1

Thông tin bệnh nhân phẫu thuật phổi - bệnh viện 103

Có rất nhiều bệnh của phổi cần phải can thiệp phẫu thuật như là ung thư phổi, u phổi, giãn phế quản, kén khí, mủ màng phổi… Đây là một phẫu thuật lớn đòi hỏi phải được chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt.

Các phẫu thuật phổi có thể là: (1)cắt thùy phổi, (2)cắt phổi hình chêm, (3)cắt phân thùy phổi và (4)cắt toàn bộ một bên phổi tùy thuộc loại bệnh và giai đoạn của bệnh

Các xét nghiệm cần làm trước mổ

Trước mổ bạn sẽ được khám toàn diện kỹ càng và làm các xét nghiệm để chẩn đoán loại bệnh, giai đoạn bệnh, các xét nghiệm đánh giá chức năng các cơ quan như tim mạch, hô hấp, gan, thận, đông máu… các xét nghiệm gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, đông máu, nhóm máu.
  • Xét nghiệm về bệnh gan (HbsAg, HCV), HIV.
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Chụp X quang lồng ngực thẳng, nghiêng.
  • Chụp cắt lớp điện toán (CT scan).
  • Soi phế quản, sinh thiết khối u.
  • Điện tim, đo chức năng hô hấp.
  • Siêu âm tim, siêu âm ổ bụng.
  • PET-CT, soi trung thất (nếu có chỉ định).

Chuẩn bị trước mổ

Sự hồi phục của bạn sau mổ phụ thuộc nhiều yếu tố, tuy nhiên có hai việc bạn có thể quyết định đó là nâng cao thể lực và bỏ thuốc lá (nếu bạn nghiện thuốc lá).

  • Nâng cao thể lực giúp hồi phục tốt sau mổ. Tập thể dục, tập thở, đi bộ và ăn uống đầy đủ là các biện pháp rất tốt. Tập nhẹ nhàng, không gắng sức và tăng dần từ từ. Nên ăn loại thức ăn dễ tiêu, đủ chất dinh dưỡng và vitamin, uống đủ nước (2 lít/ngày gồm nước lọc, sữa, nước hoa quả).
  • Giữ gìn vệ sinh da, răng miệng, tai mũi họng sạch sẽ trong thời gian chờ mổ.
  • Tắm, vệ sinh: Các điều dưỡng sẽ tư vấn cho bạn về thời điểm tắm, loại xà phòng diệt khuẩn và cạo lông vùng mổ. Nên tắm đúng cách, nơi kín gió để tránh bị nhiễm lạnh.
  • Nhịn ăn, uống: Bạn không được ăn, uống gì trong khoảng 8 giờ trước mổ.Thông thường là ăn bữa chiều hôm trước và nhịn ăn, uống buổi sáng ngày hôm mổ. Điều này rất quan trọng, nếu không cuộc mổ sẽ bị hoãn hoặc sẽ có biến chứng nguy hiểm trong gây mê.
  • Khám tiền mê: Trước ngày mổ, bạn sẽ được bác sĩ gây mê khám để đánh giá các điều kiện gây mê. Hãy cho bác sĩ biết những vấn đề về các lần mổ trước nếu có. Bạn sẽ được uống thuốc (tối trước mổ) và tiêm thuốc tiền mê, từ khi tiêm thuốc bạn phải nằm tại giường.
  • Chuẩn bị lên phòng mổ: Trước khi được đưa lên phòng mổ bằng cáng bạn cần tháo bỏ đồ trang sức, đồng hồ, răng giả, chỉ mặc áo quần quy định của bệnh viện và đắp chăn để giữ ấm.

Những điều cần chú ý sau mổ

Cuộc mổ thường kéo dài từ 2-4 giờ, sau đó bạn sẽ được đưa về phòng hồi tỉnh. Khi đã tỉnh táo, tự thở, mạch và huyết áp ổn định bạn sẽ được đưa về Khoa Ngoại Lồng ngực Tim mạch để điều trị sau mổ.

Cần chú ý những điểm sau:

  • Hô hấp: Mấy ngày đầu bạn có thể được thở oxy hỗ trợ qua mask. Điều vô cùng quan trọng là bạn phải cố gắng thở sâu và ho khạc được, nó giúp phổi nở tốt, rút dẫn lưu sớm, phòng nhiễm khuẩn và hồi phục nhanh. Điều dưỡng và người nhà sẽ giúp bạn khí dung, vỗ đập, nhưng sự cố gắng của bạn để tập thở tốt là quan trọng nhất.
  • Tập thở: Ngay sáng ngày sau mổ, bạn nên ngồi dậy (hoặc nửa nằm nửa ngồi) để tập thở sâu. Điều dưỡng và bác sỹ sẽ hướng dẫn bạn tập với dụng cụ tập thở cả trước và sau mổ. Bạn ngậm ống và hít thật sâu làm sao 3 quả bóng di chuyển lên cao và giữ ở vị trí đó 3 giây. Cứ thế tập tăng dần, nhiều giờ trong ngày, kết hợp với ho khạc.
  • Truyền dịch: Kim truyền dịch được duy trì nhiều ngày sau mổ. Nên giữ vệ sinh vùng đặt kim truyền, nếu có trục trặc gì phải báo với điều dưỡng để khắc phục và thay thế. Khi đang truyền dịch nếu thấy có biểu hiện gai rét, vã mồ hôi, chóng mặt… phải báo ngay với bác sĩ hoặc điều dưỡng.
  • Đau: Giảm đau sau mổ là yếu tố quan trọng giúp hồi phục nhanh. Có nhiều phương pháp giảm đau sau mổ phổi, nhưng tốt nhất là giảm đau ngoài bao cứng, giảm đau cạnh sống. Bác sỹ sẽ trao đổi và lựa chọn phương pháp giảm đau thích hợp giúp bạn.
  • Dẫn lưu ngực: Sau mổ sẽ có 1-2 dẫn lưu ngực để hút hết máu đọng trong khoang màng phổi, giúp phổi nở. Các dẫn lưu ngực được nối với máy hút liên tục thông qua hệ thống 3 bình, hệ thống này đòi hỏi kín, một chiều và vô trùng. Dẫn lưu nên được rút càng sớm càng tốt vì là nguyên nhân gây đau và nguy cơ nhiễm khuẩn. Tuy nhiên dẫn lưu chỉ được rút khi phổi đã nở, do đó việc tập thở sâu và ho khạc tốt sẽ giúp rút dẫn lưu sớm.
  • Vết mổ: Điều dưỡng sẽ thay băng vết mổ hàng ngày (2-3 ngày đầu) và cắt chỉ 10-12 ngày sau mổ. Bạn nên giữ vùng mổ khô sạch, nếu thấy bất thường phải báo với bác sĩ.
  • Vận động và đi lại: Ngay ngày đầu tiên chuyển về Khoa Ngoại bạn nên ngồi dậy tập vận động (động tác tay) và sau đó là đi lại càng sớm càng tốt. Điều dưỡng sẽ hướng dẫn động tác và cùng với người nhà giúp bạn đi lại. Vận động sớm là vô cùng quan trọng giúp chức năng phổi của bạn trở về bình thường.
  • Ăn, uống: Mặc dù sau mổ bạn không thấy ngon miệng nhưng nên nhớ rằng ăn uống sớm và đủ chất là rất quan trọng. Ngay sáng ngày sau mổ bạn nên uống chút sữa và ăn ít cháo, sau đó tăng dần số lượng. Bữa ăn phải đủ số lượng, thức ăn dễ tiêu, nhiều chất dinh dưỡng và vitamin, uống đủ nước.

Những điều cần chú ý sau khi ra viện

  • Bệnh nhân sau phẫu thuật phổi hoàn toàn có cơ hội quay trở lại với cuộc sống bình thường. Để đạt được điều đó bạn cần quan tâm đến chế độ ăn uống, tập luyện, phòng bệnh và giữ cho tinh thần luôn lạc quan vui vẻ.
  • Thực hiện điều trị sau mổ: Đối với một số bệnh cần phải tiếp tục điều trị sau mổ thì nên tuân thủ đúng phác đồ đề ra.
  • Duy trì tập thể dục và đi bộ: Nên tập thể dục và đi bộ mỗi lần 20-30 phút, một đến hai lần mỗi ngày. Bắt đầu đi bộ cự ly ngắn (không gắng sức), sau đó từ từ tăng dần.
  • Duy trì tập thở: tiếp tục tập thở với dụng cụ và không với dụng cụ (kết hợp với tập thể dục).
  • Ăn uống tốt: Nhanh chóng trở lại bữa ăn ngày thường, ăn bữa bổ sung. Không kiêng khem, ăn đủ loại thức ăn (các loại thịt, cá, trứng, hoa quả…) để cung cấp đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Uống đủ số lượng, bổ sung sữa và các loại nước hoa quả.
  • Tinh thần tốt: Tham gia các hoạt động xã hội và hoạt động giải trí để luôn giữ tinh thần sảng khoái, lạc quan.
  • Phòng bệnh: Luôn giữ ấm, tránh nhiễm lạnh, vệ sinh răng miệng tốt.
  • Tái khám: Giữ liên lạc với bác sĩ chuyên khoa, hỏi ý kiến nếu có bất thường hoặc những vấn đề chưa rõ. Đi khám lại đúng theo hẹn.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? 01:57
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào?
 Hàng năm có khoảng 450 triệu người trên thế giới bị viêm phổi, đây là căn bệnh gây tử vong ở mọi nhóm tuổi với số ca lên đến 4 triệu người,...
 3 năm trước
 659 Lượt xem
Tin liên quan
Viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng thường xuất hiện vào mùa đông và mùa xuân, thường là sau khi bị nhiễm trùng hô hấp trên hoặc cảm lạnh. Nếu bạn cho rằng con của bạn có thể bị viêm phổi, hãy cho bé đi khám bác sĩ ngay.

Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?
Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?

Triệu chứng của các bệnh về đường hô hấp thường có tính tương đồng, điều này gây khó khăn và trở ngại trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây