1

Đột quỵ tuyến yên - Bệnh viện 103

Giải phẫu, sinh lý tuyến yên

Tuyến yên (Pituatary) là một tuyến nội tiết nằm ở nền sọ, ở trong hố yên (fossa hypophyseos) của xương bướm. Tuyến yên  có đường kính khoảng 1cm , nặng 0,5g, gồm 2 thùy: thuỳ trước/ thùy tuyến chiếm 2/3 trọng lượng; thuỳ sau còn gọi là thùy thần kinh. Tuyến yên liên quan mật thiết với vùng dưới đồi và 2 cấu trúc này có ảnh hưởng qua lại, tạo thành khâu trung gian giữa hệ thần kinh và hệ nội tiết.

Điều hoà chức năng tiết của tuyến yên là 2 hormon do vùng dưới đồi tiết ra gồm: hormon giải phóng (RH-releasing hormon) và hormon ức chế (IH-inhibiting – hormon).

Thùy trước tuyến yên được cấp máu rất phong phú, lưu lượng 0,8ml/gam tuyến/phút. Mạch máu này xuất phát từ hệ thống cửa dưới đồi – yên liên kết vùng lồi giữa (median eminence) của vùng dưới đồi và thùy trước tuyến yên.

Động mạch cấp máu cho tuyến yên bắt nguồn từ động mạch cảnh trong, chia làm 3 động mạch tuyến yên trên, giữa, dưới để đi vào nuôi dưỡng tuyến yên. Động mạch tuyến yên trên hình thành các mao mạch ở vùng lồi giữa của vùng dưới đồi, sau đó hợp lại thành các tĩnh mạch dẫn vào cuống yên và toàn bộ thùy sau. Động mạch tuyến yên giữa và dưới cho các nhánh cung cấp máu cho một phần cuống yên và toàn bộ thùy sau.

Tĩnh mạch của tuyến yên đưa các hormon vào vòng tuần hoàn qua xoang tĩnh mạch hang, vào xoang đá trên và giữa rồi đổ vào tĩnh mạch cảnh

Thùy trước tuyến yên (anterior pituitary)

Tế bào thuỳ trước tuyến yên gồm 3 loại: tế bào ái toan, ái kiềm và không bắt màu. Các hormon tuyến yên được tiết ra bởi các loại tế bào khác nhau, 50% tế bào thùy trước tuyến yên tiết ra growth hormon (GH). Các loại tế bào trên nằm rải rác với hình thể, kích thước và sự bắt màu khác nhau.

Hormon thuỳ trước tuyến yên là các protein và glycoprotein có trọng lượng phân tử cao.

Thùy sau tuyến yên (posterior pituitary)

Đặc điểm giải phẫu thùy sau tuyến yên

Thùy sau tuyến yên còn gọi là thùy thần kinh- neurohypophysis. Đây là phần kéo dài của hệ thần kinh gồm:

  • Các tế bào thần kinh của nhân trên thị và cạnh thất vùng dưới đồi, từ đây các sợi thần kinh đi xuống để tạo thành bó dưới đồi thị-tuyến yên.
  • Tổ chức thần kinh vùng lồi- giữa, cuống và thùy sau của tuyến yên, củ xám và phần phễu cũng ghép vào thùy sau của tuyến yên.
  • Hormon thùy sau tuyến yên do nhân trên thị và cạnh thất vùng dưới đồi tiết ra, được vận chuyển xuống thùy sau để dự trữ tại đó, từ đây hormon được giải phóng vào máu theo nhu cầu của cơ thể.

Các hormon thùy sau tuyến yên

Antidiurêtic hormon (ADH):

Tác dụng của ADH:

ADH  tác dụng tại ống thận, tăng tính thấm của các chất nằm xen giữa các tế bào đối với nước, kích thích tiết ra hyaluronidaza có tác dụng phá trùng hợp các mucopolysacharit làm tính thấm màng ống thận tăng lên.

  • Nồng độ bình thường của ADH là: 1,4-5,6 pmol/l (1,5-6 ng/l).
  • Oxytocin: có tác dụng kích thích co cơ tử cung lúc đẻ và tiết sữa. Nồng độ bình thường: 1- 4 pmol/l.

Đột quỵ tuyến yên

Đại cương

Định nghĩa và thuật ngữ: Đột quỵ tuyến yên (pituitary apoplexy – PA) là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột đau đầu, nôn, suy giảm thị lực và rối loạn ý thức gây ra bởi chảy máu và/ hoặc nhồi máu tuyến yên [4]

Bệnh được Pearce Bailey lần đầu tiên năm 1898 với 1 ca chảy máu liên quan u tuyến yên [1]. Thuật ngữ  pituitary apoplexy (đột quỵ tuyến yên) được sử dụng lần đầu tiên bởi Brougham và cộng sự [2] năm 1950 khi mô tả loạt 5 ca bệnh. Thuật ngữ này vẫn được dùng cho đến ngày nay.

Đột quỵ tuyến yên không triệu chứng (asymptomatic pituitary apoplexy): để chỉ các trường hợp chảy máu và/hoặc nhồi máu tuyến yên không có biểu hiện lâm sàng, tình cờ phát hiện nhờ chẩn đoán hình ảnh hoặc các xét nghiệm khác

Đột quỵ tuyến yên (PA) là một tình trạng cấp cứu nặng. Sau giai đoạn cấp PA thường để lại tình trạng suy chức năng tuyến yên, đòi hỏi chế độ theo dõi, điều trị chặt chẽ và hợp lý.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ chính của PA 

  • 26% bệnh nhân PA có tăng huyết áp
  • Các đại phẫu tim như phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
  • Điều trị thuốc chống đông
  • Bệnh rối loạn đông máu
  • Trị liệu Oestrogen
  • Xạ trị vùng đầu
  • Có thai
  • Chấn thương đầu

Dịch tễ

  • PA là một bệnh hiếm [3]. Thậm chí ngay cả trong số các bệnh nhân có u tuyến yên cũng chỉ có 0,6-10% xuất hiện PA [3]. Tỷ lệ mới mắc chung trong cộng đồng khoảng 18/1000.000 người mỗi năm
  • Tuổi hay gặp trung bình là 50. Nam mắc nhiều hơn nữ (gấp 1,6 lần)

Triệu chứng lâm sàng

  • Đa số khởi phát cấp tính, một số bệnh nhân khởi phát bán cấp hoặc từ từ.
  • Đột ngột đau đầu dữ dội. Vị trí đau thường ở sau ổ mắt, cũng có thể 2 bên trán hoặc lan tỏa.
  • Nhìn mờ. Mất thị trường, hay gặp nhất là mất thị trường thái dương 2 bên
  • Triệu chứng tổn thương dây thần kinh vận nhãn, hay gặp nhất là triệu chứng tổn thương dây III: sụp mi, giãn đồng tử, lác ngoài, nhìn đôi…
  •  Các triệu chứng do suy giảm tiết hormon tuyến yên rất đa dạng tùy theo loại hormon bị thiếu hụt. Bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp do giảm cortisol. Suy thượng thận cấp (adrenal crisis) là một trong những nguyên nhân đe dọa tính mạng ở bệnh nhân PA.
  • Trường hợp có tràn máu khoang dưới nhện có thể xuất hiện các triệu chứng của hội chứng màng não: cứng gáy, dấu hiệu Kernig, dấu hiệu Bruzinsky…

Cận lâm sàng

Chẩn đoán hình ảnh

* MRI là lựa chọn hàng đầu để chẩn đoán PA.

Hình ảnh nhồi máu tuyến yên trên phim MRI cũng thay đổi theo thời gian bị bệnh: có thể phát hiện được tổn thương nhu mô não ngay ở giờ đầu. Tổn thương dạng tăng tín hiệu thuần nhất trên T2, Flair và giảm tín hiệu trên T1. Đặc biệt, cộng hưởng từ khuếch tán (DWI) cho phép phát hiện được rất sớm đột quỵ nhồi máu não do nó cho phép nhận biết tình trạng khuếch tán nước ra ngoài tế bào, một tình trạng xuất hiện rất sớm ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu.

* CT não: độ nhạy không cao. Có thể phát hiện chảy máu tuyến yên với hình ảnh tăng tỉ trọng trong tuyến yên.

Xét nghiệm hormon

  • Theo hướng dẫn của Hội nội tiết Anh [4], mọi bệnh nhân nghi ngờ PA đều cần được xét nghiệm cấp cứu: điện giải, chức năng thận, chức năng gan, chức năng đông máu, công thức máu, cortisol, prolactin, FT4, TSH, GH, FSH
  • Khoảng 50% bệnh nhân PA bị giảm tiết TSH tuyến yên, dẫn tới tình trạng suy giáp.
  • Tuyến yên giảm tiết các hormon sinh dục (LH, FSH): mất kinh, vô sinh, rối loạn cương

Xét nghiệm khác

  • Bệnh nhân PA có thể bị giảm Natri máu do tình trạng rối loạn giải phóng ADH từ thùy sau tuyến yên và giảm cortisol [5].
  • Glucose máu giảm do giảm tiết cortisol

Chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán PA dựa vào các đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng:

  • Tiền sử có yếu tố nguy cơ PA
  • Triệu chứng lâm sàng:
  • Chẩn đoán hình ảnh
  • Xét nghiệm hormon

* PA dễ bị bỏ sót chẩn đoán do nhiều nguyên nhân:

Chẩn đoán hình ảnh khó khăn do kích thước tuyến yên quá nhỏ

* Chẩn đoán phân biệt:

  • Chảy máu dưới nhện
  • Viêm màng não

Điều trị

Điều trị cấp cứu nội khoa vẫn là biện pháp cơ bản.

Điều trị nội khoa

Bệnh nhân PA giai đoạn cấp cần được điều trị tại khu điều trị tích cực, theo dõi chặt chẽ. Cần tổ chức hội chẩn và phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ các chuyên ngành thần kinh, nội tiết và phẫu thuật thần kinh

Trị liệu steroid cho bệnh nhân PA:

  • Suy thượng thận cấp gặp ở 2/3 bệnh nhân PA [5] và là nguyên nhân chính gây tử vong. Do vậy xét nghiệm định lượng cortisol cần tiến hành sớm và theo dõi trong quá trình điều trị. Bệnh nhân PA thường bị buồn nôn và nôn, đặc biệt giai đoạn cấp. Do đó không nên sử dụng thuốc uống.
  • Hydrocortisol 100-200mg tiêm tĩnh mạch, sau đó duy trì 2-4mg/giờ đường tĩnh mạch hoặc 40-100mg/6 giờ tiêm bắp [5].
  • Sau giai đoạn cấp tính, giảm dần hydrocortisol 20-30mg/ngày và chuyển sang thuốc uống.

Trị liệu hormon thay thế khác:

  • Tùy theo kết quả xét nghiệm hormon đánh giá tình trạng giảm tiết hormon tuyến yên mà có trị liệu phù hợp.
  • Kiểm soát huyết áp, cân bằng dịch, điện giải
  • Hỗ trợ hô hấp. Thông khí cơ học nếu cần thiết

Phẫu thuật

Vấn đề chỉ định phẫu thuật bệnh nhân PA còn chưa thống nhất. Nói chung, cấp cứu điều trị nội khoa vẫn được ưu tiên ở bệnh nhân PA giai đoạn cấp.

Việc cân nhắc phẫu thuật dựa vào xem xét kỹ lưỡng của bác sĩ đột quỵ, nội tiết, phẫu thuật thần kinh và nhãn khoa. Nên cân nhắc phẫu thuật nếu thấy mức độ chèn ép hố yên và xoang cảnh nặng nề hoặc chiều hướng biểu hiện chèn ép gia tăng nhanh chóng.

Có 2 phương pháp phẫu thuật u tuyến yên cơ bản:

  • Phương pháp phẫu thuật nội soi qua đường xoang bướm:
  • Phương pháp phẫu thuật u tuyến yên qua mở xương sọ: áp dụng cho các khối u quá lớn, phương pháp phẫu thuật nội soi không thể giải quyết triệt để.

Xạ trị u tuyến yên

Phương pháp xạ phẫu u tuyến yên bằng dao gamma quay: chủ yếu áp dụng ở bệnh nhân điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật thất bại; u kích thước < 5cm.

Tiên lượng

  • PA có tỷ lệ tử vong chung 1,6% [6]
  • Sau giai đoạn cấp PA, 80% vẫn còn tình trạng suy tuyến yên và cần trị liệu hormon thay thế [3]

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Tin liên quan
Bệnh lý thần kinh do rượu: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Bệnh lý thần kinh do rượu: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Bệnh lý thần kinh do rượu sẽ ngày càng nghiêm trọng, gây tổn thương vĩnh viễn ở hệ thần kinh và các bộ phận khác của cơ thể nếu người bệnh tiếp tục uống rượu. Điều này có thể dẫn đến khuyết tật, đau đớn mạn tính và thậm chí là tử vong.

Dầu dừa có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson?
Dầu dừa có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson?

Bệnh Parkinson là một bệnh do thoái hóa hệ thần kinh trung ương. Theo ước tính, đến nay có trên 10 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh Parkinson. Những người bị bệnh này gặp phải các triệu chứng chính là run chân tay, co thắt và đau cơ, dẫn đến đi lại vận động khó khăn. Một số người mắc bệnh Parkinson còn bị sa sút trí tuệ hay lú lẫn, đặc biệt là khi tình trạng bệnh tiến triển nặng.

5 giai đoạn của bệnh Parkinson
5 giai đoạn của bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một dạng rối loạn thần kinh do thoái hóa, có các triệu chứng điển hình là run chân tay, mất khả năng kiểm soát vận động của cơ, dẫn đến khó khăn khi cử động, đi lại, nói chuyện… Bệnh còn gây ra nhiều triệu chứng khác và khi bệnh tiến triển sang các giai đoạn sau thì các triệu chứng càng nặng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây