Nhận biết và quản lý suy tim tâm trương
Suy tim là thuật ngữ chung để chỉ nhiều tình trạng khi tim bị suy yếu và không còn bơm máu hiệu quả đến các cơ quan trong cơ thể.
Trong trường hợp suy tim tâm trương, tâm thất trái trở nên cứng và không thể giãn nở đủ để chứa máu trong khoảng nghỉ giữa các nhịp tim. Tình trạng này đôi khi được gọi là suy tim phân suất tống máu bảo tồn.
Nhận biết các triệu chứng sớm của suy tim tâm trương là điều quan trọng để có thể điều trị kịp thời trước khi tim suy yếu hơn nữa. Mặc dù suy tim là một tình trạng nghiêm trọng và hiện chưa có cách chữa khỏi, nhưng sự tiến bộ trong việc tạo ra các loại thuốc men và công nghệ y tế đã cải thiện tiên lượng cho nhiều người mắc bệnh này.
Suy tim tâm trương là gì?
Suy tim
Suy tim không có nghĩa là tim đã ngừng đập mà chỉ đơn giản là tim bị suy yếu và hoạt động kém hiệu quả hơn trước do cơn đau tim hoặc các tổn thương khác. Tim vẫn đập nhưng không thể bơm đủ lượng máu cần thiết để cung cấp cho các cơ quan và mô, hoặc phải hoạt động với áp lực cao hơn để làm được điều đó.
Bằng cách thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống, dùng thuốc và các thủ thuật nhằm cải thiện lưu lượng máu hoặc xử lý các vấn đề về van tim, nhiều người mắc suy tim vẫn có thể sống được trong thời gian dài.
Tâm trương và tâm thu
Để hiểu rõ hơn về suy tim tâm trương, cần phân biệt giữa tâm trương và tâm thu:
- Tâm thu (systole): Là khi tâm thất trái bơm máu đến cơ thể và tâm thất phải bơm máu đến phổi để được oxy hóa.
- Tâm trương (diastole): Là khoảng nghỉ giữa các nhịp tim, khi tâm nhĩ đẩy máu vào tâm thất để sẵn sàng cho nhịp tim tiếp theo.
Suy tim tâm trương
Suy tim tâm trương xảy ra khi tâm thất trái không thể giãn nở đủ hoặc cần áp lực cao hơn để chứa đầy lượng máu. Khi tim đập, lượng máu được bơm ra cơ thể ít hơn bình thường. Theo thời gian, các cơ quan có thể bị ảnh hưởng do lưu lượng máu giàu oxy và dưỡng chất giảm, cộng thêm cả áp lực bơm máu vào cao hơn.
Suy tim tâm trương còn được gọi là suy tim phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF). Phân suất tống máu đo lường lượng máu được bơm ra khỏi tâm thất trái mỗi khi tim co bóp.
- Một trái tim khỏe mạnh thường có phân suất tống máu từ 50–70%.
- HFpEF có thể được chẩn đoán với phân suất tống máu từ 40–49%.
Trong một số trường hợp suy tim tâm trương, phân suất tống máu có thể cao hơn, nhưng tâm thất trái không chứa được lượng máu cần thiết như bình thường.
Triệu chứng của suy tim tâm trương
Trong giai đoạn đầu, bạn có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng khi bệnh tiến triển, các triệu chứng sau có thể xuất hiện:
- Khó thở khi nằm hoặc khi thực hiện các hoạt động thông thường.
- Thở khò khè hoặc ho, đờm có thể lẫn máu.
- Khó tập trung và giảm trí nhớ.
- Giữ nước, gây sưng ở bàn chân hoặc bụng (phù).
- Tăng cân bất thường.
- Buồn nôn.
- Khó vận động thể chất.
- Chán ăn.
- Tim đập nhanh hoặc không đều (đánh trống ngực).
- Mệt mỏi.
Các triệu chứng này ban đầu có thể biểu hiện ở mức độ từ nhẹ đến vừa, nhưng nếu không điều trị thì sẽ có xu hướng nặng hơn theo thời gian.
Khi nào cần tìm kiếm sự hỗ trợ y tế
Triệu chứng nhẹ ban đầu của suy tim tâm trương có thể không ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, hãy lưu ý các dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ, bao gồm:
- Khó thở hoặc ho mỗi khi nằm.
- Tim đập không đều.
- Sưng đột ngột ở bụng hoặc bàn chân.
- Tăng cân bất thường.
- Ho dai dẳng hoặc thở khò khè có đờm.
Đau ngực có thể là dấu hiệu cho thấy suy tim trở nặng, nhưng cũng có thể là cơn đau tim và cần được xử lý như một trường hợp cấp cứu y tế. Các triệu chứng khác, đặc biệt khi kèm theo đau ngực, cần được cấp cứu là:
- Khó thở đột ngột.
- Ho ra đờm hồng hoặc lẫn máu.
- Choáng váng.
- Nhịp tim tăng nhanh đột ngột.
Nguyên nhân gây suy tim tâm trương
Suy tim tâm trương xảy ra khi cơ tim trở nên cứng lại. Tương tự nhiều bệnh lý tim mạch khác, tuổi tác cao là một trong những nguyên nhân chính gây suy tim tâm trương. Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ phổ biến khác bao gồm:
- Bệnh động mạch vành
- Tiểu đường
- Béo phì
- Hẹp van động mạch chủ
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
- Bệnh thận
Các phương pháp điều trị
Một nghiên cứu năm 2016 chỉ ra rằng suy tim tâm trương hiện là dạng suy tim phổ biến nhất. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng điểm mấu chốt trong điều trị suy tim tâm trương hiệu quả là “quản lý tích cực các yếu tố nguy cơ”, nghĩa là điều trị suy tim tâm trương đồng thời phải điều trị tốt các bệnh lý khác đi kèm.
Cụ thể, suy tim tâm trương thường được điều trị bằng cách kết hợp các phương pháp sau:
Thuốc
Loại thuốc phù hợp để điều trị sẽ phụ thuộc vào đặc điểm của suy tim và các bệnh lý đi kèm.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri–glucose 2 (SGLT2) có tên empagliflozin giúp giảm nguy cơ tử vong do tim mạch và số lần nhập viện ở những người mắc suy tim tâm trương.
Một bài báo năm 2020 báo cáo rằng thuốc lợi tiểu spironolactone khi được kết hợp với các loại thuốc hạ huyết áp khác sẽ giúp cải thiện tiên lượng cho người mắc suy tim tâm trương và bị huyết áp cao khó kiểm soát.
Tập thể dục
Suy tim có thể gây khó khăn khi tập thể dục, thậm chí gây nguy hiểm nếu vận động quá sức.Vì thế, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị bạn nên tham gia chương trình phục hồi chức năng tim để được hướng dẫn cách tập luyện an toàn và tránh các biến chứng trong tương lai.
Thủ thuật
Nếu có mạch máu bị tắc góp phần gây suy tim tâm trương, bạn có thể được chỉ định thực hiện nong mạch vành. Đây là thủ thuật sử dụng một bóng nhỏ được bơm hơi để mở rộng đoạn động mạch bị tắc, giúp cải thiện lưu lượng máu. Trong một số trường hợp, một ống đỡ động mạch (stent) được đặt để duy trì độ mở của động mạch.
Nếu vấn đề về van tim gây ảnh hưởng đến tâm thất trái, bạn có thể được chỉ định thay thế hoặc sửa chữa van tim.
Tham khảo những nguồn cung cấp thông tin về quản lý suy tim
Khi mắc suy tim, điều quan trọng là bạn cần phải thực hiện những thay đổi lối sống. Để duy trì sức khỏe, ngoài việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, bạn cần nhận biết các dấu hiệu thay đổi về sức khỏe thể chất và tinh thần có thể là do suy tim.
Nếu là người chăm sóc cho bệnh nhân suy tim, bạn nên nắm rõ những điều cần chuẩn bị để đảm nhận vai trò này tốt hơn.
Bạn nên tham khảo những nguồn thông tin hữu ích và xác thực để biết cách quản lý suy tim.
Tiên lượng cho người mắc suy tim tâm trương
Suy tim tâm trương là một tình trạng mãn tính có thể được kiểm soát khi được điều trị đúng cách và áp dụng lối sống lành mạnh , tốt cho tim mạch.
Một nghiên cứu năm 2020 cho biết, tỷ lệ tử vong hàng năm ở khoảng 6 triệu người Mỹ mắc suy tim tâm trương dao động từ 8–12%, trong đó người lớn tuổi có nguy cơ cao hơn. Một số ước tính cho thấy khoảng 50% người mắc suy tim có thể sống thêm được ít nhất 5 năm sau chẩn đoán, và khoảng 30% sống được ít nhất 10 năm.
Việc kiểm tra các triệu chứng ngay khi xuất hiện là rất quan trọng. Hãy phối hợp chặt chẽ với bác sĩ sau khi được chẩn đoán mắc suy tim để có cơ hội sống được lâu hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể. suy tim cấp là một tình trạng cấp cứu y tế, có thể xảy ra đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước.
Suy tim trái và suy tim phải có các triệu chứng khác nhau. Ví dụ, người bị suy tim trái có thể bị khó thở còn người bị suy tim phải có thể cảm thấy tim đập nhanh. Một số người có thể bị suy tim ở cả hai bên và các triệu chứng của cả hai loại suy tim cũng xuất hiện đồng thời.
Suy tim xảy ra khi tim trở nên yếu đi hoặc cứng hơn và không còn bơm máu hiệu quả như bình thường. Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ đánh giá triệu chứng, tiến hành khám lâm sàng và có thể sử dụng nhiều xét nghiệm cần thiết.
Suy tim phải xảy ra khi phần tim có trách nhiệm bơm máu đến phổi để nhận oxy bị suy giảm chức năng. Triệu chứng thường gặp của suy tim phải là tình trạng sưng ở mắt cá chân, cẳng chân, bàn chân hoặc bụng.
Suy tim tâm trương xảy ra khi tâm thất trái không thể đổ đầy máu. Đây là một loại suy tim sung huyết, tình trạng tim không hoạt động hiệu quả, gây tích tụ dịch trong cơ thể.