1

Cà phê có tác động như thế nào đến bệnh gút?

Hầu hết các nghiên cứu khoa học đều cho thấy cà phê góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Cà phê chứa nhiều hợp chất có lợi, gồm có các khoáng chất, polyphenol và caffeine.
Cà phê có tác động như thế nào đến bệnh gút? Cà phê có tác động như thế nào đến bệnh gút?

Bệnh gút là gì?

Bệnh gút (gout) là một loại bệnh viêm khớp ảnh hưởng đến các khớp xương trong cơ thể. Các triệu chứng thường chủ yếu xảy ra ở khớp bàn chân và ngón chân.

Nguyên nhân gây ra bệnh gút là do một tình trạng gọi là tăng axit uric máu. Điều này xảy ra khi có quá nhiều axit uric tích tụ trong cơ thể. Axit uric được sản sinh ra khi hợp chất hóa học purin bị phân hủy. Khi nồng độ trong máu tăng lên, axit uric sẽ tích tụ thành các tinh thể trong khớp, gây sưng đau và viêm.

Bệnh gút là một căn bệnh rất phổ biến hiện nay. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như bệnh về máu và rối loạn chuyển hóa có thể khiến cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric. Các bệnh khác, ví dụ như bệnh thận và tuyến giáp, lại làm giảm khả năng đào thải axit uric ra khỏi cơ thể và cũng làm tăng nguy cơ bị gút.

Thói quen ăn uống, chẳng hạn như uống quá nhiều rượu và thường xuyên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều purin (thịt đỏ và động vật có vỏ) hoặc fructose (đồ uống có đường), có thể khiến cho nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Ngoài ra, cà phê - một loại đồ uống quen thuộc với rất nhiều người – cũng có tác động đến bệnh gút.

Trong khi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cà phê giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút thì một số nghiên cứu khác lại cho ra kết quả trái ngược.

Vậy cà phê có tác động tích cực hay tiêu cực đến căn bệnh này? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Cà phê làm giảm nguy cơ bệnh gút

Hầu hết các nghiên cứu khoa học đều cho thấy cà phê góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Cà phê chứa nhiều hợp chất có lợi, gồm có các khoáng chất, polyphenol và caffeine.

>>> Các lợi ích của cà phê đối với sức khỏe

Cà phê được cho là có thể làm giảm nguy cơ bị gút nhờ khả năng làm giảm nồng độ axit uric thông qua một số cơ chế khác nhau. Ví dụ, cà phê có thể làm giảm nồng độ axit uric bằng cách tăng tốc độ đào thải axit uric khỏi cơ thể. Ngoài ra, cà phê còn được cho là có thể làm giảm hoạt động của enzyme phân hủy purin trong cơ thể và điều này dẫn đến giảm tốc độ tạo ra axit uric.

Một bản đánh giá tổng hợp kết quả từ nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng thường xuyên uống cà phê giúp giảm nồng độ axit uric và giảm các đợt tăng axit uric trong máu.

Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Nhật Bản (1), các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lượng cà phê tiêu thụ tỷ lệ nghịch với nồng độ axit uric. Cụ thể, những người uống nhiều cà phê nhất (khoảng 5 cốc mỗi ngày) có nồng độ axit uric trong máu ở mức thấp nhất trong số những người tham gia nghiên cứu. Mặc dù nghiên cứu này đánh giá tác dụng của cả cà phê và trà nhưng sự giảm axit uric chỉ diễn ra ở những người uống cà phê.

Điều này có nghĩa là tác dụng giảm nồng độ axit uric đến từ các hợp chất khác trong cà phê chứ không phải caffeine vì cả trà và cà phê đều chứa caffeine.

Một bản đánh giá khác vào năm 2014 cũng cho kết quả tương tự. Bản đánh giá này dựa trên hai nghiên cứu về mối liên hệ giữa cà phê và bệnh gút từ Cuộc khảo sát Kiểm tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia lần thứ ba. Trong một nghiên cứu, (2) nồng độ axit uric trong huyết thanh của những tình nguyện viên tham gia được đo sau khi uống cà phê và trà. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ở những người uống cà phê, nồng độ axit uric và nguy cơ tăng axit uric máu đều giảm.

Tại sao cà phê giúp giảm nguy cơ bệnh gút?

Có một số lý do tại sao cà phê lại giúp giảm sự tích tụ axit uric và ngăn ngừa bệnh gút nhưng trước tiên nên hiểu qua cơ chế của một số loại thuốc điều trị bệnh gút.

Có hai loại thuốc điều trị gút thường được sử dụng là thuốc ức chế xanthine oxidase và thuốc tăng thải axit uric (uricosuric).

Thuốc ức chế xanthine oxidase có tác dụng ngăn cản hoạt động của xanthine oxidase - một loại enzyme giúp cơ thể chuyển hóa purin. Vì purin là một nguồn cung cấp axit uric nên việc ức chế enzym này có thể giúp giữ cho nồng độ axit uric ở mức thấp.

Caffeine được coi là một loại methyl xanthine. Do đó, chất này có thể cạnh tranh và ngăn cản hoạt động của xanthine oxidase.

Thuốc tăng thải axit uric có tác dụng giúp thận loại bỏ axit uric trong cơ thể. Mặc dù caffeine không được coi là một chất tăng thải axit uric nhưng có cơ chế hoạt động tương tự.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng axit chlorogenic - một loại polyphenol có trong cà phê - có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin. Một nghiên cứu cho thấy ở những người có nồng độ insulin trong máu cao, khả năng đào thải natri và axit uric qua thận bị giảm. Khi nồng độ insulin giảm và độ nhạy insulin tăng thì quá trình đào thải natri và urat cũng được cải thiện. (3)

Các nghiên cứu phản bác

Mặc dù hầu như chưa có nghiên cứu nào cho thấy cà phê làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút nhưng theo một số chuyên gia y tế thì hiện vẫn chưa đủ bằng chứng để kết luận uống cà phê giúp làm giảm nguy cơ bệnh gút.

Trong một bản đánh giá tổng hợp kết quả của 11 nghiên cứu khác nhau về mối liên hệ giữa lượng cà phê tiêu thụ và nồng độ axit uric trong huyết thanh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mặc dù có bằng chứng cho thấy uống cà phê làm giảm nguy cơ bị gút nhưng kết quả chưa đủ rõ ràng.

Ngoài ra, một nghiên cứu đã cho thấy rằng nồng độ axit uric trong máu tăng trong thời gian uống cà phê và giảm trong thời gian không uống cà phê.

Một nghiên cứu khác còn cho thấy biến dị di truyền có ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa việc uống cà phê và nguy cơ bệnh gút. Trong nghiên cứu này, một số biến dị di truyền liên quan đến sự chuyển hóa urat được cho là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cà phê tác động tiêu cực đến nguy cơ bị bệnh gút mà chỉ cho thấy rằng mối liên hệ giữa bệnh gút và cà phê có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền.

Tác dụng của cà phê ở những người đã bị gút

Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng thường xuyên uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh gút. Các yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh này gồm có:

  • Là nam giới
  • Bị béo phì
  • Có tiền sử gia đình bị bệnh gút
  • Đang dùng một số loại thuốc
  • Một số bệnh lý, chẳng hạn như tăng huyết áp, suy tim sung huyết, bệnh thận và mỡ máu cao
  • Uống nhiều rượu
  • Chế độ ăn nhiều purin (thịt đỏ, động vật có vỏ, đồ uống có đường…)

Ở những người đã bị bệnh gút, uống cà phê có thể giúp giảm các cơn gút cấp. Lý do là bởi cà phê có tác dụng làm giảm sự sản xuất axit uric trong cơ thể và đồng thời cải thiện sự đào thải axit uric.

Nghiên cứu cho thấy rằng trà và cà phê đã khử caffeine không có tác dụng hạ axit uric giống như cà phê thông thường. Ngoài ra, để giảm axit uric trong máu thì cần uống cà phê đều đặn hàng ngày.

Có thể thêm sữa tươi ít béo vào cà phê nhưng không nên cho đường. Tiêu thụ nhiều đường cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh gút và tăng tần suất các cơn gút cấp.

Tóm tắt bài viết

Chỉ có rất ít bằng chứng cho thấy uống cà phê gây ra bệnh gút hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra các cơn gút cấp. Phần lớn các nghiên cứu đều cho thấy rằng uống cà phê giúp làm giảm axit uric trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đậu nành và những tác động đến sức khỏe
Đậu nành và những tác động đến sức khỏe

Đậu nành chứa các chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng thực vật mang lại nhiều lợi ích khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều lo ngại về tác động tiêu cực của loại đậu này đến sức khỏe.

Ớt: Giá trị dinh dưỡng và tác động đến sức khỏe
Ớt: Giá trị dinh dưỡng và tác động đến sức khỏe

Ớt rất giàu vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật, trong đó có capsaicin - chất tạo nên vị cay nóng đặc trưng. Capsaicin có một số lợi ích cho sức khỏe nhưng đồng thời cũng đi kèm một số tác hại.

Bơ Động Vật: Giá Trị Dinh Dưỡng Và Tác Động Đến Sức Khỏe
Bơ Động Vật: Giá Trị Dinh Dưỡng Và Tác Động Đến Sức Khỏe

Bơ chứa lượng calo lớn nên không được ăn quá nhiều và quá thường xuyên để tránh tăng cân và gây hại cho sức khỏe.

Tác dụng của cà phê đối với bệnh tiểu đường
Tác dụng của cà phê đối với bệnh tiểu đường

Mặc dù cà phê có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ tiểu đường cho những người chưa mắc nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thức uống này có thể gây nguy hiểm cho những người đã bị bệnh tiểu đường tuýp 2.

Caffeine có tác động thế nào đến cơ thể?
Caffeine có tác động thế nào đến cơ thể?

Caffeine không chỉ tác động đến hệ thần kinh và giúp chúng ta tỉnh táo mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan, hệ thống khác trong cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây