1

Người mắc suy tim nên ăn và nên tránh những gì?

Thay đổi chế độ ăn có thể giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa suy tim tiến triển nặng hơn. Người mắc suy tim nên tăng cường thực phẩm có nguồn gốc thực vật và thịt nạc, đồng thời giảm muối, rượu, cũng như các loại chất lỏng khác.
Hình ảnh 121 Người mắc suy tim nên ăn và nên tránh những gì?

Nếu bạn được chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để điều trị. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyến nghị phẫu thuật hoặc sử dụng thiết bị y tế cấy dưới da để hỗ trợ tim hoạt động đúng cách.

Bác sĩ cũng có thể khuyến khích bạn thay đổi lối sống, bao gồm cả chế độ ăn uống. Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể dù bạn bị suy tim tâm thu hay tâm trương.

Hãy đọc tiếp để tìm hiểu về những thay đổi trong chế độ ăn có thể giúp bạn kiểm soát suy tim.

Cân nhắc áp dụng chế độ ăn DASH hoặc Địa Trung Hải

Chế độ ăn DASH được thiết kế để giúp làm giảm huyết áp, tập trung vào thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và chất béo tốt cho tim. Chế độ ăn Địa Trung Hải, phổ biến ở nhiều quốc gia vùng Địa Trung Hải, cũng mang lại lợi ích tương tự.

Áp dụng chế độ ăn DASH hoặc Địa Trung Hải có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu về dinh dưỡng. Khi tuân theo các chế độ ăn này, bạn nên lựa chọn thực phẩm chứa ít muối, đặc biệt là hạn chế sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn và đóng gói.

Để tìm hiểu thêm về các chế độ ăn này, nếu có thể, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Họ sẽ giúp bạn hiểu rõ lợi ích và hạn chế của từng chế độ ăn phù hợp với bản thân.

Chế độ ăn chứa thực phẩm giàu dinh dưỡng

Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, bạn cần ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và các dưỡng chất thiết yếu khác. Đồng thời, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều calo nhưng ít dinh dưỡng.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị chế độ ăn giàu thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, như:

  • Trái cây và rau củ
  • Các loại đậu và hạt
  • Ngũ cốc nguyên hạt

Bạn cũng có thể bổ sung nhiều dưỡng chất thiết yếu từ các sản phẩm động vật ít béo, như:

  • Hải sản
  • Thịt gia cầm không da
  • Sản phẩm từ sữa ít béo

Giảm lượng muối tiêu thụ

Khi bạn ăn quá nhiều muối hoặc natri, cơ thể sẽ giữ lại chất lỏng. Điều này làm tăng huyết áp và gây áp lực nhiều hơn lên tim.

Đối với người bị suy tim, điều này đặc biệt quan trọng vì natri có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy tim và ảnh hưởng lâu dài đến thận và tim.

AHA thường khuyến nghị hạn chế lượng natri tiêu thụ hàng ngày ở mức 1.500–2.300 mg.

Tuy nhiên, kết quả của việc hạn chế natri hơn nữa ở người bệnh tim vẫn chưa được kết luận chắc chắn. Một nghiên cứu năm 2023 thậm chí còn chỉ ra rằng giảm natri quá mức có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở người bị suy tim.

Bác sĩ sẽ xác định lượng natri phù hợp dựa trên tình trạng cụ thể và loại suy tim là tâm thu hay tâm trương.

Natri tự nhiên có trong nhiều thực phẩm, bao gồm hải sản, gia cầm, thịt đỏ, sản phẩm từ sữa và thực phẩm từ thực vật. Tuy nhiên, nguồn cung cấp nhiều natri nhất là muối, thường được thêm vào các món ăn tự làm và hầu hết thực phẩm chế biến.

Để giảm lượng natri trong chế độ ăn, bạn cần:

  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói, như canh đóng hộp, đồ ăn đông lạnh, thịt xông khói, mì và cơm trộn sẵn, nước xốt và gia vị, bánh quy và các loại đồ ăn vặt khác.
  • Khi mua thực phẩm chế biến sẵn hoặc đóng gói, hãy đọc nhãn dinh dưỡng và chọn các sản phẩm ít natri.
  • Giảm lượng muối thêm vào các món tự làm. Thay vào đó, sử dụng thảo mộc, gia vị, nước chanh hoặc các nguyên liệu ít natri khác để nêm nếm món ăn.

Để giúp bạn hiểu thêm về cách giảm lượng natri và thực hiện các thay đổi khác trong chế độ ăn, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến gặp chuyên gia dinh dưỡng.

Hạn chế lượng nước uống vào

Nếu bạn bị suy tim, tùy thuộc vào triệu chứng cụ thể, bác sĩ có thể khuyến khích bạn theo dõi và giới hạn lượng nước uống vào mỗi ngày, ở mức khoảng 30 ml mỗi kg trọng lượng cơ thể.

Bạn cần uống đủ nước để duy trì sự cân bằng, nhưng uống quá nhiều có thể làm tăng huyết áp và gây áp lực lên tim, đặc biệt là khi bạn mắc suy tim.

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để biết lượng nước phù hợp mà bạn nên uống mỗi ngày. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc lợi tiểu (diuretics) giúp cơ thể loại bỏ lượng nước dư thừa.

Hạn chế uống rượu

Để bảo vệ hệ tim mạch, bác sĩ có thể khuyên bạn nên giảm lượng rượu uống vào nếu bản thân có thói quen này.

Theo Tổ chức Tim mạch Anh, người mắc bệnh tim vẫn có thể uống rượu ở mức vừa phải, nhưng một số bệnh tim có thể yêu cầu bạn phải tránh hoàn toàn.

Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác. Theo Hướng dẫn Chế độ ăn uống của Hoa Kỳ 2020–2025, mức tiêu thụ rượu vừa phải là tối đa 2 ly mỗi ngày đối với nam giới và 1 ly mỗi ngày đối với nữ giới.

Nếu bạn có uống rượu, hãy hỏi bác sĩ xem liệu mình có thể uống ở mức vừa phải hay không.

Trao đổi với bác sĩ về việc hạn chế calo

Trong một số trường hợp, giảm cân có thể mang lại lợi ích vì giúp giảm áp lực lên tim. Tuy nhiên, hầu hết mọi người cần giảm calo để giảm cân, và điều quan trọng là không được hạn chế dinh dưỡng một cách quá mức.

Hãy hỏi bác sĩ để biết liệu việc cắt giảm calo có phù hợp với mình hay không và nếu có thì nên giảm bao nhiêu calo mỗi ngày. Nếu cần hỗ trợ trong việc giảm calo mà vẫn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến gặp chuyên gia dinh dưỡng.

Chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn học cách lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng chứa ít calo. Họ cũng có thể hướng dẫn bạn cách chọn những thực phẩm ít calo mà vẫn giúp bạn cảm thấy no và đủ năng lượng làm việc.

Câu hỏi thường gặp

Người bị suy tim không nên ăn hoặc uống gì?

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), bạn nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, đồ ngọt, và các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol, natri, hoặc đường tinh luyện.

Chế độ ăn kiêng tốt cho tim mạch

Bạn có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng nếu muốn tuân theo một kế hoạch ăn uống cụ thể. Họ có thể giúp bạn xây dựng thực đơn hàng ngày hoặc hàng tuần với các bữa ăn chứa đầy đủ dưỡng chất cần thiết.

Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải tuân theo một chế độ ăn kiêng cụ thể. Chỉ cần thêm các thực phẩm lành mạnh vào thói quen hàng ngày và lựa chọn thực phẩm tốt cho tim mạch trong mỗi bữa ăn.

Bữa sáng lành mạnh cho người bị suy tim

Cháo yến mạch là một lựa chọn tốt cho tim mạch. Bạn có thể thêm gia vị, trái cây hoặc các loại hạt để tăng hương vị. Một số bữa sáng tốt cho tim mạch có thể chế biến trong vòng 20 phút hoặc ít hơn, trong đó có cháo yến mạch.

Loại thịt nào tốt nhất cho người bị suy tim?

Các loại thịt tốt nhất cho người bị suy tim bao gồm thịt gia cầm, cá, và các loại thịt đỏ nạc như thịt lợn hoặc thịt bò.

Kết luận

Chế độ ăn giàu dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu bạn mắc suy tim, bác sĩ có thể khuyên bạn hạn chế tiêu thụ muối, rượu và các loại chất lỏng khác. Để giúp bạn thay đổi chế độ ăn, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến gặp các chuyên gia dinh dưỡng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những Điều Cần Biết Về Suy Tim Phải
Những Điều Cần Biết Về Suy Tim Phải

Suy tim phải xảy ra khi phần tim có trách nhiệm bơm máu đến phổi để nhận oxy bị suy giảm chức năng. Triệu chứng thường gặp của suy tim phải là tình trạng sưng ở mắt cá chân, cẳng chân, bàn chân hoặc bụng.

Những điều cần biết về suy tim mất bù
Những điều cần biết về suy tim mất bù

Suy tim mất bù (decompensated heart failure - DHF) là tình trạng các triệu chứng suy tim trở nên nghiêm trọng đến mức cần được can thiệp y tế ngay lập tức. Khó thở là triệu chứng phổ biến nhất của DHF.

Những điều cần biết về hóa trị và suy tim
Những điều cần biết về hóa trị và suy tim

Hầu hết những người trải qua hóa trị đều sẽ không mắc suy tim. Tuy nhiên, một số loại thuốc hóa trị có thể làm tăng đáng kể nguy cơ suy tim và các vấn đề tim mạch khác.

Chế độ ăn cho người bị suy tim sung huyết (CHF)
Chế độ ăn cho người bị suy tim sung huyết (CHF)

Bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn, chẳng hạn như hạn chế natri và chất lỏng dư thừa để làm giảm sự tích tụ dịch do suy tim gây ra.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây