1

Làm gì khi trẻ bị ho?

Nếu tình trạng ho của con không cải thiện sau khoảng một tuần thì bạn nên gọi bác sĩ. Và tất nhiên, nếu con bạn dường như có vấn đề nghiêm trọng về hô hấp, hãy gọi cấp cứu ngay.
Làm gì khi trẻ bị ho? Làm gì khi trẻ bị ho?

Nội dung chính bài viết:

  • Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể, nhưng trong nhiều trường hợp có thể là triệu chứng của các bệnh lý khác gây ra.
  • Có nhiều nguyên nhân gây ho. Thường gặp nhất là khi bé bị cảm cúm, nhiễm virus RSV, viêm thanh khí phế quản hoặc dị ứng, hen suyễn. Ngoài ra nặng hơn có thể do viêm phổi, viêm phế quảm, viêm xoang, ho gà…
  • Không khuyến khích phụ huynh mua thuốc bán tự do cho trẻ dưới 6 tuổi. Nên mua và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Khi trẻ trên 6 tuổi, cha mẹ có thể mua thuốc OTC phù hợp cho trẻ.
  • Nếu bé bị ho kèm theo sốt cao, hoặc các triệu chứng nguy hiểm khác (nôn mửa, thở gấp, ho ra máu,…), nên đưa bé đi khám ngay lập tức.

Tôi có nên gọi cho bác sĩ nếu bé bị ho?

 Hãy gọi bác sĩ nếu con bị ho và:

  • Dưới 3 tháng tuổi
  • Thở nhanh hơn bình thường hoặc có vẻ như bé đang phải cố gắng nhiều hơn để thở
  • Khò khè
  • Ho ra chất dịch có màu vàng, xanh lá cây hoặc có vệt máu
  • Sốt từ 38,3 độ C trở lên nếu trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi
  • Sốt từ 38,5 độ C trở lên nếu bé 6 tháng tuổi trở lên
  • Mắc bệnh mạn tính, như bệnh tim hoặc phổi
  • Ho dữ dội đến mức bị nôn
  • Bị ho dai dẳng sau khi ngạt vật gì đó

Tôi có thể cho bé dùng thuốc ho không?

Ngay cả khi bạn nghĩ rằng đó chỉ là cảm lạnh, hãy hỏi bác sĩ trước khi cho con dùng bất cứ loại thuốc nào.

Hầu hết các bác sĩ không khuyến khích dùng những loại thuốc mua tự do không kê toa này cho trẻ nhỏ. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cảnh báo cha mẹ không bao giờ sử dụng các sản phẩm này cho trẻ em dưới 4 tuổi. Và ngay cả trẻ em từ 4 đến 6 tuổi, hãy sử dụng các loại thuốc này chỉ khi bác sĩ đề nghị.

Khi con bạn lên 6 tuổi, bạn có thể cho trẻ dùng những loại thuốc mua tự do không kê toa này để trị ho hoặc cảm lạnh - chỉ cần đảm bảo nó phù hợp với độ tuổi của trẻ và lấy liều chính xác theo chỉ dẫn. Ngoài ra, không bao giờ được cho bé uống nhiều hơn một loại thuốc ho hoặc thuốc trị cảm lạnh trong cùng một lần. Chúng thường bao gồm nhiều thành phần và bạn sẽ không muốn cho con của bạn một liều lượng gấp đôi bất kỳ thành phần nào trong số đó.

Xem hướng dẫn theo độ tuổi của chúng tôi đối với các loại thuốc dành cho trẻ em để biết thêm về độ an toàn của thuốc. Để biết những lời khuyên về các cách giảm nhẹ triệu chứng ho và cảm lạnh của con bạn, hãy xem bài viết về các biện pháp khắc phục an toàn tại nhà.

Nguyên nhân gây ho ở bé

Có rất nhiều nguy cơ dẫn đến tình trạng ho của bé, và một số chắc chắn cần gọi cho bác sĩ để được tư vấn. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ho:

Cảm cúm

Nếu con bạn bị cảm lạnh, trẻ có thể bị ho và hắt hơi khi bị sổ mũi hoặc nghẹt mũi, chảy nước mắt, ăn kém hoặc không thèm ăn, và có thể sốt nhẹ.

Virut hợp bào hô hấp (Respiratory syncytial virut - RSV)

Virut hợp bào hô hấp là loại virut phổ biến nhất có ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mặc dù trẻ ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc. Các triệu chứng của nhiễm RSV cũng tương tự như các triệu chứng cảm lạnh nhưng kèm theo ho nặng hơn và thở mạnh.

RSV thường xảy ra giữa tháng 11 và giữa tháng 3, đôi khi nó không phức tạp hơn chứng cảm lạnh, nhưng nó có thể dẫn đến các bệnh về đường hô hấp nghiêm trọng hơn, như viêm phế quản (viêm các đường thở nhỏ) và viêm phổi đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới một tuổi.

Viêm thanh khí phế quản (Croup)

Đặc điểm đặc trưng là ho sâu, thường nặng hơn vào ban đêm. Viêm thanh khí phế quản cũng có thể gây ra tình trạng thở rít, khò khè.

Âm thanh này nghe có vẻ rất đáng sợ nhưng trong hầu hết các trường hợp nó thường không quá nghiêm trọng và có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên cũng nên gọi cho bác sĩ, cô ấy có thể muốn bạn đưa bé đến khám.

Dị ứng, hen suyễn và các chất kích thích từ môi trường

Một đứa trẻ bị dị ứng với một thứ gì đó trong môi trường của mình, như lông mèo, ve bụi nhà, các triệu chứng như kiểu bị cảm lạnh nhưng không bao giờ biến mất. Các chứng dị ứng có thể gây ra tình trạng nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi với chất nhầy có màu trong cũng như tình trạng ho ở hội chứng chảy dịch mũi sau (dịch mũi chảy ra đằng sau xoang vào cổ họng).

Trẻ em bị hen cũng có xu hướng ho nhiều, đặc biệt là vào ban đêm. Nếu con bạn bị hen suyễn, bé cũng có thể bị tắc nghẽn ngực, thở khò khè và khó thở. Nếu bé bắt đầu ho khi bé đang chạy xung quanh (hen suyễn bị kích thích khi tập luyện), đó có thể là dấu hiệu của bệnh hen. Tiếp xúc với môi trường lạnh cũng có thể kích thích cơn ho ở trẻ bị hen.

Một khả năng khác là một chất kích thích môi trường, như khói thuốc lá hoặc chất gây ô nhiễm, cũng khiến con bị ho. Tất nhiên, trong trường hợp này bạn sẽ muốn xác định và loại bỏ các yếu tố ngay lập tức.

Viêm phổi hoặc viêm phế quản

Nhiều trường hợp viêm phổi, nhiễm trùng trong phổi, bắt đầu có các triệu chứng như là cảm lạnh. Nếu tình trạng cảm lạnh của bé có vẻ nặng hơn, ho dai dẳng, khó thở, sốt, đau cơ thể và ớn lạnh hãy cho bé đi khám.

Viêm phế quản là khi phế quản (ống dẫn không khí đến phổi) bị nhiễm trùng, thường sau khi bị cảm lạnh hoặc cúm. Nó có thể gây ra ho dai dẳng trong vài tuần.

Nếu con của bạn bị viêm phổi hoặc viêm phế quản do vi khuẩn, bé có thể cần kháng sinh để làm sạch tình trạng nhiễm trùng và ho. (Nếu nhiễm trùng là do vi rút, bé sẽ trở nên khỏe hơn mà không cần kháng sinh.

Viêm xoang

Nếu trẻ bị ho và sổ mũi kéo dài ít nhất 10 ngày và không có dấu hiệu cải thiện - bác sĩ đã loại trừ bệnh viêm phổi và viêm phế quản – thì bé có thể bị viêm xoang. Nhiễm trùng do vi khuẩn trong xoang sẽ gây ho kéo dài vì chất nhầy thường xuyên chảy ra phía sau cổ họng, gây phản xạ ho.

Nếu bác sĩ xác định rằng bé bị viêm xoang, bé sẽ được kê đơn kháng sinh. Tình trạng ho sẽ hết ngay sau khi các xoang được làm sạch trở lại.

Nuốt hoặc hít phải dị vật

Tình trạng ho kéo dài từ một tuần trở lên mà không có bất kỳ dấu hiệu nào khác của bệnh (như chảy nước mũi, sốt, lịm người đi) hoặc dị ứng (dịch tiết màu trong) thì có thể bé đã bị mắc kẹt một vật gì đó trong cổ họng hoặc phổi. Tình trạng này rất phổ biến ở những trẻ nhỏ nghịch ngợm, có thể và luôn thích cho mọi thứ vào miệng.

Nếu bác sĩ nghi ngờ có vật gì đó gây ra tình trạng ho này, họ sẽ chỉ định cho bé chụp X-quang ngực. Nếu phát hiện vật mắc kẹt trong phổi, có thể sẽ phải tiến hành phẫu thuật để loại bỏ dị vật này.

Bệnh ho gà (Whooping cough)

Ho gà cùng được gọi là Pertussis (ho khục khặc) ngay nay không còn phổ biến do việc sử dụng rộng rãi vắc xin DTaP, nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra và ở một số nơi đang gia tăng. Hơn 48.000 trường hợp đã được báo cáo tại Hoa Kỳ vào năm 2012.

Trẻ bị ho gà thường ho dữ dội trong 20 đến 30 giây, và sau đó phải vật lộn để hít thở trước khi cơn ho tiếp theo bắt đầu. Bé cũng có thể bị các triệu chứng cảm lạnh, như hắt hơi, chảy nước mũi, và ho nhẹ, lên đến hai tuần trước khi các cơn ho nặng hơn bắt đầu. Nếu có vẻ con bạn bị như vậy, hãy gọi cho bác sĩ ngay. Tình trạng ho gà có thể trầm trọng, đặc biệt ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.

Bệnh xơ nang

Xơ nang ảnh hưởng đến khoảng 1 trong số 3.000 trẻ em ở Hoa Kỳ, và tình trạng ho liên tục kèm theo dịch nhầy màu vàng hoặc xanh là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy có thể trẻ đã mắc bệnh này. Các dấu hiệu khác bao gồm viêm phổi tái phát và nhiễm trùng xoang, không tăng cân, làn da có vị mặn, và phân dính mỡ và đi khuôn to.

Thói quen

Đôi khi trẻ bị ho do bị ốm và tiếp tục ho như một thói quen, ngay cả khi bé đã khỏe mạnh. Nếu ho là một thói quen của bé, thì bé sẽ không ho trong lúc ngủ và tình trạng này sẽ không ảnh hưởng đến việc ăn uống hoặc nói chuyện, tuy nhiên có thể gây phiền phức (như trong lớp học).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tre bi ho

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây