Nguyên nhân và cách điều trị da nhăn nheo
Da nhăn nheo là gì?
Da nhăn nheo là tình trạng da mỏng và có nhiều nếp nhăn. Da nhăn nheo còn có thể bị lỏng lẻo, chảy xệ. Có nếp nhăn trên da là điều bình thường và hầu hết tất cả mọi người đều gặp phải nhưng nếp nhăn thường chỉ xuất hiện đơn lẻ hoặc xảy ra trên một vùng da nhỏ trong khi da nhăn nheo là vấn đề xảy ra trên diện tích da lớn hơn và những vùng da nhăn nheo thường có cảm giác mỏng và yếu hơn rõ rệt. Da nhăn nheo có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào trên cơ thể nhưng thường là ở dưới mắt và vùng bên trong bắp tay.
Nguyên nhân khiến da nhăn nheo
Tổn hại do ánh nắng mặt trời là nguyên nhân phổ biến nhất gây hình thành nếp nhăn và khiến da trở nên nhăn nheo, nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất. Da nhăn nheo cũng có thể do lão hóa, da khô, giảm cân quá nhanh hoặc do nhiều nguyên nhân cùng gây ra.
Tia cực tím trong ánh nắng mặt trời phá hủy collagen và elastin trong da – đây là những thành phần giúp làn da luôn căng mịn và không có nếp nhăn. Một khi các sợi collagen và elastin bị phá hủy, da sẽ trở nên lỏng lẻo, mỏng và nhăn nheo.
Tuổi tác cũng là một yếu tố góp phần khiến da trở nên nhăn nheo. Theo thời gian, sự sản sinh collagen và elastin trong da sẽ giảm dần và điều này khiến cho da không còn giữ được vẻ căng mịn, đàn hồi. Ô nhiễm, căng thẳng và hút thuốc lá đều là những yếu tố có ảnh hưởng đến làn da trong suốt cuộc đời và có thể góp phần dẫn đến các dấu hiệu lão hóa.
Khi bắt đầu có tuổi, tuyến bã nhờn trong da tiết ra ít dầu hơn so với khi còn trẻ. Lượng dầu này có vai trò là hàng rào bảo vệ da tự nhiên và giúp giữ ẩm cho da. Sự thay đổi nội tiết tố cũng có thể khiến cho da bị khô và tạo ra ít dầu tự nhiên hơn. Da khô vì bất kỳ nguyên nhân gì cũng đều có thể trở nên thô ráp. Nếu tình trạng da nhăn nheo thi thoảng mới xảy ra hoặc xảy ra theo mùa thì rất có thể nguyên nhân là do da bị thiếu ẩm.
Cách ngăn ngừa da nhăn nheo
Bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời là điều vô cùng quan trọng để ngăn ngừa tình trạng da nhăn nheo. Hãy hạn chế tiếp xúc với ánh nắng một cách tối đa và luôn bôi kem chống nắng, đồng thời che chắn kỹ cho da khi ra ngoài trời.
Sử dụng một loại kem dưỡng ẩm hoặc sữa dưỡng thể tốt cũng giúp ích rất lớn trong việc ngăn ngừa da nhăn nheo. Bác sĩ Heidi A. Waldorf - giám đốc khoa Da liễu thẩm mỹ và Laser tại Bệnh viện Mount Sinai (New York, Mỹ) khuyến nghị sử dụng các sản phẩm có chứa glycerin hoặc axit hyaluronic để ngăn ngừa tình trạng da nhăn nheo và giúp da trở nên căng mịn hơn. Những thành phần này có tác dụng giữ độ ẩm lại trong da và hút hơi ẩm từ không khí vào da để làn da luôn đủ ẩm và căng mọng. Một số loại dầu tự nhiên như dầu dừa, dầu ô liu và bơ ca cao (cocoa butter) cũng có thể giúp dưỡng ẩm và làm mềm da.
Mặc dù chưa có loại thực phẩm tự nhiên hay thực phẩm chức năng nào được chứng minh là có thể cải thiện da nhăn nheo nhưng một chế độ ăn uống cân bằng có nhiều chất chống oxy hóa, chẳng hạn như các loại trái cây và rau củ màu sắc sặc sỡ, sẽ giúp tăng cường sức khỏe làn da và mang lại nhiều lợi ích lớn cho sức khỏe tổng thể. Đặc biệt, vitamin C rất có lợi cho làn da vì loại vitamin này đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh collagen.
Tuy nhiên, ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa sẽ không thể giúp cho da đẹp lên trong một sớm một chiều. Để cải thiện tình trạng da, bạn cần phải chăm sóc da đúng cách mỗi ngày và duy trì chế độ ăn uống có nhiều chất có lợi cho da về lâu dài.
Các phương pháp điều trị da nhăn nheo
Có nhiều phương pháp để làm giảm nếp nhăn trên da và cải thiện tình trạng da. Việc lựa chọn một phương pháp phù hợp sẽ phụ thuộc vào loại da, nguyên nhân gây ra nếp nhăn và vị trí cần điều trị trên cơ thể. Bất kể lựa chọn phương pháp nào, bạn càng bắt đầu điều trị từ sớm thì hiệu quả sẽ càng cao. Tốt nhất nên đi khám bác sĩ da liễu để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị chuyên sâu
Các phương pháp chuyên sâu để điều trị da nhăn nheo gồm có:
Retinoid bôi tại chỗ
Các sản phẩm retinoid bôi tại chỗ thường có dạng kem hoặc gel, có tác dụng thúc đẩy sự bong tế bào chết tự nhiên và tăng tốc độ tái tạo tế bào da. Tuy nhiên, khi sử dụng retinoid, bạn cần tăng cường dưỡng ẩm cho da để tránh làm cho da bị khô và càng trở nên nhăn nheo hơn.
