1

Block tim: Phân loại, nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Block tim là tình trạng gián đoạn tín hiệu điện điều khiển hoạt động của tim.
Hình ảnh 54 Block tim: Phân loại, nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tim hoạt động nhờ dòng tín hiệu điện bắt đầu từ tâm nhĩ (buồng tim trên) rồi truyền xuống tâm thất (buồng tim dưới), kích thích tâm thất co bóp để bơm máu đến phổi và phần còn lại của cơ thể. Block tim xảy ra khi tín hiệu này bị cản trở trong quá trình di chuyển từ tâm nhĩ xuống tâm thất.

Block tim thường xảy ra do nhồi máu cơ tim hoặc tổn thương tim, nhưng cũng có nhiều nguyên nhân khác. Nếu block tim nhẹ, có thể không cần điều trị. Nhưng trong trường hợp nặng hơn, có thể cần dùng đến máy tạo nhịp tim để khôi phục hoạt động điện của tim.

Dưới đây là các loại block tim, nguyên nhân, triệu chứng cần lưu ý và phương pháp điều trị phổ biến.

Các loại block tim

Block tim, hay còn gọi là block nhĩ thất (AV block), được phân loại theo mức độ nghiêm trọng của sự cản trở tín hiệu điện giữa buồng tim trên và buồng tim dưới.

Block tim độ 1

Tín hiệu điện bị chậm lại khi truyền từ tâm nhĩ xuống tâm thất, nhưng không bị ngừng lại.

Thường gặp ở người trên 60 tuổi, xảy ra ở khoảng 6% người thuộc nhóm tuổi này. Ở người dưới 60 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1 – 1,5%.

Block tim độ 2

Block tim độ 2 có hai dạng chính:

  • Loại I (Mobitz I hoặc block Wenckebach): Tín hiệu điện truyền xuống chậm dần, đến mức có lúc tim bỏ nhịp. Đây là dạng nhẹ hơn của block tim độ 2.
  • Loại II (Mobitz II): Ngày càng nhiều tín hiệu điện không thể đến được tâm thất, khiến nhịp tim chậm và bất thường. Dạng này thường liên quan đến bệnh lý cấu trúc tim, như xơ hóa cơ tim - tình trạng mô cơ tim bị dày lên do tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch.

Block tim độ 3 (block nhĩ thất hoàn toàn)

Đây là mức độ nghiêm trọng nhất, khi tín hiệu từ tâm nhĩ hoàn toàn không truyền được xuống tâm thất. Tâm thất phải tự co bóp theo nhịp riêng, dẫn đến nhịp tim rất chậm và không đều, khiến tim không bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này có thể dẫn đến việc mạch đập rất chậm hoặc không có mạch, cần cấp cứu ngay lập tức.

Block tim độ 3 khá hiếm gặp, chỉ xảy ra ở khoảng 0,05% dân số.

Nguyên nhân gây block tim

Block tim thường xảy ra do tổn thương hệ thống điện của tim, nguy cơ này sẽ tăng lên theo tuổi tác. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:

  • Nhồi máu cơ tim.
  • Bất thường cấu trúc tim, như bệnh cơ tim phì đại.
  • Bệnh van tim.
  • Mức kali trong máu cao.

Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có thể gây block tim, bao gồm:

  • Thấp tim cấp.
  • U tim.
  • Cường giáp.
  • Bệnh Lyme.
  • U lympho và các bệnh ác tính khác.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy hai yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các vấn đề tim mạch là tăng huyết áp và đường huyết cao cũng làm tăng nguy cơ bị block tim.

Block tim cũng có thể xảy ra sau phẫu thuật tim hở do ảnh hưởng đến hệ thống điện của tim.

Bên cạnh đó, có một số loại thuốc có thể gây block tim, bao gồm:

  • Thuốc chẹn beta.
  • Thuốc chẹn kênh canxi.
  • Digoxin.
  • Fingolimod (thuốc điều trị đa xơ cứng).

Mặc dù hiếm gặp nhưng block tim cũng có thể là tình trạng bẩm sinh, với tỷ lệ 1/15.000 – 1/22.000 trẻ sinh ra. Trong hầu hết các trường hợp, mẹ của trẻ mắc block tim bẩm sinh có bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hoặc hội chứng Sjögren.

Triệu chứng của block tim

Triệu chứng block tim sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Triệu chứng của block tim độ 1

  • Thường không có triệu chứng.
  • Nhịp tim bất thường có thể được phát hiện tình cờ qua điện tâm đồ (ECG).

Triệu chứng của block tim độ 2

  • Mệt mỏi.
  • Chóng mặt, có thể ngất xỉu.
  • Đau ngực.
  • Tim đập không đều (cảm giác tim bị bỏ nhịp).
  • Buồn nôn.
  • Thở nhanh, hụt hơi.

Triệu chứng của block tim độ 3

Triệu chứng do block tim độ 3 gây ra thường nghiêm trọng hơn và được coi là trường hợp cấp cứu y tế. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Đau ngực dữ dội.
  • Chóng mặt.
  • Khó thở.
  • Ngất xỉu.
  • Nhịp tim rất chậm hoặc không có mạch.

Block tim nguy hiểm như thế nào?

Block tim không phải lúc nào cũng nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng sẽ phụ thuộc vào loại block tim.

  • Block tim độ 1 và block tim độ 2 loại I thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và có thể không cần điều trị hoặc chỉ cần theo dõi.
  • Block tim độ 2 loại II và block tim độ 3 thường cần cấy máy tạo nhịp tim để duy trì nhịp tim ổn định. Bằng cách thực hiện những thay đổi lối sống tích cực, bạn sẽ vẫn duy trì được cuộc sống bình thường và khoẻ mạnh. Một số bệnh nhân bị ngất thường xuyên do block tim cũng có thể cần dùng máy tạo nhịp tim.

Suy tim là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất do block tim gây ra. Nghiên cứu năm 2018 cho thấy, block tim hoàn toàn làm tăng đáng kể nguy cơ suy tim. Ngoài ra, block tim độ 3 có thể gây tổn thương nội tạng và ngừng tim (tim ngừng đập).

Chẩn đoán block tim

Chẩn đoán block tim cần đánh giá tổng thể sức khỏe tim mạch. Các bước để chẩn đoán bao gồm:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ dùng ống nghe kiểm tra nhịp tim.
  • Xem xét tiền sử bệnh cá thân và gia đình, các loại thuốc đang dùng và các triệu chứng hiện tại.
  • Điện tâm đồ (ECG): Đây là phương pháp phổ biến để phát hiện block tim độ 1 và một số trường hợp block tim độ 2. Điện tâm đồ sử dụng các điện cực để đo nhịp tim, tần số tim và hoạt động điện của tim.

Nếu block tim xảy ra không liên tục, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đeo máy điện tâm đồ Holter trong 24 giờ hoặc lâu hơn để theo dõi nhịp tim.

Trong một số ít trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định nghiên cứu điện sinh lý tim. Kỹ thuật này sử dụng ống thông đặt vào mạch máu, dẫn đến tim để theo dõi hoạt động điện của tim.

Điều trị block tim

Hầu hết các trường hợp bị block tim độ 1 thường không cần điều trị. Tuy nhiên, khi bị block tim độ 2 (loại II) và block tim độ 3, bệnh nhân thường cần phải dùng máy tạo nhịp tim để duy trì nhịp tim ổn định.

Máy tạo nhịp tim là thiết bị nhỏ, chạy bằng pin, được cấy vào lồng ngực. Thiết bị này có thể nhận biết nhịp tim bất thường và gửi tín hiệu điện nhẹ giúp tim đập đều.

Nghiên cứu về máy tạo nhịp tim cho thấy cả tạo nhịp hai buồng tim (kích thích cả tâm nhĩ và tâm thất) và tạo nhịp đồng bộ tâm thất (chỉ kích thích tâm thất) đều mang lại hiệu quả lâu dài. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị suy tim hoặc các bệnh lý nghiêm trọng khác, hiệu quả điều trị có thể bị giảm đi.

Có thể phòng ngừa block tim không?

Block tim không phải lúc nào cũng phòng ngừa được. Vì bệnh thường liên quan đến bệnh tim mạch nên cách tốt nhất để giảm nguy cơ là duy trì lối sống lành mạnh tốt cho tim mạch. Các khuyến nghị bao gồm:

  • Chế độ ăn tốt cho tim, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải.
  • Tập thể dục đều đặn, tối thiểu 150 phút/tuần với bài tập aerobic cường độ trung bình.
  • Không hút thuốc.
  • Kiểm soát cân nặng hợp lý.
  • Giảm căng thẳng, ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi đêm.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề tim mạch.

Kết luận

Block tim là sự gián đoạn tín hiệu điện từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Nếu mức độ nhẹ, bệnh có thể không cần điều trị. Nhưng đối với trường hợp bị block tim nghiêm trọng hơn, người bệnh thường cần cấy máy tạo nhịp tim thường để duy trì chức năng tim bình thường.

Dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh, từ đó giảm nguy cơ mắc block tim.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Hẹp eo động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Hẹp eo động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng một đoạn động mạch chủ bị hẹp hơn bình thường. Điều này buộc tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua động mạch chủ.

Bệnh tim Ebstein: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Bệnh tim Ebstein: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bệnh tim Ebstein là một dạng dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp. Ở những trẻ bị bệnh tim Ebstein, van ba lá (van nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải) hình thành không đúng vị trí và các lá van bị dị dạng. Kết quả là van ba lá không thể hoạt động bình thường và máu chảy ngược qua van, làm cho tim hoạt động kém hiệu quả. Bệnh tim Ebstein có thể dẫn đến chứng cơ tim phì đại và suy tim.

Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ: triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị
Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ: triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị

Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ (IC) là tình trạng cơ tim bị suy yếu do cơn đau tim hoặc bệnh động mạch vành. Bệnh có thể được điều trị bằng các phương pháp như thay đổi lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác.

Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.

Hẹp van động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hẹp van động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hẹp van động mạch chủ xảy ra khi van động mạch chủ bị thu hẹp và không mở ra như bình thường. Tình trạng này có thể gây đau ngực và khó thở, đặc biệt là sau khi gắng sức.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây