Các lợi ích của axit béo omega-3 đối với trẻ nhỏ
Axit béo omega-3 là một chất dinh dưỡng quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh.
Nhóm axit béo thiết yếu này đặc biệt cần thiết đối với trẻ nhỏ vì có ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng, phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Chính vì có vai trò quan trọng như vậy nên nhiều bậc cha mẹ băn khoăn không biết có nên cho con mình uống bổ sung omega-3 hay không.
Omega-3 là gì?
Omega-3 là một nhóm axit béo không thể thiếu trong cơ thể con người. Các axit béo này cần thiết cho nhiều chức năng và quá trình trong cơ thể, chẳng hạn như chức năng não, sức khỏe tim mạch, chức năng miễn dịch và cả sự phát triển của thai nhi.
Omega-3 được gọi là axit béo thiết yếu vì cơ thể chúng ta không thể tự sản xuất mà phải hấp thụ từ thức ăn.
Có 3 loại omega-3 chính là axit alpha-linolenic (ALA), axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA).
ALA có trong nhiều loại thực phẩm từ thực vật, gồm có dầu thực vật, các loại hạt, quả hạch và một số loại rau. Tuy nhiên, ALA không phải dạng omega-3 hoạt động trong cơ thể, có nghĩa là ALA chỉ được sử dụng để tạo năng lượng giống như các loại chất béo khác. Để sử dụng cho các mục đích khác thì trước hết ALA phải được chuyển đổi thành các dạng hoạt động, chẳng hạn như DHA và EPA. Tuy nhiên, khả năng chuyển đổi của cơ thể rất kém nên chỉ có một lượng nhỏ ALA được chuyển thành EPA hoặc DHA.
EPA và DHA có nhiều trong các loại cá béo, chẳng hạn như cá hồi, cá thu và cá ngừ. Đây cũng là hai loại omega-3 chính có trong thực phẩm chức năng.
Có rất nhiều loại thực phẩm chức năng omega-3 khác nhau và một số loại phổ biến nhất là dầu cá, dầu nhuyễn thể và dầu tảo.
Tóm tắt: Axit béo omega-3 là những axit béo thiết yếu đóng vai trò quan trọng đối với nhiều quá trình diễn ra trong cơ thể. ALA, EPA và DHA là ba loại omega-3 chính trong chế độ ăn uống. ALA chủ yếu có trong thực phẩm từ thực vật còn EPA và DHA có nhiều trong các loại cá béo. Đa số thực phẩm chức năng omega-3 đều chứa EPA và DHA.
Lợi ích của axit béo omega-3 đối với trẻ nhỏ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung omega-3 mang lại một số lợi ích cho trẻ nhỏ.
Cải thiện các triệu chứng rối loạn tăng động
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những chứng rối loạn phát triển thần kinh phổ biến ở trẻ nhỏ, có các triệu chứng như hiếu động quá mức, khó tập trung và hành vi bốc đồng.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng uống bổ sung omega-3 có thể giúp làm giảm các triệu chứng của chứng rối loạn này ở trẻ nhỏ.
Một đánh giá tài liệu gồm 16 nghiên cứu đã cho thấy rằng axit béo omega-3 có tác dụng cải thiện trí nhớ, khả năng tập trung chú ý, học tập, hành vi bốc đồng và hiếu động thái quá ở trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý. (1)
Một nghiên cứu kéo dài 16 tuần đã cho 79 bé trai uống 1.300mg omega-3 hàng ngày và kết quả là khả năng tập trung có sự cải thiện ở cả những trẻ bị và không bị rối loạn tăng động giảm chú ý.
Hơn nữa, một bản đánh giá lớn tổng hợp kết quả của 52 nghiên cứu đã kết luận rằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống và dùng dầu cá là hai trong những biện pháp hiệu quả nhất để làm giảm các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ nhỏ.
Hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn
Hen suyễn là một bệnh mãn tính có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người lớn, gây ra các triệu chứng như khó thở, ho, thở khò khè và tức ngực.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng uống axit béo omega-3 giúp làm giảm các triệu chứng hen suyễn.
Một nghiên cứu kéo dài 10 tháng được thực hiện ở 29 trẻ nhỏ đã cho thấy rằng uống một viên dầu cá có chứa 120mg DHA và EPA kết hợp mỗi ngày giúp giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn. (2)
Trong một nghiên cứu khác được thực hiện ở 135 trẻ nhỏ, việc tăng lượng axit béo omega-3 giúp làm giảm các triệu chứng hen suyễn do ô nhiễm không khí trong nhà.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy lợi ích của axit béo omega-3 đối với bệnh hen suyễn.
Giúp trẻ ngủ ngon giấc hơn
Gần 4% trẻ dưới 18 tuổi có vấn đề về giấc ngủ. (3)
Một nghiên cứu ở 395 trẻ nhỏ đã chỉ ra rằng nồng độ axit béo omega-3 trong máu thấp làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về giấc ngủ. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng bổ sung 600mg DHA/ngày trong 16 tuần giúp cải thiện tình trạng giấc ngủ bị gián đoạn và tăng thời lượng giấc ngủ thêm gần 1 tiếng mỗi đêm.
Nghiên cứu khác cho thấy rằng bổ sung nhiều omega-3 trong thời kỳ mang thai giúp cải thiện giấc ngủ ở trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về tác động của axit béo omega-3 đến giấc ngủ ở trẻ nhỏ.
Tăng cường sức khỏe não bộ
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng axit béo omega-3 có tác dụng cải thiện chức năng não và tâm trạng ở trẻ nhỏ, đặc biệt là khả năng học tập, trí nhớ và sự phát triển não bộ.
Theo một nghiên cứu kéo dài 6 tháng, những trẻ nhỏ ăn nhiều axit béo omega-3 có khả năng học hỏi qua ngôn ngữ lời nói và trí nhớ tốt hơn. (4)
Tương tự, kết quả của một nghiên cứu nhỏ kéo dài 8 tuần được thực hiện ở 33 bé trai đã cho thấy uống 400 – 1.200mg DHA mỗi ngày giúp tăng kích hoạt vỏ não trước trán - vùng não có chức năng kiểm soát khả năng tập trung, khả năng kiểm soát xung động và lập kế hoạch.
Thậm chí, một số nghiên cứu còn cho thấy omega-3 giúp ngăn ngừa chứng trầm cảm và rối loạn cảm xúc ở trẻ nhỏ.
Tóm tắt: Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng axit béo omega-3 giúp tăng cường sức khỏe não bộ, có lợi cho giấc ngủ, cải thiện rối loạn tăng động giảm chú ý và giảm các triệu chứng hen suyễn.
Tác dụng phụ của omega-3
Tác dụng phụ của thực phẩm chức năng bổ sung omega-3, chẳng hạn như dầu cá, thường chỉ rất nhẹ. Một số tác dụng phụ thường gặp nhất gồm có:
- Hơi thở có mùi
- Có vị khó chịu trong miệng sau khi uống
- Đau đầu
- Ợ nóng
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
Cho trẻ uống đúng liều lượng để giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Ban đầu nên cho trẻ dùng liều thấp và sau đó tăng dần để theo dõi phản ứng.
Nếu trẻ bị dị ứng với cá hoặc động vật có vỏ thì không nên cho trẻ dùng dầu cá và các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ cá và động vật biển khác, chẳng hạn như dầu gan cá tuyết và dầu nhuyễn thể.
Thay vào đó, nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật như dầu hạt lanh hoặc dầu tảo.
Tóm tắt: Các loại thực phẩm chức năng omega-3 có thể gây một số tác dụng phụ nhẹ như hơi thở có mùi, miệng có vị tanh, đau đầu, buồn nôn và các vấn đề về tiêu hóa. Sử dụng đúng liều lượng và tránh các sản phẩm có nguồn gốc từ cá nếu dị ứng cá hoặc động vật có vỏ.
Liều dùng cho trẻ nhỏ
Nhu cầu omega-3 hàng ngày phụ thuộc vào độ tuổi và giới tính. Tốt nhất nên sử dụng đúng liều lượng ghi trong hướng dẫn.
ALA là loại axit béo omega-3 duy nhất có hướng dẫn về liều lượng cụ thể. Lượng ALA khuyến nghị hàng ngày đối với từng nhóm tuổi như sau: (5)
- 0 - 12 tháng tuổi: 0,5 gram
- 1 – 3 tuổi: 0,7 gram
- 4 – 8 tuổi: 0,9 gram
- Nữ 9 – 13 tuổi: 1,0 gram
- Nam 9 – 13 tuổi: 1,2 gram
- Nữ 14 - 18 tuổi: 1,1 gram
- Nam 14 – 18 tuổi: 1,6 gram
Các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá cơm…), quả hạch (óc chó), hạt (hạt bí, hạt lanh, hạt chia…) và dầu thực vật (dầu hạt cải, dầu hạt lanh…) đều là những nguồn cung cấp omega-3 dồi dào mà bố mẹ có thể dễ dàng thêm vào chế độ ăn uống của trẻ để tăng cường lượng axit béo có lợi này.
Nếu trẻ ít ăn cá và các loại thực phẩm giàu omega- khác thì nên cân nhắc cho trẻ dùng thực phẩm chức năng để bổ sung.
Nói chung, hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng 120 – 1.300mg DHA và EPA kết hợp mỗi ngày là liều lượng phù hợp cho trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, để tránh xảy ra tác dụng phụ thì tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu cho con uống omega-3.
Tóm tắt: Nhu cầu axit béo omega-3 của trẻ thay đổi theo độ tuổi và giới tính. Thường xuyên thêm các loại thực phẩm giàu omega-3 như cá béo, dầu thực vật và các loại hạt vào bữa ăn hàng ngày để cung cấp đủ lượng axit béo cho trẻ. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống bổ sung omega-3.
Tóm tắt bài viết
Axit béo omega-3 là chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sức khỏe của trẻ nhỏ.
Nhóm axit béo này đặc biệt có lợi cho sức khỏe não bộ, ngoài ra còn giúp ích cho chất lượng giấc ngủ, cải thiện các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và hen suyễn.
Cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3 là cách tốt nhất để đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Nếu chọn bổ sung omega-3 từ thực phẩm chức năng thì cần chú ý đến liều lượng để tránh xảy ra tác dụng phụ.
Xem thêm:
Lượng omega-3 mà mỗi người cần cung cấp cho cơ thể mỗi ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, thời kỳ mang thai và cho con bú cũng như là tình trạng sức khỏe.
Omega-3 là một axit béo thiết yếu rất quan trọng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, không phải loại omega-3 nào cũng có vai trò giống nhau trong cơ thể. Có tất cả 11 loại omega-3 và 3 loại quan trọng nhất là ALA, EPA và DHA.
Axit béo omega-3 là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nếu không ăn cá và hải sản do ăn chay hoặc chỉ đơn giản là do không thích ăn thì vẫn có thể bổ sung omega-3 từ các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như hạt chia, bắp cải tí hon, hạt lanh, quả óc chó hay dầu tảo.
Suy nghĩ cho rằng “ăn chất béo khiến chúng ta béo lên” thực ra là không đúng vì khoa học đã chứng minh chất béo tốt có lợi cho sức khỏe và thậm chí còn giúp ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt là khi có sự kết hợp của một số loại thuốc không kê đơn.
Omega-3, omega-6 và omega-9 đều là những loại axit béo quan trọng đối với cơ thCả ba đều có lợi cho sức khỏe nhưng cần phải duy trì sự cân bằng các loại axit béo này trong chế độ ăn uống. Sự mất cân bằng giữa omega-3, omega-6 và omega-9 có thể góp phần gây ra một số bệnh mãn tính.