Dầu cá có thể gây dị ứng không?
Dị ứng cá là một dạng dị ứng thực phẩm phổ biến. Đa số các trường hợp dị ứng cá là do một loại protein trong cơ của cá có tên là parvalbumin và loại protein này có thể cũng có trong một số loại dầu cá.
Dầu cá có thực sự gây dị ứng?
Dầu cá là dầu được chiết xuất từ mô của các loài cá béo (cá có chứa dầu) như cá cơm, cá thu, cá trích và cá ngừ. Dầu cá cũng có thể được sản xuất từ gan của cá, chẳng hạn như gan cá tuyết.
Giống như bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào khác, dầu cá cũng có thể gây dị ứng. Mặc dù dị ứng với dầu cá là vấn đề hiếm gặp nhưng không phải là không thể xảy ra. Trên thực tế đã có một vài trường hợp dị ứng dầu cá được ghi nhận.
Nếu bạn bị dị ứng khi ăn cá hoặc ăn động vật có vỏ và có ý định uống dầu cá thì trước tiên nên đi khám bác sĩ và mang theo sản phẩm bạn định sử dụng. Bác sĩ sẽ tiến hành test để xem dầu cá có gây phản ứng dị ứng hay không.
Theo Hiệp hội Nghiên cứu về Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch Hoa Kỳ (ACAAI), những người bị dị ứng với cá và động vật có vỏ ít có nguy cơ bị dị ứng với dầu cá nguyên chất. (1)
Một nghiên cứu nhỏ vào năm 2008 đã tiến hành theo dõi 6 người bị dị ứng với cá và phát hiện ra rằng dầu cá không gây ra phản ứng dị ứng ở những người này. Tuy nhiên, nghiên cứu này được thực hiện từ khá lâu, có quá ít người tham gia thử nghiệm và chỉ sử dụng hai loại dầu cá nên kết quả có thể không chính xác.
Cần có thêm các nghiên cứu mới hơn với quy mô lớn hơn để xác nhận dầu cá có gây dị ứng hay không.
Các triệu chứng dị ứng dầu cá
Phản ứng dị ứng khi uống dầu cá là phản ứng của cơ thể với cá hoặc động vật có vỏ. Khoảng 40% người dị ứng cá hoặc động vật có vỏ có triệu chứng dị ứng lần đầu khi đã trưởng thành. Tuy nhiên, tình trạng dị ứng có thể bắt đầu từ khi còn nhỏ và kéo dài suốt đời.
Các triệu chứng thường gặp khi bị dị ứng dầu cá:
- Ngạt mũi
- Thở khò khè
- Đau đầu
- Ngứa
- Phát ban hoặc nổi mề đay
- Buồn nôn, nôn mửa
- Sưng môi, lưỡi, mặt
- Sưng phù tay hoặc các bộ phận khác của cơ thể
- Đau bụng
- Tiêu chảy
Các triệu chứng dị ứng dầu cá cũng giống như dị ứng cá hoặc dị ứng động vật có vỏ. Một số người bị một dạng phản ứng dị ứng nghiêm trọng gọi là sốc phản vệ. Nếu không can thiệp kịp thời, sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong.
Cần đến bệnh viện ngay nếu có các biểu hiện như:
- Sưng hoặc nổi cục ở cổ họng, gây nghẹn
- Khó thở
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Huyết áp tụt quá thấp
- Sốc
Chẩn đoán dị ứng dầu cá
Nên đi khám nếu có bất kỳ dấu hiệu dị ứng nào sau khi uống dầu cá. Ghi lại những thực phẩm đã ăn, lượng dầu cá, thời điểm uống và các triệu chứng gặp phải để theo dõi và xác định nguyên nhân gây dị ứng. Mang theo những thông tin khi đi khám để bác sĩ chẩn đoán vấn đề dễ hơn.
Các xét nghiệm để chẩn đoán dị ứng:
- Xét nghiệm máu: Lấy mẫu máu bằng kim và đem đến phòng xét nghiệm để phân tích tìm kháng thể mà cơ thể tạo ra khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.
- Test lẩy da: Một lượng nhỏ protein từ cá hoặc động vật có vỏ được đặt trên đầu kim. Bác sĩ đưa kim nhẹ nhàng vào dưới da trên cánh tay. Nếu xảy ra phản ứng trên da như nổi mẩn đỏ hoặc mề đay trong vòng 15 đến 20 phút thì có thể là bị dị ứng.
- Thử thức ăn: Ăn một lượng nhỏ cá hoặc động vật có vỏ. Sau đó nếu có bất kỳ phản ứng nào thì có thể kết luận là bị dị ứng.
Tác dụng phụ của dầu cá
Ở những người không bị dị ứng với cá và động vật có vỏ thì dầu cá sẽ không gây phản ứng dị ứng nhưng vẫn có thể xảy ra tác dụng phụ.
Một số tác dụng phụ của dầu cá:
- Buồn nôn
- Trào ngược axit dạ dày
- Đau bụng
- Đầy hơi
- Tiêu chảy
- Tụt huyết áp
- Chảy máu chân răng
- Mất ngủ
Ngoài ra, uống quá nhiều dầu cá sẽ gây hại cho sức khỏe.
Những sản phẩm cần tránh khi bị dị ứng dầu cá
Những người bị dị ứng hoặc nhạy cảm với dầu cá cần phải tránh cá, động vật có vỏ và một số loại thực phẩm khác. Khi mua đồ cần chú ý danh sách thành phần vì dầu cá được thêm vào một số loại thực phẩm đóng gói để kéo dài hạn sử dụng hoặc để tăng thêm giá trị dinh dưỡng cho sản phẩm.
Một số sản phẩm có thể chứa dầu cá gồm có:
- Nước sốt salad và một số loại sốt khác
- Súp đóng hộp
- Protein shake (sinh tố protein)
- Vitamin tổng hợp
Những người bị dị ứng với dầu cá cũng nên tránh các loại thực phẩm chức năng tương tự, chẳng hạn như dầu gan cá tuyết (cod liver oil), dầu nhuyễn thể (krill oil) hay dầu omega-3 vì những sản phẩm này có thể cũng chứa các chất gây dị ứng giống như dầu cá.
Ngay cả các loại dầu cá nguyên chất cũng có thể chứa một lượng nhỏ protein từ cá hoặc động vật có vỏ.
Viên nang dầu cá có thể chứa cả gelatin từ cá. Vì lý do này nên nhiều sản phẩm dầu cá được dán nhãn cảnh báo “Không dùng cho người bị dị ứng cá hoặc hải sản”.
Dầu cá cũng là thành phần trong một số loại thuốc điều trị cholesterol cao. Ví dụ, Lovaza là một loại thuốc hạ mỡ máu được làm từ một số loại dầu cá. Thử nghiệm cho thấy những người bị dị ứng hoặc nhạy cảm với cá hoặc động vật có vỏ có thể gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc này. (2)
Các lựa chọn thay thế cho dầu cá
Dầu cá là một loại thực phẩm chức năng được nhiều người sử dụng vì có chứa hàm lượng lớn axit béo omega-3. Đây là nhóm chất béo tốt rất có lợi cho tim mạch và sức khỏe tổng thể. Nếu bị dị ứng dầu cá thì vẫn có thể bổ sung omega-3 bằng cách ăn các loại thực phẩm chứa nhiều axit béo này như:
- Hạt chia
- Hạt lanh
- Đậu nành
- Quả óc chó
- Hạt gai dầu
- Bắp cải tí hon
- Rau sam
- Cải bó xôi
- Trứng gà thả rông hoặc trứng gà omega-3
- Các sản phẩm từ sữa bò ăn cỏ
- Thịt bò ăn cỏ
Ngoài ra cũng có thể dùng thực phẩm chức năng bổ sung omega-3 có nguồn gốc thực vật như dầu tảo.
Tóm tắt bài viết
Dị ứng dầu cá rất hiếm khi xảy ra và là do phản ứng của cơ thể với protein trong cá hoặc động vật có vỏ. Các triệu chứng dị ứng dầu cá cũng giống như dị ứng cá hoặc dị ứng động vật có vỏ. Nếu gặp các dấu hiệu bất thường thì nên đi khám để tìm ra vấn đề. Những người không bị dị ứng cũng có thể gặp tác dụng phụ khi uống dầu cá. Nếu bị dị ứng dầu cá thì không nên ăn cá, động vật có vỏ và các sản phẩm chứa dầu cá. Các lựa chọn thay thế cho dầu cá để tăng cường axit béo omega-3 là các loại thực phẩm tự nhiên giàu omega-3 hoặc thực phẩm chức năng có nguồn gốc thực vật.
Trong cuộc sống bạn rộn, cà phê hòa tan là sản phẩm được rất nhiều người lựa chọn vì thời gian pha chế nhanh chóng và giá cũng rẻ hơn so với cà phê pha phin. Cà phê hòa tan thậm chí còn chiếm hơn 50% tổng lượng cà phê tiêu thụ ở một số quốc gia.
Mặc dù caffeine là một chất kích thích thần kinh với nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng vì có đặc tính lợi tiểu nên nhiều người cho rằng uống cà phê có thể gây mất nước.
Nhiều người có thói quen uống cà phê ngay khi vừa mới thức dậy vào buổi sáng nhưng có ý kiến cho rằng uống cà phê khi bụng đói sẽ gây hại cho sức khỏe.
Nhiều người thường có thói quen uống một tách cà phê vào buổi sáng và băn khoăn không biết có thể uống cà phê vào giai đoạn nhịn ăn hay không.
Người mẹ có cần kiêng cà phê trong thời gian cho con bú không?
- 0 trả lời
- 662 lượt xem
dạ chào bác sĩ . em bé hiện tại sa được 37 tuần . cdxd chi có 55 , 2kg1 vây có bị hội chứng người lùn k ạ