9 cách để làm giảm mức A1C
Bệnh tiểu đường là một bệnh lý mãn tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Tuy nhiên, hầu hết các biến chứng của bệnh tiểu đường đều có thể ngăn ngừa được nếu như kiểm soát tốt tình trạng bệnh.
Một trong những điều rất cần thiết để có sức khỏe tốt về lâu dài là xét nghiệm A1C định kỳ, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường type 2. Xét nghiệm A1C định kỳ sẽ giúp ngăn ngừa hoặc phát hiện bệnh từ sớm. Khi chẩn đoán sớm, việc điều trị sẽ đơn giản hơn, hiệu quả hơn và ngăn ngừa được các biến chứng.
Các cách làm giảm mức A1C
Có nhiều cách để làm giảm mức A1C, gồm có thay đổi thói quen ăn uống, tập thể dục, dùng thuốc và thực phẩm chức năng. Những người bị tiểu đường đang dùng các loại thuốc có thể gây hạ đường huyết cần xác định mức A1C tối ưu.
Dưới đây là 9 cách để làm giảm mức A1C.
1. Lập kế hoạch ăn uống
Ăn các loại thực phẩm phù hợp là điều cần thiết để giảm chỉ số A1C. Một cách hiệu quả để đạt được điều này là lập kế hoạch ăn uống và kiên trì thực hiện:
- Lên danh sách những thực phẩm cần mua: Ghi danh sách những loại thực phẩm lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng từ nhà và mua theo đúng danh sách. Điều này giúp tránh mua những thực phẩm không cần thiết và gây hại cho sức khỏe. Việc lên danh sách thực phẩm trước khi đi chợ còn giúp tránh mua thiếu đồ.
- Nấu sẵn đồ ăn cho nhiều ngày: Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giúp hạn chế tình trạng bỏ bữa và ăn uống thiếu lành mạnh.
- Chuẩn bị các món ăn vặt tốt cho sức khỏe: Điều này sẽ giúp tránh ăn những món ăn vặt không lành mạnh khi cơn thèm ăn ập đến. Một số món ăn vặt lành mạnh là rau củ không chứa tinh bột, các loại hạt và quả hạch, yến mạch hay sữa chua không đường.
2. Kiểm soát kích thước khẩu phần ăn
Để giảm mức A1C, chọn đúng loại thực phẩm là chưa đủ mà còn phải điều chỉnh lượng thực phẩm tiêu thụ. Dưới đây là một số cách để kiểm soát kích thước khẩu phần ăn:
- Làm quen với kích thước khẩu phần thích hợp: Sau một thời gian điều chỉnh khẩu phần ăn, bạn sẽ biết được khẩu phần như thế nào là phù hợp mà không cần phải cân đo từng món ăn trong bữa ăn hàng ngày.
- Sử dụng bát đĩa nhỏ hơn: Cách này sẽ giúp giảm lượng thực phẩm tiêu thụ. Việc sử dụng bát đĩa lớn khiến chúng ta có xu hướng ăn nhiều hơn.
- Lấy ra lượng đồ ăn vừa đủ: Khi muốn ăn một món ăn nào đó, chẳng hạn như bánh quy, hãy lấy ra một lượng vừa đủ và cất phần còn lại đi. Việc cầm cả gói và ăn sẽ dễ dẫn đến ăn quá nhiều.
- Chú ý khi đi ăn ngoài: Thay vì một mình ăn hết cả đĩa hay bát thức ăn, hãy ăn chung với những người đi cùng hoặc ăn một phần và gói phần còn thừa mang về.
3. Theo dõi lượng carb
Giới hạn carbohydrate ở mỗi người là khác nhau và đây là điều cần trao đổi với bác sĩ. Nếu như không chú ý theo dõi thì sẽ rất dễ tiêu thụ quá nhiều carb. Có thể ghi nhật ký thực phẩm vào một cuốn sổ tay hoặc sử dụng một ứng dụng điện thoại có chức năng tính toán và theo dõi lượng carb.
Ngoài ra cần đọc bảng thông tin dinh dưỡng của các loại thực phẩm đóng gói. Đây là điều cần thiết để biết hàm lượng carbohydrate trong thực phẩm, tính tổng lượng carb của bữa ăn và từ đó điều chỉnh cho phù hợp.
4. Áp dụng phương pháp đĩa thức ăn
Phương pháp đĩa thức ăn (plate method) giúp xác định khẩu phần các nhóm thực phẩm trong bữa ăn một cách phù hợp. Theo đó, các loại thực phẩm có trong bữa ăn được xếp hết lên đĩa với tỷ lệ như sau:
- Nửa đĩa là các loại rau củ có hàm lượng carb thấp như bông cải xanh, bông cải trắng, cà rốt, ớt chuông, nấm, dưa chuột, các loại rau xanh…
- Một phần tư đĩa là các nguồn protein nạc như cá, thịt gà, trứng, động vật có vỏ, phô mai, đậu phụ, thịt lợn hoặc thịt bò nạc…
- Một phần tư còn lại là thực phẩm chứa carb, gồm có các loại ngũ cốc như cơm, mì, bún, bánh mì nguyên cám cùng với trái cây và rau củ chứa tinh bột như khoai tây.
Khi đã quen, bạn có thể áp dụng quy tắc này cho cả các món ăn có chứa nhiều nguyên liệu, chẳng hạn như các món xào, salad hay bánh mì kẹp.
5. Giảm cân
Đối với những người thừa cân, giảm cân là điều cần thiết để giảm mức A1C. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đặt ra mục tiêu thực tế vì phương pháp giảm cân chậm và ổn định (giảm tối đa 0,5 – 1kg mỗi tuần) sẽ mang lại kết quả tốt hơn về lâu dài và an toàn cho sức khỏe.
Trên thực tế, không nhất thiết phải giảm cân quá nhiều để cải thiện được sức khỏe. Theo các nghiên cứu, chỉ cần giảm 5% cân nặng cũng đủ để tạo ra sự khác biệt. (1) Lấy ví dụ một người nặng 80kg. Chỉ cần giảm xuống 76kg trong vòng một vài tháng là tình trạng sức khỏe sẽ có sự thay đổi đáng kể.
Tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ về mức cân nặng cần giảm cân và các cách giảm cân an toàn, hiệu quả.
6. Tập thể dục
Tăng hoạt động thể chất sẽ giúp làm giảm mức A1C. Nếu không quen vận động, thời gian đầu bạn có thể tập nhẹ nhàng trong thời gian ngắn, chẳng hạn như đi bộ 20 phút mỗi ngày và sau đó tăng dần lên 150 phút tập luyện cường độ vừa mỗi tuần.
Tích cực vận động là một phần quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Có thể chọn bất kỳ bài tập nào mà bạn thích. Dù chỉ tập thể dục nhẹ nhàng thì cũng vẫn tốt hơn là không tập. Ngoài tập thể dục, bạn cũng nên tăng cường vận động trong suốt cả ngày. Nghiên cứu đã chứng minh đứng dậy đi lại 2 phút sau mỗi 60 phút ngồi một chỗ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
7. Dùng thuốc
Các loại thuốc có tác dụng làm giảm đường huyết lúc đói cũng sẽ giúp làm giảm mức A1C. Một số loại thuốc chủ yếu tác động đến đường huyết sau bữa ăn.
Những loại thuốc này gồm có sitagliptin (Januvia), repaglinide (Prandin)... Mặc dù những loại thuốc này không cải thiện được đáng kể mức đường huyết lúc đói nhưng vẫn sẽ giúp giảm chỉ số A1C nhờ làm giảm tình trạng tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn.
8. Dùng thực phẩm chức năng
Trao đổi với bác sĩ về các loại thực phẩm chức năng có thể giúp cải thiện mức A1C. Một số loại thực phẩm chức năng có thể mang lại lợi ích này là lô hội và crom. Lô hội có chứa một số chất có tác dụng ức chế sự hấp thụ carbohydrate của cơ thể. Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy rằng lô hội có thể làm giảm khoảng 1% chỉ số A1C.
Theo một phân tích nghiên cứu vào năm 2014, crom - một khoáng chất có trong nhiều loại thực phẩm như hàu, khoai tây và nấm - có thể làm giảm hơn 0,5% mức A1C ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. (2)
Tuy nhiên, một tổng quan nghiên cứu vào năm 2002 lại cho thấy crom không tác động đến khả năng kiểm soát đường huyết ở những người không bị bệnh tiểu đường.
9. Duy trì thói quen lành mạnh
Để giảm mức A1C, điều quan trọng là phải biến những thay đổi lối sống nêu trên trở thành thói quen hàng ngày. Chỉ khi duy trì thói quen sống lành mạnh về lâu dài thì mới có thể cải thiện sức khỏe.
Đặc biệt, những thay đổi về chế độ ăn uống và tập thể dục sẽ mang lại kết quả lâu dài tốt nhất nếu được thực hiện chậm và ổn định.
A1C là gì?
Đường từ thức ăn sau khi đi vào máu sẽ gắn vào hồng cầu, cụ thể là gắn vào một loại protein có tên là hemoglobin của hồng cầu.
Chỉ số A1C cho biết lượng đường gắn vào hồng cầu, qua đó có thể biết được một người có bị tiểu đường hay tiền tiểu đường hay không. Từ chỉ số này, bác sĩ sẽ xác định cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng bệnh.
Xét nghiệm A1C là gì?
Xét nghiệm A1C là một xét nghiệm máu để tầm soát bệnh tiểu đường. Đối với những người bị tiểu đường, xét nghiệm A1C giúp đánh giá hiệu quả của phác đồ điều trị và khả năng kiểm soát tình trạng bệnh. Xét nghiệm A1C cung cấp thông tin về mức đường huyết trung bình của một người trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tháng trước thời điểm xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm A1C được biểu thị dưới dạng %. Con số càng lớn thì mức đường huyết trung bình càng cao. Điều này có nghĩa là người đó có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc biến chứng tiểu đường cao hơn.
Mặc dù xét nghiệm A1C là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh tiểu đường nhưng không phải lúc nào cũng chính xác. Nhiều vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm A1C, gồm có thiếu máu do thiếu sắt và các bệnh về máu khác ảnh hưởng đến hồng cầu.
Xét nghiệm A1C cho biết điều gì?
Xét nghiệm A1C là một trong những xét nghiệm chính được sử dụng để chẩn đoán và theo dõi bệnh tiểu đường. Xét nghiệm này có thể phát hiện bệnh tiểu đường type 1 và type 2 nhưng không phát hiện được tiểu đường thai kỳ. Xét nghiệm A1C còn giúp dự đoán nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Xét nghiệm A1C đo lượng glucose (đường) gắn với hemoglobin (huyết sắc tố). Đây là loại protein trong hồng cầu. Càng có nhiều glucose gắn với hemoglobin thì chỉ số A1C càng cao.
Xét nghiệm A1C có nhiều ưu điểm như:
- Không cần nhịn ăn.
- Giúp đánh giá lượng đường trong máu tổng thể trong khoảng thời gian vài tuần đến vài tháng thay vì chỉ cho biết mức đường huyết tại một thời điểm nhất định, ví dụ như mức đường huyết lúc đói.
- Có thể thực hiện bất cứ lúc nào trong ngày. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng đưa ra chẩn đoán chính xác.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm A1C
Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, tiêu hóa và bệnh thận Hoa Kỳ (NIDDK), mức A1C tối ưu là dưới 5,7%. Chỉ số A1C trong khoảng từ 5,7 đến 6,4% có nghĩa là tiền tiểu đường.
Bị tiền tiểu đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 trong vòng 10 năm tiếp theo. Tuy nhiên, có nhiều cách để ngăn ngừa hoặc trì hoãn tiền tiểu đường tiến triển thành tiểu đường. Những người được chẩn đoán tiền tiểu đường nên tái khám định kỳ hàng năm.
Nguy cơ tiền tiểu đường tiến triển thành tiểu đường type 2 sẽ gia tăng nếu chỉ số A1C từ 6,5% trở lên.
Khi đã mắc bệnh tiểu đường, duy trì chỉ số A1C dưới 7% có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng.
Những người bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường nên mua máy đo đường huyết và kiểm tra hàng ngày. Hỏi bác sĩ về cách xử trí khi kết quả đo quá cao hoặc quá thấp.
Tóm tắt bài viết
Chỉ số A1C cho biết mức đường huyết trung bình trong 2 – 3 tháng gần nhất. Có nhiều cách để giảm mức A1C, gồm có thay đổi thói quen ăn uống, tập thể dục, giảm cân nếu thừa cân, dùng một số loại thuốc và thực phẩm chức năng. Nói chung, khi kết quả xét nghiệm A1C cao hơn bình thường, bác sĩ sẽ đưa ra các cách cụ thể để cải thiện vấn đề.
Tăng đường huyết là một vấn đề nguy hiểm vì khi lượng glucose trong máu cao, các tế bào sẽ không được cung cấp năng lượng. Lúc này, cơ thể sẽ bắt đầu đốt cháy chất béo để tạo năng lượng thay cho glucose. Điều này có thể dẫn đến các tình trạng như nhiễm toan ceton và hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do đường huyết.
Nồng độ insulin trong máu cao gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe nhưng có thể làm giảm mức insulin bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất.