Liều dùng Kerendia là bao nhiêu?
Kerendia là gì?
Kerendia là một loại thuốc được dùng cho người lớn mắc bệnh suy thận mạn do tiểu đường type 2 để làm giảm nguy cơ:
- tử vong do bệnh tim mạch, chẳng hạn như đột quỵ
- chức năng thận tiếp tục suy giảm (được xác định bằng độ lọc cầu thận ước tính - eGFR)
- nhồi máu cơ tim không tử vong
- suy thận mạn giai đoạn cuối
- nhập viện do suy tim
Hoạt chất trong Kerendia là finerenone (hoạt chất là thành phần giúp thuốc có tác dụng điều trị bệnh). Kerendia thuộc nhóm thuốc đối kháng thụ thể mineralocorticoid không steroid.
Dưới đây là liều dùng Kerendia cũng như là hàm lượng và cách sử dụng thuốc.
Liều dùng Kerendia
Dạng thuốc
Kerendia có dạng viên nén dùng qua đường uống.
Hàm lượng
Kerendia có hai mức hàm lượng là 10mg và 20mg.
Liều dùng thông thường
Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng ban đầu dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh. Sau đó, liều dùng sẽ được điều chỉnh dần cho đến khi đạt đến liều dùng phù hợp nhất.
Liều dùng thuốc sẽ phụ thuộc vào chức năng thận. Chức năng thận được đánh giá qua độ lọc cầu thận ước tính (GFR). Người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm kali máu trước khi bắt đầu dùng Kerendia. Nếu mức kali quá cao, bác sĩ sẽ kê một loại thuốc khác.
Dưới đây là liều dùng khởi đầu và liều tối đa của Kerendia.
Hàm lượng | Liều khởi đầu | Liều tối đa |
10 mg | 10 mg một lần mỗi ngày hoặc | 20 mg một lần mỗi ngày |
20 mg | 20 mg một lần mỗi ngày |
Dưới đây là liều dùng thường được sử dụng hoặc liều dùng khuyến nghị của Kerendia nhưng hãy dùng đúng liều mà bác sĩ kê. Bác sĩ sẽ xác định liều dùng phù hợp với nhu cầu của từng bệnh nhân.
Liều dùng cho một số vấn đề sức khỏe liên quan đến suy thận mạn do tiểu đường type 2
Kerendia được sử dụng cho những người mắc bệnh suy thận mạn do tiểu đường type 2 để làm giảm nguy cơ:
- tử vong do bệnh tim mạch, chẳng hạn như đột quỵ
- chức năng thận tiếp tục suy giảm (được xác định bằng độ lọc cầu thận ước tính - eGFR)
- nhồi máu cơ tim không gây tử vong
- suy thận mạn giai đoạn cuối
- nhập viện do suy tim
Liều dùng Kerendia tùy thuộc vào chỉ số eGFR và thường nằm trong khoảng từ 10 đến 20mg, uống một lần mỗi ngày. Trong những trường hợp có chỉ số eGFR quá thấp, bác sĩ sẽ không kê Kerendia.
Nếu liều dùng khởi đầu là 10mg mỗi ngày, người bệnh sẽ phải xét nghiệm chức năng thận sau một tháng. Tùy vào kết quả xét nghiệm mà bác sĩ sẽ giữ nguyên liều dùng hoặc tăng liều lên 20mg mỗi ngày. Liều duy trì thường là 20mg mỗi ngày (xem phần “Điều chỉnh liều dùng” bên dưới để biết rõ hơn).
Có cần sử dụng Kerendia lâu dài không?
Nếu thuốc an toàn và hiệu quả thì người bệnh sẽ sử dụng về lâu dài.
Điều chỉnh liều dùng
Bác sĩ sẽ tăng hoặc giảm liều Kerendia tùy theo chức năng thận và nồng độ kali trong máu.
Nếu mức kali quá cao thì người bệnh có thể sẽ phải ngừng thuốc một thời gian và sau đó bắt đầu lại từ liều 10mg mỗi ngày.
Người bị bệnh gan nặng không nên sử dụng Kerendia. Lý do là vì thuốc được xử lý bởi gan và khi chức năng gan kém, nồng độ thuốc trong máu sẽ ở mức quá cao và điều này làm tăng nguy cơ tác dụng phụ. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác để điều trị suy thận mạn.
Liều dùng Kerendia có phụ thuộc vào cân nặng không?
Liều dùng một số loại thuốc được tính dựa trên cân nặng nhưng liều dùng Kerendia không phụ thuộc vào cân nặng mà chỉ phụ thuộc vào chức năng thận và nồng độ kali trong máu.Liều ban đầu có thể là 10mg hoặc 20mg mỗi ngày.
Kerendia có dạng thuốc gốc không?
Kerendia là biệt dược và hiện không có dạng thuốc gốc. Thuốc gốc cũng có chứa hoạt chất giống hệt như biệt dược nhưng có giá thành rẻ hơn
Những yếu tố ảnh hưởng đến liều dùng Kerendia
Liều dùng Kerendia phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Mục đích sử dụng
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
- Chức năng thận (xem phần “điều chỉnh liều dùng” ở bên trên)
- Nồng độ kali trong máu (xem phần “điều chỉnh liều dùng” ở bên trên)
- Các loại thuốc khác đang dùng
Cách sử dụng Kerendia
Kerendia có dạng viên nén dùng qua đường uống. Có thể uống thuốc trước hoặc sau ăn. Nếu không nuốt được cả viên thuốc thì người bệnh có thể bẻ hoặc nghiền nhỏ viên thuốc trước khi uống.
Cần làm gì khi quên uống thuốc?
Nếu quên uống thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu đã gần đến giờ uống liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không uống gộp hai liều cùng một lúc. Uống gộp liều sẽ khiến cho nồng độ thuốc trong máu tăng quá cao và tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Có thể đặt báo thức hoặc lời nhắc trên điện thoại để uống thuốc đều đặn hàng ngày.
Cần làm gì khi dùng thuốc quá liều?
Không dùng Kerendia vượt quá liều mà bác sĩ kê. Uống thuốc quá liều có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Triệu chứng dùng thuốc quá liều
Uống Kerendia quá liều có thể gây tăng kali máu (nồng độ kali trong máu cao). Các triệu chứng gồm có:
- Khó thở
- Đau ngực
- Rối loạn nhịp tim
- Buồn nôn và nôn mửa
- Mệt mỏi, uể oải
Cách xử trí khi dùng thuốc quá liều
Báo ngay cho bác sĩ khi lỡ uống Kerendia quá liều. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, đau ngực thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
Ở những người bị suy thận và mắc bệnh tim, lợi ích của việc điều trị bằng statin có thể sẽ lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh suy thận.
Xét nghiệm natri máu hay còn được gọi là xét nghiệm natri huyết thanh là xét nghiệm đo nồng độ natri trong máu. Natri là một khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể.
Một lượng nhỏ protein trong nước tiểu là điều không đáng ngại. Tuy nhiên, quá nhiều protein trong nước tiểu lại là dấu hiệu cho thấy thận đang có vấn đề.