Dùng dầu ô liu để mát-xa cho trẻ sơ sinh có an toàn không?
Chúng ta đều biết rằng những gì tự nhiên luôn là tốt nhất và điều này cũng đúng khi lựa chọn loại dầu mát-xa cho trẻ sơ sinh. Hầu hết các loại dầu tự nhiên đều là lựa chọn an toàn với làn da nhạy cảm của trẻ. Bố mẹ thậm chí còn có thể sử dụng một số loại dầu được dùng trong nấu ăn để mát-xa cho con.
Tuy nhiên, không nên dùng dầu ô liu thường xuyên trên da của trẻ, nhất là khi trẻ có da khô, nứt nẻ hoặc bị bệnh chàm.
Dầu ô liu có chứa một số loại axit béo như:
- Axit béo omega-6
- Axit béo omega-3
- Axit linoleic
- Axit oleic
Đúng là ăn dầu ô liu tốt cho sức khỏe tim mạch và khi dùng dầu ô liu ngoài da, thành phần axit béo omega-3 sẽ giúp làm giảm viêm trong khi axit linoleic hỗ trợ củng cố hàng rào tự nhiên của da nhưng do có chứa axit oleic nên dầu ô liu không phải lựa chọn phù hợp để dưỡng da, cả đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn.
Lợi ích của việc mát-xa cho trẻ sơ sinh
Mát-xa cho trẻ sơ sinh mang lại rất nhiều lợi ích. Đây là điều đã được nghiên cứu khoa học chứng minh. Khoảng thời gian mát-xa sẽ giúp tạo sự gắn kết tình cảm và là lúc mà bố mẹ và bé có thể vui đùa, thư giãn cùng nhau. Việc mát-xa cho trẻ còn có những lợi ích như:
- Tạo sự tương tác thể chất nhiều hơn
- Tăng sự giao tiếp bằng mắt
- Làm dịu các hormone gây stress và giúp bé thư giãn (trẻ sơ sinh có thể bị stress)
- Giúp trẻ ngủ ngon hơn
- Giảm quấy khóc
Sau khi cho trẻ bú cần chờ ít nhất 45 phút mới bắt đầu mát-xa. Việc mát-xa khi trẻ đang no có thể khiến trẻ bị trớ.
Lợi ích của dầu ô liu
Thỉnh thoảng bố mẹ có thể sử dụng dầu ô liu để mát-xa cho con, miễn là con không bị khô da hay kích ứng da. Ngoài hàm lượng chất béo lớn, dầu ô liu còn chứa vitamin E và vitamin K. Loại dầu này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp làm dịu tình trạng viêm trong cơ thể.
Một nghiên cứu vào năm 2016 đã cho thấy rằng việc mát xa bằng dầu ô liu hoặc dầu hướng dương giúp cho làn da của trẻ sơ sinh được dưỡng ẩm tốt hơn so với khi mát-xa khô. (1)
Tuy nhiên, không nên thường xuyên mát-xa cho trẻ bằng dầu ô liu. Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng việc sử dụng những loại dầu này ngoài da sẽ làm hỏng hàng rào chất béo tự nhiên của da. Và mặc dù các chất chống oxy hóa có tác dụng làm giảm viêm nhưng axit oleic trong dầu ô liu lại có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm.
Tác hại khi sử dụng dầu ô liu trên da trẻ sơ sinh
Một nghiên cứu nhỏ vào năm 2013 đã đánh giá tác động của dầu ô liu trên da người trưởng thành và kết quả cho thấy việc sử dụng dầu ô liu trong vòng 4 tuần khiến cho da bị kích ứng, mẩn đỏ nhẹ. Nguyên nhân có thể là do dầu ô liu làm cho lớp da ngoài cùng bị mỏng đi hoặc bị tổn thương. (2)
Da người lớn dày và khỏe hơn da trẻ sơ sinh nên nếu như dầu ô liu có thể gây ra những vấn đề này ở da người lớn thì chắc chắn tác hại sẽ còn nghiêm trọng hơn khi dùng dầu ô liu trên làn da mỏng manh của trẻ. Đó là lý do bố mẹ không nên thường xuyên sử dụng dầu ô liu để mát-xa cho trẻ. Đặc biệt, đối với những trẻ bị viêm da cơ địa (bệnh chàm) thì càng phải bảo vệ da cẩn thận và tuyệt đối tránh làm tổn thương hàng rào bảo vệ tự nhiên của da. Một khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương thì sẽ dẫn đến bùng phát các triệu chứng bệnh như da khô, nứt nẻ, đóng vảy, dày lên và nổi mụn nước. Sử dụng dầu ô liu và các loại dầu tự nhiên khác chứa axit oleic trên da có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh viêm da cơ địa.
Viêm da cơ địa là một bệnh khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Có khoảng 20% trẻ dưới 2 tuổi bị bệnh này. (3)
Một nghiên cứu vào năm 2019 đã chỉ ra rằng việc sử dụng axit oleic trên da có thể làm cho tình trạng viêm (với biểu hiện là mẩn đỏ và kích ứng) trở nên nghiêm trọng hơn mà dầu ô liu lại có chứa lượng lớn axit oleic. Axit oleic là một loại axit béo omega-9 và hàm lượng axit oleic trong dầu ô liu cao hơn so với axit béo omega-3 – một loại chất béo tốt có lợi cho tim mạch. Mặc dù còn có cả các thành phần khác nhưng do chứa nhiều axit oleic nên dầu ô liu có thể gây kích ứng da.
Nên cho trẻ ăn loại dầu ô liu nào?
Mặc dù gây hại cho da khi dùng tại chỗ nhưng khi là một loại thực phẩm trong chế độ ăn thì dầu ô liu lại mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vì vậy, nếu trẻ đã đủ 6 tháng tuổi và có thể bắt đầu ăn thức ăn rắn thì bố mẹ nên thử thêm một ít dầu ô liu vào các món ăn dặm của con. Dị ứng với dầu ô liu rất hiếm gặp nhưng có thể xảy ra với bất cứ ai nên cần cho trẻ ăn thử một ít trước và theo dõi phản ứng của cơ thể. Việc này cũng giúp bố mẹ biết được trẻ có thích mùi vị dầu ô liu hay không.
Chỉ sử dụng dầu ô liu siêu nguyên chất (extra virgin olive oil). Đây là loại dầu ô liu tinh khiết nhất vì không qua xử lý bằng hóa chất. Dầu ô liu siêu nguyên chất cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn các loại dầu ô liu khác.
Nếu thi thoảng dùng dầu ô liu trên da và tóc của trẻ sơ sinh thì cũng phải chọn loại dầu này. Có thể thử trộn dầu ô liu với các loại dầu tự nhiên khác hoặc chỉ sử dụng các loại dầu khác thay vì dùng dầu ô liu.
Dưới đây là một số loại dầu tự nhiên an toàn cho làn da trẻ sơ sinh:
- Dầu dừa tinh khiết: Loại dầu này rất giàu axit béo monolaurin, giúp dưỡng ẩm và tiêu diệt loại vi khuẩn thường có trên da của những người bị viêm da cơ địa.
- Dầu jojoba: Đây là một loại dầu có tác dụng dưỡng ẩm rất tốt mà lại an toàn, không làm mỏng da.
- Dầu hạt lưu ly (borage seed oil): Cũng có tác dụng dưỡng ẩm hiệu quả và lành tính, không gây kích ứng da.
Cách mát-xa cho trẻ sơ sinh
Không phải loại dầu tự nhiên nào cũng giống nhau, đặc biệt là khi sử dụng trên da. Dầu ô liu tốt cho sức khỏe khi được sử dụng làm thực phẩm nhưng lại có thể gây hại khi dùng ngoài da, kể cả da người lớn.
Do đó, nếu muốn dưỡng da bằng dầu tự nhiên thì nên chọn những loại dầu đã được chứng minh là an toàn cho da, đặc biệt là khi có làn da khô, dễ bị kích ứng hay bị viêm da cơ địa.
Dưới đây là cách mát-xa cho trẻ sơ sinh bằng dầu dừa:
- Lấy một thìa dầu dừa nguyên chất vào một chiếc bát nhỏ, nông (chọn bát có thể cho vào lò vi sóng).
- Cho bát dầu dừa vào lò vi sóng quay khoảng 10 đến 15 giây để làm mềm và ấm dầu. Lưu ý, chỉ quay đến khi dầu hơi ấm và mềm ra chứ chưa chảy hoàn toàn thành dạng lỏng.
- Rửa tay cẩn thận bằng xà phòng và nước ấm.
- Kiểm tra nhiệt độ của dầu dừa bằng cách nhúng ngón tay vào bát dầu và xoa một ít lên vùng da bên trong cổ tay. Dầu phải hơi ấm và chuyển thành dạng lỏng khi bôi lên da.
- Nên mát-xa cho trẻ ở trong phòng ấm. Đặt trẻ nằm ngửa và lót khăn bông mềm hoặc chăn bên dưới.
- Xoa hai tay vào nhau để làm ấm tay. Nếu da ở lòng bàn tay bị khô hoặc thô ráp thì cần phải dưỡng ẩm trước để tránh làm đau trẻ.
- Lấy một lượng nhỏ dầu dừa vào lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay vào nhau để làm ấm dầu.
- Bắt đầu mát-xa từ vùng bụng và ngực của bé rồi từ từ mát-xa khắp người.
- Mỗi khu vực nên mát-xa từ 30 giây đến một phút rồi chuyển sang khu vực khác.
- Tiếp tục mát-xa vai, tay, cổ, chân và bàn chân.
- Đặt trẻ nằm sấp và mát-xa trên lưng.
- Nói chuyện với trẻ hoặc hát ru để giúp cho trẻ thư giãn trong quá trình mát-xa.
Mát-xa cho trẻ trước giờ ngủ sẽ giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù dầu ô liu là một loại dầu tốt cho sức khỏe nhưng điều này chỉ đúng khi dùng dầu ô liu làm thực phẩm. Nghiên cứu đã cho thấy rằng việc dùng dầu ô liu ngoài da sẽ gây hại cho da, bất kể là da người lớn hay trẻ nhỏ.
Do đó, không nên dùng dầu ô liu thường xuyên trên làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh và tuyệt đối tránh loại dầu này nếu trẻ có da khô hoặc bị viêm da cơ địa. Nếu muốn mát-xa bằng dầu tự nhiên thì nên chọn những loại dầu khác, chẳng hạn như dầu dừa và để có được các lợi ích của dầu ô liu thì chỉ nên thêm loại dầu này vào các món ăn của trẻ.
Để tránh sử dụng các loại thuốc hạ số như acetaminophen hoặc ibuprofen – hay khi không có sẵn thuốc – bạn hoàn toàn có thể thử các biện pháp can thiệp khác để hạ sốt cho bé.
Luôn phải tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi cho con hoặc trẻ mới biết đi uống bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt nếu đó là lần đầu tiên. Trẻ nhỏ có nhiều khả năng xảy ra phản ứng phụ với thuốc hơn so với người lớn, vì vậy cho trẻ dùng thuốc theo toa hoặc không kê toa (OTC) - ngay cả thuốc "tự nhiên" hoặc "thảo dược" - là việc làm cần hết sức thận trọng.
Rốn có thể rất dễ thương nhưng nó không hữu dụng lắm. Có rất nhiều người vẫn đang sống hạnh phúc mà không có rốn.
Nhiễm trùng tai là bệnh được chẩn đoán phổ biến thứ hai ở trẻ em tại Mỹ (sau cảm lạnh). Một nghiên cứu lớn cho thấy 23% trẻ sơ sinh sẽ bị ít nhất một lần nhiễm trùng tai khi tròn 1 tuổi và hơn 1 nửa bị ít nhất một lần khi được 3 tuổi.
Hãy nhớ rằng, mặc dù bé nên tăng cân một cách ổn định, ngoại trừ vài ngày đầu mới sinh (khi mà thậm chí bé còn bị sụt cân) – thì không phải lúc nào biểu đồ tăng trưởng của bé cũng hoàn toàn trơn tru, đều đặn.
- 1 trả lời
- 685 lượt xem
Bác sĩ cho hỏi, Dùng thay đổi ibuprofen và acetaminophen có an toàn cho bé không? Cảm ơn bác sĩ!
- 1 trả lời
- 4992 lượt xem
Bé nhà em hiện giờ đang được 3 tháng tuổi. Hôm rồi em có cho bé đi khám và tiêm vắc xin mũi 6in1 thứ 2. Sau khi tiêm xong bác sĩ có khám và kê cho bé men vi sinh BioGaia. Hiện em đang bổ sung cả vitamin D cho bé nữa thì em cho bé uống chung cả 2 loại thuốc này có làm mất tác dụng của thuốc không ạ?
- 1 trả lời
- 1373 lượt xem
Em nghe nói quan niệm dân gian xưa khuyên là trẻ mới sinh ra phải kéo tai cho bé có đôi tai dài, dùng là trầu không vẽ chân mày để lông mày của bé mọc dày và đẹp. Ngoài ra còn phải nắn chân cho chân của bé thẳng nữa thì có đúng không ạ?
- 1 trả lời
- 1119 lượt xem
Bé nhà em khi sinh ra đã bị nhiễm trùng huyết sơ sinh. Bé đã được điều trị ở bệnh viện 1 tuần và đã khỏi. Bệnh nhiễm trùng huyết này có khỏi hoàn toàn không và bé có nguy cơ bị lại không ạ? Ngoài ra nó có để lại di chứng gì cho bé không, thưa bác sĩ?
- 1 trả lời
- 893 lượt xem
Bé nhà tôi bị cảm lạnh, tôi có nên cho bé uống kháng sinh không ạ?