1

Số lần đi tiểu trong ngày nói lên điều gì về tình trạng sức khỏe?

Bất kể là trẻ nhỏ hay người lớn, tần suất đi tiểu đều có thể phản ánh tình trạng sức khỏe tổng thể. Vậy đi tiêu bao nhiêu lần mỗi ngày là bình thường? Thế nào được coi là đi tiểu nhiều lần và cần phải đi khám bác sĩ?
Số lần đi tiểu trong ngày nói lên điều gì về tình trạng sức khỏe? Số lần đi tiểu trong ngày nói lên điều gì về tình trạng sức khỏe?

Tần suất đi tiểu bình thường

Hầu hết mọi người đi tiểu 6 đến 7 lần mỗi ngày. Nhưng việc thi thoảng đi tiểu ít hơn hoặc nhiều hơn con số này cũng không phải là điều bất thường. Số lần đi tiểu trong ngày tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như:

  • Tuổi tác
  • Lượng nước uống
  • Loại đồ uống
  • Chế độ ăn
  • Tình trạng sức khỏe, có mắc các bệnh ảnh hưởng đến tần suất đi tiểu, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hay nhiễm trùng đường tiết niệu hay không
  • Các loại thuốc đang dùng
  • Kích thước bàng quang

Thi thoảng đi tiểu nhiều hơn 7 lần trong một ngày là điều bình thường và đa phần không phải là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nhưng nếu thường xuyên đi tiểu 8 lần trở lên mỗi ngày thì bạn nên đi khám.

Dưới đây là những nguyên phổ biến gây đi tiểu nhiều và đi tiểu ít.

Các nguyên nhân gây đi tiểu nhiều lần

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một tình trạng phổ biến có ảnh hưởng đến tần suất đi tiểu. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng phụ nữ có nguy cơ cao hơn vì niệu đạo phụ nữ ngắn hơn niệu đạo nam giới. Điều này có nghĩa là vi khuẩn dễ xâm nhập qua niệu đạo vào đường tiết niệu hơn. Một triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường tiết niệu là tiểu gấp, tình trạng đột ngột buồn tiểu dữ dội, ngay cả khi vừa mới đi tiểu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu còn gây đi tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu ít. Người bệnh còn bị đau hoặc nóng rát khi đi tiểu.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Do đó, nên đi khám khi nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu để xác định chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.

Mang thai

Tần suất đi tiểu thường tăng lên trong thời gian mang thai và vài tuần sau khi sinh. Khi mang thai, phụ nữ đi tiểu nhiều hơn do sự thay đổi nội tiết tố và do tử cung ngày một lớn dần, chèn ép lên bàng quang. Tình trạng đi tiểu nhiều có thể tiếp tục kéo dài trong nhiều tuần sau khi sinh. Điều này là do việc truyền dịch tĩnh mạch trong khi sinh hoặc do thuốc cũng như phản ứng tự nhiên của cơ thể sau khi sinh.

Bí tiểu

Bí tiểu là tình trạng bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn khi đi tiểu. Điều này gây cảm giác tiểu không hết, buồn tiểu khi vừa mới đi xong, đau vùng bụng dưới và đi tiểu nhiều lần. Bí tiểu có thể xảy ra do:

  • Rối loạn thần kinh
  • Nhiễm trùng
  • Rối loạn chức năng cơ bàng quang
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu
  • Thuốc

Bệnh tiểu đường

Một triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh tiểu đường, nhất là bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt là đi tiểu nhiều lần. Khi lượng đường trong máu ở mức cao, thận sẽ tạo ra nhiều nước tiểu hơn để đào thải lượng đường dư thừa và điều này dẫn đến đi tiểu nhiều lần.

Hạ canxi máu hoặc tăng canxi máu

Hạ canxi máu (nồng độ canxi trong máu quá thấp) và tăng canxi máu (nồng độ canxi trong máu quá cao) đều có thể ảnh hưởng đến tần suất đi tiểu.

Hạ kali máu

Nồng độ kali trong máu thấp có thể làm giảm khả năng cô đặc nước tiểu của thận và điều này dẫn đến khát nước liên tục hoặc đi tiểu nhiều.

Thuốc

Người có vấn đề về tim mạch, cao huyết áp hoặc chức năng thận kém thường phải dùng thuốc lợi tiểu. Thuốc lợi tiểu có tác dụng giúp thận lọc ra nhiều chất lỏng hơn vào nước tiểu. Do đó, uống thuốc lợi tiểu có thể dẫn đến đi tiểu nhiều lần. Một số loại thuốc lợi tiểu phổ biến gồm có:

  • chlorothiazide (Diuril)
  • chlorthalidone (Thalitone)
  • hydrochlorothiazide (Microzide)
  • indapamide
  • metolazone
  • bumetanide (Bumex)
  • furosemide (Lasix)
  • torsemide (Demadex)
  • amiloride (Midamor)
  • eplerenone (Inspra)
  • spironolactone (Aldactone)
  • triamterene (Dyrenium)

Một số loại thực phẩm và thảo dược

Một số thực phẩm và thảo dược có đặc tính lợi tiểu tự nhiên và có thể làm tăng lượng chất lỏng mà cơ thể đào thải. Một số ví dụ gồm có:

  • Caffeine
  • Bồ công anh
  • Táo gai
  • Cỏ đuôi ngựa
  • Cây bách xù
  • Trà xanh và trà đen
  • Mùi tây
  • Atiso đỏ
  • Dưa hấu
  • Nho
  • Các loại quả mọng như việt quất, mâm xôi
  • Rau cần tây

Bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm

Bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Thận bị tổn thương sẽ không thể thực hiện tốt chức năng và sẽ tạo ra nhiều nước tiểu hơn. Điều này đồng nghĩa với việc tăng tần suất đi tiểu.

Suy tim sung huyết

Bệnh suy tim sung huyết có thể khiến cơ thể khó đào thải lượng chất lỏng dư thừa, đặc biệt là ở phần dưới của cơ thể. Khi nằm ngủ vào ban đêm, thận sẽ tạo ra nhiều nước tiểu hơn đ cố gắng loại bỏ lượng chất lỏng này.

Có tới một nửa số người bị suy tim sung huyết mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt và tiểu không tự chủ.

Nhịp tim nhanh

Nhịp tim nhanh là một dạng rối loạn nhịp tim. Nhịp tim nhanh được định nghĩa là tim đập trên 120 nhịp mỗi phút trong hơn 30 phút liên tục. Những người bị nhịp tim nhanh có thể mắc chứng đa niệu – tình trạng lượng nước tiểu nhiều hơn 2 lít mỗi ngày. Nguyên nhân làm tăng lượng nước tiểu được cho là do sự giảm hormone chống bài niệu (ADH) và sự sản xuất peptide natri lợi niệu tâm nhĩ (atrial natriuretic peptide).

Thủ thuật y tế

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng thuốc cản quang chẳng hạn như chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể gây đi tiểu nhiều tạm thời do cơ thể cố gắng đào thải lượng chất lỏng dư thừa.

Đồ uống có cồn và caffeine

Đồ uống có cồn và caffeine có đặc tính lợi tiểu, có nghĩa là khiến thận tạo ra nhiều nước tiểu hơn và gây đi tiểu nhiều lần. Tình trạng đi tiểu nhiều lần do uống những loại đồ uống này chỉ là tạm thời và không đáng lo ngại.

Caffeine là một chất kích thích có trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống như:

  • Cà phê
  • Trà
  • Nước ngọt
  • Nước tăng lực
  • Sô cô la

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước sẽ làm tăng lượng nước tiểu và tần suất đi tiểu.

Cường giáp

Cường giáp - tình trạng tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp - có thể gây ra nhiều triệu chứng, trong đó có đi tiểu nhiều lần và khát nước liên tục. Các triệu chứng phổ biến khác của cường giáp còn có:

  • Khó ngủ
  • Thèm ăn
  • Bồn chồn
  • Giảm tập trung
  • Căng thẳng, lo lắng

Khi bị căng thẳng, lo lắng, các cơ trơn xung quanh bàng quang co thắt, tạo áp lực lên bàng quang và gây buồn tiểu.

Viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ là tình trạng bàng quang bị viêm mạn tính. Các triệu chứng phổ biến của viêm bàng quang kẽ gồm có:

  • Đi tiểu nhiều lần
  • Rò rỉ nước tiểu
  • Đau tức ở vùng chậu hoặc bụng
  • Tiểu gấp

Bệnh đa u tủy

Đa u tủy là một loại ung thư máu hiếm gặp. Một triệu chứng của bệnh đa u tủy là nồng độ canxi cao và điều này có thể gây ra tình trạng đi tiểu nhiều.

Cường aldosteron nguyên phát

Cường aldosteron là tình trạng tuyến thượng thận tạo ra quá nhiều hormone aldosteron. Điều này có thể khiến cơ thể giữ natri và đào thải nhiều kali hơn. Mức kali thấp sẽ gây đi tiểu nhiều lần.

Bệnh thận đa nang

Bệnh thận đa nang là một tình trạng di truyền trong đó thận hình thành nhiều nang chứa dịch. Bệnh thận đa nang thường diễn tiến âm thầm mà không biểu hiện triệu chứng cho đến độ tuổi từ 30 đến 50. Đi tiểu nhiều lần là một triệu chứng ban đầu thường gặp của bệnh thận đa nang.

Sỏi thận

Sỏi thận là một vấn đề tiết niệu phổ biến. Sỏi thận có thể khiến người bệnh đau đớn dữ dội dọc theo hông và lưng, cơn đau có thể lan xuống bụng hoặc bẹn. Các triệu chứng khác gồm có:

  • Đi tiểu nhiều lần
  • Đau khi đi tiểu
  • Tiểu gấp
  • Máu trong nước tiểu
  • Nước tiểu đục
  • Sốt và ớn lạnh

Nguyên nhân gây lượng nước tiểu ít

Một số tình trạng bệnh lý có thể làm giảm lượng nước tiểu mà cơ thể tạo ra. Ở nam giới, điều này có thể là do phì đại tuyến tiền liệt. Đây là tình trạng tuyến tiền liệt tăng kích thước một cách lành tính (không phải ung thư). Tuyến tiền liệt phì đại có thể chèn ép lên niệu đạo và bàng quang, cản trở dòng nước tiểu chảy khỏi bàng quang. Điều này khiến người bệnh không thể làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu.

Khi nào cần đi khám?

Nếu thường xuyên bị đi tiểu nhiều lần hoặc lượng nước tiểu lớn thì bạn nên đi khám. Điều này có thể là dấu hiệu một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bàng quang tăng hoạt hay sỏi thận. Đa số các nguyên nhân gây đi tiểu nhiều đều có thể điều trị được.

Bạn cũng nên đi khám nếu quá ít đi tiểu hoặc có cảm giác tiểu không hết, đặc biệt là nam giới lớn tuổi. Các triệu chứng khác mà bạn nên lưu tâm và đi khám gồm có:

  • Sốt và đau thắt lưng
  • Có máu trong nước tiểu
  • Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu đục
  • Nước tiểu có màu bất thường
  • Nước tiểu có mùi bất thường

Điều trị

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Ví dụ, nếu đi tiểu nhiều lần là do uống quá nhiều nước thì bạn nên giảm lượng nước uống trong này. Một số nguyên nhân không cần điều trị, chẳng hạn như mang thai. Sau khi sinh một thời gian, tần suất đi tiểu sẽ tự giảm.

Nếu đi tiểu nhiều hoặc ít là do bệnh lý thì sẽ phải điều trị bệnh lý đó, ví dụ:

  • Nếu là do bệnh tiểu đường, việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu để làm giảm triệu chứng đi tiểu nhiều lần.
  • Nếu là do nhiễm trùng đường tiết niệu thì sẽ phải dùng thuốc để điều trị nhiễm trùng (thường bằng thuốc kháng sinh).
  • Nếu đi tiểu ít do phì đại tuyến tiền liệt làm tắc nghẽn dòng nước tiểu thì sẽ phải dùng thuốc để giảm kích thước tuyến tiền liệt hoặc làm giãn cơ cổ bàng quang, giúp nước tiểu chảy qua dễ dàng hơn.
  • Nếu nguyên nhân gây tiểu nhiều là do đang dùng thuốc lợi tiểu để điều trị suy tim hoặc cao huyết áp thì bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng thuốc. Không được tự ý thay đổi liều dùng thuốc hay ngừng thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Ngăn ngừa các vấn đề về tiết niệu

Dưới đây là một số cách để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tiết niệu:

  • Ăn thực phẩm chứa men vi sinh (probiotic), đặc biệt là lợi khuẩn lactobacillus. Một số thực phẩm chứa men vi sinh là sữa chua và kefir. Các nghiên cứu cho thấy rằng lactobacillus có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát ở phụ nữ.
  • Không sử dụng các sản phẩm có mùi thơm ở vùng sinh dục
  • Mặc đồ lót rộng rãi bằng chất liệu cotton
  • Không mắc quần bó sát.
  • Đi tiểu 3 - 4 giờ một lần và không nên nhịn tiểu.
  • Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Không mặc quần lót khi đi ngủ để vùng kín được thông thoáng.
  • Uống nhiều nước. Nhiều ý kiến cho rằng người lớn nên uống 8 cốc nước 240ml mỗi ngày nhưng lượng nước mà mỗi người cần uống là khác nhau do tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, mức độ vận động, chế độ ăn.
  • Không uống quá nhiều rượu bia, nước ngọt và caffeine.
  • Tránh những tác nhân có thể gây kích thích bàng quang, chẳng hạn như chất làm ngọt nhân tạo và thuốc lá.

Tóm tắt bài viết

Tần suất đi tiểu ở mỗi người là khác nhau nhưng thường là 6 – 7 lần/ngày. Thi thoảng đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn không phải điều đáng lo ngại nhưng nếu thường xuyên đi tiểu nhiều lần hoặc quá ít đi tiểu thì nên đi khám. Đi tiểu nhiều lần có thể là do nhiều nguyên nhân, từ những nguyên nhân lành tính như uống nhiều nước và mang thai cho đến các vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng đường tiết niệu, rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết, sỏi thận. Đi tiểu ít và tiểu khó ở nam giới có thể là do phì đại tuyến tiền liệt. Bạn nên đi khám khi nhận thấy những thay đổi bất thường về thói quen đi tiểu. Xét nghiệm nước tiểu và các bước kiểm tra khác sẽ giúp xác định cụ thể vấn đề và từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tình trạng, nói lên
Tin liên quan
Chỉ số natri trong nước tiểu cho biết điều gì?
Chỉ số natri trong nước tiểu cho biết điều gì?

Xét nghiệm natri trong nước tiểu giúp kiểm tra lượng nước trong cơ thể. Xét nghiệm này còn giúp đánh giá chức năng thận, đặc biệt là chức năng điều hòa lượng natri của thận. Có hai loại xét nghiệm natri nước tiểu là xét nghiệm natri nước tiểu ngẫu nhiên và xét nghiệm natri nước tiểu 24 giờ.

Nước tiểu có các hạt màu trắng là biểu hiện của điều gì?
Nước tiểu có các hạt màu trắng là biểu hiện của điều gì?

Nước tiểu có chứa các hạt màu trắng có thể là do nhiều nguyên nhân, hầu hết đều có thể điều trị được một cách dễ dàng nhưng vẫn nên đi khám để xác định chính xác nguyên nhân. Điều trị đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Ketone trong nước tiểu là dấu hiệu của điều gì?
Ketone trong nước tiểu là dấu hiệu của điều gì?

Có một lượng nhỏ ketone trong nước tiểu không phải là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là khi bạn đang theo chế độ ăn ít carbohydrate. Tuy nhiên, mức ketone cao có thể chỉ ra một số vấn đề sức khỏe.

Albumin Trong Nước Tiểu Chỉ Ra Điều Gì?
Albumin Trong Nước Tiểu Chỉ Ra Điều Gì?

Albumin là một loại protein lưu thông trong máu. Khi nước tiểu có một lượng lớn albumin thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Hầu hết mọi người đều có một lượng nhỏ protein trong nước tiểu nhưng lượng protein lớn có thể là dấu hiệu chỉ ra một vấn đề sức khỏe.

Phẫu thuật chuyển lưu dòng tiểu trong điều trị ung thư bàng quang
Phẫu thuật chuyển lưu dòng tiểu trong điều trị ung thư bàng quang

Phẫu thuật chuyển lưu dòng tiểu tạo ra một con đường mới để đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể sau khi cắt bỏ bàng quang. Có ba loại phẫu thuật chuyển lưu dòng tiểu, hai trong số đó giúp người bệnh kiểm soát thời điểm đi tiểu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây