ích của việc dùng steroid lớn hơn rủi ro, đặc biệt là khi dùng thuốc theo đúng chỉ định và theo dõi mật độ xương.

Các cách giúp phòng ngừa loãng xương:

  • Tập thể dục thường xuyên: Tập các bài tập chịu sức nặng như đi bộ và tập tạ.
  • Hạn chế hoặc tránh các chất kích thích như thuốc lá và rượu bia.
  • Chế độ ăn uống cân bằng: Ăn uống đủ chất, nhất là các loại thực phẩm giàu vitamin D, canxi và protein.
  • Dùng thuốc: Dùng đủ các loại thuốc được kê để ngăn ngừa gãy xương.

Xương có phục hồi khi ngừng dùng steroid không?

Ngừng dùng steroid có thể làm giảm nguy cơ gãy xương. Tuy nhiên, sức khỏe xương vẫn có thể bị ảnh hưởng ngay cả khi đã ngừng dùng steroid. Và vẫn chưa rõ liệu mật độ xương có thể trở lại bình thường sau khi ngừng dùng steroid hay không.

Điều quan trọng là phải trao đổi với bác sĩ về cách dùng thuốc và thời điểm dừng thuốc. Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc trị loãng xương trong 6 đến 12 tháng sau khi người bệnh ngừng sử dụng steroid để cải thiện mật độ xương.

Ngoài dùng thuốc, những người bị loãng xương nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa té ngã như mang giày dép chống trơn, tránh đi trên bề mặt trơn trượt hoặc lắp tay vịn trong nhà tắm để giảm nguy cơ gãy xương.

Câu hỏi thường gặp về steroid và loãng xương

Thông thường, dùng steroid bao lâu thì bị loãng xương?

Tình trạng giảm mật độ xương thường xảy ra trong vòng 6 tháng sau khi bắt đầu sử dụng steroid. Sau một năm sử dụng thuốc, tốc độ giảm mật độ xương có thể sẽ chậm lại. (1)

Liều dùng bao nhiêu có nguy cơ loãng xương cao nhất?

Theo các chuyên gia, dùng prednisone liều thấp (2,5 mg) mỗi ngày trong 3 tháng trở lên cũng đủ làm tăng nguy cơ loãng xương. Liều dùng càng cao thì nguy cơ loãng xương càng tăng. (2)

Ai có nguy cơ bị loãng xương cao nhất khi dùng steroid?

Người lớn trong độ tuổi từ 20 đến 45 có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao nhất khi sử dụng steroid. (3) Các yếu tố khác như di truyền, giới tính và tuổi tác cũng có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.

Người trên 50 tuổi có nguy cơ bị gãy xương do loãng xương cao hơn. Cứ 2 phụ nữ lại có 1 người bị gãy xương do loãng xương và tỷ lệ này ở nam giới là 1/4.

Tóm tắt bài viết

Loãng xương được gọi là căn bệnh “thầm lặng” vì đa phần không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào cho đến khi xảy ra gãy xương. Dùng steroid trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.

Nếu bạn đang dùng steroid và lo lắng về sức khỏe xương thì hãy trao đổi với bác về những rủi ro và các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ loãng xương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Liều dùng thuốc trị loãng xương Tymlos
Liều dùng thuốc trị loãng xương Tymlos

Tymlos (abaloparatide) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị chứng loãng xương. Thuốc có dạng dung dịch lỏng để tiêm dưới da. Người bệnh thường tiêm thuốc một lần mỗi ngày.

Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Tymlos
Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Tymlos

Tymlos (abaloparatide) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị chứng loãng xương. Tymlos có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng, gồm có chóng mặt, phản ứng tại vị trí tiêm và buồn nôn.

Liều dùng thuốc trị loãng xương Actonel
Liều dùng thuốc trị loãng xương Actonel

Actonel là một loại thuốc điều trị loãng xương và bệnh Paget xương. Dưới đây là thông tin về liều dùng loại thuốc này.

Liều dùng thuốc trị loãng xương Prolia
Liều dùng thuốc trị loãng xương Prolia

Prolia (denosumab) là một loại thuốc được dùng cho người bị loãng xương hoặc có nguy cơ bị loãng xương.

Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Prolia
Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Prolia

Prolia (denosumab) là một loại thuốc kê đơn được dùng để điều trị loãng xương hoặc ngăn ngừa mất xương. Prolia có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, ví dụ như đau khớp và các tác dụng phụ liên quan đến răng hàm.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây