1

Bị viêm khớp có được ăn trứng không?

Viêm khớp là một vấn đề rất phổ biến, xảy ra ở hàng trăm triệu người trên khắp thế giới. Có nhiều loại viêm khớp và đa số đều là bệnh mạn tính. Tuy rằng không thể chữa khỏi dứt điểm các bệnh này nhưng điều trị đúng cách có thể làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Một trong những điều cần thiết để kiểm soát bệnh viêm khớp, nhất là viêm khớp dạng thấp, là điều chỉnh chế độ ăn uống. Nhiều người cho rằng bị viêm khớp cần phải kiêng ăn trứng. Điều này đúng hay không?
Bị viêm khớp có được ăn trứng không? Bị viêm khớp có được ăn trứng không?

Viêm khớp là gì?

Viêm khớp là một nhóm bệnh lý gây sưng tấy, đau và cứng ở một hoặc nhiều khớp trên cơ thể. Có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau, trong đó thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp là hai loại phổ biến nhất.

Thoái hóa khớp là tình trạng xảy ra do sụn trong khớp bị hao mòn theo thời gian, dẫn đến đau đớn và giảm khả năng vận động. Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh của khớp.

Mỗi loại viêm khớp là do nguyên nhân khác nhau gây nên. Ví dụ, thoái hóa khớp có thể là do sự lão hóa tự nhiên, chấn thương khớp và béo phì, trong khi viêm khớp dạng thấp có thể do yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.

Tình trạng đau và cứng khớp do viêm khớp gây ảnh hưởng lớn đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Các cách để kiểm soát các triệu chứng viêm khớp gồm có dùng thuốc, duy trì vận động, chườm nóng/lạnh, xoa bóp, vật lý trị liệu và kiểm soát cân nặng.

Ngoài ra, ăn nhiều thực phẩm chứa chất chống oxy hóa, chất chống viêm và hạn chế thực phẩm gây viêm cũng là điều cần thiết để làm giảm các triệu chứng viêm khớp.

Ăn trứng có làm tăng triệu chứng viêm khớp không?

Trứng và phản ứng viêm

Axit arachidonic có trong lòng đỏ trứng có thể góp phần gây viêm trong cơ thể. Tuy nhiên, hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy việc kiêng trứng giúp ngăn ngừa bệnh viêm khớp hay cải thiện các triệu chứng của bệnh.

Mặt khác, trứng đã được chứng minh là có chứa các hợp chất có đặc tính chống viêm. Vì lý do này nên các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị người lớn, kể cả những người bị viêm khớp nên ăn hai quả trứng mỗi tuần trong chế độ ăn uống cân bằng.

Một nghiên cứu trên 150 người, trong đó có 50 người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, cho thấy chế độ ăn nhiều ngũ cốc tinh chế, thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc bệnh trong khi chế độ ăn cân bằng gồm có ngũ cốc nguyên hạt, trứng, trái cây và rau củ lại làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Trứng là một loại thực phẩm gây nhiều tranh cãi do có chứa cả chất chống viêm và chất gây viêm. Vì viêm khớp là tình trạng viêm xảy ra ở khớp nên nhiều người cho rằng kiêng các loại thực phẩm có đặc tính gây viêm, chẳng hạn như trứng, có thể làm giảm các triệu chứng.

Ngoài ra, trứng còn chứa cholesterol, một loại chất béo có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể. Tuy nhiên, điều này thường chỉ xảy ra ở những người bị kháng insulin hoặc các rối loạn chuyển hóa khác.

Nhìn chung, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm rõ tác động của trứng đến tình trạng viêm trong cơ thể và bệnh viêm khớp.

Chế độ ăn thuần chay và bệnh viêm khớp dạng thấp

Một tổng quan nghiên cứu cho thấy chế độ ăn thuần chay (không có trứng) giúp cải thiện các triệu chứng viêm khớp. Một tổng quan nghiên cứu khác đã quan sát thấy những tác động tích cực của chế độ ăn thuần chay, chế độ ăn loại trừ và chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Lưu ý, trong số những chế độ ăn này, chỉ có chế độ ăn thuần chay là hoàn toàn không có trứng. Những chế độ ăn khác vẫn có thể có trứng. Do đó, kết quả của nghiên cứu này là chưa đủ để đưa ra kết luận về tác động của trứng đến các triệu chứng viêm khớp.

Chỉ cần kiêng trứng nếu bị dị ứng hoặc không dung nạp trứng

Nghiên cứu cho thấy rằng ở những người không dung nạp hoặc dị ứng trứng, kiêng trứng có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp.

Tuy nhiên, nếu không bị dị ứng hay không dung nạp trứng thì không cần phải loại bỏ loại thực phẩm bổ dưỡng này ra khỏi chế độ ăn uống.

Nếu bạn cho rằng trứng làm tăng các triệu chứng viêm khớp thì có thể thử kiêng trứng một thời gian xem các triệu chứng có cải thiện hay không.

Các lợi ích của trứng đối với sức khỏe

Trứng rất giàu dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhất là khi trứng là một phần trong chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh.

Giàu dinh dưỡng

Trứng chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, gồm có protein, vitamin D, choline, axit béo omega-3, protein và chất chống oxy hóa.

Một lòng đỏ trứng chứa 37 IU vitamin D, tương đương 5% giá trị dinh dưỡng hàng ngày (daily value - DV).

Thiếu vitamin D có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp và nghiên cứu chỉ ra rằng uống bổ sung vitamin D có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Nếu có thể, bạn nên mua trứng gà chăn thả vì loại trứng gà này chứa hàm lượng vitamin D hơn.

Trứng còn chứa choline, một chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với não bộ và có thể giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già.

Cuối cùng, protein, axit béo omega-3 và chất chống oxy hóa trong trứng cũng có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Ngăn ngừa bệnh về mắt

Trứng chứa lutein và zeaxanthin, hai chất chống oxy hóa mạnh. Các chất này cũng có trong võng mạc, phần trong cùng của mắt.

Những chất chống oxy hóa này đã được chứng minh là có thể làm chậm quá trình thoái hóa điểm vàng do lão hóa, một vấn đề về mắt xảy ra ở võng mạc và có thể gây suy giảm thị lực.

Ngoài ra, lutein và zeaxanthin còn có tác dụng ngăn ngừa các bệnh về mắt khác như bệnh võng mạc đái tháo đường và đục thủy tinh thể.

Hỗ trợ kiểm soát cân nặng

Thường xuyên ăn trứng có thể giúp kiểm soát cân nặng. Duy trì cân nặng hợp lý là một trong những điều quan trọng để kiểm soát các triệu chứng viêm khớp.

Một quả trứng gà chỉ chứa khoảng 70 calo nhưng ăn trứng lại giúp no lâu. Điều này là nhờ hàm lượng protein cao trong trứng. Protein hay chất đạm là một chất dinh dưỡng đa lượng đã được chứng minh là giúp duy trì cảm giác no lâu, đặc biệt khi ăn cùng với các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt hay rau củ.

Ngoài ra, ăn protein còn giúp tăng cường trao đổi chất vì protein có hiệu ứng nhiệt cao, tức là cơ thể cần tiêu hao nhiêu năng lượng để tiêu hóa và hấp thụ protein. Nghiên cứu cho thấy protein có hiệu ứng nhiệt cao hơn so với hai chất dinh dưỡng đa lượng khác là carb và chất béo.

Tóm tắt bài viết

Viêm khớp là tình trạng gây sưng đau và cứng khớp. Đây là một vấn đề rất phổ biến.

Ở những người bị dị ứng hoặc không dung nạp trứng, ăn trứng có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể và điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp.

Tuy nhiên, nếu không bị dị ứng hay không dung nạp trứng thì không cần phải kiêng trứng. Trứng rất giàu chất dinh dưỡng và có thể giúp kiểm soát cân nặng cũng như giảm nguy cơ các bệnh lý về tim mạch và mắt.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?
Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?

Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) thường mất nhiều thời gian. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường giống như triệu chứng của các bệnh khác như bệnh lupus hoặc các bệnh mô liên kết khác.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?
Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?

Viêm khớp dạng thấp không được coi là một bệnh di truyền. Tuy nhiên, việc mang một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

Viêm khớp dạng thấp có gây rụng tóc không?
Viêm khớp dạng thấp có gây rụng tóc không?

Bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp và thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đều có thể gây rụng tóc nhưng triệu chứng này không phổ biến và đa phần không nghiêm trọng. Hơn nữa còn có nhiều cách để khắc phục tình trạng rụng tóc do viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp nhiễm trùng: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp nhiễm trùng: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm trùng là tình trạng khớp bị viêm do nhiễm vi khuẩn hoặc virus.Vi khuẩn hoặc virus thường là từ một khu vực khác trong cơ thể, di chuyển theo máu đến khớp hoặc chất lỏng xung quanh khớp (hoạt dịch). Vi khuẩn hoặc virus cũng có thể xâm nhập vào khớp từ bên ngoài qua vết thương hở, trong quá trình phẫu thuật hoặc tiêm.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây