1

Phòng ngừa mòn xương do viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các mô và tế bào của cơ thể. Ở bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch tấn công niêm mạc khớp và gây viêm. Bệnh viêm khớp dạng thấp không chỉ gây viêm khớp mà còn có thể dẫn đến tổn thương và biến dạng khớp. Tình trạng tổn thương khớp là kết quả của sự mòn xương.
Phòng ngừa mòn xương do viêm khớp dạng thấp Phòng ngừa mòn xương do viêm khớp dạng thấp

Mòn xương là một trong những đặc điểm chính của bệnh viêm khớp dạng thấp. Bệnh càng nghiêm trọng thì nguy cơ mòn xương càng cao và mòn xương gây mất xương ở một số bộ phận của cơ thể.

Mặc dù không có cách nào có thể chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có những cách để làm chậm sự tiến triển của bệnh, từ đó kiểm soát và làm chậm tốc độ mòn xương..

Mòn xương xảy ra như thế nào?

Tình trạng viêm mạn tính ở khớp khiến cho xương bị mòn dần. Các triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có sưng khớp, cứng khớp và đau khớp. Bệnh còn gây ra các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi và chán ăn.

Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp nhỏ như khớp ở bàn tay, bàn chân và ngón tay, do đó hiện tượng mòn xương cũng thường xảy ra ở các khớp này. Viêm khớp dạng thấp cũng có thể xảy ra ở các khớp khác trên cơ thể như đầu gối, khuỷu tay, hông và vai.

Sở dĩ viêm khớp dạng thấp gây mòn xương là vì tình trạng viêm mạn tính kích thích các tế bào hủy xương, những tế bào có chức năng phân hủy mô xương. Điều này dẫn đến một quá trình gọi là tái hấp thu xương.

Tái hấp thu xương vốn là một phần bình thường trong quá trình điều hòa các khoáng chất cần thiết để duy trì, sửa chữa và tái tạo xương. Tuy nhiên, ở những người bị viêm khớp dạng thấp, quá trình này trở nên mất cân bằng, dẫn đến mô xương bị phân hủy một cách nhanh chóng.

Tình trạng mòn xương cũng có thể xảy ra khi cơ thể có quá nhiều cytokine gây viêm. Các tế bào giải phóng ra những protein nhỏ này để kích thích hệ thống miễn dịch chống lại bệnh tật.

Tuy nhiên, đôi khi các tế bào giải phóng ra quá nhiều cytokine. Điều này dẫn đến viêm và sưng tấy, cuối cùng là tổn thương khớp, xương và mô.

Cách kiểm soát mòn xương do viêm khớp dạng thấp

Tình trạng mòn xương có thể xảy ra từ sớm và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ở một số người, tình trạng mòn xương bắt đầu xảy ra trong vòng vài tuần sau khi được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Khoảng 10% người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bị mòn xương sau 8 tuần và tỷ lệ mòn xương sau 1 năm mắc bệnh viêm khớp dạng thấp lên đến 60%. (1)

Mòn xương nghiêm trọng sẽ khiến người bệnh mất khả năng vận động, do đó điều quan trọng là phải phát hiện sớm và thực hiện các biện pháp ngăn chặn hoặc làm chậm tốc độ mòn xương, từ đó bảo tồn khả năng vận động. Một khi xương đã bị mòn thì sẽ rất khó có thể khôi phục lại.

Tuy nhiên, điều đó không phải là không thể. Đã có một số nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) có thể giúp làm giảm sự tiến triển của tình trạng mòn xương.

Để ngăn chặn hoặc phục hồi xương bị mòn thì điều quan trọng trước tiên là phải kiểm soát tình trạng viêm. DMARD thường là phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh viêm khớp dạng thấp. Mặc dù thuốc giảm đau có thể giúp làm giảm các triệu chứng như đau và cứng khớp nhưng DMARD nhắm đến các tế bào gây ra phản ứng viêm của hệ miễn dịch, từ đó ngăn chặn hoặc làm giảm viêm.

Điều này có thể giúp bệnh viêm khớp dạng thấp thuyên giảm và làm chậm sự tiến triển của bệnh. DMARD còn có thể giúp ngăn chặn tình trạng mòn xương và phục hồi một phần xương đã bị mòn, mặc dù các loại thuốc này không thể phục hồi xương một cách hoàn toàn.

DMARD truyền thống gồm có cả thuốc đường uống và thuốc tiêm, ví dụ như methotrexate.

Khi DMARD truyền thống không thể kiểm soát tình trạng viêm, bác sĩ có thể sẽ kê các loại thuốc sinh học như:

  • certolizumab (Cimzia)
  • etanercept (Enbrel)
  • adalimumab (Humira)
  • abatacept (Orencia)
  • infliximab (Remicade)
  • golimumab (Simponi)

Thuốc sinh học cũng là một loại DMARD. Không chỉ nhắm đến các tế bào gây viêm của hệ thống miễn dịch, các loại thuốc này còn ngăn chặn các hóa chất như cytokine phát tín hiệu hoặc thúc đẩy tình trạng viêm.

Khi tình trạng viêm được kiểm soát, quá trình mòn xương sẽ chậm lại và xương bắt đầu lành. Kiểm soát tình trạng viêm là điều rất quan trọng vì giảm viêm sẽ làm làm giảm sự kích thích các tế bào hủy xương. Điều này cũng sẽ giúp làm chậm quá trình mòn xương.

Người bệnh cũng có thể sẽ cần sử dụng các loại thuốc chống hủy xương để ức chế các tế bào hủy xương, từ đó nhăn chặn sự mất xương. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có bisphosphonates và denosumab.

Ngăn ngừa mòn xương do viêm khớp dạng thấp

Mòn xương là một trong những đặc điểm của bệnh viêm khớp dạng thấp và rất khó ngăn chặn mòn xương một cách hoàn toàn. Tuy nhiên, điều trị viêm khớp dạng thấp từ sớm có thể giúp bảo vệ khớp và ngăn ngừa mòn xương. Bạn nên đi khám khi nhận thấy các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp như đau khớp, cứng khớp (nhất là vào buổi sáng), mẩn đỏ, mệt mỏi kéo dài, sụt cân hoặc sốt nhẹ.

Mật độ khoáng xương thấp cũng có thể dẫn đến mòn xương. Vì vậy, duy trì xương chắc khỏe cũng có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự mòn xương.

Một số cách để củng cố xương:

  • Uống bổ sung canxi và vitamin D: Người lớn thường cần khoảng 1.000 miligam (mg) canxi và 600 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày. Nếu chế độ ăn uống hàng ngày không đáp ứng được nhu cầu canxi và vitamin D thì bạn nên dùng thực phẩm chức năng để bổ sung. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.
  • Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp tăng cường sức mạnh của cơ và giữ cho xương chắc khỏe. Nên bắt đầu từ các bài tập nhẹ nhàng và kết hợp các bài tập cardio với các bài tập giúp tăng sức mạnh của cơ. Người có vấn đề về khớp nên chọn các bài tập ít gây áp lực lên khớp như đi bộ, yoga và bơi lội.
  • Không hút thuốc và hạn chế rượu bia: Sử dụng thuốc lá và uống quá nhiều rượu sẽ gây suy yếu xương và làm tăng nguy cơ mòn xương. Nếu bạn đang hút thuốc thì hãy cố gắng cai càng sớm càng tốt và giảm lượng rượu bia. Nói chung, phụ nữ không nên uống quá 1 đơn vị cồn (khoảng 10g cồn nguyên chất) mỗi ngày và nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày.
  • Điều chỉnh thuốc: Sử dụng một số loại thuốc giảm viêm trong thời gian dài, chẳng hạn như prednisone và methotrexate, cũng có thể làm hỏng xương. Khi tình trạng viêm đã được kiểm soát, bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc giảm liều hoặc chuyển sang một loại thuốc khác.

Tóm tắt bài viết

Mòn xương là một tình trạng khá phổ biến xảy ra ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Bắt đầu điều trị sớm và kiểm soát tốt tình trạng viêm có thể giúp ngăn chặn hoặc làm chậm tốc độ mòn xương, từ đó duy trì khả năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính hiện chưa có thuốc chữa trị khỏi nhưng các nhà nghiên cứu cho biết một số loại thực phẩm có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh.

Hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp
Hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng, đau và cứng khớp. Mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.

Các tư thế ngủ phù hợp với người bị viêm khớp dạng thấp
Các tư thế ngủ phù hợp với người bị viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp khiến cho các khớp bị đau và cứng. Tình trạng này sẽ khiến cho người bệnh khó ngủ và ngủ không ngon giấc. Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp, điều chỉnh tư thế ngủ có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn và ngủ ngon giấc hơn, nhờ đó tăng mức năng lượng cơ thể và cải thiện các triệu chứng khác của bệnh.

Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?
Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?

Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) thường mất nhiều thời gian. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường giống như triệu chứng của các bệnh khác như bệnh lupus hoặc các bệnh mô liên kết khác.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?
Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?

Viêm khớp dạng thấp không được coi là một bệnh di truyền. Tuy nhiên, việc mang một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây