1

Chế độ ăn ít protein có những lợi ích gì?

Chế độ ăn ít protein thường được khuyến nghị để điều trị một số vấn đề sức khỏe. Suy giảm chức năng gan, thận hoặc các bệnh lý gây cản trở quá trình chuyển hóa protein là những lý do phổ biến nhất cần thực hiện chế độ ăn ít protein.
Chế độ ăn ít protein có những lợi ích gì? Chế độ ăn ít protein có những lợi ích gì?

Một số nghiên cứu mới đây còn phát hiện ra rằng chế độ ăn ít protein giúp tăng tuổi thọ và ngăn ngừa nhiều bệnh mạn tính.

Bài viết dưới đây sẽ nêu ra những lợi ích của chế độ ăn ít protein, những thực phẩm nào nên ăn, nên tránh và một số tác hại của chế độ ăn này.

Chế độ ăn ít protein là gì?

Chế độ ăn ít protein có nghĩa là bạn sẽ phải giảm lượng protein tiêu thụ. Mức độ hạn chế protein sẽ tùy vào lý do cần thực hiện chế độ ăn ít protein nhưng thông thường, lượng calo từ protein chiếm 4 – 8% tổng lượng calo nạp vào hàng ngày.

Điều này có nghĩa là khoảng 20 – 50g protein mỗi ngày, tùy thuộc vào tổng lượng calo nạp vào.

Để so sánh, lượng protein trong chế độ ăn uống bình thường nên chiếm ít nhất 10 – 15% tổng lượng calo hàng ngày. (1) Vận động viên, người lớn tuổi và người mắc một số bệnh lý nhất định sẽ cần nhiều protein hơn.

Protein là một chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe nhưng việc giảm lượng protein tiêu thụ là điều cần thiết để điều trị một số bệnh.

Đặc biệt, chế độ ăn ít protein có lợi cho những người bị suy giảm chức năng thận hoặc gan.

Chế độ ăn ít protein cũng cần thiết đối với những người mắc bệnh làm giảm khả năng chuyển hóa protein, chẳng hạn như homocystin niệu và phenylketon niệu.

Tuy nhiên, thực hiện chế độ ăn ít protein đòi hỏi phải lên kế hoạch cẩn thận để tránh bị thiếu hụt dinh dưỡng và gây hại cho sức khỏe.

Ngoài ra còn có một số rủi ro mà bạn cần cân nhắc trước khi bắt đầu chế độ ăn ít protein.

Tóm tắt: Chế độ ăn ít protein thường có lượng protein chiếm 4 – 8% tổng lượng calo nạp vào hàng ngày. Chế độ ăn này có lợi cho người mắc một số bệnh lý nhưng cũng có một số nhược điểm.

Lợi ích của chế độ ăn ít protein

Protein dư thừa thường được phân hủy bởi gan. Quá trình phân hủy protein tạo ra ure. Sau đó, ure được thận lọc khỏi máu và được đào thải ra ngoài cùng nước tiểu.

Giảm lượng protein tiêu thụ giúp giảm bớt khối lượng công việc của gan và thận. Điều này có lợi cho những người bị suy giảm chức năng gan hoặc thận.

Giảm protein giúp cải thiện quá trình chuyển hóa protein và ngăn ngừa tích tụ ure trong máu.

Nồng độ ure trong máu cao gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân và thay đổi trạng thái tinh thần.

Mức ure cao còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 và nguy cơ tử vong ở những người bị suy tim. (2)

Giảm lượng protein tiêu thụ cũng là điều cần thiết đối với những người mắc các bệnh di truyền ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa protein, chẳng hạn như homocystin niệu và phenylketon niệu.

Những bệnh này làm suy giảm quá trình phân hủy một số loại axit amin, vì vậy nên việc ăn ít protein có thể giúp làm giảm các triệu chứng.

Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng chế độ ăn ít protein có lợi cho cả những người có sức khỏe bình thường.

Theo một tổng quan nghiên cứu, việc cắt giảm protein ở người trung niên giúp làm tăng tuổi thọ và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như ung thư, bệnh tim mạch và tiểu đường. (3)

Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để đánh giá lợi ích về lâu dài của chế độ ăn ít protein ở người trưởng thành khỏe mạnh.

Tóm tắt: Giảm lượng protein tiêu thụ có lợi cho người mắc một số bệnh lý, gồm có bệnh gan, thận, phenylketon niệu và homocystin niệu. Nghiên cứu còn cho thấy chế độ ăn ít protein giúp làm tăng tuổi thọ và giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính.

Tác hại của chế độ ăn ít protein

Protein là một chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển.

Cơ thể sử dụng protein làm nền tảng hình thành cơ, da và xương, sản xuất các enzyme và hormone quan trọng, đồng thời tạo ra và phục hồi các mô.

Các nghiên cứu cho thấy rằng sự thiếu hụt protein có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, gồm có suy giảm chức năng miễn dịch, giảm khối cơ và chậm phát triển ở trẻ em.

Thiếu protein còn gây ra nhiều vấn đề khác như sưng phù, thiếu máu, bệnh gan nhiễm mỡ, rụng tóc và giảm mật độ xương.

Bên cạnh những tác hại đến sức khỏe, việc cắt giảm lượng protein trong chế độ ăn không phải điều đơn giản.

Thực hiện chế độ ăn ít protein đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận để đáp ứng đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng khác của cơ thể.

Lý do là vì các loại thực phẩm giàu protein thường chứa nhiều calo và là nguồn cung cấp các vi chất dinh dưỡng quan trọng.

Ví dụ, thịt bò là nguồn cung cấp vitamin B, sắt và kẽm, trong khi các loại đậu chứa nhiều magie, phốt pho và kali.

Khi thực hiện chế độ ăn ít protein, bạn cần biết cách thay thế thực phẩm để tránh bị thiếu hụt dinh dưỡng.

Nói chung, người có sức khỏe bình thường không cần và cũng không nên thực hiện chế độ ăn ít protein.

Tóm tắt: Thiếu protein có thể gây suy giảm chức năng miễn dịch, mất cơ và giảm tốc độ tăng trưởng. Việc giảm lượng protein trong chế độ ăn cũng không phải điều đơn giản và cần lập kế hoạch cẩn thận để không bị thiếu hụt dinh dưỡng.

Thực phẩm nên ăn

Protein, bao gồm cả protein động vật và protein thực vật, làmột chất dinh dưỡng chính trong bữa ăn của hầu hết mọi người.

Tuy nhiên, khi thực hiện chế độ ăn ít protein, bạn cần lựa chọn những thực phẩm có hàm lượng protein thấp, chẳng hạn như ngũ cốc, rau củ và trái cây.

Bạn vẫn có thể ăn thịt và protein từ thực vật nhưng chỉ nên ăn một lượng nhỏ.

Khi cắt giảm protein, bạn nên tăng lượng chất béo tốt để cung cấp đủ calo cần thiết cho cơ thể.

Một số loại thực phẩm lành mạnh chứa ít protein gồm có:

  • Các loại trái cây
  • Các loại rau củ
  • Các loại ngũ cốc như gạo, yến mạch, bánh mì, ngô
  • Các nguồn chất béo tốt như quả bơ, dầu ô liu và dầu dừa

Tóm tắt: Khi thực hiện chế độ ăn ít protein, bạn nên ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc và chất béo tốt, đồng thời gian hạn chế thực phẩm giàu protein.

Thực phẩm cần tránh

Protein vẫn là một phần cần thiết của chế độ ăn uống, ngay cả khi phải thực hiện chế độ ăn ít protein. Vì vậy, bạn không nên kiêng hoàn toàn protein.

Tuy nhiên, chỉ nên ăn các loại thực phẩm giàu protein, cả protein động vật và protein thực vật, ở mức độ vừa phải.

Để cắt giảm lượng protein trong chế độ ăn, hãy ăn chủ yếu các loại thực phẩm lành mạnh, ít protein như trái cây và rau củ. Đồng thời, giảm lượng thực phẩm chứa nhiều protein.

Ví dụ, nếu bình thường bạn ăn 100g thịt gà mỗi bữa thì khi theo chế độ ăn ít protein, bạn chỉ nên ăn 50 – 60g và thay bằng những thực phẩm có hàm lượng protein thấp hơn.

Những loại thực phẩm giàu protein cần hạn chế hoặc tránh:

  • Các loại thịt, gồm có thịt gà, bò, lợn, dê, cừu
  • Các loại cá và động vật có vỏ
  • Trứng
  • Các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu trắng, đậu lăng
  • Các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, phô mai và sữa chua
  • Các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, tempeh và natto
  • Các loại quả hạch như óc chó, hạnh nhân và hạt dẻ cười
  • Các loại hạt như hạt chia, hạt hướng dương, hạt bí, hạt lanh

Tóm tắt: Điều quan trọng khi thực hiện chế độ ăn ít protein là phải hạn chế các loại thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, các loại đậu, sản phẩm từ sữa, đậu nành, quả hạch và hạt. Thay vào đó, ăn chủ yếu các loại thực phẩm lành mạnh ít protein như trái cây và rau củ.

Kết luận

Đối với những người đang mắc bệnh gan, thận hoặc bệnh lý gây cản trở quá trình chuyển hóa protein, chế độ ăn ít protein là điều cần thiết để làm giảm các triệu chứng.

Tuy nhiên, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy chế độ ăn ít protein có lợi cho người khỏe mạnh.

Ngoài ra, chế độ ăn ít protein đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận để tránh bị thiếu hụt dinh dưỡng và gây hại đến sức khỏe.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: chế độ, lợi ích
Tin liên quan
Ghép thận được thực hiện khi nào? Có những rủi ro gì?
Ghép thận được thực hiện khi nào? Có những rủi ro gì?

Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối thường phải điều trị bằng phương pháp lọc máu. Một giải pháp nữa để điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối là ghép thận. Trong ca phẫu thuật ghép thận, một hoặc cả hai quả thận của người bệnh được thay thế bằng thận của người hiến tặng (còn sống hoặc chết não).

Những điều cần biết về chạy thận nhân tạo
Những điều cần biết về chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo thường được chỉ định cho những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối, khi chức năng thận chỉ còn 10 đến 15% so với chức năng bình thường.

Người bị suy thận cần tránh những thực phầm nào?
Người bị suy thận cần tránh những thực phầm nào?

Những người mắc bệnh suy thận cần phải chú ý đến lượng natri, kali và phốt pho trong chế độ ăn uống. Những khoáng chất này có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau như nước ngọt có ga, gạo lứt, chuối, thịt chế biến sẵn và trái cây sấy khô.

Protein trong nước tiểu: Bao nhiêu là bình thường?
Protein trong nước tiểu: Bao nhiêu là bình thường?

Một lượng nhỏ protein trong nước tiểu là điều không đáng ngại. Tuy nhiên, quá nhiều protein trong nước tiểu lại là dấu hiệu cho thấy thận đang có vấn đề.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây