Điều trị và phòng ngừa bệnh gout

Triệu chứng chính của bệnh gout là sưng, đau và nóng đỏ khớp. Bệnh gout thường xảy ra ở khớp ngón chân cái nhưng cũng có thể xảy ra ở các khớp khác.
Bệnh gout được chia làm hai loại là gout cấp và gout mạn tính. Gout cấp tính là những cơn đau dữ dội ở khớp, thường là ở các khớp nhỏ của bàn tay và bàn chân. Cơn gout cấp thường xuất hiện vào ban đêm hoặc gần sáng, nhất là sau các bữa ăn có nhiều đạm hoặc uống bia rượu.
Gout mạn tính gây đau ở một số khớp xương nhưng cơn đau không kéo dài dai dẳng mà xảy ra theo đợt, tái đi tái lại nhiều lần. Gout mạn tính còn có thể gây hình thành các cục cứng gọi là hạt tophi trên khớp. Hạt tophi được tạo nên từ axit uric và có thể phát triển rất lớn, thậm chí có thể xuyên qua da.
Các phương pháp điều trị chính
Mục tiêu điều trị bệnh gout là giảm tần suất tái phát và giảm nhẹ các triệu chứng khi bệnh tái phát. Các phương pháp điều trị chính gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống và dùng một số loại thuốc.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Điều chỉnh chế độ ăn uống là điều quan trọng nhất để kiểm soát bệnh gout. Mục tiêu của việc điều chỉnh chế độ ăn uống là làm giảm nồng độ axit uric trong máu.
Người mắc bệnh gout cần thực hiện những điều chỉnh về chế độ ăn uống sau đây:
- Hạn chế hoặc kiêng hoàn toàn đồ uống có cồn, đặc biệt là bia.
- Uống nhiều nước lọc hoặc các loại đồ uống không cồn khác.
- Ăn các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc tách béo.
- Tránh các loại thực phẩm chứa nhiều purin, gồm có nội tạng, thịt, hải sản
- Chọn các nguồn protein thực vật như các loại đậu thay cho protein động vật
- Thay carbohydrate tinh chế như cơm trắng và bánh mì trắng bằng carbohydrate phức tạp như gạo lứt, bánh mì nguyên cám, trái cây và rau củ
- Hạn chế thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường
Thuốc
Các nhóm thuốc chính được sử dụng để điều trị bệnh gout gồm có:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), corticoid và colchicine để giảm đau và viêm.
- Thuốc ức chế xanthine oxidase như allopurinol để làm giảm lượng axit uric mà cơ thể tạo ra.
- Probenecid để tăng khả năng đào thải axit uric của thận.
Thuốc điều trị bệnh gout
Khi xảy ra cơn gout cấp, mục tiêu chính của việc điều trị là giảm đau và viêm. Có ba loại thuốc thường được sử dụng là NSAID, colchicine và corticoid. Ngoài ra, người bệnh có thể cần dùng thuốc ức chế xanthine oxidase và probenecid hàng ngày để ngăn ngừa bệnh tái phát.
NSAID
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) giúp giảm đau và viêm. NSAID có cả loại kê đơn và không kê đơn. NSAID kê đơn chứa hoạt chất mạnh hơn hoặc hàm lượng hoạt chất cao hơn so với NSAID không kê đơn. NSAID có thể gây ra tác dụng phụ về đường tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn, tiêu chảy và loét dạ dày. Các loại thuốc này còn có thể gây tổn thương thận hoặc gan nhưng điều này hiếm khi xảy ra.
Các loại NSAID thường được dùng để điều trị bệnh gout gồm có:
- aspirin
- celecoxib
- ibuprofen
- indomethacin
- ketoprofen
- naproxen
Colchicine
Colchicine (Colcrys) là loại thuốc chính để điều trị bệnh gout. Loại thuốc này ngăn axit uric trong cơ thể tích tụ và hình thành tinh thể urat. Nếu được dùng từ sớm khi mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng gout cấp, colchicine có thể làm giảm đau và sưng tấy một cách hiệu quả. Đôi khi, loại thuốc này được sử dụng hàng ngày để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Colchicine cũng có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Colchicine thường được dùng cho những người không thể dùng NSAID.
Corticoid
Corticoid có tác dụng giảm viêm rất hiệu quả. Corticoid có thể được dùng qua đường uống, tiêm trực tiếp vào khớp hoặc qua tĩnh mạch. Sử dụng corticoid trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như:
- Bệnh tiểu đường
- Loãng xương
- Tăng huyết áp
- Đục thủy tinh thể
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Hoại tử xương, đặc biệt là ở khớp hông và vai
Vì lý do này nên corticoid thường chỉ được dùng cho những người không thể dùng NSAID và colchicine. Các loại corticoid được dùng để điều trị bệnh gout gồm có:
- dexamethasone
- methylprednisolone
- prednisolone
- prednisone
- triamcinolone
Thuốc ức chế xanthine oxyase
Thuốc ức chế xanthine oxidase làm giảm lượng axit uric do cơ thể tạo ra.
Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây ra cơn gout cấp trong thời gian đầu sử dụng và nếu dùng trong cơn gout cấp, thuốc có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì lý do này nên người bệnh thường được chỉ định dùng colchicine trong thời gian ngắn trước khi dùng thuốc ức chế xanthine oxidase.
Các tác dụng phụ của thuốc ức chế xanthine oxidase gồm có ban đỏ và buồn nôn.
Hai loại thuốc ức chế xanthine oxyase chính được sử dụng để điều trị bệnh gout là:
- allopurinol
- febuxostat
Probenecid
Probenecid (Probalan) giúp thận đào thải axit uric hiệu quả hơn. Các tác dụng phụ gồm có phát ban, đau bụng và sỏi thận.
Các phương pháp điều trị bổ sung
Các phương pháp điều trị bổ sung nhằm mục đích giảm đau khi bệnh tái phát hoặc giảm nồng độ axit uric trong máu và giảm nguy cơ bệnh tái phát.
Thực phẩm, đồ uống, thảo dược và thực phẩm chức năng
Cà phê: Có bằng chứng cho thấy uống một lượng cà phê vừa phải mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout.
Trái cây giàu chất chống oxy hóa: Các loại trái cây có màu sẫm như quả mâm xôi, việt quất, nho, mâm xôi đen và đặc biệt là quả anh đào có thể giúp kiểm soát axit uric.
Vitamin C: Bổ sung đủ vitamin C có thể giúp làm giảm nồng độ axit uric. Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều vitamin C lại có thể làm tăng nồng độ axit uric.
Thảo dược và thực phẩm chức năng: Một số loại thảo dược và thực phẩm chức năng có tác dụng giảm viêm có lợi cho người bị bệnh gout gồm có: cây móng quỷ, bromelain và nghệ. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào.
Châm cứu
Châm cứu là một phương pháp chữa bệnh trong y học cổ truyền, trong đó dùng kim mảnh đâm qua da ở những điểm nhất định trên cơ thể. Châm cứu đã được chứng minh là có hiệu quả giảm đau mạn tính.
Chườm nóng và lạnh
Thực hiện luân phiên chườm nóng trong 3 phút và chườm lạnh trong 30 giây ở khớp bị viêm có thể giúp giảm đau và sưng tấy.
Phòng ngừa bệnh gout
Ở hầu hết người mắc bệnh gout, cơn gout cấp đầu tiên xảy ra một cách đột ngột mà không hề có dấu hiệu cảnh báo trước và không có bất kỳ triệu chứng cho thấy nồng độ axit uric trong máu ở mức cao. Không có cách nào có thể ngăn ngừa bệnh gout một cách tuyệt đối nhưng có thể ngăn ngừa các cơn gout cấp trong tương lai và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Thuốc
Thuốc ức chế xanthine oxidase và probenecid giúp làm giảm nồng độ axit uric trong máu, nhờ đó ngăn ngừa cơn gout cấp. Ngoài ra, người bệnh có thể cần dùng NSAID hoặc colchicine hàng ngày để giảm mức độ nghiêm trọng của cơn gout cấp.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Điều chỉnh chế độ ăn uống cũng là một cách để giảm nồng độ axit uric:
- Uống nhiều nước lọc hoặc các loại đồ uống không chứa cồn khác
- Hạn chế hoặc kiêng hoàn toàn rượu bia, nhất là bia
- Ăn ít thịt, nhất là những loại chứa nhiều purin
- Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều purin khác như nội tạng và hải sản
- Hạn chế đồ ăn, đồ uống có nhiều đường
- Ăn nhiều trái cây, rau củ, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Điều chỉnh chế độ ăn uống không chỉ giúp giảm nồng độ axit uric mà còn gíup kiểm soát cân nặng. Thừa cân, béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ bị gout và ngăn ngừa cơn gout cấp ở những người đã mắc bệnh.

Loãng xương là một tình trạng phổ biến ở người cao tuổi nhưng không phải là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên. Điều chỉnh chế độ ăn uống, thay đổi lối sống và dùng thuốc có thể giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.

Bệnh loãng xương hiện được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống. Ngoài ra còn các phương pháp điều trị khác hiện đang được nghiên cứu, một trong số đó là liệu pháp tế bào gốc. Mặc dù các nghiên cứu trên động vật cho kết quả đầy hứa hẹn về hiệu quả của tế bào gốc trong điều trị chứng loãng xương nhưng dữ liệu nghiên cứu trên người lại rất hạn chế.

Bệnh loãng xương không được điều trị sẽ khiến xương ngày một yếu đi và dễ gãy. Trong nhiều trường hợp, gãy xương là dấu hiệu đầu tiên của chứng loãng xương.

Bệnh tiểu đường và loãng xương có thể xảy ra đồng thời và có ảnh hưởng lẫn nhau. Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và chứng loãng xương có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường.

Loãng xương là một căn bệnh tiến triển xảy ra khi mật độ khoáng xương suy giảm, điều này ảnh hưởng đến sự chắc khỏe của xương và làm tăng nguy cơ gãy xương Những vấn đề do loãng xương gây ra sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.