1

Các loại mất ngủ và cách điều trị

Mất ngủ được chia thành nhiều loại, gồm có khó bắt đầu giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ (tỉnh giấc nhiều lần trong đêm) và mất ngủ hành vi ở trẻ em. Mất ngủ có thể là cấp tính hoặc mạn tính.
Các loại mất ngủ và cách điều trị Các loại mất ngủ và cách điều trị

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến có biểu hiện là khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ chập chờn, thức giấc nhiều lần trong khi ngủ và dậy quá sớm, khó ngủ lại. Tình trạng này dẫn đến buồn ngủ vào ban ngày và không cảm thấy sảng khoái khi thức dậy.

Theo một khảo sát, có khoảng 50% người trưởng thành bị mất ngủ không thường xuyên và cứ 10 người thì có 1 người cho biết họ bị mất ngủ mạn tính. (1)

Mất ngủ có thể xảy ra với bất cứ ai nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ và người lớn tuổi. Tình trạng mất ngủ có thể xảy ra một đêm, vài đêm, vài tuần hoặc kéo dài lâu hơn. Căng thẳng, mãn kinh và vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tâm thần là những nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ.

Các loại mất ngủ

Mất ngủ được chia thành nhiều loại. Mỗi loại khác nhau về nguyên nhân, thời gian kéo dài và ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Mất ngủ cấp tính

Mất ngủ cấp tính là tình trạng mất ngủ xảy ra trong thời gian ngắn, có thể là một đêm cho đến vài tuần. Đây là loại mất ngủ phổ biến nhất.

Nguyên nhân gây mất ngủ cấp tính thường là do căng thẳng hoặc lo lắng về một chuyện nào đó.

Các nguyên nhân khác gồm có:

  • Các yếu tố môi trường làm gián đoạn giấc ngủ, chẳng hạn như tiếng ồn hoặc ánh sáng
  • Thay đổi chỗ ngủ
  • Đau nhức
  • Tư thế ngủ không thoải mái
  • Một số loại thuốc
  • Cảm thấy không khỏe
  • Lệch múi giờ

Mất ngủ mạn tính

Mất ngủ được coi là mạn tính khi xảy ra từ ba lần trở lên trong một tuần và kéo dài ít nhất một tháng.

Mất ngủ mạn tính có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Mất ngủ nguyên phát, hay còn được gọi là mất ngủ vô căn, có nghĩa là không xác định được nguyên nhân gây mất ngủ.

Mất ngủ thứ phát phổ biến hơn. Đây là loại mất ngủ mạn tính do bệnh tật, thuốc men hoặc thói quen sống khác.

Các nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ mạn tính gồm có:

  • Các bệnh lý mạn tính, chẳng hạn như tiểu đường, bệnh Parkinson, cường giáp và chứng ngưng thở khi ngủ
  • Bệnh tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu và rối loạn tăng động giảm chú ý
  • Thuốc, gồm có thuốc hóa trị, thuốc chống trầm cảm và thuốc chẹn beta
  • Caffeine và các chất kích thích khác như rượu bia, nicotin
  • Yếu tố về lối sống, gồm có thường xuyên di chuyển giữa các nước và bị lệch múi giờ, làm việc xoay ca và ngủ trưa nhiều

Khó bắt đầu giấc ngủ

Khó bắt đầu giấc ngủ là tình trạng mất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ. Loại mất ngủ này có thể là ngắn hạn hoặc dài hạn.

Bất kỳ nguyên nhân nào gây mất ngủ cấp tính và mạn tính đều có thể gây khó đi vào giấc ngủ. Các vấn đề về tâm lý hoặc tâm thần như căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm là những nguyên nhân phổ biến nhất gây khó bắt đầu giấc ngủ.

Theo một nghiên cứu vào năm 2009, những người mắc chứng mất ngủ mạn tính thường bị thêm một loại rối loạn giấc ngủ khác, chẳng hạn như hội chứng chân không yên hoặc rối loạn cử động chân tay theo chu kỳ.

Caffeine và các chất kích thích khác cũng có thể gây khó đi vào giấc ngủ.

Khó duy trì giấc ngủ

Khó duy trì giấc ngủ là tình trạng thức giấc nhiều lần trong đêm hoặc thức dậy quá sớm và khó ngủ lại. Loại mất ngủ này cũng dẫn đến ngủ không đủ giấc. Đôi khi, nguyên nhân khiến giấc ngủ bị gián đoạn là do tâm lý lo lắng về việc sẽ bị tỉnh giấc. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Tình trạng khó duy trì giấc ngủ có thể do vấn đề về sức khỏe tâm thần gây ra, chẳng hạn như chứng trầm cảm. Các bệnh lý khác cũng có thể gây ra loại mất ngủ này gồm có:

  • Trào ngược dạ dày thực quản
  • Chứng ngưng thở khi ngủ
  • Hen suyễn và các bệnh hô hấp khác
  • Hội chứng chân không yên
  • Rối loạn cử động chân tay theo chu kỳ

Mất ngủ hành vi ở trẻ em

Theo một thống kê, có khoảng 25% trẻ em bị chứng mất ngủ này. (2) Mất ngủ hành vi ở trẻ em được chia thành ba loại:

  • Khó bắt đầu giấc ngủ: loại này thường là do những thói quen trước khi đi ngủ như có người bế, nằm nôi ru ngủ, cha mẹ nằm cạnh hoặc xem TV.
  • Mất ngủ do thiếu kỷ luật: trẻ không chịu ngủ và liên tục tìm lý do trì hoãn việc đi ngủ, ví dụ như đòi uống nước, đi vệ sinh hoặc đòi cha mẹ đọc chuyện.
  • Mất ngủ hành vi kết hợp: kết hợp hai loại nêu trên.

Chứng mất ngủ hành vi ở trẻ em thường có thể giải quyết bằng cách các thay đổi về hành vi gây cản trở giấc ngủ.

Tác hại của chứng mất ngủ

Mất ngủ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như khả năng hoạt động trong ngày.

Mất ngủ có thể gây:

  • Giảm hiệu suất làm việc hoặc học tập
  • Tăng nguy cơ tai nạn
  • Tăng nguy cơ trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, chẳng hạn như bệnh tim mạch, đột quỵ và béo phì

Điều trị mất ngủ

Việc điều trị chứng mất ngủ phụ thuộc vào nguyên nhân gây mất ngủ.

Chứng mất ngủ cấp tính có thể điều trị bằng thuốc ngủ hoặc kiểm soát lo lắng, căng thẳng.

Để điều trị mất ngủ mạn tính thì trước tiên cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây mất ngủ. Ngoài ra, một giải pháp điều trị là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Phương pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả tốt hơn so với thuốc ngủ.

Tóm tắt bài viết

Mất ngủ được chia thành nhiều loại. Tất cả đều gây thiếu ngủ và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động trong ngày. Mất ngủ cấp tính thường có thể điều trị tại nhà bằng thuốc, thay đổi thói quen và giảm căng thẳng. Mất ngủ mạn tính đòi hòi phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ và có thể cần kết hợp thêm liệu pháp nhận thức hành vi. Nếu không được điều trị, tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm và các vấn đề sức khỏe khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Mất ngủ mạn tính: Nguyên nhân và cách điều trị
Mất ngủ mạn tính: Nguyên nhân và cách điều trị

Mất ngủ mạn tính là tình trạng mất ngủ kéo dài ít nhất 3 tháng. Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính, từ vấn đề về hô hấp, mãn kinh cho đến thói quen ngủ. Các giải pháp điều trị gồm có trị liệu, dùng thuốc và thay đổi lối sống.

Mất ngủ giữa đêm: Nguyên nhân và cách điều trị
Mất ngủ giữa đêm: Nguyên nhân và cách điều trị

Mất ngủ giữa đêm là một vấn đề vô cùng phổ biến và có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Mất ngủ giữa đêm có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra và cũng có nhiều giải pháp khắc phục.

Mất ngủ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Mất ngủ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ rất phổ biến với biểu hiện là khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ sâu, tinh thần không sảng khoái mà vẫn cảm thấy uể oải, buồn ngủ sau khi ngủ dậy và cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ban ngày.

Các cách điều chỉnh lịch trình giấc ngủ
Các cách điều chỉnh lịch trình giấc ngủ

Trong suốt cả ngày, chiếc đồng hồ bên trong cơ thể thay đổi luân phiên giữa trạng thái ngủ và thức. Chu kỳ ngủ thức ngủ kéo dài 24 giờ này được gọi là nhịp sinh học.

Các cách điều trị mất ngủ
Các cách điều trị mất ngủ

Có rất nhiều phương pháp điều trị chứng mất ngủ. Điều chỉnh thói quen ngủ và chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp cải thiện tình trạng mất ngủ. Tuy nhiên, nếu tình hình không cải thiện thì có thể cần điều trị bằng thuốc hoặc liệu pháp hành vi.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây