1

Insulin glargine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụbệnh

Insulin glargine là một loại insulin tác dụng kéo dài. Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 phải sử dụng kết hợp insulin glargine với insulin tác dụng ngắn hoặc insulin tác dụng nhanh. Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể chỉ cần sử dụng mình insulin glargine hoặc kết hợp với các loại thuốc khác.
Insulin glargine Insulin glargine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụbệnh

Thông tin cơ bản về insulin glargine

  • Insulin glargine dạng biệt dược, hiện không dạng thuốc gốc. Các biệt dược (tên thương mại) của insulin glargine là Lantus, Basaglar, Toujeo.
  • Insulin glargine có dạng dung dịch tiêm.
  • Insulin glargine được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2.

Insulin glargine là gì?

Insulin glargine là một loại thuốc kê đơn có dạng dung dịch tiêm.

Insulin glargine hiện chỉ có dạng biệt dược là Lantus, Basaglar và Toujeo, không có dạng thuốc gốc.

(Khi một loại thuốc mới được phát minh ra, nó sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước cùng với tên biệt dược của nơi tiến hành nghiên cứu. Sau khi được cấp phép lưu hành trên thị trường, biệt dược sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.)

Insulin glargine là một loại insulin tác dụng kéo dài. Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 phải sử dụng kết hợp insulin glargine với insulin tác dụng ngắn hoặc insulin tác dụng nhanh. Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể chỉ cần sử dụng mình insulin glargine hoặc kết hợp với các loại thuốc khác.

Công dụng của insulin glargine

Insulin glargine được sử dụng để giảm lượng đường trong máu ở người lớn và trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1. Loại insulin này còn được sử dụng cho người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2.

Cơ chế tác dụng

Insulin glargine thuộc nhóm thuốc có tên là insulin tác dụng kéo dài. Nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có cơ chế tác dụng tương tự nhau và những loại thuốc này thường có cùng công dụng.

Cơ chế tác dụng của insulin glargine là kiểm soát lượng đường (glucose) được sử dụng và dự trữ trong cơ thể. Insulin glargine làm tăng lượng đường được sử dụng bởi các cơ, giúp dự trữ đường trong mô mỡ và ngăn gan giải phóng đường vào máu. Loại thuốc này còn ngăn cơ thể phân hủy chất béo và protein để làm năng lượng, đồng thời giúp cơ thể tạo ra protein.

Ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1, tuyến tụy không còn khả năng tạo ra insulin. Ở người mắc bệnh tiểu đường type 2, tuyến tụy không tạo ra đủ insulin hoặc cơ thể không thể sử dụng hiệu quả lượng insulin được tạo ra. Tất cả những điều này đều làm tăng lượng đường trong máu. Insulin glargine thay thế một phần insulin mà cơ thể người bệnh cần.

Tác dụng phụ của insulin glargine

Một trong các tác dụng phụ của insulin glargine là gây buồn ngủ. Ngoài ra còn có các tác dụng phụ khác.

Tác dụng phụ phổ biến

Một số tác dụng phụ phổ biến của insulin glargine gồm có:

  • Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp). Các triệu chứng gồm có:
    • Đói
    • Tim đập nhanh
    • Run tay
    • Đổ mồ hôi
    • Ớn lạnh
    • Đổ mồ hôi
    • Chóng mặt
    • Lâng lâng
    • Buồn ngủ
    • Mơ hồ, thiếu tỉnh táo
    • Bồn chồn, hồi hộp
    • Mờ mắt
    • Đau đầu
    • Cáu gắt
    • Da nhợt nhạt
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân
  • Phù nề ở cánh tay, cẳng chân, bàn chân hoặc mắt cá chân
  • Phản ứng tại vị trí tiêm. Các triệu chứng gồm có:
    • Vết lõm tại vị trí tiêm (do teo mỡ)
    • Tăng hoặc giảm mô mỡ dưới da do tiêm nhiều lần ở cùng một vị trí
    • Da đỏ, sưng, nóng hoặc ngứa

Những tác dụng phụ này thường tự hết vòng vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Báo ngay cho bác sĩ nếu gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng insulin glargine. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện nếu nhận thấy các triệu chứng có vẻ nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng. Dưới đây là một số tác dụng phụ nghiêm trọng của insulin glargine và các triệu chứng:

  • Các vấn đề về hô hấp
  • Dị ứng. Các triệu chứng gồm có:
    • Mẩn đỏ
    • Ngứa
    • Nổi mề đay
    • Sưng mặt, môi hoặc lưỡi
    • Khó thở, khó nuốt
  • Hạ đường huyết. Các triệu chứng gồm có:
    • Hồi hộp, bồn chồn
    • Chóng mặt
    • Thiếu tỉnh táo
    • Đói cồn cào
    • Mệt mỏi bất thường, buồn ngủ
    • Đổ mồ hôi
    • Run tay
    • Da nhợt nhạt
    • Hạ thân nhiệt, ớn lạnh
    • Cáu gắt
    • Đau đầu
    • Mờ mắt
    • Tim đập nhanh
    • Co giật
    • Ngất xỉu

Lưu ý, phản ứng của cơ thể mỗi người với thuốc không hoàn toàn giống nhau nên tác dụng phụ mà mỗi người gặp phải khi dùng insulin glargine sẽ khác nhau. Không phải ai dùng insulin glargine cũng gặp các tác dụng phụ kể trên và ngoài danh sách này, insulin glargine cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ khác. Trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết rõ hơn về các tác dụng phụ của thuốc.