Điều trị bằng laser fractional (Fraxel)
Phương pháp điều trị này sử dụng tia laser để làm nóng từng vùng nhỏ dưới da, từ đó kích thích sự sản sinh collagen mới. Điều này giúp tạo “bộ khung” nâng đỡ làn da và làm giảm nếp nhăn từ bên trong. Theo bác sĩ Kassouf, phương pháp điều trị bằng laser Fraxel thường cho kết quả rõ rệt nhất ở vùng da quanh mắt.
Điều trị bằng sóng siêu âm (Ulthera)
Tương tự như phương pháp điều trị bằng laser Fraxel, Ulthera là một công nghệ làm săn chắc da sử dụng sóng siêu âm để làm nóng các mô nâng đỡ bên dưới da. Nhiệt độ cao sẽ phá hủy một số tế bào và kích thích tăng sinh collagen để tăng cường sự đàn hồi, săn chắc của da. Phương pháp điều trị này thường được sử dụng cho mặt và cổ nhưng không phù hợp với vùng da bên trong bắp tay. Lý do là vì các dây thần kinh ở vùng trong bắp tay khiến cho da nhạy cảm và nếu điều trị ở vị trí này thì sẽ rất đau đớn. Hơn nữa, thuốc gây tê tại chỗ cũng không hiệu quả với khu vực này.
Đông hủy (CoolSculpting)
Đông hủy (cryolipolysis hay CoolSculpting) là một phương pháp điều trị không xâm lấn giúp loại bỏ các vùng mỡ nhỏ dưới da. Cơ chế của đông hủy là khiến cho lipid trong tế bào mỡ đông cứng lại và sau đó phân hủy từ từ. Phương pháp đông hủy thường được sử dụng khi da lỏng lẻo đi kèm nhiều mỡ thừa vì phương pháp này làm săn chắc da bằng cách loại bỏ mỡ bên dưới da.
Tiếm chất làm đầy (filler)
Các chất làm đầy kích thích sinh học như Radiesse hoặc Sculptra có thể giúp da nhăn nheo trở nên căng hơn, mịn màng hơn và dày hơn. Điểm đặc biệt của các chất làm đầy này so với các chất làm đầy thông thường là tác dụng kích thích sự sản sinh collagen tự nhiên trong da.
Sử dụng sản phẩm dưỡng da
Nếu làn da bị tổn thương và trở nên nhăn nheo do tác hại của ánh nắng mặt trời hoặc lão hóa thì có thể cải thiện bằng cách sử dụng các sản phẩm dưỡng da có chứa các thành phần như retinoid, alpha hydroxy acid (AHA) hoặc peptide. Những thành phần này có tác dụng thúc đẩy sự phát triển tế bào da mới và loại bỏ các tế bào chết hoặc hỏng. Các axit như axit lactic, axit salicylic, axit glycolic và axit hyaluronic còn có tác dụng giữ ẩm, giúp cho da căng mịn, đều màu và tươi tắn hơn.
Nếu da bị nhăn nheo ở cánh tay hoặc chân thì hãy thử các sản phẩm dưỡng thể có chứa ammonium lactate.
Phương pháp điều trị tự nhiên
Tẩy tế bào chết bằng đường là một cách đơn giản, ít tốn kém để loại bỏ tế bào da chết và giúp cho da trở nên mịn màng hơn. Ngoài ra, một điều quan trọng cần lưu ý trong quy trình chăm sóc da hàng ngày để ngăn ngừa và cải thiện tình trạng da nhăn nheo là phải sử dụng các loại sữa rửa mặt không làm mất đi hàng rào lipid và protein tự nhiên của da, đồng thời dưỡng ẩm kỹ cho da sau khi rửa mặt.
Nếu thực hiện đúng cách, ngay cả các bước chăm sóc da cơ bản hàng ngày cũng có thể giúp da nhăn nheo trở nên căng mịn và săn chắc hơn.
Viêm da tiết bã có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Ở người lớn, viêm da tiết bã là nguyên nhân gây ra gàu còn ở trẻ sơ sinh, tình trạng này được dân gian gọi là “cứt trâu” và có biểu hiện là những mảng vảy dày có màu nâu vàng trên đầu của trẻ.
Dầu dừa đang ngày càng được sử dụng phổ biến trong nấu ăn và ngoài ra, loại dầu này còn đang được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực làm đẹp nhờ có nhiều đặc tính có lợi, chẳng hạn như dưỡng ẩm, làm dịu da và bảo vệ tóc khỏi hư tổn. Thậm chí, dầu dừa còn được cho là có thể giúp làm giảm nếp nhăn.
Hắc lào hay nấm da là một bệnh về da do một nhóm nấm ăn keratin có tên là dermatophyte gây ra. Các loại nấm này phát triển trên da, tóc và móng vì đó là những khu vực có nhiều keratin của cơ thể.
Nguyên lý của việc dùng dầu để làm sạch da là “dầu hòa tan dầu”. Phương pháp làm sạch da bằng dầu mang lại nhiều lợi ích cho da như loại bỏ dầu thừa, giảm bít tắc lỗ chân lông và làm sạch tế bào da chết.
Tăng sắc tố da là một vấn đề rất phổ biến và có nhiều giải pháp điều trị khác nhau, từ những phương pháp đơn giản có thể thực hiện tại nhà cho đến những phương pháp chuyên sâu cần thực hiện tại bệnh viện hay spa.