Protein trong nước tiểu: Bao nhiêu là bình thường?
Protein là một trong những hợp chất quan trọng nhất trong cơ thể, có vai trò sửa chữa các tế bào máu và giữ cho cơ thể hoạt động bình thường.
Đôi khi, kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy có một lượng nhỏ protein. Điều này là bình thường. Tuy nhiên, quá nhiều protein trong nước tiểu có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe.
Vậy nồng độ protein trong nước tiểu bao nhiêu là bình thường và bao nhiêu là bất thường? Những bệnh lý nào khiến nước tiểu có quá nhiều protein?
Nước tiểu có protein không?
Một lượng nhỏ protein trong nước tiểu không phải điều đáng lo ngại. Protein có thể đi vào nước tiểu vì nhiều lý do và không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Một số lý do chính khiến nước tiểu có một lượng nhỏ protein gồm có:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Sốt
- Tập thể dục cường độ cao
- Mang thai
- Một số bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác
- Mất nước
- Stress
Nồng độ protein bình thường trong nước tiểu
Tỷ lệ albumin/creatinin (albumin-to-creatinine ratio - ACR) thường được sử dụng để xác định chính xác lượng protein trong nước tiểu.
Tỷ lệ albumin/creatinin:
- 30mg/g trở xuống: Bình thường
- 30 – 300mg/g: Nồng độ protein hơi cao và có thể là dấu hiệu suy thận mạn nhẹ
- 300mg/g trở lên: Nồng độ protein rất cao
ACR từ 30mg/g trở xuống có nghĩa là nồng độ protein trong nước tiểu đang ở mức bình thường và không có gì đáng lo ngại.
Nếu nhiều lần xét nghiệm đều cho kết quả cao hơn mức này hoặc nồng độ protein trong nước tiểu ngày càng tăng thì bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm thêm để kiểm tra hoặc xét nghiệm nước tiểu thường xuyên hơn.
Tình trạng có nhiều protein trong nước tiểu hơn mức bình thường được gọi là protein niệu hay đạm niệu.
Protein niệu còn được gọi là albumin niệu. Albumin là loại protein chính trong cơ thể, chiếm khoảng 60 - 80% tổng lượng protein. Xét nghiệm kiểm tra mức protein trong nước tiểu thường đo nồng độ albumin.
Nồng độ albumin trong nước tiểu ở mức cao thường là dấu hiệu cho thấy thận đang không hoạt động bình thường.
Triệu chứng protein niệu
Nhiều người bị protein niệu mà không nhận ra vì tình trạng này không phải lúc nào cũng có triệu chứng. Nhiều triệu chứng của protein niệu cũng giống với triệu chứng của bệnh suy thận mạn, gồm có:
- Sưng mắt
- Sưng phù ở tay hoặc chân
- Da khô, ngứa
- Thay đổi về lượng hoặc tần suất đi tiểu
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Sụt cân
- Chuột rút
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Hụt hơi
- Vấn đề về giấc ngủ
- Khó tập trung
Tại sao cần biết lượng protein trong nước tiểu?
Nồng độ protein trong nước tiểu cao hơn bình thường thường là dấu hiệu cho thấy thận có vấn đề.
Nếu làm xét nghiệm nước tiểu nhiều lần và kết quả đều cho thấy nồng độ protein trong nước tiểu ở mức cao thì bác sĩ có thể sẽ đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm khác để kiểm tra mức độ hoạt động của thận.
Bình thường, thận giữ lại protein khi lọc máu và sau đó đưa protein trở lại máu.
Protein có thể rò rỉ vào nước tiểu do nhiều tình trạng tạm thời như nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tập thể dục quá sức. Tuy nhiên, lượng protein trong nước tiểu liên tục ở mức cao trong thời gian dài thường là dấu hiệu của bệnh suy thận mạn.
Các bệnh lý gây protein niệu
Một số tình trạng bệnh lý có thể làm tăng nồng độ protein trong nước tiểu gồm có:
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh mô liên kết
- Cao huyết áp
- Bệnh tim mạch
Chỉ số protein trong nước tiểu cao là chưa đủ để chẩn đoán suy thận mạn.
Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về:
- Bệnh sử cá nhân và gia đình
- Chế độ ăn uống và lối sống
- Các loại thuốc đang dùng
- Các bệnh lý khác đang mắc
Người bệnh có thể sẽ phải làm thêm một số xét nghiệm khác để bác sĩ xác nhận chẩn đoán.
Điều trị protein niệu
Nếu như protein niệu là do một bệnh lý khác gây ra,chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp thì sẽ phải kiểm soát bệnh lý đó. Người bệnh cần thường xuyên đo đường huyết hoặc huyết áp và dùng thuốc, kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu/huyết áp.
Nếu protein niệu là do vấn đề về chức năng thận xảy ra tự phát, xảy ra do các nguyên nhân khác hoặc di truyền thì sẽ phải điều trị trực tiếp vấn đề về thận.
Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, uống đủ nước, ăn ít muối và tránh sử dụng một số loại thuốc có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của thận.
Những người mắc bệnh suy thận mạn cần tái khám định kỳ để theo dõi chức năng thận. Ở các giai đoạn đầu, suy thận mạn được điều trị bằng các biện pháp như:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống
- Dùng thuốc
- Giảm lượng nước uống
Khi suy thận mạn tiến triển đến giai đoạn cuối, người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận (nếu đủ điều kiện).
Tóm tắt bài viết
Nước tiểu có một lượng nhỏ protein là điều bình thường nhưng nồng độ protein trong nước tiểu ở mức cao trong thời gian dài lại là dấu hiệu cho thấy thận bị tổn thương hay suy giảm chức năng.
Xét nghiệm protein trong nước tiểu thường là một phần trong quá trình khám sức khỏe định kỳ. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp đánh giá chức năng thận. Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao bị suy thận mạn, ví dụ như người có tiền sử gia đình bị suy thận, nên làm xét nghiệm chức năng thận thường xuyên hơn. Hãy đi khám ngay khi thấy có các triệu chứng của bệnh thận như thay đổi tần suất đi tiểu, mệt mỏi, ăn uống kém, sưng phù, buồn nôn và nôn mửa.
Bệnh tiểu đường, trầm cảm và suy thận là những bệnh lý riêng biệt nhưng lại có mối liên hệ với nhau. Các bệnh lý này có thể xảy ra cùng lúc.
Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về suy thận mạn cũng như mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp và suy thận mạn.
Kerendia (finerenone) được sử dụng để điều trị suy thận mạn ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Kerendia có dạng viên uống và thường được dùng một lần mỗi ngày.
Chế độ ăn ít protein thường được khuyến nghị để điều trị một số vấn đề sức khỏe. Suy giảm chức năng gan, thận hoặc các bệnh lý gây cản trở quá trình chuyển hóa protein là những lý do phổ biến nhất cần thực hiện chế độ ăn ít protein.