Tương tác thuốc

Insulin glargine có thể tương tác với các loại thuốc khác hoặc vitamin, thực phẩm chức năng, thảo dược mà người bệnh đang dùng. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc. Điều này có thể khiến thuốc kém hiệu quả hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Để tránh xảy ra tương tác thuốc, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thảo dược hay thực phẩm chức năng mà mình đang dùng để bác sĩ kê thuốc cho phù hợp. Để hiểu rõ về tương tác thuốc của insulin glargine, hãy nói chuyện trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ.

Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác với insulin glargine.

Thuốc làm tăng nguy cơ hạ đường huyết

Người bệnh cần sử dụng những loại thuốc này một cách thận trọng trong thời gian điều trị bằng insulin glargine. Sử dụng các loại thuốc này cùng nhau sẽ rất dễ dẫn đến hạ đường huyết. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • Các loại thuốc điều trị tiểu đường khác
  • pentamidine
  • pramlintide
  • Thuốc tương tự somatostatin

Thuốc điều trị tiểu đường đường uống

Những loại thuốc này cần được sử dụng một cách thận trọng cùng với insulin glargine. Sử dụng các loại thuốc này cùng nhau có thể làm tăng nguy cơ giữ nước, phù nề và các vấn đề về tim, chẳng hạn như suy tim. Một số ví dụ gồm có:

  • pioglitazon
  • rosiglitazon

Thuốc điều trị tiểu đường dạng tiêm

Dùng exenatide (một loại thuốc điều trị tiểu đường dạng tiêm) cùng với insulin glargine có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Trong những trường hợp phải dùng loại thuốc này cùng nhau, bác sĩ thường sẽ giảm liều insulin glargine.

Thuốc điều trị cao huyết áp và bệnh tim mạch

Sử dụng một số loại thuốc điều trị cao huyết áp cùng với insulin glargine có thể gây tăng hoặc hạ đường huyết.

Thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta làm thay đổi cơ chế kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể. Dùng những loại thuốc này cùng với insulin glargine có thể gây ra tăng đường huyết (lượng đường trong máu quá cao) hoặc hạ đường huyết (lượng đường trong máu quá thấp). Ngoài ra khi dùng thuốc chẹn beta, người bệnh có thể sẽ không phát hiện được các dấu hiệu hạ đường huyết. Nếu phải sử dụng các loại thuốc này cùng với insulin glargine, người bệnh cần phải theo dõi đường huyết chặt chẽ hơn. Ví dụ về các loại thuốc chẹn beta gồm có:

  • acebutolol
  • atenolol
  • bisoprolol
  • esmolol
  • metoprolol
  • nadolol
  • nebivolol
  • propranolol

Thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II

Những loại thuốc này có thể làm cho cơ thể nhạy cảm hơn với insulin glargine và điều này sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Nếu phải dùng thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II cùng với insulin glargine, người bệnh cần phải theo dõi lượng đường trong máu chặt chẽ hơn. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • benazepril
  • captopril
  • enalapril
  • fosinopril
  • lisinopril
  • quinapril
  • ramipril
  • candesartan
  • eprosartan
  • Irbesartan
  • losartan
  • telmisartan
  • valsartan

Các loại thuốc điều trị cao huyết áp khác

Dùng những loại thuốc dưới đây có thể khiến người bệnh khó phát hiện được các dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết. Nếu phải dùng các loại thuốc này cùng với insulin glargine, người bệnh cần phải theo dõi lượng đường trong máu chặt chẽ hơn.

  • clonidine
  • guanethidine
  • reserpine

Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim

Dùng disopyramide (một loại thuốc chống loạn nhịp nhóm IA) cùng với insulin glargine có thể làm tăng tác dụng làm giảm lượng đường trong máu của insulin glargine. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Trong những trường hợp cần sử dụng các loại thuốc này cùng nhau, bác sĩ thường sẽ giảm liều insulin glargine.

Thuốc hạ cholesterol

Dùng fibrate (một loại thuốc có tác dụng làm giảm cholesterol và triglyceride trong máu) cùng với insulin glargine có thể làm tăng tác dụng làm giảm lượng đường trong máu của insulin glargine và làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Trong những trường hợp cần sử dụng fibrate cùng insulin glargine, bác sĩ thường sẽ giảm liều insulin glargine.

Dùng niacin (một loại thuốc giúp hạ lipid máu) cùng với insulin glargine có thể làm giảm hiệu quả của insulin glargine và làm tăng nguy cơ tăng đường huyết. Trong những trường hợp phải dùng loại thuốc này cùng với insulin glargine, bác sĩ có thể sẽ tăng liều insulin glargine.

Thuốc điều trị trầm cảm

Dùng một số loại thuốc điều trị trầm cảm cùng với insulin glargine có thể làm tăng tác dụng làm giảm lượng đường trong máu của insulin glargine và làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Trong những trường hợp cần sử dụng các loại thuốc này cùng insulin glargine, bác sĩ thường sẽ giảm liều insulin glargine.Một số loại thuốc điều trị trầm cảm có thể tương tác với insulin glargine gồm có:

  • fluoxetin
  • Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI)

Thuốc giảm đau

Dùng các loại thuốc giảm đau chứa salicylate cùng với insulin glargine có thể làm tăng tác dụng làm giảm lượng đường trong máu của insulin glargine và làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Trong những trường hợp cần sử dụng các loại thuốc này cùng insulin glargine, bác sĩ thường sẽ giảm liều insulin glargine. Ví dụ về các loại thuốc giảm đau chứa salicylate có thể tương tác với insulin glargine gồm có:

  • aspirin
  • bismuth subsalicylate

Nhóm thuốc kháng sinh sulfonamide

Dùng các loại thuốc kháng sinh trong nhóm sulfonamide cùng với insulin glargine có thể làm tăng tác dụng làm giảm lượng đường trong máu của insulin glargine và điều này sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Trong những trường hợp cần sử dụng kháng sinh nhóm sulfonamide cùng với insulin glargine, bác sĩ thường sẽ giảm liều insulin glargine. Một ví dụ thuốc kháng sinh thuộc nhóm này là sulfamethoxazol.

Thuốc chống đông máu

Dùng pentoxifylline (một loại thuốc chống đông máu) cùng với insulin glargine có thể làm tăng tác dụng làm giảm lượng đường trong máu của insulin glargine và điều này sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Trong những trường hợp cần sử dụng loại thuốc này với insulin glargine, bác sĩ thường sẽ giảm liều insulin glargine.

Corticoid

Dùng corticoid (corticosteroid) - một loại thuốc kháng viêm - cùng với insulin glargine có thể làm giảm hiệu quả của insulin glargine. Điều này có thể dẫn đến tăng đường huyết. Trong những trường hợp cần sử dụng cả corticoid và insulin glargine, bác sĩ có thể sẽ tăng liều insulin glargine.

Thuốc điều trị hen suyễn

Dùng các loại thuốc điều trị hen suyễn cùng với insulin glargine có thể làm giảm hiệu quả của insulin glargine và điều này có thể dẫn đến tăng đường huyết. Trong những trường hợp phải sử dụng cả thuốc điều trị hen suyễn và insulin glargine, người bệnh có thể sẽ phải dùng liều insulin glargine cao hơn. Ví dụ về các loại thuốc điều trị hen suyễn có thể tương tác với insulin glargine gồm có:

  • epinephrine
  • albuterol
  • terbutaline

Thuốc điều trị nhiễm trùng

Dùng một số loại thuốc điều trị nhiễm trùng cùng với insulin glargine có thể làm giảm hiệu quả của insulin glargine và điều này có thể dẫn đến tăng đường huyết. Trong những trường hợp cần sử dụng các loại thuốc này cùng với insulin glargine, bác sĩ có thể sẽ tăng liều insulin glargine. Ví dụ về các loại thuốc điều trị nhiễm trùng có thể tương tác với insulin glargine gồm có:

  • isoniazid
  • pentamidine

Hormone tuyến giáp

Dùng các loại thuốc trong nhóm này cùng với insulin glargine có thể làm giảm hiệu quả của insulin glargine và điều này có thể dẫn đến tăng đường huyết. Trong những trường hợp cần sử dụng các loại thuốc này cùng với insulin glargine, bác sĩ có thể sẽ tăng liều insulin glargine.

Nội tiết tố nữ

Dùng các loại thuốc tránh thai nội tiết cùng với insulin glargine có thể làm giảm hiệu quả của insulin glargine và điều này có thể dẫn đến tăng đường huyết. Trong những trường hợp cần sử dụng các loại thuốc này cùng với insulin glargine, bác sĩ có thể sẽ tăng liều insulin glargine. Một số loại nội tiết tố nữ có thể tương tác với insulin glargine gồm có:

  • estrogen
  • progestogen

Thuốc điều trị HIV

Dùng thuốc ức chế protease chung với insulin glargine có thể làm giảm hiệu quả của insulin glargine và điều này có thể dẫn đến tăng đường huyết. Trong những trường hợp cần sử dụng các loại thuốc này cùng với insulin glargine, bác sĩ có thể sẽ tăng liều insulin glargine cho người bệnh. Ví dụ về các loại thuốc ức chế protease gồm có:

  • atazanavir
  • darunavir
  • fosamprenavir
  • indinavir
  • lopinavir/ritonavir
  • nelfinavir
  • ritonavir

Thuốc điều trị bệnh tâm thần

Dùng một số loại thuốc điều trị bệnh tâm thần cùng với insulin glargine có thể làm giảm hiệu quả của insulin glargine và điều này có thể dẫn đến tăng đường huyết. Trong những trường hợp cần sử dụng các loại thuốc này cùng với insulin glargine, bác sĩ có thể sẽ tăng liều insulin glargine cho người bệnh. Một số loại thuốc điều trị bệnh tâm thần có thể tương tác với insulin glargine gồm có:

  • olanzapine
  • clozapine
  • lithium
  • phenothiazine

Lưu ý, phản ứng của cơ thể mỗi người với các loại thuốc là khác nhau nên tương tác thuốc trong mỗi trường hợp sẽ không hoàn toàn giống nhau. Không phải lúc nào insulin glargine cũng tương tác với các loại thuốc kể trên và ngoài danh sách này còn có rất nhiều loại thuốc khác có thể tương tác với insulin glargine. Để biết chi tiết về tương tác giữa insulin glargine với các loại thuốc khác hay thực phẩm chức năng, vitamin và thảo dược, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ.

Cách sử dụng insulin glargine

Liều dùng và dạng thuốc mà mỗi người bệnh cần sử dụng là khác nhau. Liều dùng, dạng thuốc và tần suất sử dụng thuốc sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tuổi tác
  • Bệnh lý cần điều trị
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
  • Các bệnh lý khác đang mắc
  • Phản ứng của cơ thể với liều đầu tiên

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Tên thuốc: Basaglar
    • Dạng: dung dịch tiêm
    • Hàm lượng: 100 đơn vị insulin trong mỗi ml dung dịch thuốc, đựng sẵn trong bút tiêm 3ml.
  • Tên thuốc: Lantus
    • Dạng: dung dịch tiêm
    • Hàm lượng: 100 đơn vị insulin trong mỗi ml dung dịch thuốc, đựng trong lọ 10ml hoặc bút tiêm 3ml.
  • Tên thuốc: Toujeo
    • Dạng: dung dịch tiêm
    • Hàm lượng: 300 đơn vị insulin trong mỗi ml dung dịch thuốc, đựng sẵn trong bút tiêm 1,5ml (450 đơn vị insulin) và bút tiêm 3ml (900 đơn vị insulin).

Liều dùng cho người bệnh tiểu đường type 1

Liều dùng Lantus và Basaglar

Liều dùng cho người lớn (từ 16 - 64 tuổi)

  • Tiêm insulin glargine một lần/ngày, vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
  • Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng ban đầu và điều chỉnh liều dùng theo thời gian dựa trên nhu cầu, mức đường huyết và mục tiêu điều trị.
  • Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, liều khởi đầu được khuyến nghị là khoảng một phần ba tổng nhu cầu insulin hàng ngày. Nên sử dụng insulin tác dụng ngắn hoặc insulin tác dụng nhanh, trước bữa ăn để đáp ứng nhu cầu insulin còn lại trong ngày.
  • Trong trường hợp phải chuyển từ insulin tác dụng trung bình hoặc insulin tác dụng kéo dài sang insulin glargine, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng, thời gian sử dụng insulin cũng như các loại thuốc trị tiểu đường khác.

Liều dùng cho trẻ từ 6 – 15 tuổi

  • Tiêm insulin glargine một lần/ngày, vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
  • Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng ban đầu cho trẻ dựa trên nhu cầu, mức đường huyết và mục tiêu điều trị.
  • Đối với trẻ mắc bệnh tiểu đường type 1, liều khởi đầu được khuyến nghị là khoảng một phần ba tổng nhu cầu insulin hàng ngày. Nên sử dụng insulin tác dụng ngắn, trước bữa ăn để đáp ứng nhu cầu insulin còn lại trong ngày.
  • Trong trường hợp phải chuyển từ insulin tác dụng trung bình hoặc insulin tác dụng kéo dài sang insulin glargine, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng, thời gian sử dụng insulin cũng như các loại thuốc trị tiểu đường khác.

Liều dùng cho trẻ từ 0 – 5 tuổi

Thuốc này hiện chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả khi sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi mắc bệnh tiểu đường type 1.

Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Người trên 65 tuổi cần thận trọng khi sử dụng insulin glargine vì khi có tuổi, cơ thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn với tác dụng của insulin, có nghĩa là dễ xảy ra tác dụng phụ hơn. Người cao tuổi cũng thường khó phát hiện các dấu hiệu hạ đường huyết hơn.

Đối với người bệnh cao tuổi, bác sĩ thường kê liều khởi đầu thấp hơn và tăng liều chậm hơn.

Liều dùng Toujeo

Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)

  • Tiêm insulin glargine một lần/ngày, vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
  • Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng ban đầu và điều chỉnh liều dùng theo thời gian dựa trên nhu cầu, mức đường huyết và mục tiêu điều trị.
  • Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, liều khởi đầu được khuyến nghị là khoảng một phần ba tổng nhu cầu insulin hàng ngày. Người bệnh nên sử dụng insulin tác dụng ngắn để đáp ứng nhu cầu insulin còn lại trong ngày.
  • Nói chung, đối với những người chưa từng sử dụng insulin trước đây, bác sĩ thường kê liều 0,2 đến 0,4 đơn vị insulin/mỗi kg cân nặng. Nhân lượng insulin này với số cân nặng để ra tổng liều insulin cần dùng hàng ngày trong thời gian đầu.
  • Trong trường hợp phải chuyển từ insulin tác dụng trung bình hoặc insulin tác dụng kéo dài sang insulin glargine, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng, thời gian sử dụng insulin cũng như các loại thuốc trị tiểu đường khác.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)

Thuốc này hiện chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả khi sử dụng cho người dưới 18 tuổi.

Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Người trên 65 tuổi cần thận trọng khi sử dụng insulin glargine vì khi có tuổi, cơ thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn với tác dụng của insulin, có nghĩa là dễ xảy ra tác dụng phụ hơn. Người cao tuổi cũng thường khó phát hiện các dấu hiệu hạ đường huyết hơn.

Đối với người bệnh cao tuổi, bác sĩ thường kê liều khởi đầu thấp hơn và tăng liều chậm hơn.

Liều dùng cho người bệnh tiểu đường type 2

Liều dùng Lantus và Basaglar

Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)

  • Tiêm insulin glargine một lần/ngày, vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
  • Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng ban đầu và điều chỉnh liều dùng theo thời gian dựa trên nhu cầu, mức đường huyết và mục tiêu điều trị.
  • Đối với người mắc bệnh tiểu đường type 2, liều khởi đầu được khuyến nghị là 0,2 đơn vị insulin/mỗi kg cân nặng hoặc tối đa 10 đơn vị insulin mỗi ngày. Bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh liều và thời gian sử dụng insulin tác dụng ngắn hoặc tác dụng nhanh cũng như liều dùng của các loại thuốc trị tiểu đường đường uống mà người bệnh đang dùng.
  • Trong trường hợp phải chuyển từ insulin tác dụng trung bình hoặc insulin tác dụng kéo dài sang insulin glargine, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng, thời gian sử dụng insulin cũng như các loại thuốc trị tiểu đường khác.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)

Thuốc này hiện chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả khi sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường type 2 dưới 18 tuổi.

Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Người trên 65 tuổi cần thận trọng khi sử dụng insulin glargine vì khi có tuổi, cơ thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn với tác dụng của insulin, có nghĩa là dễ xảy ra tác dụng phụ hơn. Người cao tuổi cũng thường khó phát hiện các dấu hiệu hạ đường huyết hơn.

Đối với người bệnh cao tuổi, bác sĩ thường kê liều khởi đầu thấp hơn và tăng liều chậm hơn.

Liều dùng Toujeo

Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)

  • Tiêm insulin glargine một lần/ngày, vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
  • Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng ban đầu và điều chỉnh liều dùng theo thời gian dựa trên nhu cầu, mức đường huyết và mục tiêu điều trị.
  • Đối với người mắc bệnh tiểu đường type 2, liều khởi đầu được khuyến nghị là 0,2 đơn vị insulin/mỗi kg cân nặng.
  • Trong trường hợp phải chuyển từ insulin tác dụng trung bình hoặc insulin tác dụng kéo dài sang insulin glargine, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng, thời gian sử dụng insulin cũng như các loại thuốc trị tiểu đường khác.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)

Thuốc này hiện chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả khi sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường type 2 dưới 18 tuổi.

Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Người trên 65 tuổi cần thận trọng khi sử dụng insulin glargine vì khi có tuổi, cơ thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn với tác dụng của insulin, có nghĩa là dễ xảy ra tác dụng phụ hơn. Người cao tuổi cũng thường khó phát hiện các dấu hiệu hạ đường huyết hơn.

Đối với người bệnh cao tuổi, bác sĩ thường kê liều khởi đầu thấp hơn và tăng liều chậm hơn.

Liều dùng trong những trường hợp đặc biệt

  • Người mắc bệnh gan: Ở người mắc bệnh gan, gan không còn khả năng giải phóng glucose và xử lý insulin glargine một cách hiệu quả. Do đó, trong những trường hợp này, bác sĩ thường kê liều insulin glargine thấp hơn.
  • Người mắc bệnh thận: Ở người mắc bệnh thận, thận không còn khả năng xử lý insulin glargine một cách hiệu quả. Do đó, bác sĩ thường sẽ kê liều insulin glargine thấp hơn cho người bị bệnh thận.

Lưu ý, trên đây chỉ là liều dùng tham khảo. Hãy dùng thuốc đúng liều mà bác sĩ kê.

Khi nào cần báo cho bác sĩ?

Hãy báo bác sĩ khi bị ốm, nôn mửa, thay đổi chế độ ăn uống hoặc tập thể dục. Có thể sẽ phải điều chỉnh liều dùng insulin glargine hoặc kiểm tra các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thuốc, thảo dược hay thực phẩm chức năng mới nào trong thời gian điều trị bằng insulin glargine.

Cảnh báo

Insulin glargine đi kèm một số cảnh báo.

Nguy cơ hạ đường huyết

Người bệnh có thể bị hạ đường huyết nhẹ hoặc nghiêm trọng khi dùng insulin glargine. Lượng đường trong máu ở mức quá thấp sẽ gây nguy hiểm. Tình trạng này sẽ gây hại đến tim hoặc não, khiến người bệnh co giật, hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

Hạ đường huyết có thể xảy ra rất nhanh và không có triệu chứng. Do đó, người bệnh cần phải đo đường huyết thường xuyên theo khuyến nghị của bác sĩ. Các triệu chứng thường gặp của hạ đường huyết gồm có:

  • Lo âu, bồn chồn, hồi hộp, khó tập trung, mơ hồ, thiếu tỉnh táo
  • Châm chích ở bàn tay, bàn chân, môi hoặc lưỡi
  • Chóng mặt, lâng lâng, buồn ngủ
  • Mơ thấy ác mộng hoặc khó ngủ (nếu hạ đường huyết xảy ra trong khi ngủ)
  • Đau đầu
  • Mờ mắt
  • Nói năng không rõ ràng
  • Tim đập nhanh
  • Đổ mồ hôi
  • Run tay
  • Đi lại không vững

Nguy cơ suy tim khi dùng kèm thiazolidinedione

Dùng insulin glargine cùng với thiazolidinedione (một nhóm thuốc điều trị tiểu đường đường uống) có thể gây suy tim hoặc làm cho tình trạng suy tim trở nên trầm trọng hơn.

Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng suy tim khi sử dụng các loại thuốc này. Một số triệu chứng suy tim gồm có khó thở, sưng mắt cá chân hoặc bàn chân và tăng cân đột ngột. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng thuốc thiazolidinedione nếu người bệnh có những triệu chứng này.

Nguy cơ nhiễm trùng

Tuyệt đối không được dùng chung lọ, bơm kim tiêm và bút tiêm insulin với người khác. Việc dùng chung các dụng cụ này với người khác sẽ làm tăng nguy cơ mắc hoặc lây truyền các bệnh nhiễm trùng.

Nguy cơ hạ kali máu

Tất cả các loại insulin đều có thể làm giảm nồng độ kali trong máu. Nồng độ kali trong máu thấp (hạ kali máu) sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim khi dùng insulin glargine. Để tránh xảy ra điều này, bác sĩ thường sẽ yêu cầu xét nghiệm kali máu trước khi người bệnh bắt đầu dùng insulin.

Nguy cơ dị ứng

Đôi khi insulin glargine có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Một số triệu chứng của phản ứng dị ứng với insulin glargine gồm có:

  • Mẩn đỏ khắp cơ thể
  • Khó thở, thở gấp
  • Tim đập nhanh
  • Đổ mồ hôi
  • Tụt huyết áp

Nếu có các triệu chứng này thì phải gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Không được tiếp tục sử dụng insulin glargine nếu đã từng bị dị ứng. Việc tiếp tục sử dụng có thể gây tử vong.

Tương tác với thực phẩm

Loại và lượng thực phẩm mà người bệnh ăn sẽ ảnh hưởng đến liều insulin glargine cần dùng. Hãy cho bác sĩ biết khi thay đổi chế độ ăn uống vì có thể sẽ cần phải điều chỉnh liều dùng insulin glargine.

Tương tác với đồ uống có cồn

Uống rượu bia sẽ dẫn đến khó kiểm soát lượng đường trong máu hơn khi dùng insulin glargine. Do đó, nên hạn chế hoặc kiêng rượu bia trong khi điều trị bằng loại thuốc này.

Không dùng chung với người khác

Không dùng chung insulin glargine với người khác, ngay cả khi người đó cũng mắc bệnh tiểu đường. Không phải ai bị bệnh tiểu đường cũng cần dùng insulin. Việc sử dụng insulin khi không cần thiết có thể gây nguy hiểm.

Cảnh báo đối với người mắc bệnh lý khác

  • Đối với người mắc bệnh gan: Ở người mắc bệnh gan, gan không còn khả năng giải phóng glucose và xử lý insulin glargine một cách hiệu quả. Trong những trường hợp này, bác sĩ thường kê liều insulin glargine thấp hơn.
  • Đối với người mắc bệnh thận: Ở người mắc bệnh thận, thận không còn khả năng xử lý insulin glargine một cách hiệu quả. Do đó, bác sĩ thường sẽ kê liều insulin glargine thấp hơn cho người bị bệnh thận.
  • Đối với người dễ bị hạ đường huyết: Người bệnh cần thận trọng khi sử dụng insulin glargine nếu thường xuyên bị hạ đường huyết. Thuốc sẽ tồn tại trong cơ thể trong một thời gian dài và khi xảy ra hạ đường huyết thì sẽ khó đưa lượng đường trong máu trở về mức bình thường hơn. Nguy cơ hạ đường huyết tăng cao ở người từ 65 tuổi trở lên và những người không ăn uống đúng giờ.
  • Đối với người bị phù nề: Insulin glargine có thể làm cho tình trạng phù nề trở nên nghiêm trọng hơn. Thuốc này có thể khiến cơ thể giữ natri, dẫn đến tích tụ chất lỏng trong mô cơ thể, từ đó gây phù nề ở bàn tay, bàn chân, cánh tay và cẳng chân.
  • Đối với người bị suy tim: Dùng insulin glargine cùng với thiazolidinedione (một nhóm thuốc điều trị tiểu đường đường uống) có thể khiến cơ thể giữ nước và dẫn đến suy tim hoặc làm cho tình trạng suy tim trở nên trầm trọng hơn.

Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác

  • Đối với phụ nữ mang thai: Chưa rõ liệu insulin glargine có an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai hay không. Người bệnh cần báo cho bác sĩ nếu đang mang thai hoặc dự định có thai. Chỉ nên sử dụng insulin glargine cho phụ nữ mang thai nếu lợi ích lớn hơn rủi ro.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Chưa rõ liệu insulin glargine có đi vào sữa mẹ hay không. Người bệnh và bác sĩ sẽ phải quyết định xem nên tiếp tục sử dụng insulin glargine và nuôi con bằng sữa công thức hay cho con bú và đổi sang loại thuốc trị tiểu đường khác. Nếu vẫn muốn cho con bú trong khi dùng insulin glargine, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng và người bệnh phải theo dõi chặt chẽ mức đường huyết.
  • Đối với người cao tuổi: Ở người từ 65 tuổi trở lên, cơ thể nhạy cảm hơn với tác dụng của insulin glargine và điều này làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Do đó, bác sĩ sẽ kê liều khởi đầu thấp hơn và tăng liều chậm hơn.
  • Đối với trẻ em: Trẻ em dùng insulin glargine cần được theo dõi đặc biệt.

Điều gì xảy ra nếu dùng insulin glargine không theo chỉ định?

Insulin glargine được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường về lâu dài. Thuốc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu như không sử dụng đúng theo chỉ định.

  • Nếu hoàn toàn không sử dụng thuốc hoặc quên tiêm thuốc: Hoàn toàn không sử dụng thuốc hoặc quên tiêm thuốc có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao. Nếu kéo dài, tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
  • Nếu sử dụng thuốc quá liều: Sử dụng insulin glargine quá liều có thể gây hạ đường huyết nhẹ hoặc nghiêm trọng. Người bệnh nên chuẩn bị sẵn một loại đồ ăn hoặc đồ uống có chứa đường như kẹo, nước ngọt hay viên nén glucose để dùng trong trường hợp bị hạ đường huyết nhẹ. Thực hiện các bước xử trí hạ đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ. Các triệu chứng của hạ đường huyết nghiêm trọng gồm có:
    • Bất tỉnh
    • Co giật
    • Vấn đề về thần kinh

          Nếu cho rằng mình đã tiêm insulin glargine quá liều, hãy báo cho bác sĩ. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức.

  • Nếu quên tiêm thuốc: Người bệnh cần tiêm insulin glargine đều đặn hàng ngày. Hãy hỏi bác sĩ về những bước cần thực hiện khi lỡ quên tiêm thuốc.
  • Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu mức đường huyết giảm thì chứng tỏ thuốc có hiệu quả.

Lưu ý khi sử dụng insulin glargine

Dưới đây là những điều quan trọng cần lưu ý khi sử dụng insulin glargine.

Lưu ý chung

  • Có thể tiêm insulin glargine trước hoặc sau ăn.
  • Có thể tiêm insulin glargine vào bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng nên tiêm vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Bảo quản

Điều quan trọng là phải bảo quản insulin glargine đúng cách để thuốc có hiệu quả tốt.

Bảo quản lọ chưa mở:

  • Bảo quản lọ insulin glargine chưa mở trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C (36°F đến 46°F).
  • Nếu bảo quản trong tủ lạnh, thuốc có thể để được cho đến ngày hết hạn ghi trên bao bì.
  • Không được để thuốc trong ngăn đông.
  • Không để insulin glargine ở nơi có nhiệt độ cao, ẩm ướt và có ánh sáng chiếu trực tiếp.
  • Không sử dụng thuốc đã để trong ngăn đông, để ở nơi có nhiệt độ cao hoặc thuốc đã hết hạn.

Bảo quản lọ đã mở:

  • Lọ insulin glargine đã mở có thể được bảo quản trong tủ lạnh hoặc bảo quản ở nhiệt độ phòng (dưới 30°C hay 86°F).
  • Tránh để thuốc ở nơi có nhiệt độ cao và ánh sáng chiếu trực tiếp.
  • Hạn sử dụng của insulin glargine sau khi mở là 28 ngày.

Mang thuốc theo khi đi xa

Lưu ý khi mang thuốc theo khi đi xa:

  • Luôn mang theo thuốc vì người bệnh cần phải tiêm đều đặn hàng ngày.
  • Khi đi máy bay, không để thuốc trong hành lý ký gửi mà phải để trong hành lý xách tay.
  • Tia X trong máy soi chiếu hành lý tại sân bay sẽ không ảnh hưởng đến thuốc.
  • Nhân viên an ninh sân bay có thể sẽ yêu cầu kiểm tra thuốc nên hãy để thuốc trong hộp đựng còn nguyên nhãn.
  • Lọ insulin glargine chưa mở cần được bảo quản lạnh. Sử dụng túi giữ nhiệt cùng với túi chườm lạnh để duy trì nhiệt độ của thuốc trong khi di chuyển. Lọ insulin glargine đã mở có thể được bảo quản lạnh hoặc bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 30°C (86°F). Tuy nhiên, tránh để thuốc ở nơi có nhiệt độ cao và ánh sáng chiếu trực tiếp. Thực hiện theo hướng dẫn bảo quản đi kèm của thuốc.
  • Không để thuốc trong ô tô khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Vì phải sử dụng bơm kim tiêm để tiêm insulin glargine nên trước chuyến bay, người bệnh cần tìm hiểu quy định của hãng hàng không về việc mang vật dụng y tế sắc nhọn lên máy bay.

Chuẩn bị

Nếu kê insulin glargine, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách:

  • Rút insulin từ lọ
  • Gắn kim tiêm
  • Tiêm insulin vào cơ thể
  • Điều chỉnh liều dùng
  • Đo đường huyết
  • Phát hiện và điều trị tăng hoặc hạ đường huyết

Ngoài insulin glargine, người bệnh sẽ cần chuẩn bị những vật dụng sau đây:

  • Bơm kim tiêm
  • Kim tiêm
  • Hộp y tế đựng vật sắc nhọn
  • Bông tẩm cồn
  • Kim chích ngón tay để lấy máu đo đường huyết
  • Máy đo đường huyết
  • Que thử đường huyết

Lưu ý khi tiêm thuốc:

  • Tiêm insulin glargine vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
  • Sử dụng thuốc một cách chính xác theo chỉ định của bác sĩ.
  • Không được trộn insulin glargine với các loại insulin khác trong cùng một ống tiêm.
  • Luôn phải kiểm tra trạng thái của insulin trước khi tiêm. Insulin phải trong suốt và không màu giống như nước. Không sử dụng nếu thấy insulin bị đục, sánh đặc, có màu hay có lẫn các hạt nhỏ.
  • Không sử dụng lại và không dùng chung bơm kim tiêm insulin với người khác để tránh lây lan bệnh tật.

Vứt bỏ kim tiêm đã qua sử dụng:

  • Không vứt kim tiêm trực tiếp vào thùng rác và không xả xuống bồn cầu.
  • Phải cho kim tiêm vào hộp y tế đựng vật sắc nhọn.
  • Nếu vứt bỏ hộp đựng vào thùng rác, hãy dán nhãn “Không tái chế”.

Theo dõi lâm sàng

Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu trước và trong khi điều trị bằng insulin glargine để đảm bảo an toàn. Những xét nghiệm cần thực hiện gồm có:

  • Xét nghiệm đường huyết
  • Xét nghiệm HbA1C (A1C). Xét nghiệm này đo mức độ kiểm soát lượng đường trong máu trong 2 - 3 tháng gần nhất
  • Xét nghiệm chức năng gan
  • Xét nghiệm chức năng thận
  • Xét nghiệm kali máu

Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ cần khám kiểm tra các biến chứng của bệnh tiểu đường như:

  • Khám mắt
  • Khám bàn chân
  • Khám răng
  • Khám thần kinh
  • Xét nghiệm cholesterol máu
  • Đo huyết áp và nhịp tim

Trong thời gian điều trị, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng insulin glargine dựa trên những yếu tố sau đây:

  • Mức đường huyết
  • Chức năng thận
  • Chức năng gan
  • Các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng
  • Thói quen tập thể dục
  • Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống

Trong khi điều trị bằng insulin glargine, người bệnh cần:

  • Ăn uống đủ bữa
  • Hỏi bác sĩ xem có cần kiêng rượu bia hay không.
  • Cẩn thận khi dùng thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn. Những loại thuốc có chứa đường hoặc cồn có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

Các lựa chọn thay thế insulin glargine

Ngoài insulin glargine còn có rất nhiều loại thuốc khác để điều trị bệnh tiểu đường. Bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên các yếu tố như loại bệnh tiểu đường, mức độ nghiêm trọng, tuổi tác, bệnh sử và đáp ứng với thuốc.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Insulin Novolog (insulin aspart): Công dụng, liều dùng và tac dụng phụ
Insulin Novolog (insulin aspart): Công dụng, liều dùng và tac dụng phụ

NovoLog là một loại thuốc được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn và trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2.

Insulin Lyumjev: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Insulin Lyumjev: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Lyumjev là loại thuốc được dùng để làm giảm lượng đường trong máu cho người lớn mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2.

Insulin: Vai trò đối với bệnh tiểu đường, cách sử dụng và liều lượng
Insulin: Vai trò đối với bệnh tiểu đường, cách sử dụng và liều lượng

Tiêm insulin có thể giúp kiểm soát cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Insulin từ bên ngoài có tác dụng thay thế hoặc bổ sung cho insulin tự nhiên của cơ thể.

Humulin R U-500: Công dụng, liều dùng, cách sử dụng và tác dụng phụ
Humulin R U-500: Công dụng, liều dùng, cách sử dụng và tác dụng phụ

Humulin R U-500 là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu cho cả người lớn và trẻ em. Cụ thể, Humulin R U-500 được sử dụng cho những bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2 cần hơn 200 đơn vị insulin mỗi ngày.

Humulin N: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Humulin N: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Humulin N được sử dụng cho người lớn và trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2. Thuốc này giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây