Làm thế nào để phòng ngừa cục máu đông?

Bình thường, máu lưu trong cơ thể ở dạng lỏng nhưng đôi khi, máu đặc lại và đóng cục, ví dụ như khi có vết thương. Cục máu đông hình thành trong động mạch hoặc tĩnh mạch có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng. Cục máu đông có thể vỡ ra, di chuyển khắp cơ thể và chặn dòng máu đến các cơ quan. Sự gián đoạn lưu thông máu đến một cơ quan quan trọng như tim hoặc não có thể gây tử vong. Tuy rằng rất khó phòng ngừa cục máu đông một cách hoàn toàn nhưng có nhiều cách để giảm nguy cơ.
Làm thế nào để phòng ngừa cục máu đông? Làm thế nào để phòng ngừa cục máu đông?

Các cách phòng ngừa cục máu đông

Trong nhiều trường hợp, cục máu đông không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi xảy ra biến chứng. Vì lý do đó, hãy thực hiện tất cả những gì có thể để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Thừa cân, béo phì làm tăng áp lực bên trong ổ bụng và tăng tình trạng viêm trong cơ thể. Ngoài ra, những người thừa cân, béo phì còn ít vận động. Tất cả các yếu tố này đều làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên giúp làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Đối với những người vốn ít vận động, tập thể dục cường độ nhẹ đến vừa sẽ tốt hơn là tập cường độ cao vì tập luyện cường độ cao có thể khiến cho cục máu đông bong ra.

Uống đủ nước

Mất nước làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Do đó, hãy nhớ uống đủ nước hàng ngày, đặc biệt là khi bạn có các yếu tố nguy cơ gây cục máu đông.

Bỏ thuốc lá

Nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng cai càng sớm càng tốt. Nghiên cứu cho thấy rằng hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông nguy hiểm.

Không ngồi lâu

Khi phải ngồi một chỗ trong thời gian dài, hãy đứng lên đi lại thường xuyên (cách 2 – 3 tiếng một lần hoặc thường xuyên hơn). Nếu không thể đi lại thì bạn có thể thực hiện các bài tập chân như xoay cổ chân, nâng chân, co duỗi chân… Khi ngồi lâu, máu sẽ ứ đọng trong tĩnh mạch chân và hình thành cục máu đông.

Chú ý lượng natri trong chế độ ăn

Kiểm soát lượng natri trong chế độ ăn là điều quan trọng để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy tiêu thụ quá nhiều hay quá ít natri đều có thể dẫn đến các vấn đề về cục máu đông.

Mang vớ y khoa

Mang vớ y khoa, nhất là khi phải ngồi hoặc đứng lâu, có thể giúp ngăn cục máu đông hình thành hoặc di chuyển. Vớ y khoa là một loại vớ đặc biệt, ôm chặt bàn chân, cổ chân và nới lỏng dần về phía trên, có tác dụng ngăn máu ứ đọng trong tĩnh mạch ở chân.

Dùng thuốc

Có nhiều loại thuốc có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông, làm tan cục máu đông hoặc ngăn cục máu đông phát triển to thêm, gồm có thuốc làm loãng máu, thuốc ức chế thrombin và thuốc tiêu sợi huyết.

Những người có nguy cơ bị cục máu đông cao có thể cần dùng những loại thuốc này.

Các yếu tố nguy cơ gây cục máu đông

Bất kỳ ai cũng có thể bị cục máu đông. Có đến 80% những người bị cục máu đông ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu) có ít nhất một yếu tố nguy cơ.

Các yếu tố nguy cơ gây cục máu đông có thể là do di truyền và có từ khi sinh ra hoặc xảy ra sau này.

Một số yếu tố chính làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông là:

  • Di truyền và tuổi tác. Bất kỳ ai cũng có thể bị cục máu đông nhưng người da đen, người lớn tuổi, người có nhóm máu khác không phải nhóm máu O và người mang một số đột biến gen hoặc thiếu hụt protein di truyền có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn.
  • Mang thai và sinh nở. Phụ nữ đang mang thai hoặc mới sinh con có nguy cơ bị cục máu đông cao hơn. Điều này là sự gia tăng các yếu tố đông máu và giảm các yếu tố chống đông – một cơ chế tự nhiên để ngăn mất quá nhiều máu trong quá trình sinh nở.
  • Biện pháp tránh thai nội tiết và liệu pháp hormone thay thế. Sử dụng các biện pháp tránh thai có chứa hormone có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân hoặc phổi lên gấp 3 đến 9 lần. Liệu pháp estrogen và progestin được sử dụng ở người chuyển giới và phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh cũng có thể gây hình thành cục máu đông. Sử dụng hormone càng lâu thì nguy cơ càng cao.
  • Phẫu thuật. Tất cả các loại phẫu thuật đều làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Nguy cơ sẽ cao hơn nếu ca phẫu thuật kéo dài hoặc bạn phải ngồi hay nằm một chỗ sau phẫu thuật. Tuổi tác cao hoặc có tiền sử cục máu đông trước đây càng làm tăng nguy cơ.
  • Chấn thương. Bất kỳ loại chấn thương nào cũng đều làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Một nghiên cứu vào năm 2020 phát hiện ra rằng những người bị huyết áp thấp, suy tim sung huyết hoặc gãy xương chậu có nguy cơ hình thành cục máu đông trong 48 giờ sau chấn thương cao hơn. Những người bị chấn thương đầu phải thở máy hoặc truyền máu cũng có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn.
  • Tiền sử bị cục máu đông. Nếu bạn từng bị cục máu đông trước đây thì sẽ có nguy cơ cao bị lại. Nếu bạn có tiền sử cục máu đông và sắp phải phẫu thuật thì cần cho bác sĩ biết.
  • Ngồi tàu xe đường dài. Việc ngồi một chỗ lâu sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ hình thành cục máu đông tăng gấp 2 – 4 lần trong vài tuần sau chuyến đi đường dài.

Những bệnh lý làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Một số vấn đề sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Nếu bạn đang mắc một trong những vấn đề này, hãy hỏi bác sĩ về các biện pháp phòng ngừa cục máu đông.

  • Ung thư
  • COVID-19
  • Các bệnh tim mạch như suy tim sung huyết, xơ vữa động mạch và tăng huyết áp
  • Suy thận mạn
  • Rối loạn tăng đông máu
  • Bệnh Behcet
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Bệnh viêm ruột
  • Nhiễm trùng máu
  • Bệnh lao
  • Hen suyễn
  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
  • Bệnh tiểu đường
  • Hội chứng buồng trứng đa nang

Dấu hiệu và triệu chứng của cục máu đông

Cục máu đông có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể. Triệu chứng tùy thuộc vào khu vực mà cục máu đông làm gián đoạn lưu thông máu. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Sưng, đau, nóng ở một hoặc cả hai chân
  • Da chân chuyển đỏ hoặc xanh tím
  • Khó thở đột ngột
  • Tim đập nhanh, mạnh hoặc không đều
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu
  • Tụt huyết áp
  • Đau ngực, tăng lên khi ho hoặc hít thở sâu
  • Ho ra máu

Cục máu đông có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc thậm chí là đột tử (tử vong đột ngột). Hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức khi gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên hoặc triệu chứng của nhồi máu cơ tim, đột quỵ, nhất là khi có yếu tố nguy cơ.

Tóm tắt bài viết

Cục máu đông có thể gây tổn thương các cơ quan, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các vấn đề nghiêm trọng khác. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Mặc dù các yếu tố nguy cơ như di truyền, tuổi tác hay tiền sử gia đình là không thể thay đổi nhưng bạn có thể thay đổi các yếu tố liên quan đến lối sống như thói quen ăn uống, hút thuốc và thời gian ngồi trong ngày để giảm nguy cơ cục máu đông. Đôi khi cần dùng thuốc và mang vớ y khoa để ngăn ngừa hình thành cục máu đông.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh tim bẩm sinh: triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa
Bệnh tim bẩm sinh: triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Bệnh tim bẩm sinh là những dị tật tim có ngay từ khi sinh ra. Bệnh tim bẩm sinh có nhiều loại khác nhau, từ những dị tật đơn giản không gây triệu chứng đến những vấn đề phức tạp có thể đe dọa đến tính mạng.

Cách ngăn ngừa phình động mạch não là gì?
Cách ngăn ngừa phình động mạch não là gì?

Không có phương pháp nào được biết đến là có thể ngăn ngừa hoàn toàn phình động mạch não. Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm nguy cơ bằng cách kiểm soát huyết áp cao và thay đổi lối sống.

Bạn biết gì về động mạch trong cơ thể?
Bạn biết gì về động mạch trong cơ thể?

Bạn biết gì về hệ thống động mạch trong cơ thể?

Viêm động mạch Takayasu điều trị bằng cách nào?
Viêm động mạch Takayasu điều trị bằng cách nào?

Viêm động mạch Takayasu (Takayasu's arteritis) là một loại viêm mạch máu hiếm gặp, xảy ra ở động mạch chủ (động mạch lớn mang máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể) và các nhánh chính của động mạch chủ.

Tại sao các vận động viên có nhịp tim lúc nghỉ ngơi thấp hơn?
Tại sao các vận động viên có nhịp tim lúc nghỉ ngơi thấp hơn?

Nhịp tim lúc nghỉ ngơi trung bình thường dao động từ 60 đến 80 bpm, tuy nhiên, một số vận động viên có nhịp tim lúc nghỉ ngơi thấp đến 30-40 bpm. Nếu bạn là vận động viên hoặc là người thường xuyên tập thể dục, nhịp tim lúc nghỉ ngơi thấp thường không là vấn đề, thậm chí còn là biểu hiện cho trạng thái sức khỏe tốt. Hãy đến gặp bác sĩ nếu thấy nhịp tim thấp đi kèm với các triệu chứng khác, như mệt mỏi hoặc chóng mặt.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây