Cơ chế điều hòa lượng đường trong máu của glucagon
Hạ đường huyết hay lượng đường trong máu thấp là một vấn đề khá thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1. Hạ đường huyết là khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70 mg/dL (4 mmol/L) và có các triệu chứng như đổ mồ hôi, chóng mặt, da nhợt nhạt, không tỉnh táo, tim đập nhanh, thở gấp, đói cồn cào.
Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh tiểu đường có thể tự xử lý hạ đường huyết bằng cách nạp carb tác dụng nhanh để làm tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, hạ đường huyết sẽ trở nên nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hạ đường huyết được coi là nghiêm trọng khi lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp đến mức người bệnh không thể tự điều trị mà cần sự hỗ trợ của người khác để phục hồi mức lượng đường huyết. Lúc này có thể cần đến một loại thuốc có tên là glucagon.
Cơ chế hoạt động của glucagon
Glucose sau khi được chuyển hóa từ thức ăn sẽ được sử dụng làm năng lượng. Lượng glucose thừa chưa được dùng đến được dự trữ trong gan để cơ thể sử dụng vào những lúc lượng đường trong máu quá thấp. Glucose là nguồn năng lượng chính của não bộ nên khi lượng đường trong máu thấp, gan phải nhanh chóng giải phóng glucose để não bộ duy trì các chức năng bình thường.
Glucagon là một loại hormone được tạo ra trong tuyến tụy. Ở những người bị bệnh tiểu đường, glucagon tự nhiên không hoạt động bình thường. Do đó, người bệnh cần sử dụng glucagon từ bên ngoài để kích hoạt gan giải phóng lượng glucose dự trữ.
Khi gan giải phóng lượng glucose dự trữ, lượng đường trong máu sẽ nhanh chóng tăng lên.
Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 nên chuẩn bị sẵn glucagon để đề phòng trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng. Khi xảy ra hạ đường huyết nghiêm trọng, người bệnh sẽ không thể tự tiêm glucagon mà cần có người khác giúp.
Glucagon và insulin
Insulin cũng là một hormone do tuyến tụy tạo ra. Ở những người không bị tiểu đường, hormone insulin và glucagon phối hợp cùng nhau để điều hòa lượng đường trong máu. Insulin có tác dụng giúp vận chuyển đường trong máu vào các tế bào và nhờ đó làm giảm lượng đường trong máu trong khi glucagon kích hoạt gan giải phóng lượng đường dự trữ để làm tăng đường trong máu. Ở người không mắc bệnh tiểu đường, tuyến tụy sẽ ngừng tiết insulin khi lượng đường trong máu thấp.
Ở những người bị tiểu đường type 1, các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy bị hỏng nên người bệnh cần phải sử dụng insulin từ bên ngoài. Một vấn đề khác ở bệnh tiểu đường type 1 là trong vòng 5 năm kể từ thời điểm chẩn đoán, lượng đường trong máu thấp không thể kích hoạt sự giải phóng đủ glucagon để đưa đường huyết về lại mức bình thường.
Đó là lý do tại sao người bệnh tiểu đường type 1 cần sử dụng glucagon như một loại thuốc để điều trị hạ đường huyết nghiêm trọng. Giống như glucagon tự nhiên của cơ thể, thuốc glucagon cũng kích hoạt sự giải phóng glucose từ gan để làm tăng lượng đường trong máu.
Khi nào cần tiêm glucagon?
Khi người bệnh tiểu đường type 1 không thể tự điều trị tình trạng hạ đường huyết thì sẽ cần đến glucagon. Glucagon thường được sử dụng trong những trường hợp:
- Các phương pháp điều trị khác không có tác dụng
- Người bệnh bất tỉnh
- Người bệnh không thể hoặc không muốn ăn uống
Không được cố ép người bị hạ đường huyết ăn uống vì làm vậy có thể khiến người bệnh bị nghẹn hoặc sặc. Trong những trường hợp như vậy tốt nhất nên sử dụng glucagon. Glucagon rất an toàn, việc dùng quá liều glucagon là gần như không thể xảy ra. Do đó, nếu như phân vân không biết có nên dùng glucagon hay không thì tốt nhất là hãy sử dụng.
Cách tiêm glucagon
Khi thấy có người bị hạ đường huyết nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế.
Để điều trị hạ đường huyết nghiêm trọng bằng glucagon, hãy thực hiện theo các bước sau:
- Mở bộ glucagon. Bộ glucagon gồm có một bơm kim tiêm (xi lanh) chứa dung dịch nước muối và một lọ bột nhỏ. Lưu ý, kim tiêm có nắp bảo vệ.
- Mở nắp lọ bột.
- Tháo nắp bảo vệ của kim tiêm và đưa đầu kim tiêm vào lọ bột.
- Bơm toàn bộ dung dịch muối trong bơm kim tiêm vào lọ bột.
- Lắc nhẹ nhàng cho đến khi bột glucagon tan hết và dung dịch trở nên trong suốt.
- Đọc hướng dẫn sử dụng để biết liều cần tiêm và dùng bơm kim tiêm hút đủ lượng dung dịch theo hướng dẫn.
- Tiêm glucagon vào đùi ngoài, bắp tay hoặc mông của người bệnh. Có thể tiêm qua quần áo.
- Đặt người bệnh nằm nghiêng, co đầu gối lên (giống như thể đang chạy) để ổn định và giảm nguy cơ nôn ói. Đây còn được gọi là “tư thế phục hồi”.
Không cho người bệnh uống glucagon vì glucagon sẽ bị phân hủy trong đường tiêu hóa và không có tác dụng.
Các dạng glucagon
Hiện nay, glucagon dạng tiêm được sử dụng phổ biến nhất nhưng ngoài ra còn có cả dạng bột đưa qua đường mũi.
Bảo quản glucagon
Kiểm tra hạn sử dụng của glucagon trước khi tiêm. Hạn sử dụng của glucagon là 24 tháng kể từ ngày sản xuất. Glucagon cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng trực tiếp.
Liều dùng glucagon
Liều dùng glucagon dạng tiêm tùy thuộc vào độ tuổi:
- Đối với trẻ từ 5 tuổi trở xuống hoặc trẻ nặng dưới 20kg: Tiêm 0,5ml dung dịch glucagon.
- Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 1ml dung dịch glucagon, có nghĩa là toàn bộ lượng dung dịch có trong bơm kim tiêm.
Glucagon dạng bột đưa vào mũi có dạng liều dùng một lần 3mg.
Tác dụng phụ của glucagon
Hầu hết các tác dụng phụ của glucagon đều ở mức độ nhẹ. Glucagon dạng tiêm có thể gây buồn nôn hoặc nôn.
Cần lưu ý rằng buồn nôn và nôn cũng có thể là triệu chứng của hạ đường huyết nghiêm trọng. Do đó đôi khi sẽ khó xác định được người bệnh đang gặp phải tác dụng phụ của glucagon hay một triệu chứng do hạ đường huyết nghiêm trọng.
Ngoài buồn nôn và nôn, glucagon dạng bột đưa vào mũi còn có thể gây ra các tác dụng phụ khác như:
- Chảy nước mắt
- Nghẹt mũi
- Kích ứng đường hô hấp trên
Nếu các triệu chứng buồn nôn và nôn khiến người bệnh không thể ăn uống sau khi sử dụng glucagon thì hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế.
Sau khi sử dụng glucagon
Có thể phải mất đến 15 phút để người bệnh tỉnh lại sau khi sử dụng glucagon. Nếu người bệnh không tỉnh lại sau 15 phút thì cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế. Hoặc cũng có thể dùng thêm một liều glucagon nữa.
Sau khi tỉnh lại, người bệnh cần:
- Đo đường huyết
- Tiêu thụ 15 gram đường tác dụng nhanh, có thể là nước ngọt hay nước trái cây. Nên chọn những nguồn đường mà người bệnh có nuốt dễ dàng.
- Ăn một bữa ăn nhẹ như bánh quy kèm sữa hoặc một thanh granola
- Theo dõi lượng đường trong máu ít nhất 1 lần mỗi giờ trong 3 đến 4 giờ tiếp theo
Bất kỳ ai bị hạ đường huyết nghiêm trọng cần điều trị bằng glucagon đều phải báo cho bác sĩ về tình trạng này. Sau khi sử dụng glucagon cần mua thêm bộ khác ngay để đề phòng trường hợp hạ đường huyết tái phát.
Người bệnh cần hướng dẫn cho người thân trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp cách sử dụng glucagon để được điều trị kịp thời khi bị hạ đường huyết. Khi ra ngoài, người bệnh nên đeo vòng tay y tế hoặc mang theo giấy ghi tình trạng bệnh của bản thân và những bước xử trí để người khác biết cách hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.
Điều trị hạ đường huyết nhẹ
Nếu tình trạng hạ đường huyết được phát hiện và điều trị kịp thời, lượng đường trong máu thường sẽ không giảm xuống quá thấp đến mức cần đến glucagon. Glucagon chỉ cần thiết trong trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng, khi người bệnh không thể tự điều trị tình trạng này.
Đa phần thì người bệnh tiểu đường có thể tự điều trị hạ đường huyết hoặc chỉ cần sự trợ giúp tối thiểu của người khác. Cách điều trị là ăn hoặc uống 15 gram carbohydrate tác dụng nhanh, chẳng hạn như:
- Nửa cốc nước trái cây hoặc nước ngọt có chứa đường (không phải loại dành cho người ăn kiêng)
- 1 muỗng canh mật ong, siro ngô hoặc đường
- Viên nén glucose
Sau đó, chờ 15 phút và đo lại đường huyết. Nếu đường huyết vẫn thấp thì tiếp tục bổ sung thêm 15 gram carb. Lặp lại các bước này cho đến khi đường huyết trên 70 mg/dL (4 mmol/L).
Tóm tắt bài viết
Mặc dù hầu hết các trường hợp hạ đường huyết đều có thể tự điều trị nhưng người bệnh luôn phải có sự chuẩn bị cho trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng. Hạ đường huyết nghiêm trọng cần được điều trị bằng glucagon. Glucagon kích thích gan giải phóng lượng glucose dự trữ để nhanh chóng khôi phục lượng đường trong máu về mức bình thường.
Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về lợi ích của châm cứu trong điều trị các triệu chứng của bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới đây đã xác nhận rằng châm cứu là một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả.
Tăng đường huyết là một vấn đề nguy hiểm vì khi lượng glucose trong máu cao, các tế bào sẽ không được cung cấp năng lượng. Lúc này, cơ thể sẽ bắt đầu đốt cháy chất béo để tạo năng lượng thay cho glucose. Điều này có thể dẫn đến các tình trạng như nhiễm toan ceton và hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do đường huyết.
Thuốc ức chế SGLT2 giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Ngoài làm giảm lượng đường trong máu, nhóm thuốc này còn được chứng minh là có lợi cho bệnh suy tim, các bệnh tim mạch khác và bệnh thận.
Tiểu đường type 1 là một bệnh tự miễn xảy ra do tuyến tụy bị chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và không có khả năng sản xuất insulin – loại hormone giúp điều hòa lượng đường trong máu. Đây là một căn bệnh mãn tính hiện vẫn chưa có cách nào chữa khỏi. Những người mắc bệnh lý này phải sử dụng liệu pháp insulin suốt đời để kiểm soát đường huyết.
Hiểu rõ về ảnh hưởng của việc ăn uống đến lượng đường trong máu là điều cần thiết để phòng ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường.