1

Khi nào cần thay khớp gối bán phần?

Phẫu thuật thay khớp gối bán phần thường được chỉ định để điều trị viêm khớp trong những trường hợp không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Trong ca phẫu thuật, phần bị hỏng của khớp gối được thay bằng bộ phận nhân tạo. Điều này giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động. Thay khớp gối bán phần có thời gian hồi phục nhanh hơn so với thay khớp gối toàn phần nhưng không phải trường hợp nào cũng phù hợp thay khớp gối bán phần.
Khi nào cần thay khớp gối bán phần? Khi nào cần thay khớp gối bán phần?

Thay khớp gối là một quy trình phẫu thuật trong đó xương và sụn bị hỏng của khớp gối bị loại bỏ và thay bằng khớp nhân tạo. Thay khớp gối thường được chỉ định khi người bệnh bị đau mạn tính và không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn.

Khớp gối có thể được thay một phần hoặc toàn bộ. Trong ca phẫu thuật thay khớp gối bán phần, bác sĩ chỉ thay phần khớp gối bị hỏng.

Thay khớp gối bán phần còn được gọi là thay khớp gối một khoang, thay lồi cầu khớp gối hay tái bề mặt khớp gối.

Phần lớn các ca phẫu thuật thay khớp gối bán phần đều thay phần bên trong của khớp gối. Ca phẫu thuật này có ít rủi ro hơn và thời gian phục hồi nhanh hơn so với thay khớp gối toàn phần nhưng đa số các trường hợp đều phải phẫu thuật lại trong tương lai để điều chỉnh hoặc thay thế bộ phận nhân tạo.

Khi nào cần thay khớp gối bán phần?

Phẫu thuật thay khớp gối bán phần thường được thực hiện để điều trị thoái hóa khớp nhưng cũng có thể được chỉ định để điều trị các bệnh lý khác như hoại tử xương. Thay khớp gối bán phần chỉ thích hợp cho những trường hợp mà khớp gối bị hỏng một phần.

Khớp gối gồm có ba khoang là:

  • Khoang ngoài: khoang ở mặt bên ngoài của đầu gối
  • Khoang trong: khoang nằm ở mặt bên trong của đầu gối
  • Khoang bánh chè - đùi: khoang ở phía sau xương bánh chè và phía trước xương đùi

Ca phẫu thuật thay khớp gối bán phần có thể thay một trong ba khoang này.

Thay khớp gối bán phần thường được chỉ định cho những trường hợp:

  • bị thoái hóa ở một khoang của khớp gối
  • trên 60 tuổi
  • có khối lượng cơ thể dưới 81kg
  • không thực hiện các hoạt động gây áp lực lớn đến đầu gối
  • không bị viêm khớp dạng thấp

Các nghiên cứu đang được thực hiện nhằm mở rộng phạm vi chỉ định thay khớp gối bán phần. Nghiên cứu gần đây đã tìm thấy bằng chứng cho thấy phẫu thuật thay khớp gối bán phần cũng có thể giúp giảm các triệu chứng thoái hóa khớp cho những người dưới 60 tuổi và những người bị béo phì.

Các bác sĩ thường chỉ đề nghị phẫu thuật thay khớp gối bán phần khi các triệu chứng không thuyên giảm sau một thời gian sử dụng các phương pháp điều trị bảo tồn như:

  • Thuốc chống viêm
  • Tiêm khớp
  • Vật lý trị liệu
  • Thay đổi thói quen sống
  • Đeo đai nẹp khớp

Bác sĩ thường sẽ không chỉ định thay khớp gối bán phần nếu người bệnh:

  • bị viêm khớp dạng thấp
  • bị tổn thương dây chằng
  • khớp gối bị cứng nghiêm trọng

Trước khi phẫu thuật thay khớp gối bán phần

Trước ca phẫu thuật, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng vì một số loại thuốc và thực phẩm chức năng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng phẫu thuật. Nếu đang dùng thuốc hay thực phẩm chức năng gây ảnh hưởng đến ca phẫu thuật, người bệnh sẽ phải tạm ngừng sử dụng một thời gian.

Quy trình phẫu thuật thay khớp gối bán phần

Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân hoặc gây tê ngoài màng cứng.

Thuốc gây mê toàn thân được truyền qua đường truyền tĩnh mạch và đưa người bệnh vào trạng thái giống như đang ngủ. Nếu gây mê toàn thân, người bệnh sẽ phải nhịn ăn vài tiếng trước và sau phẫu thuật.

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp tiêm thuốc gây tê vào khoang ngoài màng cứng ở cột sống để làm mất cảm giác từ thắt lưng trở xuống. Người bệnh sẽ vẫn tỉnh táo nhưng không cảm thấy đau trong quá trình phẫu thuật.

Ca phẫu thuật thay khớp gối bán phần thường kéo dài từ 1 đến 2 giờ.

Ca phẫu thuật gồm các bước chính sau đây:

  1. Bác sĩ rạch một đường ở phía trước đầu gối của người bệnh và kiểm tra ba khoang của khớp gối để đánh giá mức độ hư hỏng.
  2. Nếu chỉ có một khoang bị hỏng, bác sĩ sẽ cắt bỏ sụn ra khỏi phần bị hỏng.
  3. Sau đó, sụn được thay bằng một lớp phủ kim loại để tạo nên bề mặt nhẵn cho khớp. Lớp phủ kim loại này thường được gắn vào xương bằng xi măng sinh học.
  4. Đặt một miếng đệm bằng polyethylene vào giữa các lớp phủ kim loại để khớp có thể chuyển động trơn tru.
  5. Khâu đóng vết mổ.

Sau khi ca phẫu thuật hoàn tất, người bệnh sẽ được đưa đến phòng hồi sức để theo dõi và sau đó chuyển đến phòng bệnh. Thông thường người bệnh sẽ phải ở lại bệnh viện từ 1 – 2 ngày sau ca phẫu thuật nhưng trong một số trường hợp, người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày.

Quá trình phục hồi sau khi thay khớp gối bán phần

Sau khi thay khớp gối bán phần, người bệnh sẽ phục hồi nhanh hơn so với thay khớp gối toàn phần. Đầu gối sẽ bị đau sau khi phẫu thuật, đây là điều bình thường. Nếu chỉ bị đau nhẹ thì có thể dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau, còn nếu bị đau nhiều thì sẽ cần dùng các loại thuốc giảm đau mạnh hơn.

Người bệnh nên đứng lên đi lại sớm sau ca phẫu thuật. Trong vài ngày đến vài tuần đầu tiên, người bệnh sẽ phải sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, chẳng hạn như nạng, gậy chống hay khung tập đi để đi lại vững vàng và tránh té ngã.

Hầu hết mọi người có thể hoạt động trở lại bình thường sau khoảng 6 tuần. Tuy nhiên, tình trạng sưng quanh đầu gối có thể kéo dài lên đến 6 tháng.

Rủi ro khi phẫu thuật thay khớp gối bán phần

Thay khớp gối bán phần có tỷ lệ biến chứng thấp hơn so với thay khớp gối toàn phần. Theo một nghiên cứu vào năm 2021, tỷ lệ biến chứng của các ca phẫu thuật thay khớp gối bán phần là 16,3% và của thay khớp gối toàn phần là 20,1%. (1)

Một số rủi ro của phẫu thuật thay khớp gối bán phần gồm có:

  • Cục máu đông
  • Nhiễm trùng
  • Tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh
  • Đau kéo dài
  • Phản ứng bất lợi với thuốc gây mê
  • Cứng khớp
  • Cần phẫu thuật lại để chỉnh sửa
  • Tình trạng viêm khớp tiếp tục tiến triển

Kết quả về lâu dài

Thay khớp gối bán phần mang lại kết quả khá tốt về lâu dài. Trong một nghiên cứu vào năm 2020, các nhà nghiên cứu nhận thấy phần lớn sự cải thiện sau khi thay khớp gối bán phần diễn ra trong vòng 6 tháng kể từ khi phẫu thuật. (2)

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khoảng 70% ca phẫu thuật thay khớp gối bán phần bền được 25 năm. (3) Tuy nhiên, thay khớp gối bán phần có nguy cơ phải phẫu thuật chỉnh sửa cao hơn so với thay khớp gối toàn phần.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người trẻ tuổi và phụ nữ có nguy cơ phải phẫu thuật chỉnh sửa cao hơn. Trong một tổng quan nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng cho thấy những người béo phì có nguy cơ phải phẫu thuật chỉnh sửa cao hơn trong tương lai.

Tóm tắt bài viết

Thay khớp gối bán phần là một giải pháp để điều trị thoái hóa khớp gối và các vấn đề khác ở khớp gối. Thay khớp gối bán phần phù hợp với những trường hợp chỉ bị hỏng một phần khớp gối. Thông thường, phẫu thuật thay khớp gối bán phần được chỉ định khi các phương pháp điều trị bảo tồn như vật lý trị liệu, tiêm khớp và thuốc chống viêm không có tác dụng.

So với thay khớp gối toàn phần, thay khớp gối bán phần có một số ưu điểm như thời gian phục hồi nhanh hơn và nguy cơ biến chứng thấp hơn. Tuy nhiên, nguy cơ phải phẫu thuật chỉnh sửa trong tương lai sẽ cao hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cách giảm đau, sưng tấy và bầm tím sau phẫu thuật thay khớp gối toàn phần
Cách giảm đau, sưng tấy và bầm tím sau phẫu thuật thay khớp gối toàn phần

Tình trạng đau, sưng tấy và bầm tím có thể kéo dài vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau phẫu thuật thay khớp gối. Có nhiều cách để giảm thiểu những tình trạng này, gồm có mang vớ y khoa, kê cao chân, dùng thuốc và chườm.

Những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần
Những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Trong ca phẫu thuật thay khớp háng, bác sĩ sẽ loại bỏ các phần bị hỏng hoặc mòn ở khớp háng và sau đó thay bằng bộ phận nhân tạo. Phẫu thuật thay khớp háng thường được thực hiện trong những trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng. Phẫu thuật thay khớp háng sẽ giúp giảm đau và phục hồi chức năng khớp.

Rủi ro của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần
Rủi ro của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần

Thoái hóa khớp gối là một vấn đề rất phổ biến. Ban đầu, các triệu chứng bệnh có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc và thay đổi lối sống, ví dụ như tập thể dục và giảm cân nếu thừa cân. Tuy nhiên, khi khớp gối bị hỏng nghiêm trọng, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật thay khớp gối toàn phần. Khớp gối sẽ bị loại bỏ và và thay thế bằng khớp nhân tạo. Thay khớp gối toàn phần là một ca phẫu thuật lớn. Người bệnh cần biết những gì sẽ diễn ra sau phẫu thuật để thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết.

Thay khớp háng bán phần được chỉ định khi nào?
Thay khớp háng bán phần được chỉ định khi nào?

Phẫu thuật thay khớp háng bán phần thường được thực hiện để điều trị gãy xương khớp háng. Đôi khi, loại phẫu thuật này còn được thực hiện để điều trị viêm khớp háng.

Các giải pháp thay thế cho phẫu thuật thay khớp gối
Các giải pháp thay thế cho phẫu thuật thay khớp gối

Phẫu thuật thay khớp thường không phải là lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm khớp gối. Phẫu thuật thay khớp chỉ được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp gối quá nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp viêm khớp gối đều có thể điều trị bằng các phương pháp không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây