Rối loạn lipid máu: Những điều cần biết về cholesterol và triglyceride cao

Rối loạn lipid máu là tình trạng phổ biến, xảy ra khi lượng cholesterol và triglyceride trong máu tăng cao.
Gần 25 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị cholesterol cao, mức cholesterol cao được xác định khi tổng cholesterol từ 240 mg/dL trở lên.
Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Vì vậy, điều quan trọng là cần phải hiểu rõ được nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và triệu chứng để có thể kiểm soát bệnh và giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.
Rối loạn lipid máu là gì?
Bạn sẽ được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn lipid máu nếu có nồng độ cholesterol LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp) hoặc triglyceride cao, hoặc đồng thời cả hai. Những chất này khi ở nồng độ cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Cholesterol
Cơ thể có hai loại cholesterol chính là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL):
- LDL (cholesterol xấu): được cơ thể sản xuất và cũng hấp thụ một phần nhỏ từ thực phẩm nhiều cholesterol như thịt đỏ và sản phẩm từ sữa. Khi kết hợp với các chất béo khác trong máu, LDL có thể tạo thành mảng bám trong động mạch, gây tắc nghẽn và làm giảm lưu lượng máu. Điều này có thể dẫn đến bệnh tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Vì vậy, bác sĩ thường khuyến nghị duy trì mức LDL thấp.
- HDL (cholesterol tốt): giúp bảo vệ tim mạch bằng cách loại bỏ cholesterol có hại ra khỏi động mạch. Mức HDL cao thường được coi là có lợi.
Triglyceride
Triglyceride là một loại chất béo mà cơ thể hấp thụ chủ yếu từ thực phẩm. Ngoài ra, cơ thể cũng có thể tổng hợp triglyceride khi chuyển hóa lượng calo dư thừa thành mỡ để dự trữ. Cơ thể cần một lượng triglyceride nhất định cho hoạt động của tế bào nhưng nếu nồng độ quá cao, chúng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe. Tương tự như LDL, triglyceride ở mức thấp sẽ có lợi cho sức khỏe hơn.
Nguyên nhân gây cholesterol và triglyceride cao
Một số loại thực phẩm, tình trạng bệnh lý và các yếu tố khác có thể làm tăng cholesterol và triglyceride trong máu.
Thực phẩm
Thực phẩm chứa bốn loại chất béo chính:
- Chất béo bão hòa: có trong bơ, thịt, sản phẩm từ sữa.
- Chất béo không bão hòa đơn: có trong dầu ô liu, các loại hạt, quả bơ.
- Chất béo không bão hòa đa: có trong dầu ngô, dầu hướng dương, axit béo omega-3.
- Chất béo chuyển hóa: có trong thực phẩm chiên, bánh quy, bánh quy giòn.
Hướng dẫn dinh dưỡng khuyến nghị hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa vì chúng làm tăng LDL. Chất béo chuyển hóa thậm chí còn nguy hiểm hơn vì vừa làm tăng LDL vừa làm giảm HDL.
Tuy nhiên, theo một đánh giá nghiên cứu năm 2024, vẫn chưa có đủ bằng chứng để khẳng định rằng việc cắt giảm chất béo bão hòa sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim hoặc làm giảm LDL.
Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể do trước đây chất béo bão hòa bị nhầm lẫn với chất béo chuyển hóa trong các sản phẩm như bơ thực vật và mỡ thực vật.
Tình trạng bệnh lý
Một số bệnh lý có thể có ảnh hưởng và làm tăng mức cholesterol, bao gồm:
- Tiểu đường
- Suy giáp
- Hội chứng chuyển hóa
- Hội chứng Cushing
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Bệnh thận
Các nguyên nhân khác
Ngoài thực phẩm và bệnh lý, một số yếu tố sau cũng có thể làm tăng cholesterol:
- Thiếu vận động: Không tập thể dục có thể làm tăng LDL. Ngược lại, tập thể dục có thể giúp làm tăng HDL.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc sẽ làm tăng LDL và thúc đẩy quá trình hình thành mảng bám trong động mạch.
- Di truyền: Nếu trong gia đình có người bị cholesterol cao, bạn sẽ có nguy cơ mắc phải tình trạng này cao hơn.
- Thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, có thể làm tăng mức cholesterol.
Triệu chứng của cholesterol và triglyceride cao
Cholesterol cao thường không gây ra triệu chứng rõ ràng. Dấu hiệu chỉ xuất hiện khi cholesterol tăng cao đã gây tổn thương đáng kể trong cơ thể.
Ví dụ, nếu cholesterol cao ảnh hưởng đến tim, có thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh tim mạch như đau thắt ngực (đau ngực), buồn nôn và mệt mỏi. Nếu không được kiểm soát, cholesterol cao có thể góp phần gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Chẩn đoán rối loạn lipid máu như thế nào?
Để kiểm tra mức cholesterol, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu (lipid profile hoặc lipid panel). Xét nghiệm này giúp đo lường tổng cholesterol, cholesterol LDL, cholesterol HDL và triglyceride. Trước khi làm xét nghiệm, bác sĩ có thể yêu cầu bạn nhịn ăn và chỉ được uống nước từ 8 đến 12 giờ.
Kết quả xét nghiệm được tính bằng mg/dL. Mức cholesterol toàn phần dưới 200 mg/dL được coi là bình thường.
Các phương pháp điều trị rối loạn lipid máu
Kế hoạch điều trị cholesterol và triglyceride cao thường kết hợp sử dụng thuốc và thay đổi lối sống. Ngoài ra, bác sĩ có thể khuyến nghị bổ sung thêm một số dưỡng chất.
Thuốc điều trị
Một số loại thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị rối loạn lipid máu gồm:
- Statin: Nhóm thuốc này ngăn chặn quá trình gan sản xuất cholesterol, đồng thời giúp loại bỏ cholesterol ra khỏi máu và hấp thụ cholesterol mắc kẹt trong động mạch. Các loại statin thường được kê đơn gồm:
- Atorvastatin (Lipitor)
- Fluvastatin (Lescol)
- Rosuvastatin (Crestor)
- Simvastatin (Zocor)
- Pravastatin (Pravachol)
- Thuốc ức chế hấp thụ cholesterol: Giảm mức cholesterol bằng cách hạn chế hấp thụ cholesterol từ thực phẩm. Thường được kết hợp với statin.
- Thuốc ức chế axit mật: Những thuốc này liên kết với muối mật (chứa cholesterol) và ngăn cơ thể tái hấp thu chúng trong ruột non.
- Fibrate: Hỗ trợ giảm mức triglyceride trong máu.
Bổ sung dưỡng chất
- Axit béo omega-3: Là một loại chất béo không bão hòa đa có trong cá béo (cá hồi, cá thu) và dầu thực vật (dầu ô liu, dầu hạt cải). Các sản phẩm bổ sung omega-3 được bán không kê đơn và thường được sử dụng để làm giảm triglyceride và LDL.
- Niacin (vitamin B3): Giúp tăng mức HDL. Niacin có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung không kê đơn hoặc thuốc kê đơn.
Thay đổi lối sống để kiểm soát lipid máu
Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn có thể giúp kiểm soát cholesterol và triglyceride, đồng thời phòng ngừa rối loạn lipid máu.
Cách ngăn ngừa cholesterol và triglyceride cao
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị không nên tiêu thụ quá 6% tổng lượng calo hàng ngày từ chất béo bão hòa.
Hướng dẫn Dinh dưỡng Hoa Kỳ cũng khuyên nên giảm tối đa chất béo chuyển hóa và cholesterol từ thực phẩm để duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh. Bổ sung nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau xanh có thể giúp giảm cholesterol.
Các biện pháp khác giúp duy trì mức cholesterol và triglyceride khỏe mạnh bao gồm:
- Ăn thịt gia cầm bỏ da, loại bỏ mỡ thừa.
- Ăn thịt nạc với khẩu phần vừa phải.
- Sử dụng sản phẩm sữa ít béo hoặc không béo.
- Thay thế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa bằng chất béo không bão hòa đơn và đa.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 4 ngày mỗi tuần.
- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, thịt chế biến.
- Nướng hoặc quay thực phẩm thay vì chiên.
- Giảm tiêu thụ rượu vì rượu có thể làm tăng triglyceride.
Kết luận
Nếu bị rối loạn lipid máu, bạn cần kết hợp dùng thuốc và thay đổi lối sống để có thể kiểm soát cholesterol. Tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ sẽ giúp cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Cholesterol là một loại chất béo có trong máu của bạn. Các tế bào cơ thể cần cholesterol, nó giúp cho màng ngoài của các tế bào ổn định.

Bệnh cơ tim Takotsubo (TC) xảy ra khi một phần của tâm thất trái tạm thời bị biến đổi hình dạng và giãn ra, thường do quá căng thẳng về mặt cảm xúc hoặc thể chất. Khi đó, khả năng bơm máu của tim sẽ bị giảm sút. Triệu chứng phổ biến nhất của TC bao gồm đau ngực dữ dội và khó thở, xuất hiện đột ngột.

Bệnh cơ tim phì đại thể mỏm là một bệnh tim hiếm gặp, đặc trưng bởi sự dày lên của cơ tim gần đáy tâm thất trái.

Bệnh cơ tim do transthyretin amyloid (ATTR-CM) có thể gây ra các triệu chứng như khó thở, sưng phù ở chân và mệt mỏi. Bệnh được điều trị bằng cách dùng thuốc hoặc thực hiện ghép gan và tim.

Bệnh cơ tim là một tình trạng ảnh hưởng đến cơ tim, khiến tim khó bơm máu đi khắp cơ thể. Một số loại bệnh cơ tim có thể di truyền trong gia đình.