Mụn cóc sinh dục ảnh hưởng thế nào khi mang thai?
HPV và mụn cóc sinh dục
Mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Đó là những khối mô sần sùi, thô ráp hình thành ở bộ phận sinh dục của cả nam và nữ. Mụn cóc thường có màu da hoặc màu nâu, hình thành đơn lẻ hoặc tạo thành cụm, gây ngứa ngáy, khó chịu.
Nguyên nhân gây mụn cóc sinh dục là do nhiễm HPV hay virus u nhú ở người. Đây là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HPV cũng đều bị mụn cóc sinh dục. Có hơn 150 chủng HPV khác nhau, một số chủng gây ra mụn cóc, trong khi một số chủng lại có thể gây ung thư. Và cũng có những trường hợp HPV không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.
HPV là thủ phạm gây ra phần lớn các ca ung thư cổ tử cung. Đó là lý do tại sao phụ nữ được khuyến khích nên làm xét nghiệm Pap smear (phết tế bào cổ tử cung) thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư cổ tử cung và HPV.
Nhiều phụ nữ có thắc mắc khi bị nhiễm HPV và mụn cóc sinh dục mà mang thai thì có ảnh hưởng gì hay không? Dưới đây là lời giải đáp về những rủi ro và cách điều trị vấn đề này trong thời gian mang thai.
Mụn cóc sinh dục ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ?
Nếu có tiền sử nhiễm HPV thì cần thông báo với bác sĩ. Cũng cần cho bác sĩ biết nếu như đã từng bị mụn cóc sinh dục hay xét nghiệm Pap smear cho kết quả bất thường trước đây.
Mặc dù HPV thường không ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi nhưng những phụ nữ bị nhiễm virus này sẽ cần được theo dõi cẩn thận hơn để phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong thời gian mang thai. Ngoài ra, ở một số phụ nữ, mụn cóc sinh dục còn phát triển to lên trong khi mang thai.
Mụn cóc sinh dục khi mang thai có biến chứng gì không?
Thông thường, mụn cóc sinh dục sẽ không ảnh hưởng đến việc mang thai. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể phát sinh các biến chứng.
Trong thời gian mang thai, mụn cóc có thể phát triển lớn hơn bình thường. Ở một số phụ nữ, điều này gây đau đớn mỗi khi đi tiểu. Mụn cóc lớn còn có thể gây chảy máu khi sinh. Đôi khi, mụn cóc còn hình thành trên thành âm đạo và khiến âm đạo không thể giãn ra đủ để thai nhi có thể đi qua. Trong những trường hợp này thì sẽ cần sinh mổ.
Trong một số ít trường hợp, mụn cóc sinh dục có thể lây sang trẻ trong quá trình sinh thường và khiến trẻ có mụn cóc trong khoang miệng hoặc cổ họng sau khi sinh được vài tuần.
Các chủng HPV gây ra mụn cóc sinh dục không làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc các vấn đề khác trong quá trình sinh nở.
Điều trị mụn cóc sinh dục cho phụ nữ mang thai
Không có cách nào có thể loại bỏ được mụn cóc sinh dục vĩnh viễn nhưng có một số loại thuốc và thủ thuật có thể điều trị các nốt mụn cóc hiện có. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc này đều chống chỉ định với phụ nữ có thai.
Nếu đã được kê thuốc trị mụn cóc sinh dục trước khi mang thai thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng trong thai kỳ. Có thể sẽ cần chuyển sang loại thuốc khác an toàn hơn.
Không được tự ý sử dụng các loại thuốc trị mụn cóc không kê đơn. Những loại thuốc này được dùng cho các bộ phận khác của cơ thể, có chứa thành phần hoạt tính nồng độ cao nên sẽ gây đau đớn và kích ứng vùng da nhạy cảm của vùng kín.
Nếu như có mụn cóc lớn và có thể gây cản trở quá trình sinh nở thì sẽ cần loại bỏ bằng một trong những thủ thuật dưới đây:
- Đông lạnh mụn cóc bằng nitơ lỏng
- Phẫu thuật cắt bỏ mụn cóc
- Đốt mụn cóc bằng laser hoặc dòng điện
Vắc-xin phòng ngừa HPV: Hiện nay có vắc-xin phòng ngừa HPV có tác dụng chống lại hầu hết các chủng HPV gây mụn cóc sinh dục và ung thư. Các loại vắc xin này cho hiệu quả cao nhất khi được tiêm trước khi quan hệ tình dục lần đầu và được khuyến cáo cho cả nam và nữ.
Tóm tắt bài viết
Đối với đại đa số phụ nữ, mụn cóc sinh dục không gây ra bất kỳ vấn đề gì khi mang thai. Ngoài ra, nguy cơ lây truyền virus HPV từ mẹ sang con cũng rất thấp.
Nếu bị mụn cóc sinh dục hoặc bị nhiễm bất kỳ chủng HPV nào và lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra khi mang thai thì hãy nói chuyện với bác sĩ để được giải đáp và tư vấn về những biện pháp điều trị phù hợp.
Mụn cóc sinh dục là một vấn đề do nhiễm HPV gây ra. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến và có thể điều trị được.
Phân biệt mụn thịt và mụn cóc ở bộ phận sinh dục đều là những vấn đề thường gặp. Vì cùng xuất hiện ở vùng kín và có vẻ ngoài tương đối giống nhau nên chúng thường bị nhầm lẫn với nhau.
Mặc dù mụn cóc sinh dục có thể tự khỏi nhưng virus HPV vẫn tồn tại trong cơ thể. Các phương pháp điều trị sẽ loại bỏ mụn cóc và giảm các đợt bùng phát trong tương lai nhưng vấn đề này có thể tái phát bất cứ lúc nào.
Có thể trị mụn cóc sinh dục tại nhà. Tuy nhiên, dù mụn cóc đã biến mất thì virus có thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể và phải sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục để tránh lây truyền.