1

5 cách đơn giản để điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Viêm da tiết bã có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Ở người lớn, viêm da tiết bã là nguyên nhân gây ra gàu còn ở trẻ sơ sinh, tình trạng này được dân gian gọi là “cứt trâu” và có biểu hiện là những mảng vảy dày có màu nâu vàng trên đầu của trẻ.
5 cách đơn giản để điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh 5 cách đơn giản để điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Viêm da tiết bã là vấn đề rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, đa phần là vô hại và tự hết sau một thời gian. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 3 tháng tuổi nhưng có thể kéo dài đến một năm hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp viêm da tiết bã đều khỏi trước khi trẻ lên 1 tuổi.

Viêm da tiết bã thường xảy ra trên da đầu của trẻ nhưng cũng có thể xuất hiện ở sau tai. Đôi khi, các mảng vảy còn hình thành ở dưới lông mày hoặc trên mũi, nách hoặc bẹn. Các mảng vảy này có thể khô hoặc nhờn và thường có màu trắng xám hoặc nâu vàng.

Viêm da tiết bã không gây đau, thậm chí còn không ngứa và không nguy hại gì đến sức khỏe của trẻ nên không cần thiết phải điều trị. Tuy nhiên, nếu như bố mẹ muốn loại bỏ các mảng vảy khó chịu trên đầu của con mình thì có thể thử một số phương pháp điều trị tại nhà đơn giản dưới đây. Hầu hết các biện pháp khắc phục đều chỉ có hiệu quả tạm thời nhưng nếu thực hiện thường xuyên thì cũng có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng viêm da tiết bã và cho dù không điều trị thì vấn đề cũng sẽ tự hết.

Lưu ý, luôn phải hết sức nhẹ nhàng với làn da mỏng manh của trẻ để tránh gây kích ứng, trầy xước da và dẫn đến nhiễm trùng.

Các cách điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

1. Chải da đầu

Nhẹ nhàng chải da đầu cho trẻ là một cách đơn giản để làm bong các mảng vảy do viêm da tiết bã nhưng không được chải mạnh hay cậy vảy. Nên sử dụng lược mềm dành riêng cho trẻ sơ sinh hoặc bàn chải đánh răng có lông mềm để không làm tổn thương da đầu của bé.

Cách thực hiện:

  1. Nhẹ nhàng chải theo một chiều ở vùng da đầu bị viêm da tiết bã để làm bong vảy.
  2. Tiếp tục chải qua tóc để loại bỏ vảy bám trên tóc.
  3. Có thể thực hiện khi tóc khô hoặc khi da đầu còn ẩm sau khi gội.

Nên chải da đầu cho trẻ mỗi ngày một lần nhưng nếu da đầu của bé bị đỏ hoặc kích ứng thì vài ngày mới chải một lần.

Việc chải da đầu sẽ loại bỏ bớt vảy và còn giúp cải thiện sức khỏe của da đầu. Đây là một phương pháp an toàn để khắc phục viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh.

2. Dưỡng ẩm da đầu

Dưỡng ẩm cho da đầu sẽ giúp làm bong vảy và còn nuôi dưỡng cho da đầu ở bên dưới. Nên dưỡng ẩm cho da đầu bé bằng các loại dầu có nguồn gốc từ thực vật nguyên chất, chẳng hạn như dầu ô liu, dầu dừa, dầu jojoba hoặc dầu hạnh nhân. Hoặc cũng có thể sử dụng dầu dưỡng ẩm dành cho trẻ em. Cho dù sử dụng loại nào thì cũng phải bôi thử dầu lên một vùng da nhỏ trước để xem dầu có gây kích ứng hay dị ứng không.

Cách thực hiện:

  1. Thoa một lớp dầu mỏng lên da đầu của trẻ.
  2. Nhẹ nhàng mát-xa khoảng một phút. Chú ý không ấn mạnh lên vùng thóp.
  3. Để dầu ngấm trong khoảng 15 phút.
  4. Gội sạch dầu bằng dầu gội dịu nhẹ dành cho trẻ sơ sinh.

Có thể thực hiện phương pháp này mỗi ngày một lần.

3. Gội đầu cho trẻ

Gội đầu đúng cách cũng là một cách hiệu quả để loại bỏ bớt các vảy cứng trên da đầu. Chỉ cần dùng các loại dầu gội dành riêng cho trẻ sơ sinh là đủ để điều trị viêm da tiết bã. Không sử dụng dầu gội trị gàu khi chưa có sự cho phép của bác sĩ vì các hóa chất trong loại dầu gội này có thể gây hại cho trẻ.

Cách thực hiện:

  1. Làm ướt tóc và da đầu.
  2. Lấy một lượng dầu gội vừa đủ và xoa lên da đầu.
  3. Sử dụng khăn mềm để tạo bọt và nhẹ nhàng xoa lên các vùng da bị viêm da tiết bã. Có thể sử dụng lược mềm để chải da đầu cho trẻ trong khi gội.
  4. Xả sạch dầu gội bằng nước ấm.

Trao đổi với bác sĩ nhi khoa về tần suất gội đầu cho trẻ. Gội đầu quá nhiều sẽ làm khô da đầu và khiến cho tình trạng bong tróc trở nên nặng hơn.

Gội đầu là cách rất hiệu quả để tạm thời loại bỏ các mảng vảy do viêm da tiết bã và cách này rất an toàn nếu như sử dụng dầu gội dành cho trẻ sơ sinh. Chú ý cẩn thận khi gội để bọt dầu gội không dính vào mắt bé.

4. Bôi thuốc theo đơn của bác sĩ

Trong những trường hợp viêm da tiết bã nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê thuốc trị nấm, kem hydrocortisone hoặc kẽm. Thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc này.

5. Thử dùng tinh dầu

Tinh dầu là chất lỏng được chiết xuất từ các loài thực vật, có chứa các hợp chất ở nồng độ cao. Sử dụng các loại tinh dầu có đặc tính kháng khuẩn có thể giúp điều trị viêm da tiết bã do nhiễm nấm (mặc dù đây không phải là nguyên nhân phổ biến gây viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh). Các loại tinh dầu có đặc tính chống viêm có thể làm dịu da đầu.

Một số loại tinh dầu có thể giúp điều trị viêm da tiết bã là tinh dầu chanh hoặc tinh dầu phong. Không được bôi tinh dầu trực tiếp lên da mà phải pha loãng với một loại dầu nền như dầu jojoba hoặc dầu dừa. Tinh dầu tràm trà cũng có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm nhưng lại không an toàn cho trẻ sơ sinh, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Cách thực hiện:

  1. Pha loãng 2 giọt tinh dầu với 2 muỗng canh dầu nền.
  2. Bôi hỗn hợp tinh dầu lên vùng da bị viêm da tiết bã.
  3. Để nguyên trong vài phút.
  4. Dùng lược mềm chải nhẹ để làm bong vảy.
  5. Gội sạch dầu bằng dầu gội.

Không nên thực hiện phương pháp này thường xuyên. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại tinh dầu nào lên da bé.

Nguyên nhân gây viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Không phải tất cả trẻ sơ sinh đều bị viêm da tiết bã nhưng đây là một vấn đề rất phổ biến. Hiện các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây viêm da tiết bã. Đó lý do tại sao dạng viêm da này rất khó ngăn ngừa và điều trị dứt điểm. Ở người lớn, viêm da tiết bã hay gàu có thể xảy ra do nhiễm một loại nấm men có tên là Malassezia nhưng loại nấm này thường không phải nguyên nhân gây viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh.

Theo một số nhà khoa học, nguyên nhân gây viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh có thể là do nội tiết tố được truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ.

Đôi khi, viêm da tiết bã xảy ra do hệ miễn dịch bị suy yếu. Trong những trường hợp này, trẻ sẽ còn có các triệu chứng khác ngoài viêm da tiết bã và cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Viêm da tiết bã không gây hại đến sức khỏe của trẻ nhưng vẫn nên báo với bác sĩ khi cho trẻ đi khám định kỳ.

Nếu da đầu bị đỏ nhiều hay có dấu hiệu bị nhiễm trùng thì phải đưa trẻ đi khám ngay. Ngoài ra, cũng phải cho con đi khám nếu viêm da tiết bã lan xuống mặt hoặc các vùng khác trên cơ thể bé.

Viêm da tiết bã và viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh

Viêm da tiết bã có một số đặc điểm tương tự với viêm da cơ địa hay bệnh chàm ở trẻ sơ sinh nhưng viêm da cơ địa thường gây ngứa trong khi viêm da tiết bã thì không. Khi đi khám, bác sĩ sẽ xác định chính xác vấn đề mà trẻ đang gặp phải.

Tóm tắt bài viết

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh thường vô hại và sẽ tự hết trước khi trẻ được 1 tuổi.

Có nhiều phương pháp an toàn mà bố mẹ có thể thực hiện tại nhà để loại bỏ các mảng vảy cứng trên da đầu trẻ do viêm da tiết bã. Dù chọn phương pháp nào thì cũng phải hết sức nhẹ nhàng để không làm tổn thương làn da nhạy cảm của bé.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ và cách điều trị
Các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ và cách điều trị

Mặc dù viêm da cơ địa gây khó chịu và thường khó điều trị nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng bệnh ở trẻ nhỏ.

Các cách điều trị bệnh hắc lào đơn giản tại nhà
Các cách điều trị bệnh hắc lào đơn giản tại nhà

Hắc lào hay nấm da là một bệnh về da do một nhóm nấm ăn keratin có tên là dermatophyte gây ra. Các loại nấm này phát triển trên da, tóc và móng vì đó là những khu vực có nhiều keratin của cơ thể.

Bệnh viêm da dị ứng: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Bệnh viêm da dị ứng: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Bệnh viêm da dị ứng là tình trạng da bị phát ban ngứa khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tình trạng này thường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc với chất gây ra phản ứng dị ứng.

Tinh dầu tràm trà (tea tree oil) có thể giúp điều trị viêm da cơ địa
Tinh dầu tràm trà (tea tree oil) có thể giúp điều trị viêm da cơ địa

Tinh dầu tràm trà chứa các thành phần có đặc tính chữa lành nên có thể giúp làm giảm các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát viêm da cơ địa.

Tác dụng của dầu dừa trong điều trị viêm da cơ địa
Tác dụng của dầu dừa trong điều trị viêm da cơ địa

Mặc dù không thể chữa trị dứt điểm nhưng dầu dừa có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa một cách hiệu quả bằng cách làm dịu da, giảm kích ứng và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây