Đau tim và suy tim có gì khác nhau?
Đau tim là gì?
Đau tim xảy ra khi lưu lượng máu đến một vùng tim bị tắc nghẽn, khiến mô tim không nhận đủ oxy để duy trì sự sống. Nếu không được điều trị kịp thời, mô tim có thể bị tổn thương và bắt đầu chết.
Đau tim có tên y khoa là nhồi máu cơ tim (myocardial infarction). Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) ước tính rằng cứ 40 giây lại có một người ở Hoa Kỳ bị đau tim.
Suy tim là gì?
Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của các cơ quan và mô trong cơ thể. CDC ước tính có khoảng 6,2 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị suy tim.
Suy tim có một số dạng khác nhau:
Suy tim trái
Đây là dạng suy tim phổ biến nhất, ảnh hưởng đến phần tim bơm máu giàu oxy ra khỏi tim để cung cấp cho các mô trên cơ thể.
Có hai loại suy tim trái:
- Suy tâm thu: Còn gọi là suy tim phân suất tống máu giảm. Xảy ra khi tâm thất trái không bơm máu hiệu quả.
- Suy tâm trương: Còn gọi là suy tim phân suất tống máu bảo tồn. Xảy ra khi tâm thất trái trở nên cứng và không giãn ra đủ giữa các nhịp đập, khiến máu không được bơm đầy đủ.
Suy tim phải và suy tim toàn bộ
- Suy tim phải ảnh hưởng đến phần tim nhận máu nghèo oxy từ cơ thể và không thể bơm máu đến phổi hiệu quả.
- Suy tim toàn bộ xảy ra khi cả hai bên tim đều bị suy giảm chức năng.
Suy tim sung huyết
Suy tim sung huyết là một giai đoạn cụ thể của suy tim, khi máu trở về tim bị ứ lại, gây phù nề ở các vùng khác nhau trên cơ thể.
Tình trạng này có thể là do suy tim trái, suy tim phải, hoặc cả hai bên. Đây là một bệnh tiến triển, nghĩa là triệu chứng thường trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Những khác biệt chủ yếu giữa đau tim và suy tim
Bài viết sẽ tập trung phân tích so sánh nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị của đau tim và suy tim.
Nguyên nhân
Đau tim xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần, thường do các mảng xơ vữa hoặc cục máu đông. Trong khi đó, suy tim thường xảy ra do tình trạng tim bị tổn thương hoặc phải làm việc quá sức.
Nguyên nhân dẫn đến đau tim
- Bệnh động mạch vành: là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau tim. Các mảng xơ vữa tích tụ làm thu hẹp động mạch vành. Khi mảng xơ vữa vỡ ra, cục máu đông hình thành và làm gián đoạn lưu lượng máu.
- Co thắt động mạch vành: Tình trạng này ít gặp hơn, cũng làm hạn chế lưu thông máu, xảy ra do bị áp lực về tâm lý hoặc thể chất nghiêm trọng, thời tiết lạnh hoặc sử dụng ma túy như cocaine.
Nguyên nhân dẫn đến suy tim
- Suy tâm thu: Do các bệnh lý làm yếu hoặc tổn thương tim, như bệnh động mạch vành, tổn thương do từng bị đau tim, loạn nhịp tim, hoặc bệnh van tim.
- Suy tâm trương: Do các bệnh lý khiến tim phải làm việc quá sức, làm cứng mô tim, như huyết áp cao, tiểu đường, béo phì.
- Suy tim phải: Thường do suy tim trái gây ra, khi máu ứ lại trong phần tim bên phải làm cản trở hoạt động của tim phải. Các nguyên nhân khác gồm bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hoặc thuyên tắc phổi.
Triệu chứng
Các triệu chứng phổ biến nhất của đau tim và suy tim có thể khác nhau. Những thông tin dưới đây sẽ phân tích chi tiết hơn về triệu chứng của mỗi tình trạng trên.
Triệu chứng đau tim
Một trong những triệu chứng điển hình của đau tim là đau ngực. Cơn đau có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng, thường giống như cảm giác ngực bị áp lực, bị đầy, hoặc bóp nghẹt.
Cơn đau do đau tim cũng có thể lan đến các khu vực khác như:
- Cánh tay
- Vai
- Lưng
- Cổ hoặc hàm
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Khó thở
- Đổ mồ hôi lạnh
- Chóng mặt
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
Triệu chứng suy tim
Khó thở là một trong những triệu chứng phổ biến của suy tim. Khi tim không cung cấp đủ máu giàu oxy cho cơ thể, phổi sẽ làm việc nhiều hơn để lấy thêm oxy.
Các triệu chứng cụ thể khác của từng loại suy tim:
Suy tim trái:
- Cảm giác yếu người hoặc mệt mỏi
- Ho
- Khó tập trung
- Móng tay hoặc môi có màu xanh
- Khó ngủ khi nằm thẳng
- Sưng phù ở chân
Suy tim phải:
- Chán ăn
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Sưng phù ở chân hoặc bụng
- Tăng cân không rõ nguyên nhân
- Đi tiểu thường xuyên
Suy tim toàn bộ:
Khi cả hai bên tim bị ảnh hưởng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng của cả suy tim trái và suy tim phải.
Điều trị
Điều trị đau tim tập trung vào việc khôi phục lưu lượng máu đến tim và ngăn ngừa tổn thương thêm. Trong khi đó, điều trị suy tim chủ yếu để kiểm soát các yếu tố gây bệnh, giảm áp lực cho tim và ngăn bệnh tiến triển.
Điều trị đau tim
- Một số loại thuốc thường được sử dụng gồm:
- Thuốc làm tan cục máu đông
- Nitroglycerin giúp giãn mạch, cải thiện lưu thông máu
- Thuốc làm loãng máu hoặc thuốc chống đông máu giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông
- Thuốc giảm đau
- Thuốc chẹn beta hoặc thuốc ức chế men chuyển (ACEi) để hạ huyết áp
- Thuốc statin để giảm cholesterol
- Can thiệp động mạch vành qua da (PCI):
Thủ thuật này giúp mở động mạch bị tắc và khôi phục lưu lượng máu. Bác sĩ có thể đặt một stent để giữ cho động mạch mở.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG):
Sử dụng động mạch hoặc tĩnh mạch khỏe mạnh từ cơ thể để tạo đường dẫn máu mới vòng qua vị trí tắc nghẽn.
- Thay đổi lối sống:
Bác sĩ sẽ khuyến nghị các thay đổi trong lối sống để bảo vệ tim và ngăn ngừa cơn đau tim tái phát.
Điều trị suy tim
Tùy thuộc vào loại suy tim, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Các loại thuốc giúp:
- Loại bỏ chất lỏng và natri thừa qua đường tiểu, như thuốc lợi tiểu và thuốc kháng aldosterone
- Làm chậm nhịp tim, như thuốc chẹn beta và ivabradine
- Giãn mạch máu, như thuốc ức chế men chuyển (ACEi) hoặc ARBs
- Tăng cường co bóp cơ tim, như digoxin (lanoxin)
- Một số thiết bị có thể được cấy ghép để hỗ trợ điều trị suy tim, gồm:
- Máy tạo nhịp tim để điều hòa nhịp tim
- Thiết bị hỗ trợ tâm thất để giúp bơm máu hiệu quả hơn
- Máy khử rung tim tự động để theo dõi nhịp tim và phát ra các xung điện (cú sốc điện) để khôi phục nhịp tim
- Phẫu thuật:
Có thể cần dùng thủ thuật để điều trị động mạch bị tắc, bệnh van tim hoặc dị tật bẩm sinh. Trong các trường hợp nặng, có thể cần ghép tim.
- Thay đổi lối sống:
Tương tự như đau tim, bác sĩ sẽ đề xuất các thay đổi trong lối sống để cải thiện sức khỏe tim và ngăn bệnh trở nặng hơn.
Cần làm gì nếu nghi ngờ bị đau tim?
Nếu nghi ngờ mình hay ai đó bị đau tim, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Đây là trường hợp khẩn cấp cần được can thiệp sớm để tránh biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong. Càng được điều trị sớm thì kết quả sẽ càng khả quan hơn.
Dấu hiệu cảnh báo đau tim có thể bao gồm:
- Đau hoặc tức ngực
- Khó thở
- Đổ mồ hôi lạnh
- Chóng mặt
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
- Đau lan đến cánh tay, vai, lưng, cổ hoặc hàm.
Cần lưu ý rằng triệu chứng của đau tim có thể khác nhau ở mỗi người. Ví dụ, phụ nữ thường gặp các triệu chứng như mệt mỏi bất thường, buồn nôn và chóng mặt nhiều hơn so với nam giới.
Nên làm gì để cải thiện sức khỏe tim mạch?
Dù có khác nhau về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị nhưng đau tim và suy tim có nhiều yếu tố nguy cơ giống nhau, bao gồm:
- Tuổi cao
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim
- Hút thuốc lá
- Chế độ ăn nhiều muối, cholesterol, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
- Ít hoạt động thể chất
Các bệnh lý nền như huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường hoặc béo phì
Để phòng ngừa bệnh tim, bao gồm cả đau tim và suy tim, hãy thực hiện các khuyến nghị sau để bảo vệ sức khỏe tim mạch:
- Ăn thực phẩm lành mạnh: Hạn chế hoặc tránh sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều muối, đường, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (chất béo trans).
- Hạn chế uống rượu: Uống nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Hãy giới hạn lượng tiêu thụ: tối đa 2 ly mỗi ngày đối với nam và 1 ly mỗi ngày đối với nữ.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, bao gồm cả bệnh tim. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để lên kế hoạch cai thuốc hiệu quả.
- Tăng cường vận động: Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn. Mục tiêu lý tưởng là 30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
- Kiểm soát cân nặng: Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Bác sĩ có thể sẽ gợi ý cho bạn các phương pháp giảm cân an toàn.
- Kiểm soát các bệnh lý khác: Đảm bảo rằng các bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp cao hoặc cholesterol cao được điều trị và kiểm soát đúng cách. Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tim.
- Chọn thực phẩm tốt cho tim mạch: Ưu tiên chế độ ăn nhiều:
- Trái cây và rau củ tươi
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Cá và thịt nạc
- Sản phẩm từ sữa ít béo
- Chất béo không bão hòa
Các câu hỏi thường gặp
Người bị suy tim sống được bao lâu?
Một bài đánh giá năm 2019 cho thấy gần 57% người bị suy tim mạn tính sống được 5 năm và gần 35% sống được 10 năm.
Người từng bị đau tim bị giảm bao nhiêu năm tuổi thọ?
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), trung bình, người từng bị đau tim sẽ giảm khoảng 16 năm tuổi thọ.
Đau tim hay suy tim xảy ra trước?
Thông thường, đau tim sẽ xảy ra trước. Đau tim có thể dẫn đến suy tim.
Kết luận
Đau tim và suy tim là hai tình trạng có nhiều yếu tố nguy cơ và bệnh lý nền giống nhau.
- Đau tim xảy ra khi dòng máu đến một vùng tim bị chặn hoàn toàn hoặc một phần.
- Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Dù khác nhau về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị nhưng các bước phòng ngừa đau tim và suy tim đều tương tự nhau, bao gồm chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát tốt các bệnh lý nền.
Đau thắt ngực là một triệu chứng, không phải là một bệnh lý, nhưng có thể xuất hiện khi bệnh nhân bị bệnh mạch vành, hay còn gọi là bệnh động mạch vành (CAD). Bài viết này sẽ phân tích sự khác biệt giữa hai vấn đề tim mạch này, cách xác định nguyên nhân của các triệu chứng và khi nào cần tìm đến sự chăm sóc y tế.
Cơn đau tim và ngừng tim đều là những trường hợp cấp cứu đe dọa đến tính mạng. Cần nhận biết được các triệu chứng của từng tình trạng và biết cách xử lý để có thể cứu sống người bệnh. Bài viết này sẽ so sánh triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và tiên lượng của hai tình trạng này.
Thường xuyên bị căng thẳng có thể dẫn đến giảm tuổi thọ, hoặc thậm chí gây tử vong. Theo các nghiên cứu, căng thẳng tâm lý tăng cao có thể là do các vấn đề sức khỏe tim mạch, bao gồm huyết áp cao, đau tim và đột quỵ. Bài viết này sẽ phân tích xem căng thẳng ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể và có liên quan gì đến đau tim.