1

Nhịn ăn gián đoạn khi đang mang thai có an toàn không?

Giới hạn thời gian ăn trong một khung giờ của một ngày hoặc một vài ngày trong tuần sẽ khó có thể cung cấp đầy đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể người mẹ và thai nhi.
Nhịn ăn gián đoạn khi đang mang thai có an toàn không? Nhịn ăn gián đoạn khi đang mang thai có an toàn không?

Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ sẽ có nhiều thay đổi và càng về cuối thai kỳ thì những thay đổi này sẽ ngày càng tăng lên.

Một trong những thay đổi lớn nhất là tăng cân. Mặc dù điều này là bình thường nhưng lại khiến không ít mẹ bầu lo lắng rằng mình tăng cân quá nhiều, không có lợi cho em bé trong bụng hoặc sợ rằng sau khi sinh sẽ khó mà giảm cân về lại như trước.

Vì thế nên nhiều người bắt đầu nghĩ đến việc giảm cân ngay khi còn đang mang thai để kiểm soát cân nặng và các vấn đề sức khỏe khác trong thai kỳ. Một trong những phương pháp giảm cân rất phổ biến hiện nay là nhịn ăn gián đoạn. Phương pháp này đã được chứng minh là giúp giảm cân hiệu quả và còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tiểu đường nhưng liệu rằng nhịn ăn trong thời gian mang thai có an toàn hay không?

Nói chung, trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong thói quen ăn uống vào thai kỳ thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Nhưng bạn có thể đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu trước về nhịn ăn gián đoạn khi mang thai.

Tìm hiểu thêm: Những cách giảm cân cho phụ nữ mang thai.

Nhịn ăn gián đoạn là gì?

Khi nhịn ăn gián đoạn, bạn sẽ chỉ được ăn uống thoải mái trong một khoảng thời gian nhất định và thời gian còn lại sẽ phải nhịn hoàn toàn hoặc chỉ ăn rất ít. Có một số cách thực hiện nhịn ăn gián đoạn khác nhau:

  • Nhịn ăn hàng ngày: Chọn một khung giờ ăn uống trong ngày và chỉ ăn trong khung giờ đó. Ví dụ như phương pháp nhịn ăn gián đoạn 16/8, trong đó bạn chỉ được ăn trong 8 tiếng mỗi ngày và nhịn trong 16 tiếng còn lại. Mọi người thường chọn ăn từ 12 giờ trưa đến 8 giờ tối và sau đó không ăn gì cho đến 12 giờ trưa ngày hôm sau.
  • Nhịn ăn một số ngày trong tuần: chẳng hạn như nhịn ăn gián đoạn 5:2 (ăn bình thường 5 ngày và chỉ nạp vào rất ít calo trong 2 ngày còn lại) hay nhịn ăn cách ngày (xen kẽ một ngày nhịn ăn và một ngày ăn bình thường).

Có rất nhiều nghiên cứu về phương pháp nhịn ăn gián đoạn. Phương pháp này giúp cơ thể bước vào một trạng thái trao đổi chất gọi là ketosis, trong đó mỡ thừa được đốt cháy để tạo năng lượng. Ngoài ra, nhịn ăn gián đoạn còn mang lại một số lợi ích khác như:

  • Giảm phản ứng viêm trong cơ thể
  • Giảm lượng đường trong máu và huyết áp
  • Giảm mức cholesterol xấu (LDL cholesterol) và triglyceride

Một số nghiên cứu còn cho thấy rằng nhịn ăn gián đoạn có thể làm giảm yếu tố nguy cơ của các bệnh như tiểu đường, bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư.

Phần lớn các nghiên cứu đều tập trung vào tác dụng giảm cân của nhịn ăn gián đoạn và nhịn ăn được chứng minh là giúp giảm cân vì khiến cơ thể phải đốt cháy mỡ để tạo năng lượng. Ngoài ra, khi nhịn ăn thì lượng calo nạp vào sẽ được giảm đi đáng kể.

Trong một nghiên cứu nhỏ vào năm 2007, những người tham gia đã giảm được 8% khối lượng cơ thể chỉ sau 8 tuần nhịn ăn cách ngày, trong đó xen kẽ một ngày ăn bình thường và một ngày chỉ nạp vào lượng calo bằng 20% bình thường.

Liên quan: 10 lợi ích cho sức khỏe của phương pháp nhịn ăn gián đoạn

Nhịn ăn gián đoạn trong khi mang thai có an toàn không?

Phải luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào trong chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục khi mang thai.

Nói chung, phụ nữ mang thai không nên nhịn ăn gián đoạn.

Hiện chưa có kết luận về việc nhịn ăn gián đoạn sẽ có tác động tích cực hay tiêu cực đến thai kỳ. Tuy nhiên, đã có một số nghiên cứu về những tác động của nghi thức nhịn ăn trong tháng Ramadan của người Hồi giáo đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Đây là dịp lễ kéo dài khoảng 30 ngày và trong suốt thời gian này, mọi người không được ăn gì vào ban ngày. Mặc dù phụ nữ mang thai và đang cho con bú được miễn thực hiện nghi thức này nhưng một số người vẫn chọn nhịn ăn.

Một nghiên cứu được thực hiện ở phụ nữ mang thai cho thấy rằng những người nhịn ăn trong tháng Ramadan đã trải qua những thay đổi lớn về nồng độ glucose, insulin và triglyceride cũng như các chỉ số sức khỏe quan trọng khác. Tuy nhiên, những đứa trẻ có mẹ nhịn ăn vẫn có cân nặng khi sinh tương đương với những đứa trẻ mà mẹ ăn uống đầy đủ. Mặc dù vậy nhưng những phụ nữ trong nghiên cứu này chỉ nhịn ăn trong một tháng nên có thể chưa ảnh hưởng đến thai nhi và theo các nhà nghiên cứu thì việc nhịn ăn kéo dài trong thời gian mang thai có thể sẽ dẫn đến những vấn đề về sức khỏe sau này cho đứa trẻ và do đó nên tránh.

Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng việc nhịn ăn trong tháng Ramadan không ảnh hưởng đến cân nặng khi sinh của trẻ. Ngoài ra, không có mối liên hệ nào giữa việc nhịn ăn và sinh non. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng cần phải nghiên cứu thêm về những ảnh hưởng tiêu cực của việc nhịn ăn đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi.

Chúng ta đều biết rằng mang thai là khoảng thời gian rất quan trọng. Trong thời gian này, người mẹ cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để giúp thai nhi phát triển toàn diện về trí não và cơ thể, ngoài ra cần tích trữ mỡ nếu dự định cho con bú sau khi sinh.

Thay đổi lớn trong thói quen ăn uống có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe khác cho cả mẹ và bé. Ngoài ra, nhịn ăn còn dẫn đến những thay đổi về nồng độ hormone.

Hầu hết các nghiên cứu về nhịn ăn gián đoạn trong thai kỳ đều chủ yếu tập trung vào tác động đến cân nặng khi sinh của trẻ. Có thể nhịn ăn còn gây ra nhiều vấn đề khác chưa được nghiên cứu, chẳng hạn như nguy cơ sảy thai và những ảnh hưởng sau này đến đứa trẻ.

Hơn nữa, tác động của việc nhịn ăn đến cơ thể và thai kỳ ở mỗi phụ nữ là khác nhau. Nhịn ăn gián đoạn có thể an toàn với người này nhưng lại có thể gây ra những vấn đề không mong muốn cho người khác. Vì lý do này, phụ nữ mang thai nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn kế hoạch tăng cân phù hợp trong thai kỳ dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI) và tình trạng sức khỏe tổng thể để tránh phải giảm cân.

Đối với những phụ nữ có chỉ số BMI trong khoảng 18.5 đến 24.9 thì nên tăng từ 11 đến 15kg bằng chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng và uống nhiều nước. Những người tăng cân nhiều hơn mức cần thiết sẽ cần kiểm soát cân nặng dưới sự hướng dẫn và theo dõi cẩn thận của bác sĩ để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.

Nếu đã nhịn ăn gián đoạn từ trước khi mang thai thì sao?

Nếu bạn đang nhịn ăn gián đoạn và mang thai thì cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ xem có nên tiếp tục hay không. Có thể tiếp tục nhịn ăn cũng được nhưng không nên quá nghiêm ngặt như trước hoặc tốt nhất là tạm dừng nhịn ăn.

Vấn đề khi nhịn ăn gián đoạn trong thai kỳ

Mặc dù chưa có nhiều bằng chứng về các tác động lâu dài của phương pháp nhịn ăn gián đoạn đến phụ nữ mang thai và thai nhi nhưng các nhà nghiên cứu đã theo dõi những phụ nữ nhịn ăn trong tháng Ramadan và những thay đổi về sức khỏe của thai nhi. Kết quả cho thấy khi phụ nữ có mức đường huyết thấp do nhịn ăn thì sẽ phát hiện sự cử động của thai nhi chậm hơn.

Tần suất cử động của thai nhi thấp thường được coi là một dấu hiệu cảnh báo điều không bình thường và cần phải kiểm tra ngay lập tức, đặc biệt là khi gần đến ngày dự sinh. Thai nhi trong bụng thường sẽ thực hiện khoảng 10 chuyển động như đá, cựa quậy, huých trong vòng 1 đến 2 tiếng nhưng đôi khi, người mẹ cũng có thể cảm nhận được 10 chuyển động chỉ trong vòng nửa tiếng.

Với việc giới hạn thời gian ăn trong một khung giờ của một ngày hoặc một vài ngày trong tuần sẽ khó có thể cung cấp đầy đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể người mẹ và thai nhi.

Các vấn đề như thiếu máu do thiếu sắt xảy ra rất phổ biến ở phụ nữ mang thai. Và khi thai nhi không được cung cấp đủ chất sắt, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba thì sẽ có nguy cơ cao bị thiếu máu trước khi được 1 tuổi. Đây là vấn đề nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể được ngăn ngừa bằng một chế độ dinh dưỡng tốt trong thai kỳ.

Cần làm gì để tránh tăng cân quá nhiều khi mang thai?

Để tăng cân ổn định mà vẫn khỏe mạnh trong thai kỳ, mẹ bầu nên tiêu thụ thêm 300 calo mỗi ngày. Để tăng thêm lượng calo này thì chỉ cần ăn nhiều hơn một chút so với bình thường chứ không phải là “ăn cho hai người” như nhiều người vẫn quan niệm khi mang thai.

Ngoài ra, để tránh tăng cân quá nhiều thì cũng nên tăng lượng calo đốt cháy bằng cách vận động nhiều lên. Mẹ bầu có thể sẽ cảm thấy rất mệt, không muốn làm gì cả, đặc biệt là trong ba tháng đầu nhưng tích cực vận động không chỉ giúp ích cho cân nặng mà còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, rút ngắn thời gian chuyển dạ và giảm khả năng phải sinh mổ.

Nếu trước đây đã có thói quen tập thể dục đều đặn thì quá tốt nhưng hãy hỏi bác sĩ xem có cần điều chỉnh việc tập luyện hay không. Nếu không quen tập luyện thì hãy bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày, chẳng hạn như đi bộ hay một số động tác tập cardio tại chỗ.

Với phụ nữ đang muốn mang thai

Các nghiên cứu cho thấy việc nhịn ăn có một số tác động tích cực đến khả năng sinh sản.

Nhịn ăn gián đoạn có thể cải thiện khả năng sinh sản ở những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Trong một nghiên cứu gần đây ở những phụ nữ bị béo phì và buồng trứng đa nang, nhịn ăn gián đoạn đã làm tăng nồng độ hormone luteinizing (LH) – loại hormone có tác dụng hỗ trợ quá trình rụng trứng.

Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy giảm từ 5 đến 10% khối lượng cơ thể giúp ích cho chức năng sinh sản ở những phụ nữ thừa cân, béo phì. Vì nhịn ăn gián đoạn là một cách hiệu quả để giảm cân cũng như là cải thiện tình trạng kháng insulin và các vấn đề sức khỏe khác nên phương pháp này có thể tăng cường khả năng sinh sản và sức khỏe tổng thể của hệ sinh dục phụ nữ.

Tóm tắt bài viết

Phụ nữ mang thai không nên nhịn ăn gián đoạn, đặc biệt là những người chưa từng nhịn ăn trước đây.

Tăng cân là điều khó tránh khỏi trong thời gian mang bầu nhưng tốt nhất hãy để sau khi sinh xong mới bắt đầu các phương pháp giảm cân. Lúc này sẽ có nhiều lựa chọn hơn và giảm cân một cách hiệu quả hơn.

Và nếu vẫn đang cảm thấy lo lắng về cân nặng thì hãy nói chuyện với bác sĩ. Vào mỗi buổi khám thai mẹ bầu đều sẽ được kiểm tra cân nặng. Nếu bị tăng cân quá nhiều thì bác sĩ sẽ hướng dẫn cách kiểm soát cân nặng hoặc giảm cân một cách an toàn.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tập thể dục thế nào để đảm bảo an toàn khi nhịn ăn gián đoạn?
Tập thể dục thế nào để đảm bảo an toàn khi nhịn ăn gián đoạn?

Nếu bạn đang nhịn ăn gián đoạn để giảm cân hoặc vì những lý do khác và vẫn muốn tập thể dục thì sẽ cần biết một số ưu và nhược điểm của việc tập luyện ở trạng thái nhịn ăn.

Có nên nhịn ăn gián đoạn khi cho con bú không?
Có nên nhịn ăn gián đoạn khi cho con bú không?

Tăng cân là điều không thể tránh khỏi khi mang thai và việc giảm cân sau khi sinh không phải chuyện dễ.

Nhịn Ăn Gián Đoạn: Hướng Dẫn Cơ Bản Cho Người Mới Bắt Đầu
Nhịn Ăn Gián Đoạn: Hướng Dẫn Cơ Bản Cho Người Mới Bắt Đầu

Khác với các phương pháp ăn kiêng khác, nhịn ăn gián đoạn không quy định loại thực phẩm hay lượng calo cụ thể mà chỉ giới hạn khoảng thời gian ăn uống.

6 Cách Nhịn Ăn Gián Đoạn Giảm Cân Phổ Biến Nhất
6 Cách Nhịn Ăn Gián Đoạn Giảm Cân Phổ Biến Nhất

6 cách nhịn ăn gián đoạn giảm cân là những cách nào? Đây là phương pháp trở thành xu hướng trong những năm vừa qua và được nhiều người áp dụng. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!

10 lợi ích của phương pháp nhịn ăn gián đoạn
10 lợi ích của phương pháp nhịn ăn gián đoạn

Lý do phổ biến nhất mà nhiều người thực hiện nhịn ăn gián đoạn là để giảm cân nhưng phương pháp này còn có nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây