1

Ứng dụng kĩ thuật cắt đốt laser tiên tiến qua nội soi phế quản ống mềm điều trị các khối u gây tắc nghẽn đường thở trung tâm tại Bộ môn khoa lao và bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 103

Đại cương

Thuật ngữ laser là chữ viết tắt của các từ: Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation, có nghĩa là: ánh sáng được khuếch đại bằng bức xạ kích thích. Sử dụng tia laser trong nội soi phế quản bắt đầu hơn ba thập kỷ nay.

Toty, Dumon và cs đã chứng minh vai trò của laser Nd: YAG trong nội soi phế quản can thiệp từ năm 1980. Ở nước ta hiện nay là kỹ thuật được áp dụng lần đầu tiên.

Có 3 loại laser được sử dụng phổ biến trong nội soi phế quản điều trị:

  • Laser YAG (neodymium-yttrium-aluminum-garnet với bước sóng 1060nm)
  • Laser CO2 (bước sóng 10.600nm) và laser YAP (yttrium aluminium pervroskite) (bước sóng 1340nm).
  • Laser YAP  có hấp phụ tốt hơn laser YAG nên rất thích hợp để điều trị các tổn thương dễ chảy máu.

Ưu điểm của kỹ thuật cắt đốt laser qua nội soi phế quản:

  • Tia laser tập trung chính xác vào tổn thương nên ít gây tỏn thương vào các cơ quan lành hơn các dụng cụ phẫu thuật chuẩn.
  • Sau phẫu thuật, bệnh nhân ít đau hơn, giảm nguy cơ chảy máu, sưng nề tại chỗ cũng như ít để lại sẹo.
  • Thời gian phẫu thuật được rút ngắn, nhanh lành vết thương, đồng thời ít nguy cơ nhiễm trùng.

Chỉ định của kỹ thuật:

Tất cả các tắc nghẽn đường thở trung tâm do tổn thương lành tính hoặc ác tính mà gây các triệu chứng hô hấp đều có chỉ định nội soi laser cắt bỏ. Những tắc nghẽn do khối u phát triển vào đường thở là chỉ định phổ biến nhất.

Các khối u:

  • Ung thư phổi nguyên phát: điều trị cắt đốt laser như là một phần của kế hoạch điều trị phẫu thuật, điều trị bổ trợ trước hoặc sau hóa chất hay tia xạ trong ung thư phổi. Những trường hợp chỉ định tốt là cây phế quản dưới chỗ tắc nghẽn vẫn lưu thông và còn chức năng. Những tổn thương do di căn bạch mạch không phải là chỉ định thích hợp.
  • Các u mức độ ác tính thấp: u carcinoid điển hình hoặc không điển hình, ung thư kén-tuyến (adenoid cystic carcinoma), viêm giả u (inflammatory pseudotumour) cũng có chỉ định cắt đốt laser.
  • U lành tính: điều trị cắt đốt laser có hiệu quả nhất trong trường hợp u tuyến (adenoma), u sụn (chondroma),  u mỡ (lipoma) hoặc schwanomma.

Các bệnh lành tính:

  • Hẹp khí quản sau đặt ống hoặc mở khí quản: hẹp dạng màng đơn thuần chỉ cần điều trị bằng đốt laser. Không chỉ định cho trường hợp hẹp khí quản do co kéo và sẹo niêm mạc.
  • Hẹp phế quản: do nhiều nguyên nhân như sau nhiễm trùng (lao, nấm aspergillus), sau phẫu thuật (hẹp miệng nối sau ghép phổi) và sau xạ trị. Tổn thương dạng màng chỉ cần điều trị laser đơn thuần, tổn thương phức tạp cần kết hợp cắt đốt laser và đặt stent.
  • Nhuyễn khí – phế quản (tracheobronchomalacia): trong trường hợp nhuyễn khí-phế quản gây xẹp thành sau khí-phế quản do xơ co kéo có chỉ định điều trị laser.
  • Lỗ thông: các lỗ thông <2mm có thể đóng được bởi đốt laser, đốt bờ lỗ thông làm co tổ chức xung quanh để đóng lỗ thông.
  • Ho máu: khi chỗ chảy máu nhìn thấy trên nội soi sẽ có hiệu quả tốt khi đốt laser.
  • Bệnh hiếm: tổn thương amyloidosis phế quản khu trú có thể chỉ định điều trị laser.

Chống chỉ định của kỹ thuật:

  • Liên quan đến vị trí giải phẫu: tổn thương đè ép từ ngoài không xâm lấn vào lòng đường thở; bờ tổn thương hoặc tổn thương thâm nhiễm cạnh mạch máu, thực quản hay trung thất.
  • Liên quan đến điều kiện bệnh nhân: bệnh nhân thích hợp cho phẫu thuật; thời gian sống thêm ngắn; rối loạn đông chảy máu; tắc nghẽn đường thở hoàn toàn trong 4 – 6 tuần.

Kỹ thuật tiến hành:

  • Thiết bị: ống soi cứng và ống soi mềm (đánh giá được vị trí tổn thương xa hơn).
  • Vô cảm: phụ thuộc vào ống soi cứng hay mềm hoặc kết hợp. Nếu soi phế quản ống mềm chỉ cần dùng tiền mê và gây tê tại chỗ; nếu soi phế quản ống cứng sẽ gây mê tĩnh mạch bằng propofol + midazolan hoặc fentanyl (với FiO2<40%, duy trì SpO2>90%).
  • Kíp kỹ thuật: gồm bác sĩ soi phế quản, gây mê, kỹ thuật viên điều khiển laser, y tá phụ kỹ thuật.
  • Tiến hành soi phế quản mềm đánh giá tổn thương, sau đó soi ống cứng và tiến hành cắt đốt laser: đầu laser cách đầu ống soi ≥ 1cm, cách tổn thương 4 – 10mm, thời gian đốt 0,5 – 1giây ở 20 – 40W. Dùng đầu ống soi cứng để cắt tổn thương sau đốt, dùng đốt laser để cầm máu sau cắt.
  • Soi phế quản mềm lại sau 2 – 4 ngày để đánh giá kết quả. Kỹ thuật có thể lặp lại sau 2 – 4 ngày cho đến khi đạt kết quả tối đa.

Hiệu quả kỹ thuật:

Trên thế giới:

Toty và CS áp dụng laser điều trị đạt hiệu quả tốt ở 164 u lành khí-phế quản, chỉ có 2 bệnh nhân tử vong. Shapshay và CS thực hiện 506 lần điều trị ở 249 bệnh nhân tắc nghẽn đường thở trung tâm, đạt kết quả tốt 85%.

Personne và CS thực hiện 2284 lần điều trị laser trên 1310 bệnh nhân đạt kết quả 25% sống thêm<1 năm, 1/2 số bệnh nhân cải thiện tắc nghẽn đường thở, tử vong gặp 1,6%. Carelieve và CS (2008) điều trị laser ở bệnh nhân tắc nghẽn đường thở ác tính đạt hiệu quả rất tốt: 93% cải thiện triệu chứng, tử vong chỉ gặp 0,4%.

Tại Việt Nam:

Lần đầu tiên ở nước ta tại Khoa Lao và Bệnh phổi (Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y) từ năm 2012 đã được trang bị máy cắt đốt laser thế hệ mới (laser YAP) và đã thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản cắt đốt laser cho các bệnh nhân có khối u lành tính và ác tính trong lòng phế quản.

Đến nay chúng tôi đã thực hiện được trên 40 bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu năm 2013 trên 26 bệnh nhân tắc nghẽn đường thở trung tâm lành tính và ác tính cho thấy: Các triệu chứng lâm sàng, hình ảnh X quang, mức độ tắc nghẽn đường thở thay đổi rõ rệt sau điều trị 1 tuần; tỷ lệ biến chứng chung thấp (gặp 46,15%), trong đó ho máu nhẹ 2,3%, nhiễm trùng hô hấp 1, 8%, suy hô hấp 1,69%.

Ca bệnh

Bệnh nhân Trịnh Thị T. 69 tuổi, vào viện ngày 01/04/2013 với triệu chứng khó thở. Bệnh biểu hiện trước vào viện 15 ngày. Khám phổi có hội chứng đông đặc co kéo toàn bộ phổi phải. Xquang: Hình ảnh tối mờ nửa lồng ngực phải. Soi phế quản có u sùi chít hẹp toàn bộ phế quản gốc phải.

Sau khi được cắt đốt laser khối u,: Bệnh nhân hết khó thở, phổi không có ran. Hình ảnh Xquang: Phổi hết hình ảnh tối mờ. Nội soi phế quản: Lỗ phế quản gốc phải đã thông.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? 01:57
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào?
 Hàng năm có khoảng 450 triệu người trên thế giới bị viêm phổi, đây là căn bệnh gây tử vong ở mọi nhóm tuổi với số ca lên đến 4 triệu người,...
 3 năm trước
 640 Lượt xem
GẶP BÁC SĨ QUEN CỦA CON, BỐ THOÁT U XƠ THANH QUẢN, TÌM LẠI "GIỌNG CA VÀNG" GẶP BÁC SĨ QUEN CỦA CON, BỐ THOÁT U XƠ THANH QUẢN, TÌM LẠI "GIỌNG CA VÀNG" 01:08
GẶP BÁC SĨ QUEN CỦA CON, BỐ THOÁT U XƠ THANH QUẢN, TÌM LẠI "GIỌNG CA VÀNG"
 Đó là trường hợp của anh Bùi Ngọc Hòa - 37 tuổi - Hà Nội. Bệnh lý U xơ dây thanh quản từng khiến giọng anh Hòa rất ồm, ngày càng khó nghe. Từ...
 3 năm trước
 427 Lượt xem
Sử dụng máy KOKO 1000 tự động kiểm tra và đánh giá chức năng hô hấp Sử dụng máy KOKO 1000 tự động kiểm tra và đánh giá chức năng hô hấp 03:26
Sử dụng máy KOKO 1000 tự động kiểm tra và đánh giá chức năng hô hấp
KOKO 1000 là máy đo chức năng hô hấp hiện đại của thương hiệu nSpire, Mỹ, được các Bác sĩ tại BVĐK Phương Đông chỉ định trong các trường hợp...
 2 năm trước
 984 Lượt xem
Tin liên quan
Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?
Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?

Triệu chứng của các bệnh về đường hô hấp thường có tính tương đồng, điều này gây khó khăn và trở ngại trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng thường xuất hiện vào mùa đông và mùa xuân, thường là sau khi bị nhiễm trùng hô hấp trên hoặc cảm lạnh. Nếu bạn cho rằng con của bạn có thể bị viêm phổi, hãy cho bé đi khám bác sĩ ngay.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây