Đông đặc phổi là gì và được điều trị như thế nào?
1. Đông đặc phổi là gì?
Đông đặc phổi xảy ra khi không khí tại các đường dẫn khí nhỏ trong phổi của bạn được thay thế bằng một thứ khác. Tùy thuộc vào nguyên nhân, không khí có thể được thay thế bằng:
- Một chất lỏng; chẳng hạn như mủ, máu hoặc nước.
- Thành phần đặc; chẳng hạn như chất chứa trong dạ dày hoặc tế bào.
Hình ảnh phổi của bạn trên phim chụp X-quang và các triệu chứng của bạn đều gần như tương tự nhau về bệnh học. Vì vậy, thông thường, bạn sẽ cần nhiều xét nghiệm hơn để tìm ra lý do tại sao phổi của bạn bị đông đặc. Với phương pháp điều trị thích hợp, quá trình đông đặc thường biến mất và không khí được thông trở lại.
2. Đông đặc phổi trên X-quang
2.1. Các triệu chứng
Sự đông đặc hầu như luôn khiến bạn khó thở. Không khí không thể đi qua vị trí đông đặc phổi, vì vậy, phổi của bạn không thể làm nhiệm vụ mang lại không khí trong lành và loại bỏ không khí mà cơ thể bạn đã sử dụng. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy khó thở. Nó cũng có thể làm cho da của bạn trông nhợt nhạt hoặc xanh hơn do thiếu oxy. Các triệu chứng khác, tùy thuộc vào nguyên nhân, có thể bao gồm:
- Ho ra đờm màu xanh lá cây hoặc đờm lẫn máu.
- Ho ra máu.
- Ho khan.
- Thở nghe có tiếng rít, khò khè.
- Đau ngực hoặc nặng ngực.
- Thở nhanh.
- Sốt.
- Mệt mỏi.
2.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân của sự đông đặc phổi bao gồm:
Viêm phổi
Viêm phổi là nguyên nhân phổ biến nhất của sự đông đặc phổi. Khi bạn bị nhiễm trùng ở phổi, cơ thể sẽ gửi các tế bào bạch cầu để chống lại nó. Tế bào chết và các mảnh vụn tích tụ tạo ra mủ, lấp đầy các đường hô hấp nhỏ. Viêm phổi thường do vi khuẩn hoặc virus nhưng cũng có thể do nấm hoặc các sinh vật bất thường khác.
Phù phổi
Suy tim sung huyết là nguyên nhân phổ biến nhất của phù phổi. Khi tim của bạn không thể bơm đủ mạnh để đưa máu về phía trước, nó sẽ trào ngược vào các mạch máu trong phổi của bạn. Áp suất tăng sẽ đẩy chất lỏng từ các mạch máu của bạn vào các đường thở nhỏ.
Những người suýt chết đuối bị phù phổi, y khoa gọi là “chết đuối trên cạn”. Trong những trường hợp này, chất lỏng đi vào đường thở từ bên ngoài cơ thể thay vì bên trong.
Xuất huyết phổi
Xuất huyết phổi có nghĩa là bạn đang bị chảy máu trong phổi. Theo một bài báo đánh giá trong Bệnh lao & bệnh đường hô hấp, tình trạng này thường xảy ra nhiều nhất là do viêm mạch máu. Điều này làm cho các mạch máu của bạn yếu và bị rò rỉ, do đó, một số máu của bạn sẽ di chuyển vào các đường thở nhỏ.
Dị vật đường thở hoặc viêm phổi hít
Ngạt thở xảy ra khi bạn hít thở các mảnh thức ăn hoặc chất chứa trong dạ dày vào phổi.
Hít phải thức ăn có thể gây viêm phổi nhưng các bệnh nhiễm trùng thường khó điều trị hơn so với viêm phổi thông thường. Nếu bạn không thể nuốt theo đúng chu trình, bạn có nhiều khả năng bị hít thức ăn vào đường thở khi ăn. Nếu vấn đề nuốt không được khắc phục, bạn sẽ tiếp tục bị viêm phổi hít.
Axit dạ dày và các hóa chất khác cũng có thể gây viêm và kích thích hoặc làm tổn thương phổi của bạn.
Ung thư phổi
Ung thư phổi là một dạng ung thư phổ biến. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư phổi cướp đi sinh mạng nhiều hơn mỗi năm so với ung thư tuyến tiền liệt, ruột kết và ung thư vú. Bạn có nhiều khả năng bị ung thư phổi nếu hút thuốc.
3. Đông đặc phổi khác với tràn dịch màng phổi như thế nào?
Tràn dịch màng phổi là một tập hợp các chất lỏng trong không gian giữa thành ngực và phổi của bạn. Giống như sự đông đặc của phổi, tràn dịch màng phổi cũng là những vùng trắng trên phim chụp X-quang phổi của bạn. Vì tràn dịch xảy ra trong một không gian tương đối mở, nó thường sẽ di chuyển do trọng lực khi bạn thay đổi vị trí của mình. Phổi đông đặc cũng có thể là do chất lỏng nhưng nó ở bên trong phổi của bạn, vì vậy, nó không thể di chuyển khi bạn thay đổi vị trí. Đây là một cách bác sĩ có thể phân biệt được sự khác biệt giữa hai tình trạng này.
Một số nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi như suy tim sung huyết, viêm phổi, ung thư phổi. Như đã nói, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đông đặc ở phổi. Vì vậy, bạn có thể bị cả hai tình trạng này cùng một lúc.
4. Làm thế nào để chẩn đoán đông đặc phổi?
Sự đông đặc ở phổi dễ dàng nhận thấy nhất trên phim chụp X-quang. Các bộ phận đông đặc của phổi của bạn trông có màu trắng hoặc mờ đục khi chụp X-quang phổi. Vị trí các vùng đông đặc trên X-quang của bạn có thể giúp bác sĩ của bạn tìm ra nguyên nhân nhưng hầu như luôn cần các xét nghiệm khác. Bao gồm:
- Xét nghiệm máu. Thử nghiệm này có thể giúp xác định:
- Bạn có bị viêm phổi hay không và do nguyên nhân nào.
- Mức hồng cầu của bạn thấp.
- Bạn đang bị chảy máu vào trong phổi của bạn.
- Bạn bị viêm mạch máu.
- Nồng độ oxy trong máu của bạn thấp.
- Cấy đờm. Xét nghiệm này có thể giúp xác định xem bạn có bị nhiễm trùng hay không và nguyên nhân gây ra nó.
- Chụp cắt lớp. Quá trình quét này cung cấp hình ảnh đông đặc tốt hơn. Nhiều tình trạng có biểu hiện đặc trưng trên CT, giúp bác sĩ chẩn đoán dễ dàng hơn.
- Nội soi phế quản. Đối với xét nghiệm này, bác sĩ sẽ chèn một camera sợi quang nhỏ trên một ống vào phổi của bạn để xem xét sự đông đặc và đôi khi, họ sẽ lấy mẫu để nuôi cấy và nghiên cứu.
5. Điều trị đông đặc phổi như thế nào?
Viêm phổi
Viêm phổi được điều trị bằng thuốc nhắm vào sinh vật gây ra nó. Thông thường, bạn sẽ được sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc thuốc chống nấm. Bạn cũng có thể được cho thuốc để kiểm soát ho, đau ngực hoặc sốt.
Phù phổi
Điều trị phù phổi sẽ dựa trên nguyên nhân gây ra nó. Điều trị có thể bao gồm thuốc để loại bỏ chất lỏng thừa, giảm áp lực trong mạch máu hoặc làm cho tim của bạn bơm tốt hơn.
Xuất huyết phổi
Nếu bạn bị viêm mạch máu, bạn thường được điều trị bằng steroid và thuốc ức chế miễn dịch. Bạn có thể cần dùng những loại thuốc này thường xuyên để ngăn chảy máu nhiều hơn.
Viêm phổi hít
Nếu bạn bị viêm phổi hít, bạn sẽ được điều trị bằng kháng sinh mạnh. Bạn cũng sẽ được đánh giá và điều trị các vấn đề về nuốt, để bạn không tiếp tục bị hít nữa.
Viêm phổi hít không phải là một bệnh nhiễm trùng, vì vậy, thuốc kháng sinh không có tác dụng. Nếu bạn bị ốm nặng, bạn có thể được dùng steroid để giảm viêm nhưng thông thường bạn chỉ được chăm sóc hỗ trợ trong khi cơ thể tự hồi phục.
Ung thư
Bệnh ung thư phổi khó điều trị dứt điểm. Loại bỏ khối u bằng phẫu thuật có thể mang lại cho bạn cơ hội chữa khỏi tốt nhất nhưng không phải tất cả các khối u phổi đều có thể được loại bỏ. Một khi ung thư bắt đầu di căn, nó không thể được chữa khỏi và việc điều trị được đưa ra chỉ để giúp giảm các triệu chứng của bạn. Phát hiện sớm ung thư là chìa khóa để điều trị căn bệnh quái ác này.
6. Triển vọng cho bệnh đông đặc phổi
Đông đặc phổi có nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân có thể nghiêm trọng nhưng nhiều nguyên nhân khác có thể dễ dàng điều trị và chữa khỏi. Việc điều trị có thể khác nhau nhưng bất kể điều gì đang gây ra tình trạng đông đặc phổi của bạn, điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ ngay khi bạn xuất hiện các triệu chứng. Bắt đầu điều trị sớm khi bị bệnh thường mang lại cho bạn kết quả tốt hơn.
Ho rát họng có đờm là một vấn đề phổ biến có thể gặp ở bất kỳ ai. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là viêm amidan, cảm cúm, viêm họng, thậm chí là ung thư vòm họng.
Viêm phế quản là một bệnh lý phổ biến trong xã hội ngày nay mà nhiều người có thể mắc phải. Tuy viêm phế quản không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của người bệnh.
Ho, sốt đau họng là những triệu chứng thường gặp cùng lúc và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ nguyên nhân, cách nhận biết và những phương pháp hiệu quả để giảm nhẹ và xua tan những triệu chứng này.
Là một phần quan trọng của hệ hô hấp, họng thường mắc phải nhiều bệnh lý khác nhau. Các bệnh về họng có thể đơn giản chỉ là viêm họng hoặc có thể nghiêm trọng hơn như viêm amidan, viêm thanh quản và thậm chí ung thư họng.
Thời điểm giao mùa, các trung tâm Y tế đang ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhi mắc viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma. Đây là một bệnh thường xuất hiện trong mùa giao mùa, đặc biệt làm lây lan nhanh chóng.
Bệnh thiếu máu ác tính thường tiến triển chậm. Bệnh này gây ra các triệu chứng tương tự như các hiện tượng mà chúng ta thi thoảng vẫn hay gặp phải nên thường khó phát hiện.
Thiếu máu là tình trạng không có đủ hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến dẫn đến thiếu máu.
Sắt tích tụ trong các cơ quan có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Xét nghiệm sắt huyết thanh giúp phát hiện nồng độ sắt trong máu thấp hoặc cao hơn bình thường.
Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây ngộ độc sắt là do dùng viên uống sắt hoặc vitamin tổng hợp chứa sắt liều quá lớn. Điều này chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ.