1

Những nguyên nhân nào gây chậm kinh?

Chậm kinh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ những thay đổi trong lối sống, trạng thái tâm lý cho đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Những nguyên nhân nào gây chậm kinh? Những nguyên nhân nào gây chậm kinh?

Nội dung chính của bài viết:

  • Kinh nguyệt được coi là đến muộn hay chậm kinh nếu đã quá 30 ngày kể từ khi bắt đầu kỳ kinh trước mà vẫn chưa có kinh.
  • Có nhiều nguyên nhân gây chậm kinh, đó là: stress; tăng hoặc giảm cân; cường độ luyện tập nặng; hội chứng buồng trứng đa nang; do các biện pháp tránh thai nội tiết; giai đoạn tiền mãn kinh; mãn kinh sớm; vấn đề về tuyến giáp; các bệnh mãn tính và mang thai.
  • Nếu thường xuyên bị chậm kinh thì nên đi khám bác sĩ phụ khoa để xác định nguyên nhân.

Thế nào là chậm kinh?

Nếu như không có bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt thì kỳ kinh mới sẽ bắt đầu sau khoảng 30 ngày kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh trước.

Kinh nguyệt được coi là đến muộn hay chậm kinh nếu đã quá 30 ngày kể từ khi bắt đầu kỳ kinh trước mà vẫn chưa có kinh. Nếu đã quá 6 tuần mà vẫn chưa có hiện tượng ra máu thì có thể được coi là vô kinh hay lỡ kinh nguyệt.

Có nhiều nguyên nhân gây chậm kinh, từ những thay đổi trong lối sống cho đến các vấn đề sức khỏe mãn tính. Dưới đây là 10 nguyên nhân thường gặp nhất.

1. Stress

Hệ thống phản ứng với stress hay căng thẳng của cơ thể bắt đầu từ vùng dưới đồi – một cấu trúc trong não bộ. Bản năng này bắt nguồn từ xa xưa khi con người phải trốn chạy những loài thú săn mồi và hiện nay, mặc dù điều này không còn nữa nhưng cơ chế phản ứng của cơ thể vẫn được giữ nguyên. Khi mức độ căng thẳng lên đến đỉnh điểm, não sẽ báo cho hệ nội tiết tạo ra các hormone có chức năng bật “chế độ chiến đấu”. Những hormone này ức chế các chức năng không cần thiết của cơ thể để có thể dễ dàng thoát khỏi mối đe dọa sắp xảy ra, các chức năng không cần thiết này gồm có cả chức năng của hệ thống sinh sản.

Khi phải chịu nhiều căng thẳng, cơ thể có thể sẽ tạm thời ngừng rụng trứng. Điều này sẽ dẫn đến chậm kinh hoặc vô kinh.

2. Tăng hoặc giảm cân

Những thay đổi lớn về trọng lượng cơ thể cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Sự tăng hoặc giảm lượng mỡ trong cơ thể có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố và khiến cho đến muộn hoặc không đến.

Ngoài ra, việc cắt giảm một lượng lớn calo sẽ ảnh hưởng đến phần não bộ chỉ đạo hệ nội tiết sản xuất hormone sinh sản. Khi sự “liên lạc” này bị gián đoạn thì lượng hormone được tạo ra sẽ giảm và dẫn đến kinh nguyệt không đều.

3. Cường độ tập luyện nặng

Chế độ tập luyện với cường độ quá cao cũng có thể là nguyên nhân gây chậm kinh hoặc không có kinh nguyệt. Đây là vấn đề xảy ra rất phổ biến ở những người phải luyện tập nặng vài giờ mỗi ngày. Nguyên nhân của điều này là do khi tập luyện như vậy thì lượng calo được đốt cháy lớn hơn lượng calo nạp vào.

Khi đốt cháy quá nhiều calo thì cơ thể sẽ không có đủ năng lượng để duy trì hoạt động của các hệ thống, bao gồm cả hệ sinh dục. Điều này sẽ gây mất cân bằng nội tiết tố, dẫn đến vô kinh hoặc chậm kinh.

Kinh nguyệt thường trở lại bình thường ngay khi giảm cường độ tập luyện hoặc tăng lượng calo nạp vào qua chế độ ăn.

4. Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một tình trạng tập hợp nhiều triệu chứng do sự mất cân bằng các hormone sinh dục gây ra. Những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang thường gặp phải một vấn đề là rụng trứng không đều đặn. Do đó, kinh nguyệt có thể đến vào những thời điểm không nhất quán mỗi tháng, biến mất hoàn toàn hoặc khi có kinh nguyệt thì ra máu ít hơn bình thường.

Các triệu chứng khác của hội chứng buồng trứng đa nang gồm có:

  • Mọc lông mặt và lông trên cơ thể
  • Nổi mụn trứng cá
  • Tóc mỏng
  • Dễ tăng cân và khó giảm cân
  • Các mảng da tối màu, thường là ở nếp gấp ở cỗ, bẹn và bên dưới ngực
  • Mụn thịt ở nách hoặc cổ
  • Vô sinh

5. Các biện pháp tránh thai nội tiết tố

Nhiều loại thuốc tránh thai có công dụng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giúp phụ nữ có kinh nguyệt đều đặn hơn mỗi tháng. Tuy nhiên, đôi khi những loại thuốc này lại gây tác dụng ngược lại, đặc biệt là trong vài tháng đầu sử dụng.

Tương tự, khi ngừng uống thuốc, có thể phải mất vài tháng thì chu kỳ kinh nguyệt mới trở lại bình thường. Khi mức hormone trong cơ thể trở về như trước thì có thể sẽ bị lỡ một vài kỳ kinh.

Nếu như đang sử dụng một biện pháp tránh thai nội tiết tố khác, ví dụ như đặt vòng tránh thai, que cấy hoặc tiêm thuốc tránh thai thì có thể bị ngừng kinh nguyệt hoàn toàn.

6. Giai đoạn tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là khoảng thời gian diễn ra trước khi bước vào giai đoạn mãn kinh, thường bắt đầu từ khoảng giữa đến cuối độ tuổi 40. Giai đoạn tiền mãn kinh kéo dài trong vài năm trước khi chu kỳ kinh nguyệt chấm dứt hoàn toàn.

Ở nhiều phụ nữ, lỡ kinh nguyệt là dấu hiệu đầu tiên của tiền mãn kinh. Có thể chỉ bị lỡ một kỳ kinh nguyệt và rồi trở về bình thường trong những tháng tiếp theo hoặc cũng có thể bị lỡ trong vài tháng liên tiếp và bất ngờ có kinh nguyệt trở lại, ra máu nhiều hơn hoặc ít hơn so với trước.

7. Mãn kinh sớm

Mãn kinh sớm xảy ra khi buồng trứng ngừng hoạt động trước tuổi 40.

Khi buồng trứng không còn hoạt động một cách bình thường thì sẽ không sản xuất đủ estrogen. Khi nồng độ estrogen giảm xuống mức thấp, phụ nữ sẽ bắt đầu gặp các triệu chứng mãn kinh.

Chậm kinh hoặc vô kinh là một trong những dấu hiệu mãn kinh sớm. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm và khó ngủ.

Các dấu hiệu khác của mãn kinh sớm gồm có:

  • Khô âm đạo
  • Khó thụ thai
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Khó tập trung

8. Vấn đề về tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến hình con bướm nằm ở đằng trước cổ, có nhiệm vụ sản sinh ra các hormone giúp điều chỉnh nhiều hoạt động trong cơ thể, bao gồm cả chu kỳ kinh nguyệt. Có một số vấn đề về tuyến giáp phổ biến, ví dụ như suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).

Cả suy giáp và cường giáp đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và gây kinh nguyệt thất thường nhưng đa phần thì chậm kinh và vô kinh là do cường giáp. Đôi khi, kinh nguyệt có thể biến mất trong vài tháng liên tiếp.

Các triệu chứng khác của vấn đề về tuyến giáp gồm có:

  • Tim đập nhanh
  • Chán ăn
  • Thay đổi cân nặng không rõ nguyên nhân
  • Hồi hộp hoặc lo lắng
  • Run tay
  • Người mệt mỏi
  • Rụng tóc
  • Khó ngủ

9. Các bệnh mãn tính

Một số vấn đề sức khỏe, bệnh lý mãn tính, đặc biệt là bệnh celiac và tiểu đường, đôi khi là thủ phạm dẫn đến những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt.

Bệnh celiac là một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Khi những người mắc bệnh này ăn các loại thực phẩm chứa gluten thì hệ miễn dịch sẽ phản ứng bằng cách tấn công niêm mạc ruột non.

Khi ruột non bị tổn thương thì sẽ làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự sản xuất hormone bình thường và dẫn đến vô kinh, chậm kinh cũng như là các bất thường về chu kỳ kinh nguyệt khác.

Những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1tuýp 2 cũng có thể gặp hiện tượng vô kinh nhưng điều này thường chỉ xảy ra trong những trường hợp mà lượng đường trong máu không được kiểm soát.

10. Mang thai

Nếu trước đây chu kỳ kinh vẫn đều đặn nhưng đột nhiên vài tháng gần đây không có kinh nguyệt và có khả năng mang thai thì nên thử thai. Tốt nhất nên thử trong vòng một tuần sau ngày đầu tiên có kinh nguyệt hàng tháng. Việc thử quá sớm có thể dẫn đến kết quả âm tính giả.

Nếu trước đây chu kỳ kinh nguyệt vốn đã không đều thì sẽ khó xác định thời điểm thử thai hơn. Bạn có thể thử nhiều lần vài tuần liên tiếp để có kết quả chính xác.

Các dấu hiệu sớm của mang thai gồm có:

  • Ngực căng, đau, nhạy cảm
  • Ngực to lên
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Người mệt mỏi
  • Ra máu nhẹ ở âm đạo
  • Thay đổi khẩu vị
  • Đau đầu
  • Thay đổi tâm trạng

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: chậm kinh
Tin liên quan
Nguyên nhân nào gây ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt?
Nguyên nhân nào gây ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt?

Có nhiều nguyên nhân gây ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt. Một số trong đó là những nguyên nhân vô hại nhưng cũng có những nguyên nhân cần can thiệp điều trị kịp thời.

Nguyên Nhân Nào Khiến Kinh Nguyệt Bắt Đầu Sớm?
Nguyên Nhân Nào Khiến Kinh Nguyệt Bắt Đầu Sớm?

Nguyên nhân kinh nguyệt đến sớm từ đâu? Thi thoảng kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường không phải điều gì đáng lo ngại. Bạn đừng quá lo lắng, hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết nhé!

Nguyên nhân gây đau đầu khi có kinh nguyệt
Nguyên nhân gây đau đầu khi có kinh nguyệt

Nồng độ hormone hay nội tiết tố dao động trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ gây ra nhiều thay đổi ở cơ thể. Ngoài những biểu hiện như đau bụng hay đau mỏi thắt lưng, nhiều phụ nữ còn gặp phải các cơn đau đầu trong những ngày đèn đỏ.

Nguyên nhân nào khiến kinh nguyệt ngắn hơn bình thường?
Nguyên nhân nào khiến kinh nguyệt ngắn hơn bình thường?

Nếu kinh nguyệt thường kéo dài 5 hoặc 6 ngày và đột nhiên bị rút ngắn xuống còn 2 ngày thì có thể là do những nguyên nhân như thay đổi trong cuộc sống, mới dùng biện pháp kiểm soát sinh sản hoặc bị căng thẳng.

Top 10 Nguyên Nhân Gây Chóng Mặt Trước Kỳ Kinh
Top 10 Nguyên Nhân Gây Chóng Mặt Trước Kỳ Kinh

Nguyên nhân gây chóng mặt trước kỳ kinh là gì? Hội chứng tiền kinh nguyệt, rối loạn tiền kinh nguyệt và đau bụng kinh là những nguyên nhân phổ biến nhất.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây