1

Các giai đoạn của bệnh thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối được chia giai đoạn dựa trên mức độ tổn thương khớp. Giai đoạn 0 có nghĩa là khớp gối vẫn khỏe mạnh và cử động bình thường. Giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối cùng là khi khớp gối đã bị hỏng nặng. Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ bị đau đầu gối dữ dội. Tình trạng đau và cứng khớp khiến người bệnh gặp khó khăn khi đứng và đi lại.
Các giai đoạn của bệnh thoái hóa khớp gối Các giai đoạn của bệnh thoái hóa khớp gối

Giai đoạn 0

Ở giai đoạn 0, khớp gối chứa có các dấu hiệu thoái hóa khớp, chức năng của khớp vẫn bình thường và người bệnh chưa cảm thấy đau đớn.

Phương pháp điều trị

Thoái hóa khớp gối giai đoạn 0 không cần điều trị.

Giai đoạn 1

Ở giai đoạn 1, thoái hóa khớp có thể gây hình thành gai xương ở các đầu xương trong khớp. Gai xương là những phần xương thừa hình thành dọc theo rìa đầu xương do phản ứng của cơ thể khi xương bị thương tổn.

Ở giai đoạn này, sụn trong khớp bị mất đi nhưng chưa đáng kể và khoảng trống trong khớp chưa bị thu hẹp trên ảnh chụp X-quang.

Người bị thoái hóa khớp gối giai đoạn 1 thường chưa cảm thấy đau đớn hay khó chịu do các đầu xương trong khớp chưa cọ xát nhiều vào nhau.

Phương pháp điều trị

Nếu chưa có triệu chứng bộc lộ ra bên ngoài thì thoái hóa khớp gối giai đoạn 1 cũng chưa cần phải điều trị.

Tuy nhiên, nên bắt đầu tập thể dục để giảm các triệu chứng nhẹ (nếu có), duy trì khả năng cử động khớp và làm chậm sự tiến triển của bệnh thoái hóa khớp.

Giai đoạn 2

Ở giai đoạn 2, tình trạng thoái hóa khớp gối vẫn được coi là ở mức độ nhẹ.

Ở giai đoạn này, các gai xương đã xuất hiện nhiều hơn. Điều này có thể thấy rõ trên phim chụp X-quang. Tuy nhiên, sụn vẫn chưa bị mất nhiều, có nghĩa là khoảng cách giữa các đầu xương trong khớp vẫn chưa bị thu hẹp và các xương chưa cọ xát vào nhau.

Ở giai đoạn 2, khớp gối vẫn còn đủ lượng hoạt dịch để chuyển động bình thường.

Tuy nhiên, đây là giai đoạn mà các triệu chứng bắt đầu xuất hiện, chẳng hạn như:

  • Đau đầu gối sau khi đi lại nhiều hoặc chạy
  • Cứng khớp sau một thời gian dài không hoạt động
  • Đau khi quỳ hoặc gập đầu gối

Phương pháp điều trị

Hãy đi khám khi nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng của thoái hóa khớp ở đầu gối. Nếu đúng là thoái hóa khớp, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Thông thường, người bệnh chưa phải dùng thuốc ở giai đoạn này mà chỉ cần thực hiện các biện pháp khắc phục tại nhà là đủ để làm giảm các triệu chứng.

Tập thể dục

Đối với những người bị thừa cân, giảm cân bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và tập thể dục có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp và cải thiện khả năng vận động. Ngay cả những người không bị thừa cân cũng nên tập thể dục.

Tập các bài tập tác động thấp (ít gây áp lực lên khớp), kết hợp cả tập cardio và tập thể hình sẽ giúp tăng cường sức mạnh của các cơ xung quanh khớp, giúp tăng tính ổn định của khớp và ngăn khớp bị tổn thương thêm.

Tránh các bài tập cần phải quỳ, ngồi xổm hoặc nhảy. Những bài tập này sẽ gây áp lực lên khớp gối.

Dụng cụ hỗ trợ

Người bệnh có thể sử dụng nẹp và đai quấn để tăng tính ổn định cho khớp gối.

Thuốc giảm đau không kê đơn

Nếu đầu gối bị đau thì người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau nhẹ, ví dụ như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) kết hợp với các biện pháp giảm đau không cần dùng thuốc như tập thể dục, giảm cân và dùng dụng cụ hỗ trợ đầu gối.

Tuy nhiên, chỉ nên dùng thuốc giảm đau khi thực sự cần thiết. Lạm dụng những loại thuốc này sẽ gây ra nhiều tác hại. Dùng acetaminophen liều cao có thể gây tổn thương gan. NSAID có thể gây loét dạ dày, vấn đề về tim mạch, tổn thương thận và gan.

Giai đoạn 3

Ở giai đoạn 3, sụn trong khớp gối đã bị mất đi đáng kể và khoảng cách giữa các đầu xương bắt đầu thu hẹp lại.

Người bệnh sẽ bị đau nhiều hơn, nhất là khi đi lại, chạy, cúi người hoặc quỳ.

Khớp gối còn bị cứng sau khi ngồi trong thời gian dài hoặc khi thức dậy vào buổi sáng. Khớp còn bị sưng sau khi vận động nhiều.

Phương pháp điều trị

Ở giai đoạn 3, người bệnh vẫn có thể sử dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc và thuốc giảm đau không kê đơn nhưng nếu các triệu chứng không đỡ thì người bệnh có thể sẽ phải tiêm glucocorticoid.

Tiêm glucocorticoid

Glucocorticoid là một loại thuốc trong nhóm corticoid. Nhóm corticoid gồm có cortisone, một loại hormone đã được chứng minh là có thể giúp giảm đau do thoái hóa khớp khi tiêm trực tiếp vào khớp.

Cortisone được tạo ra tự nhiên bởi tuyến thượng thận nhưng cũng được sản xuất từ chất tổng hợp để làm thuốc.

Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt glucocorticoid triamcinolone acetonide (Zilretta) để điều trị thoái hóa khớp gối.

Các loại glucocorticoid khác cũng được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối gồm có hydrocortisone và prednisolone.

Tiêm corticoid chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời. Tác dụng kéo dài được khoảng 2 - 3 tháng, sau đó người bệnh sẽ phải tiếp tục tiêm.

Tuy rằng có thể giúp giảm đau hiệu quả nhưng phương pháp tiêm corticoid có thể khiến khớp bị tổn thương nặng thêm nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc thực hiện quá thường xuyên.

Thuốc giảm đau không kê đơn và các biện pháp không dùng thuốc

Ở giai đoạn 3 của bệnh thoái hóa khớp gối, người bệnh nên tiếp tục duy trì các phương pháp điều trị không dùng thuốc như tập thể dục và kiểm soát cân nặng.

Các loại thuốc không kê đơn như NSAID hoặc acetaminophen có thể vẫn còn tác dụng ở giai đoạn này.

Nếu thuốc điều trị thoái hóa khớp gây tác dụng phụ, người bệnh nên báo cho bác sĩ để chuyển sang loại thuốc khác. Ngoài ra, người bệnh có thể thử dùng NSAID dạng bôi hoặc thuốc bôi chứa capsaicin (một chất có trong ớt).

Thuốc giảm đau kê đơn

Nếu dùng các loại thuốc không kê đơn như NSAID hoặc acetaminophen mà cơn đau không thuyên giảm thì sẽ phải chuyển sang dùng thuốc giảm đau kê đơn, ví dụ như tramadol. Các loại thuốc này sẽ có hiệu quả tốt hơn đối với triệu chứng đau ở giai đoạn 3 của bệnh thoái hóa khớp gối.

Tramadol là một loại thuốc giảm đau nhóm opioid và có nhiều dạng bào chế, gồm dạng lỏng, viên nang và viên nén.

Trong hướng dẫn lâm sàng của Hiệp hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) và Tổ chức Viêm khớp (AF), không nên dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau opioid nào khác ngoài tramadol để điều trị thoái hóa khớp.

Không nên dùng thuốc giảm đau opioid lâu dài vì các loại thuốc này có thể gây phụ thuộc và hiệu quả giảm dần theo thời gian.

Các tác dụng phụ của thuốc giảm đau opioid gồm có:

  • Buồn nôn
  • Buồn ngủ
  • Táo bón
  • Mệt mỏi

Giai đoạn 4

Giai đoạn 4 là giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh thoái hóa khớp gối. Ở giai đoạn này, ngừoi bệnh sẽ bị đau đầu gối dữ dội, nhất là khi đi lại, đứng thẳng hoặc cử động đầu gối.

Khoảng cách giữa các đầu xương trong khớp đã bị thu hẹp đáng kể.

Sụn gần như bị mất hoàn toàn và dịch khớp chỉ còn lại rất ít, khiến các đầu xương cọ xát với nhau, khớp bị cứng và thậm chí mất khả năng cử động.

Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị cho bệnh thoái hóa khớp gối giai đoạn 4 là phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt xương

Phẫu thuật cắt xương (osteotomy) là một giải pháp cho những trường hợp thoái hóa khớp gối nặng. Trong ca phẫu thuật này, bác sĩ sẽ cắt phần xương bên trên hoặc bên dưới đầu gối để rút ngắn, kéo dài hoặc nắn thẳng trục khớp gối.

Ca phẫu thuật này sẽ giúp làm giảm áp lực mà trọng lượng cơ thể tác động lên các vị trí có gai xương và tổn thương xương nghiêm trọng. Phẫu thuật cắt xương thường được chỉ định cho người trẻ tuổi.

Thay khớp gối toàn phần

Thay khớp gối toàn phần thường được chỉ định cho những trường hợp bị thoái hóa khớp gối nghiêm trọng, đau đớn dữ dội, dai dẳng và mất chức năng khớp.

Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ khớp bị hỏng và thay thế bằng khớp nhân tạo làm bằng nhựa và kim loại.

Rủi ro của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần gồm có nhiễm trùng vết mổ và cục máu đông. Quá trình phục hồi sau phẫu thuật thường mất vài tuần đến vài tháng và người bệnh sẽ phải vật lý trị liệu để khôi phục chức năng khớp.

Đôi khi, người bệnh phải phẫu thuật thêm để giải quyết vấn đề còn sót lại hoặc tiếp tục phải thay khớp trong tương lai.

Tuy nhiên, tuổi thọ của khớp gối nhân tạo có thể kéo dài vài chục năm.

Tóm tắt bài viết

Thoái hóa khớp gối được chia thành 5 giai đoạn, từ 0 – 4. Giai đoạn 0 là khi khớp gối vẫn còn chức năng bình thường còn giai đoạn 4 là khi khớp đã bị hỏng nghiêm trọng. Có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm đau đầu gối do thoái hóa khớp, từ thuốc không kê đơn đến phẫu thuật thay khớp.

Nếu bạn đang gặp các triệu chứng như đau dai dẳng, sưng tấy, cứng khớp hoặc đi lại khó khăn, hãy đi khám sớm để xác định nguyên nhân. Bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng thoái hóa khớp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các biến chứng của bệnh thoái hóa khớp
Các biến chứng của bệnh thoái hóa khớp

Bệnh thoái hóa khớp có thể gây ra các biến chứng như đau mạn tính, gián đoạn giấc ngủ và tăng cân. Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này nhưng điều trị sớm và đúng cách có thể giúp ngăn ngừa biến chứng.

Bệnh thoái hóa khớp có di truyền không?
Bệnh thoái hóa khớp có di truyền không?

Thoái hóa khớp là do sự hao mòn khớp theo thời gian. Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này, trong đó có cả yếu tố di truyền. Thoái hóa khớp là một bệnh mạn tính với hàng trăm triệu người mắc trên thế giới. Đây là loại viêm khớp phổ biến nhất, chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi và là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng tàn tật ở người lớn. Bất kỳ ai cũng có thể bị thoái hóa khớp nhưng những người có tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp khớp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Các biện pháp kiểm soát bệnh thoái hóa khớp
Các biện pháp kiểm soát bệnh thoái hóa khớp

Hầu hết các trường hợp thoái hóa khớp đều có thể kiểm soát bằng thuốc, tập thể dục, trị liệu và sử dụng các dụng cụ hỗ trợ. Nếu những phương pháp này không hiệu quả thì sẽ phải điều trị bằng phẫu thuật.

Thoái hóa khớp sau chấn thương: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp sau chấn thương: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp sau chấn thương là tình trạng các cấu trúc trong khớp bị tổn thương sau khi khớp bị chấn thương.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây