1

Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT)

Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo là một thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán và điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu. Thủ thuật này còn được thực hiện nhằm loại bỏ khối u đáng ngờ.
Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT) Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT)

Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo là gì?

Phác đồ điều trị ung thư bàng quang thường gồm có phẫu thuật.

Phương pháp điều trị chính cho các trường hợp ung thư bàng quang giai đoạn đầu là cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (transurethral resection of bladder tumor - TURBT).

Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo được thực hiện nhằm:

  • chẩn đoán ung thư bàng quang
  • loại bỏ khối u đáng ngờ
  • lấy mẫu bệnh phẩm để xác định giai đoạn ung thư
  • kiểm tra xem ung thư đã xân lấn vào thành bàng quang hay chưa

Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo là một loại phẫu thuật không xâm lấn, có nghĩa là không cần cắt rạch. Người bệnh thường không cần ở lại bệnh viện sau thủ thuật trừ khi có biến chứng.

Hầu hết những người bị ung thư bàng quang không xâm lấn cơ đều cần điều trị bằng phương pháp cắt khối u bàng quang qua niệu đạo. Tuy nhiên, có thể cần phải phẫu thuật hai lần để loại bỏ những mô bị ảnh hưởng dọc theo thành bàng quang nhằm ngăn ngừa ung thư tiếp tục lan rộng.

Chuẩn bị trước phẫu thuật

Vài tuần trước khi tiến hành cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo, người bệnh sẽ được kiểm tra sức khỏe, gồm khám lân sàng, làm xét nghiệm cấy nước tiểu. Bác sĩ cũng sẽ giải thích kỹ về quy trình phẫu thuật, gồm các phương pháp vô cảm, các bước thực hiện, những rủi ro cũng như hướng dẫn những gì cần làm trước và sau khi phẫu thuật.

Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng đang dùng. Để đảm bảo an toàn, người bệnh cần phải ngừng dùng một số loại thuốc trong 1 – 2 tuần trước khi phẫu thuật, ví dụ như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc chống đông máu.

Người bệnh sẽ phải nhịn ăn trong khoảng thời gian từ 12 – 24 giờ trước ca phẫu thuật.

Cuối cùng, do phải gây mê trong quá trình phẫu thuật nên người bệnh cần sắp xếp người đưa về sau phẫu thuật.

Trước khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được hướng dẫn cụ thể những gì cần chuẩn bị. Hãy thực hiện đúng theo hướng dẫn để ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ.

Quy trình phẫu thuật

Vào ngày phẫu thuật, nhân viên y tế sẽ kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh.

Sau đó, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân, nhờ đó sẽ hoàn toàn không cảm thấy đau đớn trong suốt quá trình phẫu thuật.

Quá trình phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo có thể mất từ 15 – 90 phút, gồm các bước chính như sau::

  1. Bác sĩ đưa ống nội soi qua niệu đạo vào trong bàng quang. Ống nội soi có một vòng điện nhỏ ở đầu để cắt bỏ khối u hoặc mô bất thường.
  2. Bác sĩ có thể sẽ sử dụng chùm tia laser năng lượng cao để phá hủy vùng mô xung quanh khối u. Bước này nhằm đảm bảo loại bỏ toàn bộ tế bào ung thư.
  3. Những mạch máu bị vỡ trong quá trình phẫu thuật sẽ được hàn lại để giảm nguy cơ chảy máu trong.
  4. Trong những trường hợp có khối u lớn hoặc chảy máu quá nhiều, bác sĩ sẽ đặt một ống thông vào bàng quang. Ống thông này sẽ được lấy ra sau 1 - 2 ngày.

Sau khi cắt bỏ, khối u bàng quang sẽ được đem đến phòng xét nghiệm để phân tích xác định giai đoạn ung thư.

Phục hồi sau phẫu thuật

Đa số người bệnh đều có thể về nhà ngay trong ngày sau khi ca phẫu thuật hoàn tất.

Người bệnh có thể sinh hoạt trở lại bình thường trong vòng 1 – 2 tuần.

Tuy nhiên, nên hạn chế các hoạt động gắng sức gây áp lực lên bàng quang trong khoảng 3 tuần, ví dụ như tập thể dục, khuân vác vật nặng, bế trẻ em và chạy nhảy.

Người bệnh sẽ bị đau nhẹ, nóng rát hoặc chảy máu khi đi tiểu. Tình trạng này thường kéo dài khoảng một tháng sau phẫu thuật. Nếu các triệu chứng nặng thêm hoặc kéo dài hơn thì cần báo cho bác sĩ.

Phẫu thuật hai lần

Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo là một thủ thuật an toàn với những lợi ích lớn hơn nhiều so với rủi ro.

Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo giúp bác sĩ xác định bước tiếp theo cần thực hiện, chẳng hạn như các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để đánh giá sự tiến triển của bệnh ung thư hoặc các phương pháp điều trị bổ trợ.

Đôi khi, người bệnh phải phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo hai lần nhằm:

  • đánh giá khối u có độ mô học cao đã cắt bỏ vào lần phẫu thuật đầu
  • loại bỏ toàn bộ tế bào ung thư
  • loại bỏ ung thư đã lan rộng

Ca phẫu thuật thứ hai thường cách ca phẫu thuật đầu tiên 2 – 6 tuần.

Rủi ro của cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ nói rõ về những rủi ro có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật.

Một số rủi ro gồm có:

  • Chảy máu quá nhiều
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tác dụng phụ của thuốc gây mê
  • Vô tình đâm thủng bàng quang

Theo ước tính, 4 – 6% ca phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo xảy ra biến chứng.

Việc phải phẫu thuật lần hai sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng liên quan đến bàng quang về lâu dài, chẳng hạn như tiểu không tự chủ và tiểu nhiều lần.

Báo cho bác sĩ nếu người bệnh gặp các triệu chứng sau đây sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo:

  • Cục máu đông trong nước tiểu
  • Rối loạn tiểu tiện
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Sốt cao
  • Ớn lạnh

Một số câu hỏi thường gặp

Mất bao lâu để bàng quang lành lại sau khi cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo?

Người bệnh có thể sinh hoạt bình thường trở lại sau vài ngày. Tuy nhiên, nên tránh các hoạt động gắng sức trong ít nhất 3 tuần vàcó thể phải mất khoảng 6 tuần để bàng quang lành lại hoàn toàn.

Tốc độ hồi phục ở mỗi người là khác nhau.

Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo có giống với sinh thiết bàng quang không?

Sinh thiết bàng quang là thủ thuật lấy một mẫu mô từ vùng đáng ngờ ở bàng quang bằng ống nội soi và kiểm tra dưới kính hiển vi.

Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo phức tạp hơn sinh thiết bàng quang. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sử dụng ống nội soi có vòng điện ở đầu để cắt bỏ khối u. Sau đó, khối u sẽ được mang đi phân tích.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo có nguy hiểm không?

Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo là một thủ thuật không xâm lấn và rất an toàn. Người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày. Mặc dù vẫn có nguy cơ xảy ra một số vấn đề không mong muốn như chảy máu, nhiễm trùng hay tác dụng phụ của thuốc gây mê nhưng những vấn đề này có thể xảy với bất kỳ loại phẫu thuật nào chứ không riêng gì cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo. Nói chung, lợi ích của thủ thuật này lớn hơn nhiều rủi ro.

Tóm tắt bài viết

Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT) là một thủ thuật không xâm lấn được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu (ung thư chưa lan vào thành cơ của bàng quang). Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ khối u cùng một vùng mô xung quanh. Khối u sẽ được kiểm tra và kết quả sẽ giúp xác định bước tiếp theo cần thực hiện.

Tuy rằng có thể phát sinh các vấn đề về tiết niệu tạm thời sau phẫu thuật nhưng cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo nói chung là một thủ thuật an toàn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: ung thư bàng quang
Tin liên quan
Sự khác biệt giữa nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu
Sự khác biệt giữa nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng bàng quang là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu đều xảy ra bàng quang, vì thế nên người bệnh có các triệu chứng như nóng rát khi đi tiểu, tiểu khó và đau vùng chậu phía trên xương mu.

Ung thư bàng quang có chữa khỏi được không?
Ung thư bàng quang có chữa khỏi được không?

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư bàng quang có thể cải thiện đáng kể khả năng sống sót. Ung thư bàng quang được phát hiện ở giai đoạn đầu thường có thể chữa khỏi.

Phân biệt nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang
Phân biệt nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang

Nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang có một số triệu chứng tương tự nhau như đi tiểu nhiều lần và đau. Nên đi khám ngay khi gặp những triệu chứng này để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Những loại phẫu thuật điều trị trào ngược bàng quang - niệu quản
Những loại phẫu thuật điều trị trào ngược bàng quang - niệu quản

Trào ngược bàng quang - niệu quản (vesicoureteral reflux) là tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên niệu quản thay vì chảy từ bàng quang xuống niệu đạo rồi ra ngoài. Mặc dù tình trạng này có thể tự cải thiện theo thời gian nhưng đôi khi cần can thiệp điều trị bằng phẫu thuật.

Trào ngược bàng quang - niệu quản điều trị bằng cách nào?
Trào ngược bàng quang - niệu quản điều trị bằng cách nào?

Trào ngược bàng quang - niệu quản (vesicoureteral reflux) là tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang vào một hoặc cả hai niệu quản (ống nối bàng quang với thận).

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây