1

Các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ và cách điều trị

Mặc dù viêm da cơ địa gây khó chịu và thường khó điều trị nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng bệnh ở trẻ nhỏ.
Các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ và cách điều trị Các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ và cách điều trị

Từ khi sinh ra cho đến suốt những năm đầu đời, trẻ có thể gặp phải nhiều vấn đề về da khác nhau, từ hăm tã, rôm sảy cho đến phát ban do virus và phát ban da toàn thân. Gần như tất cả trẻ nhỏ đều từng bị mẩn đỏ và ngứa ít nhất một vài lần.

Tuy nhiên, nếu thi thoảng trẻ lại bị phát ban và mỗi lần đều kèm theo các triệu chứng khác như da khô và đóng vảy thì cha mẹ cần phải lưu ý.

Rất có thể con đã bị một bệnh về da mãn tính gọi là viêm da cơ địa hay bệnh chàm, eczema. Đây là một bệnh viêm da khá phổ biến ở trẻ nhỏ từ 1 – 3 tuổi. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, cứ 10 trẻ thì có ít nhất 1 trẻ bị bệnh lý này.

Mặc dù viêm da cơ địa không phải bệnh nguy hiểm nhưng sẽ khiến cho trẻ bị ngứa ngáy, khó chịu và thậm chí là đau đớn.

Ở một số người, viêm da cơ địa không đi kèm các bệnh lý khác nhưng ở nhiều người, dạng viêm da này lại là dấu hiệu của dị ứng da, dị ứng toàn thân hoặc hệ miễn dịch hoạt động quá mức. Do đó cần đi khám để tìm ra nguyên nhân gốc rễ.

Dưới đây là những điều mà cha mẹ cần biết về bệnh viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ, gồm có nguyên nhân, các triệu chứng và phương pháp điều trị.

Viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa là một bệnh viêm da mãn tính thường xảy ra do hàng rào bảo vệ da bị suy yếu. Điều này khiến cho da trở nên nhạy cảm hơn với các tác nhân như chất gây dị ứng, nhiệt độ cao, vi sinh vật hoặc căng thẳng và da sẽ phản ứng bằng cách tạo ra phản ứng viêm, dẫn đến các triệu chứng như phát ban, đỏ, ngứa, khô và đóng vảy.

Ở một số người, do gen di truyền nên cơ thể có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với các chất gây kích ứng trên da. Điều này cũng có thể gây ra các dạng dị ứng khác ở trẻ nhỏ, chẳng hạn như:

  • Hen suyễn
  • Dị ứng phấn hoa theo mùa
  • Dị ứng lông vật nuôi
  • Dị ứng thực phẩm

Nếu biết cách phòng ngừa và điều trị, cha mẹ hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng viêm da cơ địa của con. Tuy nhiên, thi thoảng bệnh sẽ vẫn bùng phát, có nghĩa là triệu chứng bệnh quay lại hoặc trở nên nghiêm trọng hơn trước khi khỏi hẳn.

Ở nhiều trẻ, viêm da cơ địa tự khỏi khi trẻ lên 5, 6 tuổi nhưng cũng có những trẻ vẫn tiếp tục bị viêm da cơ địa cho đến tuổi đi học và thậm chí là tận đến tuổi trưởng thành.

Các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ

Các triệu chứng viêm da cơ địa ở mỗi người không hoàn toàn giống nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và vị trí bị bệnh. Tuy nhiên, các triệu chứng phổ biến của viêm da cơ địa gồm có:

  • Có các mảng da đỏ, khô
  • Nổi các cụm sẩn nhỏ màu đỏ
  • Da có các mảng đóng vảy dày cứng, có thể gồ lên và nứt nẻ, chảy máu
  • Đôi khi còn bị nổi sẩn chứa mủ

Viêm da cơ địa thường gây ngứa ngáy và việc gãi nhiều sẽ gây rách hay trầy xước da, có thể dẫn đến nhiễm trùng. Do đó, điều quan trọng là phải tránh để trẻ gãi hoặc cắt ngắn móng tay và đeo găng tay khi đi ngủ vào ban đêm cho trẻ để giảm tổn thương da khi gãi.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Nên đưa trẻ đi khám khi lần đầu phát hiện thấy các triệu chứng viêm da cơ địa. Cũng nên đi khám nếu triệu chứng xuất hiện ở một vùng da mới hoặc có thêm các triệu chứng khác so với trước đây, chẳng hạn như vùng da tổn thương bị nứt nẻ, chảy máu, trợt loét, chảy dịch và sốt. Đây có thể là những dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, bác sĩ sẽ đổi loại thuốc mới hoặc kê thuốc bổ sung.

Viêm da cơ địa có thể xảy ra ở vị trí nào trên cơ thể?

Viêm da cơ địa có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào trên cơ thể tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.

Ví dụ, nếu trẻ bị dị ứng cỏ và đùa nghịch trên bãi cỏ thì các triệu chứng viêm da cơ địa có thể xuất hiện ở cẳng tay, đầu gối và cẳng chân.

Trẻ có thể bị viêm da cơ địa ở xung quanh miệng sau khi ăn các loại thức ăn có tính axit như cam, dứa hoặc ở các nếp gấp da khi đổ mồ hôi.

Vị trí bị viêm da cơ địa trên cơ thể có thể thay đổi theo thời gian. Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng thường xuất hiện trên mặt và đầu (viêm da tiết bã) nhưng khi được 1 tuổi và lớn hơn, viêm da cơ địa có thể xảy ra ở những vị trí như:

  • Nếp gấp da ở của khuỷu tay
  • Sau đầu gối
  • Cổ
  • Mí mắt
  • Xung quanh miệng
  • Cổ tay và mắt cá chân

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ

Viêm da cơ địa có thể xảy ra ở bất cứ đứa trẻ nào nhưng trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu như:

  • có tiền sử gia đình bị viêm da cơ địa
  • mắc bệnh hen suyễn
  • bị dị ứng

Dị ứng thực phẩm không gây ra viêm da cơ địa nhưng hai vấn đề này có liên quan đến nhau.

Theo một nghiên cứu vào năm 2017, các bệnh lý khác có thể liên quan đến viêm da cơ địa gồm có rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ. (1)

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các tác nhân từ môi trường là nguyên nhân lớn nhất gây bùng phát viêm da cơ địa. Các yếu tố kích hoạt phổ biến gồm có:

  • Nhiệt độ quá cao hoặc đổ mồ hôi
  • Các chất gây dị ứng trong môi trường như phấn hoa, bụi và lông vật nuôi
  • Căng thẳng
  • Nhiễm virus
  • Không khí lạnh, khô – đó là lý do tại sao viêm da cơ địa thường nặng hơn vào mùa đông
  • Chảy nước dãi khi mọc răng
  • Các chảy tẩy rửa như xà phòng, bột giặt
  • Một số loại vải tổng hợp như len và polyester
  • Khói thuốc lá
  • Nước hoa

Các cách điều trị viêm da cơ địa cho trẻ nhỏ

Mặc dù viêm da cơ địa gây khó chịu và thường khó điều trị nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng bệnh ở trẻ nhỏ.

Dưỡng ẩm da

Vì viêm da cơ địa xảy ra khi hàng rào bảo vệ da bị tổn hại và mất khả năng giữ ẩm nên cần phải tăng cường độ ẩm cho da của trẻ để làm giảm các triệu chứng.

Thường xuyên dưỡng ẩm bằng thuốc mỡ hoặc kem bôi da, đặc biệt là sau khi tắm sẽ giúp ngăn chặn sự mất hơi ẩm và phục hồi hàng rào bảo vệ da.

Ngoài ra, bố mẹ có thể thử liệu pháp quấn ướt để điều trị viêm da cơ địa cho con.

Cách thực hiện như sau:

  1. Nhúng các miếng băng hoặc vải sạch, mềm trong nước ấm và vắt bớt nước
  2. Đắp vải phủ kín lên vùng da bị viêm da cơ địa
  3. Đặt một miếng vải khô lên các tấm vải ướt và để nguyên trong vài tiếng hoặc qua đêm

Điều trị bằng thuốc không kê đơn

Thuốc kháng histamin dạng uống và bôi tại chỗ có tác dụng giảm ngứa và có thể mua tại các hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Ngoài ra có thể điều trị viêm da cơ địa bằng kem bôi hydrocortisone nhưng các sản phẩm không kê đơn thường có nồng độ thấp hơn so với sản phẩm kê đơn.

Điều trị bằng thuốc kê đơn

Nếu đã thử các loại thuốc không kê đơn mà tình trạng bệnh không có tiến triển thì sẽ cần điều trị bằng các loại thuốc kê đơn như:

  • Corticoid nồng độ cao
  • Thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc sinh học, có tác dụng kiểm soát đáp ứng miễn dịch và ngăn ngừa bùng phát viêm da cơ địa
  • Liệu pháp ánh sáng, có tác dụng giảm ngứa và viêm

Tránh các yếu tố khiến bệnh bùng phát

Thực ra đây không phải là một cách điều trị mà là một biện pháp phòng ngừa nhưng việc biết rõ và tránh các tác nhân kích hoạt triệu chứng bệnh là điều vô cùng quan trọng để làm giảm các đợt bùng phát.

Dưới đây là những biện pháp để ngăn ngừa bùng phát các triệu chứng viêm da cơ địa:

  • Tránh các tác nhân từ môi trường có thể gây kích ứng, dị ứng da
  • Chọn quần áo nhẹ, thoáng bằng vải cotton cho trẻ
  • Giữ ẩm cho da của trẻ
  • Thấm nhẹ bằng khăn bông mềm sau khi tắm
  • Không để da bé tiếp xúc với các chất tẩy rửa mạnh
  • Giữ cho phòng ngủ của trẻ luôn mát mẻ (nhưng không được để lạnh và khô)

Các biện pháp điều trị tại nhà

Dưới đây là một số biện pháp điều trị viêm da cơ địa tại nhà mà bố mẹ có thể thử để kiểm soát các triệu chứng mỗi khi bệnh bùng phát:

  • Khóa ẩm cho da hoặc liệu pháp quấn ướt: Khi da vẫn còn ẩm sau khi tắm, hãy thoa ngay kem dưỡng lên vùng da bị bệnh để khóa ẩm. Ngoài ra có thể thực hiện liệu pháp quấn ướt như hướng dẫn ở trên.
  • Dưỡng ẩm thường xuyên: Thuốc mỡ và các loại sáp dầu khoáng như Vaseline và Aquaphor có tác dụng giữ ẩm tốt hơn so với các sản phẩm dạng kem.
  • Dùng thuốc kháng histamin: Các loại thuốc kháng histamin như Benadryl có tác dụng giảm ngứa và viêm. Nếu chưa bao giờ dùng loại thuốc này trước đây thì cần phải kiểm tra liều lượng phù hợp với độ tuổi và cân nặng của trẻ.
  • Sử dụng các thành phần dưỡng ẩm tự nhiên: Dầu dừa có công dụng giữ ẩm cho da và giảm viêm rất tốt. Hơn nữa, dầu dừa an toàn cho làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trừ khi trẻ bị dị ứng.
  • Không tắm quá nhiều: Lau người cho trẻ thay vì tắm hàng ngày. Không sử dụng các loại xà phòng và sữa tắm có chứa thành phần gây kích ứng. Tốt nhất nên chọn các sản phẩm không tạo bọt và thi thoảng cho trẻ ngâm mình bằng bột yến mạch keo để làm dịu da.

Tóm tắt bài viết

Viêm da cơ địa là một bệnh về da phổ biến ở trẻ nhỏ. Ở những trẻ bị bệnh này, gen di truyền khiến cho cơ thể nhạy cảm quá mức với các tác nhân kích thích và phản ứng của hệ miễn dịch gây ra các triệu chứng như phát ban, ngứa ngáy và khô da.

Viêm da cơ địa có thể khởi phát khi trẻ mới được vài tháng tuổi và tự khỏi sau vài năm nhưng cũng có thể kéo dài đến tận tuổi trưởng thành. Có nhiều cách để ngăn ngừa, điều trị và kiểm soát các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa, từ các biện pháp điều trị tại nhà cho đến thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn.

Xem thêm:

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: viêm da cơ địa
Tin liên quan
5 cách đơn giản để điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh
5 cách đơn giản để điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Viêm da tiết bã có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Ở người lớn, viêm da tiết bã là nguyên nhân gây ra gàu còn ở trẻ sơ sinh, tình trạng này được dân gian gọi là “cứt trâu” và có biểu hiện là những mảng vảy dày có màu nâu vàng trên đầu của trẻ.

Tinh dầu tràm trà (tea tree oil) có thể giúp điều trị viêm da cơ địa
Tinh dầu tràm trà (tea tree oil) có thể giúp điều trị viêm da cơ địa

Tinh dầu tràm trà chứa các thành phần có đặc tính chữa lành nên có thể giúp làm giảm các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát viêm da cơ địa.

Tác dụng của dầu dừa trong điều trị viêm da cơ địa
Tác dụng của dầu dừa trong điều trị viêm da cơ địa

Mặc dù không thể chữa trị dứt điểm nhưng dầu dừa có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa một cách hiệu quả bằng cách làm dịu da, giảm kích ứng và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Dầu dừa có thể điều trị viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh không?
Dầu dừa có thể điều trị viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh không?

Viêm da cơ địa là một trong những bệnh về da phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một phương pháp điều trị viêm da cơ địa phổ biến là dùng thuốc bôi và kem dưỡng ẩm để làm dịu da và giảm các triệu chứng. Ngoài ra, các phương pháp tự nhiên như dầu dừa cũng đã được chứng minh là có thể giúp điều trị viêm da cơ địa.

Sử dụng dầu dừa để điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh
Sử dụng dầu dừa để điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Nhiều trẻ sơ sinh có những mảng dày cứng, màu vàng hoặc trắng giống như vảy trên da đầu. Những mảng này có thể xuất hiện ở bên dưới tóc, sau tai, trên trán, quanh nếp gấp da hoặc trên lông mày. Đó có thể là những dấu hiệu của viêm da tiết bã. Vấn đề này tuy vô hại nhưng nhìn rất khó chịu. Có nhiều cách để điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh và một trong số đó là sử dụng dầu dừa.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây