1

Ngủ ngáy có dẫn đến suy tim không?

Ngủ ngáy là triệu chứng của tình trạng ngưng thở khi ngủ - hơi thở bị gián đoạn liên tục trong khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến suy tim.
Hình ảnh 124 Ngủ ngáy có dẫn đến suy tim không?

Ngủ ngáy có hại cho tim không?

Khoảng 25% người trưởng thành ở Mỹ mắc phải tình trạng ngủ ngáy mạn tính. Đây là một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến cả những người ngủ cùng. Ngủ ngáy không chỉ gây phiền toái do tạo ra âm thanh khó chịu mà còn có thể là dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Không phải ai ngủ ngáy cũng mắc tình trạng này, nhưng với những người bị ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy có thể dẫn đến suy tim.

Suy tim, hay còn gọi là suy tim sung huyết, là một tình trạng mạn tính tiến triển theo thời gian và cần được điều trị y tế. Suy tim xảy ra khi tim không bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến suy tim. Đây là một rối loạn khiến hơi thở bị ngắt quãng liên tục trong lúc ngủ. Chứng ngưng thở khi ngủ có hai loại chính:

  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA): Là loại phổ biến hơn, có thể gây suy tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và đột quỵ.
  • Ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA): ngủ ngáy có thể xảy ra như một triệu chứng của CSA nhưng không phải triệu chứng thường gặp.

Hãy đọc tiếp để tìm hiểu về mối liên hệ giữa ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ và suy tim.

Ngủ ngáy có phải là dấu hiệu của suy tim không?

Ngủ ngáy không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của suy tim nhưng đây có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang mắc phải chứng ngưng thở khi ngủ. Vì ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến suy tim và các tình trạng nghiêm trọng khác nên việc xác định nguyên nhân gây ra tình trạng ngủ ngáy, đặc biệt là khi ngáy to và kéo dài, là rất quan trọng.

Mối liên hệ giữa ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ và chức năng tim

Ngưng thở khi ngủ trung ương xảy ra khi não không gửi tín hiệu đến các cơ hoành để kiểm soát hoạt động hô hấp.

Ngủ ngáy thường do tắc nghẽn đường thở. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn gây ra những cơn ngưng thở ngắn, lặp lại từ 20–30 lần mỗi giờ trong lúc ngủ. Hơi thở bị gián đoạn liên tục sẽ làm giảm lượng oxy trong máu. Khi mức oxy giảm, não sẽ đánh thức cơ thể để hít thở sâu nhằm bù lại oxy bị thiếu. Người bệnh thường không nhớ rằng mình đã thức dậy dù điều này có thể xảy ra hàng trăm lần trong đêm.

Hơi thở bị gián đoạn nhiều lần cũng làm tăng nồng độ cortisol và adrenaline, hai hormone được sản sinh khi gặp căng thẳng, góp phần gây suy tim và tăng huyết áp, đồng thời có thể dẫn đến các cơn đau tim.

Cơ thể bị đánh thức liên tục gây áp lực đáng kể lên tim và toàn bộ hệ tim mạch. Hơn nữa, ngủ không sâu cũng khiến cơ thể không tái tạo đủ năng lượng cần thiết để duy trì sức khỏe tổng thể và làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe đang mắc phải.

Các triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thường có những triệu chứng như:

  • Ngủ ngáy to
  • Thở hổn hển
  • Khịt mũi
  • Nghẹn thở
  • Giật mình thức giấc do tiếng ngủ ngáy của chính mình
  • Thức giấc nhiều lần trong đêm
  • Thường xuyên bị đau đầu hoặc khô miệng lúc mới tỉnh dậy
  • Mệt mỏi cực độ vào ban ngày

Ngưng thở khi ngủ trung ương có nhiều triệu chứng tương tự như ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Tuy nhiên, ngủ ngáy lại không phải triệu chứng điển hình của tình trạng này, và nếu có thì mức độ cũng không bằng ngủ ngáy do OSA. Các dấu hiệu khác cần lưu ý là:

  • Bất chợt thức giấc kèm theo tình trạng khó thở
  • Mất ngủ
  • Mệt mỏi cực độ vào ban ngày
  • Thay đổi tâm trạng
  • Đau đầu kéo dài khi mới ngủ dậy

Ngoài ra, các triệu chứng sau đây là dấu hiệu chính của cả hai loại ngưng thở khi ngủ, dù ít người biết rằng chúng có liên quan đến nhau:

  • Rối loạn cương dương
  • Tiểu đêm nhiều lần
  • Đái dầm (ở người trưởng thành)

Nguyên nhân gây ra chứng ngưng thở khi ngủ

Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) và ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA) xảy ra do các nguyên nhân sinh lý khác nhau. OSA xảy ra do tắc nghẽn đường hô hấp trên, từ đó làm hạn chế luồng không khí. CSA xuất hiện khi tín hiệu từ não bị gián đoạn, làm rối loạn quá trình hô hấp bình thường.

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA)

OSA xảy ra khi họng (hầu họng) bị xẹp xuống trong khi ngủ. Điều này xảy ra do các cơ nâng đỡ mô mềm của đường thở trên bị giãn ra, thu hẹp và chặn luồng không khí tự nhiên lưu thông qua hệ hô hấp. Để duy trì sức khỏe tim mạch và sức khoẻ tổng thể, không khí cần lưu thông từ miệng và mũi vào phổi mà không bị cản trở.

Người Mỹ gốc Phi, người bản địa Mỹ và người gốc Tây Ban Nha có tỷ lệ mắc OSA cao hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể là do các nhóm này có tỷ lệ béo phì cao hơn. OSA có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi và nam giới. Ở phụ nữ, OSA thường gặp nhất sau mãn kinh.

Ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA)

CSA xảy ra khi não không thể gửi tín hiệu đến cơ hoành, nhóm cơ kiểm soát hoạt động hô hấp, khiến cơ không co bóp và giãn nở.

Sử dụng thuốc gây nghiện, như opioid, có thể gây CSA. Ngoài ra, việc ngủ ở một nơi có độ cao mà cơ thể chưa quen cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

Các bệnh nền, đặc biệt những bệnh ảnh hưởng đến hành não (phần dưới cùng của thân não), cũng có thể gây CSA. Đó là những bệnh như suy tim sung huyết và đột quỵ.

CSA có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh, nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Ngủ ngáy không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, nếu bạn hoặc người thân gặp phải các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ, trong đó có ngủ ngáy thì hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Bác sĩ sẽ đánh giá triệu chứng và nếu cần thì cũng sẽ thực hiện các xét nghiệm kiểm tra suy tim như:

  • Chụp cắt lớp vi tính (Chụp CT)
  • Siêu âm tim (echocardiogram)
  • Nghiệm pháp gắng sức (stress test)

Bạn cũng có thể được giới thiệu đến tham vấn một bác sĩ chuyên điều trị các vấn đề về giấc ngủ. Họ có thể thực hiện một loại xét nghiệm đặc biệt, kéo dài qua đêm gọi là đo đa ký giấc ngủ (polysomnography) để theo dõi quá trình hô hấp, các chuyển động của cơ thể và chức năng tim khi bạn ngủ. Quá trình đo đa ký giấc ngủ diễn ra trong nhiều giờ và sẽ ghi lại các thông tin về:

  • Sóng não
  • Nhịp tim
  • Hô hấp
  • Lượng oxy trong máu
  • Chuyển động của chân và mắt

Xét nghiệm này giúp chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ và các rối loạn khác như hội chứng chân không yên và chứng ngủ rũ.

Câu hỏi thường gặp

Ngủ ngáy có gây đau tim không?

Ngủ ngáy không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đau tim, nhưng ngưng thở khi ngủ là một yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng nguy hiểm này. Nếu bạn bị ngủ ngáy do chứng ngưng thở khi ngủ, lượng cortisol và adrenaline trong cơ thể sẽ tăng lên mỗi khi bạn bị đánh thức. Quá trình này có thể xảy ra hàng trăm lần mỗi đêm, và việc tích tụ các hormone được tiết ra khi căng thẳng này dần dần sẽ làm tăng nguy cơ đau tim.

Ngủ ngáy có ảnh hưởng gì khác đến cơ thể?

Ngủ ngáy có thể khiến bạn mệt mỏi, suy giảm trí nhớ và dễ cáu gắt vào ban ngày. Về lâu dài, ngủ ngáy có thể dẫn đến tiểu đường tuýp 2, suy tim, tăng huyết áp và đột quỵ.

Kết luận

Ngủ ngáy là triệu chứng phổ biến của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Đây cũng có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ trung ương, dù ít gặp hơn.

Ngưng thở khi ngủ là yếu tố nguy cơ gây suy tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim. Nếu bạn hoặc người thân bị ngủ ngáy to, kéo dài, hãy liên hệ bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Suy tim sung huyết có thể hồi phục không?
Suy tim sung huyết có thể hồi phục không?

Khả năng bơm máu của tim khi bị suy yếu không phải lúc nào cũng có thể cải thiện được, nhưng trong một số trường hợp, điều trị và thay đổi lối sống tích cực có thể mang lại hiệu quả đáng kể.

Suy tim sung huyết có di truyền không?
Suy tim sung huyết có di truyền không?

Suy tim sung huyết có thể xảy ra do những tình trạng di truyền qua các thế hệ trong gia đình. Tuy nhiên, việc thực hiện thói quen sống lành mạnh và nhận được điều trị y tế có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc suy tim.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây