Kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 tại Bệnh viện Hoàn Mỹ
Trên toàn cầu, số người bị đái tháo đường đã tăng gấp bốn lần trong ba thập kỷ qua, và đái tháo đường là nguyên nhân chính gây tử vong thứ chín. Khoảng 1 trong 11 người lớn trên toàn thế giới hiện đang bị đái tháo đường, 90% trong số đó là đái tháo đường típ 2.
Theo thống kê của Liên đoàn đái tháo đường thế giới, năm 2015 trên thế giới có 415 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, hơn phân nữa số đó (56%) người bệnh đái tháo đường đang sống ở khu vực Đông Nam Á hoặc vùng Tây Thái Bình Dương[2].
Tại Việt Nam, theo ước tính của IDF 2017 có tỷ lệ mắc đái tháo đường là 5,5%, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất 7,2% [1]. Tổ chức y tế thế giới đã xếp đái tháo đường là một trong năm bệnh không lây ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó đái tháo đường típ 2 là chủ yếu chiếm tỉ lệ 85-90% [2].
Đái tháo đường thực sự là một gánh nặng sức khỏe và kinh tế cho bệnh nhân và xã hội. Đái tháo đường là một bệnh lý mãn tính và theo đó bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị suốt đời để kiếm soát làm chậm tiến triển của bệnh và biến chứng. Đái tháo đường nếu không được điều trị tốt, có thể làm bệnh nhân nhanh chóng gặp phải các biến chứng nguy hiểm như biến chứng bàn chân, biến chứng trên tim mạch , thận và võng mạc.
Chính vì vậy, trong hầu hết các khuyến cáo điều trị đái tháo đường trên thế giới, cụ thể là khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association) đưa ra mục tiêu cụ thể cho việc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường người lớn, không mang thai:
- HbA1c < 7%
- Đường huyết đói mao mạch: 70-130 mg/dL (3,9-7,2 mmol/L)
- Đường huyết mao mạch sau ăn: 180mg/dL (10mmol/L)[3]
HbA1c là một chỉ số quan trọng được vào mục tiêu điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường. Kiểm soát đường huyết mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, giảm 1% HbA1c giúp giảm 21% biến chứng võng mạc và 33% biến chứng thận, về lâu dài giảm được 42% các biến cố tim mạch và 57% nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoặc tử vong do bệnh mạch vành.[4][5]
Mặc dù y học ngày càng tiến bộ nhưng điều trị đái tháo đường thực sự khó khăn bởi nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng bệnh như thời gian mắc bệnh, chế độ ăn uống và vận động, di truyền..v.v... Theo số liệu từ chương trình JADE được công bố năm 2014, kết quả cho thấy Việt Nam, có đến 70% bệnh nhân chưa đạt được mục tiêu HbA1c <7%[6].
Chính vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường, Khoa Nội tiết Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã thực hiện đề án nhằm cải thiện tỷ lệ bệnh nhân đạt được mục tiêu HbA1c<7%. Cụ thể trong năm 2018, thực hiện tăng cường tư vấn cho bệnh nhân thay đổi chế độ ăn và rèn luyện. Bên cạnh đó là việc cập nhật các guideline bắt kịp xu hướng điều trị của các nước tiên tiến. Ngoài ra, thường xuyên thực hiện xét nghiệm kết quả HbA1c để theo dõi sát được liệu trình điều trị.
Trong năm 2018, kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh nhân được xét nghiệm HbA1c ít nhất 6 tháng 1 lần tăng lên 67,9%. Từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ bệnh nhân đạt được mục tiêu HbA1c lên 38,4% và giảm tỷ lệ những người bệnh đái tháo đường có chỉ số đường huyết tăng so với lần trước: từ 42.4% giảm còn 23.8%.
Kết quả đề án cải thiện tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường đạt mục tiêu HbA1c<7% bước đầu cho kết quả khả quan. Đái tháo đường là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa phức tạp. Để điều trị đạt kết quả tốt nhất cần có sự phối hợp giữa người bệnh và thầy thuốc, góp phần quan trọng trong việc tư vấn cũng như điều trị theo dõi đạt kết quả tốt hơn, mục đích cuối cùng là để mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 (hay đái tháo đường phụ thuộc insulin), việc tính toán chính xác lượng carbohydrate và liều insulin cho các bữa ăn và những khi bị tăng đường huyết là điều rất quan trọng để kiểm soát bệnh đái tháo đường một cách hiệu quả.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, đo đường huyết là một phần trong thói quen hàng ngày. Đây là một bước quan trọng để điều chỉnh liều lượng insulin và từ đó giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân bổ sung nhiều insulin hơn mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp.
Phác đồ basal-bolus sử dụng insulin tác dụng nhanh và tác dụng kéo dài để kiểm soát bệnh tiểu đường, giúp người bệnh duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường một cách hiệu quả. Phác đồ này cho phép người bệnh có lối sống linh hoạt hơn.
Khi đường huyết không được kiểm soát và ở mức cao trong thời gian dài, người mắc bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng mà một trong số đó là mất thính giác.
Khi mắc bệnh tiểu đường type 2, thực hiện lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ biến chứng. Thay đổi thói quen sống không phải điều đơn giản nhưng có thể điều chỉnh từng thói quen một. Ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.