Insulin Lyumjev: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Lyumjev là gì?
Lyumjev là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để giảm lượng đường trong máu cho người lớn mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2.
Thông tin cơ bản về insulin Lyumjev
- Lyumjev chứa hoạt chất insulin lispro-aabc, là một loại insulin tác dụng nhanh. Insulin lispro giống insulin tự nhiên mà tuyến tụy tạo ra.
- Lyumjev có dạng dung dịch lỏng mà người bệnh sẽ tiêm dưới da. Lyumjev cũng có thể được sử dụng với máy bơm insulin – một thiết bị bơm insulin vào dưới da liên tục trong suốt cả ngày. Trong một số trường hợp, Lyumjev được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch nhưng điều này cần được thực hiện bởi nhân viên y tế.
- Lyumjev là là một loại thuốc sinh học, hiện không có dạng thuốc sinh học tương tự (thuốc sinh học tương tự giống như thuốc gốc còn thuốc sinh học giống như biệt dược).
Lyumjev và các loại thuốc tương tự
Lyumjev và Humalog
Lyumjev và Humalog đều là thuốc điều trị tiểu đường có chứa hoạt chất insulin lispro nhưng Lyumjev là công thức insulin lispro mới hơn. Ngoài insulin lispro ra, Lyumjev còn chứa các thành phần khác nên phát huy tác dụng nhanh hơn Humalog.
Cả Lyumjev và Humalog đều là thuốc sinh học (thuốc sinh học được làm từ các bộ phận của tế bào sống). Thuốc sinh học tương tự giống như thuốc gốc nhưng khác thuốc gốc ở chỗ thuốc gốc là phiên bản tương tự của các loại thuốc không sinh học còn thuốc sinh học tương tự là phiên bản tương tự của thuốc sinh học. Các loại thuốc sinh học tương tự cũng an toàn và hiệu quả giống như thuốc sinh học.
Lyumjev và Humalog là những loại insulin tác dụng nhanh đã được chứng minh là có hiệu quả làm giảm lượng đường trong máu. Humalog dùng được cho cả người lớn và trẻ em trong khi Lyumjev chỉ dành cho người lớn.
Lyumjev được dùng ngay trước bữa ăn hoặc trong vòng 20 phút sau khi bắt đầu ăn. Humalog được dùng trong vòng 15 phút trước khi ăn.
Lyumjev và Fiasp
Lyumjev chứa hoạt chất insulin lispro-aabc trong khi Fiasp chứa hoạt chất insulin aspart.
Điểm khác biệt giữa insulin lispro và insulin aspart là về thành phần hóa học nhưng cả hai đều giống với insulin tự nhiên của cơ thể. Cả hai đều là insulin tác dụng nhanh và đều có hiệu quả làm giảm lượng đường trong máu.
Fiasp có thể dùng cho cả người lớn và trẻ em trong khi Lyumjev chỉ dùng được cho người lớn.
Lyumjev và Novolog
Lyumjev chứa hoạt chất insulin lispro-aabc trong khiNovolog chứa hoạt chất insulin aspart.
Insulin lispro và insulin aspart có thành phần hóa học khác nhau nhưng cả hai đều tương tự như insulin tự nhiên do tuyến tụy tạo ra.
Cả Lyumjev và Novolog đều là insulin tác dụng nhanh, nghĩa là bắt đầu phát huy tác dụng nhanh sau khi tiêm. Và cả hai đều có hiệu quả làm giảm lượng đường trong máu cho bệnh nhân tiểu đường.
Novolog dùng cho người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên trong khi Lyumjev dùng được cho người lớn.
Công dụng của Lyumjev
Lyumjev được dùng cho người lớn mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 để làm giảm lượng đường trong máu.
Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể bị giảm hoặc mất khả năng điều hòa lượng đường trong máu. Thông thường, cơ thể tạo ra và sử dụng hormone insulin để giữ cho lượng đường trong máu luôn ở mức cân bằng.
Bệnh tiểu đường type 1 xảy ra do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc hoàn toàn không sản xuất insulin. Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra do các tế bào cơ thể không đáp ứng tốt với insulin và lấy đường từ máu không hiệu quả. Cả hai loại tiểu đường đều có đặc trưng là lượng đường trong máu cao hơn bình thường.
Lyumjev chứa insulin. Lyumjev có tác dụng cung cấp insulin cho cơ thể hoặc thay thế insulin đang không hoạt động tốt trong cơ thể.
Insulin là một loại hormone được tạo ra bởi tuyến tụy. Insulin có vai trò giúp đưa đường trong máu vào các tế bào, nhờ đó kiểm soát mức đường huyết. Lyumjev có cơ chế tác dụng giống như insulin tự nhiên do tuyến tụy tạo ra.
Thời gian duy trì tác dụng của Lyumjev
Thời gian duy trì tác dụng của Lyumjev tùy thuộc vào liều dùng tiêm.
Loại thuốc này bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng khoảng 15 phút sau khi tiêm và duy trì tác dụng từ 4 đến 7 giờ. Tiêm càng nhiều thì tác dụng của thuốc kéo dài càng lâu.
Liều dùng Lyumjev
Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng Lyumjev phù hợp cho từng người bệnh. Dưới đây là liều dùng thường được sử dụng nhưng hãy luôn sử dụng đúng liều mà bác sĩ kê.
Dạng thuốc
Lyumjev là một loại thuốc tiêm. Có ba loại Lyumjev như sau:
- Lọ đa liều: Mỗi lọ có chứa nhiều liều Lyumjev. Người bệnh rút thuốc từ lọ bằng bơm tiêm insulin và tiêm vào dưới da hoặc cũng có thể sử dụng Lyumjev dạng lọ cho máy bơm insulin. Người dùng sẽ mở nắp lọ và đổ vào khoang chứa của máy (máy bơm insulin liên tục đưa insulin vào cơ thể trong suốt cả ngày). Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của máy bơm insulin để xem có thể dùng Lyumjev bằng hình thức này hay không hoặc hỏi bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết.
- Bút tiêm dùng một lần. Mỗi bút tiêm có chứa nhiều liều Lyumjev. Sau khi tiêm hết lượng thuốc có trong bút, người dùng sẽ vứt bút đi và thay bút mới. Hiện nay có ba loại bút tiêm Lyumjev là:
- KwikPen (bút quay mỗi lần 1 đơn vị)
- Junior KwikPen ((bút quay mỗi lần 1 đơn vị hoặc 0,5 đơn vị).
- Tempo Pen – một loại bút tiêm insulin thông minh có chức năng kết nối với một số thiết bị khác.
- Ống chứa để dùng cho bút tiêm insulin dùng nhiều lần: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của bút tiêm insulin để xem có thể dùng cùng ống chứa Lyumjev hay không hoặc hỏi bác sĩ/dược sĩ để được hướng dẫn.
Người bệnh sẽ tự tiêm Lyumjev vào dưới da. Trong một số trường hợp, thuốc được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch nhưng điều này cần được thực hiện bởi nhân viên y tế.
Liều dùng khuyến nghị
Bác sĩ sẽ cho biết người bệnh cần tiêm bao nhiêu Lyumjev mỗi lần. Liều dùng khuyến nghị phụ thuộc vào nhu cầu của cơ thể và mức đường huyết. Người bệnh cần tiêm đúng số đơn vị Lyumjev.
Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng Lyumjev khi người bệnh thay đổi:
- Các loại thuốc điều trị tiểu đường khác hoặc insulin
- Mức độ hoạt động thể chất
- Thói quen ăn uống
Khi chức năng thận hoặc gan thay đổi, liều dùng Lyumjev cũng sẽ được điều chỉnh.
Không được tự ý thay đổi liều dùng thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ. Trong quá trình thay đổi liều dùng, người bệnh sẽ phải đo đường huyết thường xuyên hơn.
Câu hỏi về việc sử dụng Lyumjev
Đây là một số câu hỏi phổ biến về việc sử dụng Lyumjev.
- Cần làm gì khi lỡ quên tiêm Lyumjev? Nếu quên tiêm Lyumjev trước bữa ăn và khi đang ăn mới nhớ ra thì hãy tiếp tục ăn uống bình thường và bỏ qua liều đã quên. Tiêm Lyumjev sau hơn 20 phút kể từ khi bắt đầu bữa ăn có thể dẫn đến hạ đường huyết. Hãy nhớ tiêm Lyumjev ngay trước bữa ăn hoặc trong vòng 20 phút kể từ khi bắt đầu ăn. Cần lưu ý, không tiêm Lyumjev có thể làm cho lượng đường trong máu tăng cao sau khi ăn. Vì vậy, người bệnh cần đo đường huyết nếu như bỏ qua một liều Lyumjev. Tăng đường huyết có các triệu chứng như khát nước, mệt mỏi, đi tiểu nhiều lần, mờ mắt.
- Có cần dùng Lyumjev lâu dài không? Bệnh tiểu đường hiện không có cách chữa trị khỏi nên người bệnh sẽ phải duy trì điều trị suốt đời. Bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh thuốc trị tiểu đường theo thời gian nhưng thông thường, một khi đã phải dùng insulin thì sẽ phải tiếp tục dùng lâu dài.
- Mất bao lâu để Lyumjev phát huy tác dụng? Lyumjev là một loại insulin tác dụng nhanh, có nghĩa là phát huy tác dụng làm giảm lượng đường trong máu một cách nhanh chóng sau khi tiêm. Tùy thuộc vào lượng thuốc được tiêm mà Lyumjev có thể bắt đầu phát huy tác dụng sau 15 đến 17 phút. Đó là lý do tại sao người bệnh cần tiêm Lyumjev ngay trước bữa ăn hoặc trong vòng 20 phút sau khi bắt đầu ăn.
Cách sử dụng Lyumjev
Người bệnh sẽ được hướng dẫn chi tiết về cách tiêm, liều dùng và thời điểm tiêm Lyumjev. Hãy thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Tiêm Lyumjev
Lyumjev có dạng dung dịch tiêm.
Người bệnh sẽ tự tiêm Lyumjev vào dưới da hoặc dùng cùng máy bơm insulin. Máy bơm insulin sẽ tự động đưa insulin vào cơ thể trong suốt cả ngày.
Trong một số trường hợp, bác sĩ tiêm Lyumjev trực tiếp vào tĩnh mạch của người bệnh.
Nếu tự tiêm, người bệnh sẽ tiêm Lyumjev ở những vị trí sau đây:
- Bụng (không tiêm ở vùng quanh rốn)
- Đùi
- Bắp tay
- Mông
Nếu dùng máy bơm insulin, hãy đọc hướng dẫn sử dụng để biết vị trí đặt máy. Cho dù sử dụng máy bơm insulin thì người bệnh vẫn nên học cách tự tiêm để đề phòng trường hợp máy bị hỏng.
Mỗi lần nên tiêm thuốc vào một vị trí khác nhau để ngăn ngừa loạn dưỡng mỡ và thoái hóa tinh bột cục bộ ở da. Xem phần “Tác dụng phụ của Lyumjev” bên trên để biết thêm chi tiết về các vấn đề này.
Dùng Lyumjev cùng các loại thuốc khác
Bác sĩ có thể kê Lyumjev cùng các loại thuốc trị tiểu đường khác.
Một số loại thuốc trị tiểu đường mà người bệnh có thể phải sử dụng cùng với Lyumjev gồm có:
- metformin (Glucophage)
- canagliflozin (Invokana)
- saxagliptin (Onglyza)
Đôi khi, Lyumjev được kết hợp với một loại insulin khác. Ví dụ, dùng insulin tác dụng trung bình hoặc insulin tác dụng kéo dài cùng với Lyumjev có thể giúp giữ ổn định lượng đường trong máu hiệu quả hơn (Lyumjev là một loại insulin tác dụng nhanh).
Ví dụ về các loại insulin khác mà người bệnh có thể cần dùng cùng với Lyumjev là insulin NPH (Humulin N) và insulin glargine (Basaglar).
Tiêm Lyumjev trước hay sau ăn?
Tiêm Lyumjev ngay trước bữa ăn hoặc trong vòng 20 phút kể từ khi bắt đầu ăn. Tiêm Lyumjev khi bụng đói sẽ gây hạ đường huyết.
Tác dụng phụ của Lyumjev
Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Lyumjev cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Danh sách dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của loại thuốc này. Ngoài ra, Lyumjev còn có thể gây ra một số tác dụng phụ khác.
Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, loại và mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, các bệnh lý khác đang mắc và các loại thuốc khác đang dùng.
Để hiểu rõ hơn về tác dụng phụ của Lyumjev, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ. Bác sĩ và dược sĩ cũng sẽ cho biết cách khắc phục các tác dụng phụ.
Tác dụng phụ nhẹ
Dưới đây là một số tác dụng phụ nhẹ mà Lyumjev có thể gây ra.
- Phát ban
- Ngứa ngáy
- Tăng cân
- Cảm lạnh thông thường
- Phản ứng tại vị trí tiêm *
- Hạ đường huyết
- Tăng đường huyết
- Loạn dưỡng mỡ và thoái hóa tinh bột cục bộ ở da*
Tác dụng phụ nhẹ của nhiều loại thuốc thường tự hết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ chúng gây khó chịu hoặc kéo dài thì hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
* Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Người bệnh có thể gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng Lyumjev nhưng không phổ biến. Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng Humulin R, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu cảm thấy vấn đề có thể gây nguy hiểm thì phải gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Lyumjev gồm có:
- Hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp)
- suy tim
- Hạ đường huyết nghiêm trọng *
- Tăng đường huyết nghiêm trọng
- Dị ứng*
* Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
Chi tiết tác dụng phụ
Tìm hiểu thêm về một số tác dụng phụ của Lyumjev.
Phản ứng tại vị trí tiêm
Vị trí tiêm Lyumjev có thể xảy ra một số phản ứng như:
- Đỏ
- Ngứa ngáy
- Đau
- Sưng tấy
- Chảy máu
- Bầm tím
- Đa phần thì các phản ứng này chỉ ở mức độ nhẹ.
Khi mới bắt đầu tiêm Lyumjev, người bệnh có thể bị phản ứng trên da nhưng những phản ứng này thường sẽ tự hết sau một thời gian dùng thuốc.
Nếu bị phản ứng da nghiêm trọng khi dùng Lyumjev, hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
Ngoài ra, nếu đã dùng thuốc được một thời gian mà vị trí tiêm vẫn có các phản ứng nêu trên thì cũng phải báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ. Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ hướng dẫn các kỹ thuật tiêm khác để ngăn ngừa xảy ra phản ứng.
Hạ đường huyết
Tác dụng phụ phổ biến nhất của Lyumjev là hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp).
Các triệu chứng hạ đường huyết mà mỗi người gặp phải sẽ không hoàn toàn giống nhau nhưng các triệu chứng phổ biến gồm có:
- Run tay
- Hồi hộp, bồn chồn
- Đổ mồ hôi
- Cáu kỉnh
- Mơ hồ, thiếu tỉnh táo
- Tim đập nhanh
- Lâng lâng, chóng mặt
- Đói cồn cào
- Buồn nôn
- Da nhợt nhạt
- Buồn ngủ
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Nhìn mờ
- Cảm giác tê hoặc châm chích ở môi, lưỡi hoặc má
- Đau đầu
Lượng đường trong máu có thể giảm xuống mức thấp nghiêm trọng và gây co giật, bất tỉnh hay thậm chí tử vong.
Để tránh bị hạ đường huyết, người bệnh cần tiêm đúng liều Lyumjev. Nếu như đang phải dùng các loại thuốc điều trị tiểu đường khác thì phải tuân thủ đúng liều dùng mà bác sĩ kê. Người bệnh cũng cần theo dõi sát sao mức đường huyết khi thay đổi liều dùng insulin vì việc thay đổi liều dùng sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết và tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao).
Nếu thấy có bất kỳ triệu chứng nào của hạ đường huyết thì phải đo đường huyết ngay.
Nếu đường huyết ở mức thấp thì hãy ăn hoặc uống thứ gì đó có đường để đưa lượng đường trong máu về mức an toàn. Theo khuyến nghị, người bệnh nên thực hiện quy tắc 15-15 khi bị hạ đường huyết: Ăn hoặc uống 15 gram carbohydrate, sau đó chờ 15 phút và đo đường huyết.
Người bệnh có thể bổ sung 15 gram carbohydrate bằng cách ăn hoặc uống:
- viên nén hoặc gel glucose
- Khoảng nửa cốc (120ml) nước trái cây hoặc nước ngọt thông thường (không dùng loại dành cho người ăn kiêng)
- 1 muỗng canh đường, mật ong hoặc siro ngô
- Kẹo cứng, kẹo dẻo ngọt
Hãy chuẩn bị sẵn các món có chứa đường khi điều trị bằng Lyumjev để có thể nhanh chóng xử lý khi bị hạ đường huyết.
Loạn dưỡng mỡ và thoái hóa tinh bột da cục bộ
Người bệnh có thể bị loạn dưỡng mỡ và thoái hóa tinh bột cục bộ ở da khi dùng Lyumjev. Đây là những vấn đề về da có biểu hiện là da trở nên dày hoặc nổi cục ở các vị trí tiêm.
Loạn dưỡng mỡ và thoái hóa tinh bột cục bộ ở da thường xảy ra khi tiêm thuốc nhiều lần liên tiếp ở cùng một vị trí.
Loạn dưỡng mỡ và thoái hóa tinh bột cục bộ ở da sẽ làm giảm lượng thuốc mà cơ thể hấp thụ và điều này làm tăng nguy cơ tăng đường huyết.
Khi tiêm Lyumjev cũng như nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường khác, người bệnh cần thay đổi vị trí tiêm mỗi lần tiêm. Điều này sẽ giúp tránh bị loạn dưỡng mỡ và thoái hóa tinh bột cục bộ ở da.
Ngoài ra, không tiêm thuốc ở những vùng da bị nổi cục, dày lên hay bị lõm. Cũng không nên tiêm Lyumjev ở vùng da đang bị nhạy cảm, tổn thương, bầm tím, đóng vảy, cứng hay có sẹo. Tiêm Lyumjev vào những vị trí này cũng sẽ làm giảm lượng thuốc được hấp thụ.
Dị ứng
Lyumjev có thể gây dị ứng ở một số người. Phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nặng, tùy cơ thể mỗi người.
Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ gồm có:
- Phát ban
- Ngứa ngáy
- Da đỏ và ấm nóng
Mặc dù hiếm gặp nhưng Lyumjev cũng có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm có phát ban toàn thân và sưng dưới da (thường là ở mí mắt, môi, bàn tay hoặc bàn chân), ngoài ra còn có sưng lưỡi, miệng hoặc cổ họng, gây khó thở.
Báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng dị ứng khi dùng Toujeo. Nếu có triệu chứng nghiêm trọng như khó thở và cảm thấy tình hình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
Lưu ý trước khi dùng Lyumjev
Trước khi được kê thuốc, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe tổng thể và các bệnh lý khác đang mắc để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.
Ngoài ra người bệnh cũng cần liệt kê toàn bộ các loại thuốc đang dùng cho bác sĩ. Điều này rất quan trọng vì một số loại thuốc có thể tương tác với Lyumjev.
Tương tác thuốc
Tương tác thuốc là phản ứng xảy ra giữa hai loại thuốc hoặc giữa một loại thuốc với thảo dược, thực phẩm chức năng hay thực phẩm tự nhiên. Tương tác thuốc có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc trong cơ thể.
Trước khi dùng Lyumjev, hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn cũng như là vitamin, thảo dược và thực phẩm chức năng để xem có sản phẩm nào có thể tương tác với NovoLog hay không.
Tương tác với thuốc hoặc thực phẩm chức năng
Lyumjev có thể tương tác với một số loại thuốc:
- Các loại thuốc trị tiểu đường khác, chẳng hạn như:
- glyburua
- metformin (Glucophage)
- repaglinua
- acarbose
- pioglitazon (Actos)
- semaglutua (Ozempic)
- sitagliptin (Januvia)
- canagliflozin (Invokana)
- Thuốc điều trị cao huyết áp như:
- ramipril (Altace)
- enalapril (Vasotec)
- furosemide (Lasix)
- indapamid
- Valsartan (Diovan)
- Telmisartan (Micardis)
- metoprolol (Lopressor)
- clonidin (Catapres)
- Một số loại thuốc điều trị bệnh tâm thần, gồm có:
- olanzapin (Zyprexa)
- clozapin (Clozaril)
- Thuốc nhóm corticoid (corticosteroid) như prednisone
Trên đây chỉ là một vài ví dụ. Ngoài ra còn nhiều loại thuốc khác có thể tương tác với Lyumjev. Do đó, điều quan trọng là người bệnh phải cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng để tránh xảy ra tương tác thuốc.
Cảnh báo
Lyumjev có thể không phù hợp với người đang mắc một số bệnh lý hay có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử trước khi dùng Lyumjev. Dưới đây là một số vấn đề về sức khỏe cần cân nhắc trước khi dùng Lyumjev:
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp): Những người từng bị hạ đường huyết không nên dùng Lyumjev. Những người vốn đã có lượng đường trong máu thấp sẽ có nguy cơ hạ đường huyết rất cao khi dùng Lyumjev. Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây co giật hoặc hôn mê và đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng của hạ đường huyết xảy ra nhanh chóng và triệu chứng ở mỗi người sẽ không hoàn toàn giống nhau. Các triệu chứng cũng có thể thay đổi theo thời gian. Người bệnh cần nhận biết được các triệu chứng hạ đường huyết để kịp thời xử trí. Một số triệu chứng thường gặp gồm có:
- Run tay
- Cáu kỉnh
- Thiếu tỉnh táo
- Tim đập nhanh
- Hồi hộp, bồn chồn
- Đói
- Da nhợt nhạt
- Đổ mồ hôi
- Thay đổi liệu pháp insulin: Khi điều chỉnh liệu pháp insulin (liều dùng, loại insulin hay hàm lượng), nguy cơ hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết sẽ tăng lên. Do đó, người bệnh sẽ phải đo đường huyết thường xuyên hơn để phát hiện sớm hạ hay tăng đường huyết.
- Dị ứng: Không dùng Lyumjev nếu từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Trong những trường hợp từng bị dị ứng, bác sĩ sẽ kê loại thuốc trị tiểu đường khác.
- Suy tim: Kết hợp một số loại thuốc trị tiểu đường với Lyumjev có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh suy tim. Ví dụ, điều này có thể xảy ra khi dùng Lyumjev cùng với các loại thuốc trong nhóm thiazolidinedione, gồm có rosiglitazone (Avandia) và pioglitazone (Actos). Dùng những loại thuốc này cùng nhau có thể gây tích tụ chất lỏng trong cơ thể và tạo áp lực lên tim. Nếu phải dùng thiazolidinedione cùng với Lyumjev, người bệnh cần đi khám định kỳ để kiểm tra chức năng tim. Nếu cần, bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc trị tiểu đường.
- Hạ kali máu: Tất cả các loại thuốc có chứa insulin, bao gồm cả Lyumjev, đều có thể làm giảm nồng độ kali trong máu. Hạ kali máu có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và tim. Đôi khi, nồng độ kali giảm xuống mức thấp nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng. Những người có nguy cơ bị hạ kali máu sẽ cần làm xét nghiệm máu đo mức kali trước khi dùng insulin và xét nghiệm định kỳ trong thời gian điều trị. Nguy cơ hạ kali máu sẽ cao hơn nếu như người bệnh còn đang phải dùng các loại thuốc khác cũng làm giảm mức kali, chẳng hạn như furosemide (Lasix) và indapamide.
- Tăng đường huyết và nhiễm toan ceton nếu sử dụng máy bơm insulin: Nếu dùng Lyumjev cùng với máy bơm insulin, người bệnh sẽ có nguy cơ bị tăng đường huyết khi máy bơm bị trục trặc. Khi cơ thể không có đủ insulin, đường trong máu sẽ không thể di chuyển vào tế bào. Khi các tế bào không có đủ đường để tạo năng lượng, cơ thể sẽ bắt đầu đốt cháy chất béo làm nguồn năng lượng thay thế. Quá trình đốt cháy chất béo tạo ra ceton – một loại axit và làm cho máu có tính axit. Điều này dẫn đến nhiễm toan ceton - đây là một tình trạng nghiêm trọng có thể gây hôn mê và thậm chí tử vong. Do đó, người bệnh cần biết cách tự tiêm insulin để phòng trường hợp máy bơm có vấn đề.
Lyumjev và đồ uống có cồn
Các nghiên cứu cho thấy rằng đồ uống có cồn có thể gây ra những tác động khác nhau đến tác dụng của insulin trong cơ thể.
Ví dụ, đồ uống có cồn có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của insulin.
Điều này có nghĩa là Lyumjev có thể hoạt động mạnh hơn bình thường nếu người bệnh uống rượu bia trong khi dùng thuốc và hậu quả là lượng đường trong máu giảm xuống mức quá thấp. Uống rượu bia cũng có thể làm giảm hiệu quả của Lyumjev và dẫn đến lượng đường trong máu quá cao.
Ảnh hưởng của rượu bia đến lượng đường trong máu tùy thuộc vào lượng tiêu thụ và nồng độ cồn trong máu. Nếu uống khi bụng đói, rượu bia sẽ làm giảm lượng đường trong máu nhiều hơn so với khi uống kèm thức ăn.
Nếu như uống rượu bia thì người bệnh cần cho bác sĩ biết về tần suất và lượng tiêu thụ. Có thể sẽ phải điều chỉnh liều dùng Lyumjev nhưng người bệnh không được tự điều chỉnh liều dùng thuốc.
Nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi uống rượu bia hoặc dùng thuốc có chứa cồn trong thời gian điều trị bằng Lyumjev hay các loại insulin khác.
Dùng Lyumjev cho phụ nữ mang thai và cho con bú
Các nghiên cứu không cho thấy Lyumjev gây hại cho phụ nữ mang thai và thai nhi nhưng lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Nếu đang mang thai hoặc đang có kế hoạch mang thai, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng Lyumjev. Bác sĩ sẽ tư vấn những biện pháp kiểm soát đường huyết phù hợp.
Insulin lispro (hoạt chất trong Lyumjev) có thể đi vào sữa mẹ nhưng thuốc không gây hại cho trẻ bú mẹ. Do đó, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có thể dùng Lyumjev trong thời gian cho con bú.
Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên trao đổi với bác sĩ nếu cho con bú hoặc có ý định cho con bú trong khi điều trị bằng Lyumjev.
Nên đo đường huyết bao lâu một lần khi dùng Lyumjev?
Tần suất đo đường huyết phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Đã dùng Lyumjev được bao lâu
- Tình trạng sức khỏe tổng thể
- Mức độ nghiêm trọng của bệnh tiểu đường
- Chế độ ăn uống
- Gần đây có điều chỉnh phác đồ insulin hay không
Thông thường, người bệnh nên đo đường huyết nhiều lần trong ngày khi mới bắt đầu dùng Lyumjev. Khi lượng đường trong máu được kiểm soát ổn định thì có thể giảm tần suất đo. Nhưng người bệnh sẽ lại phải đo đường huyết thường xuyên hơn sau mỗi lần điều chỉnh liều dùng thuốc.
Cần làm gì khi dùng thuốc quá liều?
Dùng thuốc quá liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì lý do này nên bác sĩ sẽ xác định liều dùng cho mỗi người bệnh một cách cẩn thận. Không tiêm Lyumjev vượt quá liều mà bác sĩ kê.
Triệu chứng dùng thuốc quá liều
Các triệu chứng thường gặp khi tiêm Lyumjev quá liều gồm có:
- Hạ đường huyết
- Co giật
- Bất tỉnh
- Thậm chí là tử vong
Cách xử trí khi tiêm thuốc quá liều
Cần báo ngay cho bác sĩ nếu lỡ tiêm Lyumjev quá liều. Nếu như có các triệu chứng nghiêm trọng thì phải gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
NovoLog là một loại thuốc được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn và trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2.
Insulin detemir là một loại thuốc được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2.
Tiêm insulin có thể giúp kiểm soát cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Insulin từ bên ngoài có tác dụng thay thế hoặc bổ sung cho insulin tự nhiên của cơ thể.
Humulin R U-500 là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu cho cả người lớn và trẻ em. Cụ thể, Humulin R U-500 được sử dụng cho những bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2 cần hơn 200 đơn vị insulin mỗi ngày.
Humulin N được sử dụng cho người lớn và trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2. Thuốc này giúp kiểm soát lượng đường trong máu.