8 cách kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 khi bước vào thời kỳ mãn kinh
Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ sẽ gặp phải những triệu chứng như bốc hỏa, thay đổi tâm trạng và khô âm đạo. Nếu mắc bệnh tiểu đường, bạn sẽ còn phải đối phó với nhiều triệu chứng khác.
Mãn kinh và bệnh tiểu đường
Kể từ sau tuổi 30, cơ thể người phụ nữ bắt đầu tạo ra ít hormone estrogen và progesterone hơn. Những hormone này có vai trò điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và còn có ảnh hưởng đến phản ứng của các tế bào với insulin, loại hormone giúp vận chuyển glucose (đường) từ máu vào tế bào.
Khi nồng độ estrogen và progesterone dao động trong giai đoạn tiền mãn kinh (giai đoạn trước khi mãn kinh), lượng đường trong máu cũng sẽ tăng và giảm theo. Lượng đường trong máu tăng cao không được kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng của bệnh tiểu đường như tổn thương dây thần kinh và giảm thị lực.
Vào thời kỳ mãn kinh, cơ thể sẽ có một số thay đổi làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, ví dụ như:
- Tốc độ trao đổi chất chậm lại và cơ thể không còn đốt cháy calo hiệu quả như trước, điều này có thể dẫn đến tăng cân và tích mỡ thừa.
- Mỡ thừa chủ yếu tích tụ ở vùng bụng. Có nhiều mỡ bụng sẽ làm tăng nguy cơ kháng insulin.
- Cơ thể giải phóng insulin kém hiệu quả hơn.
- Các tế bào không phản ứng tốt với insulin.
Bệnh tiểu đường có thể làm trầm trọng thêm một số triệu chứng mãn kinh và ngược lại. Ví dụ, các cơn bốc hỏa gây khó ngủ và thiếu ngủ sẽ khiến cho việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn.
Đôi khi, triệu chứng của bệnh tiểu đường và mãn kinh kết hợp với nhau và khiến cho bạn gặp phải nhiều vấn đề hơn. Ví dụ, mãn kinh gây khô âm đạo, dẫn đến đau đớn khi quan hệ tình dục. Bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương các dây thần kinh ở âm đạo, dẫn đến giảm khoái cảm và giảm khả năng đạt cực khoái.
Dưới đây là 8 cách giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 khi bước vào thời kỳ mãn kinh.
1. Đo đường huyết thường xuyên
Sự dao động hormone có thể làm thay đổi lượng đường trong máu. Đó là lý do vì sao bạn cần đo đường huyết thường xuyên hơn khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Hãy ghi lại kết quả của các lần đo và mang theo khi đi tái khám để bác sĩ đánh giá.
2. Điều chỉnh thuốc trị tiểu đường
Nếu lượng đường trong máu tăng do thay đổi nội tiết tố hoặc do tăng cân, bạn nên đi khám. Có thể sẽ phải tăng liều thuốc trị tiểu đường hoặc sử dụng thêm một loại thuốc khác để duy trì đường huyết ở mức ổn định.
3. Điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục
Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là những điều rất quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Những điều này lại càng quan trọng khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Mãn kinh khiến bạn dễ tăng cân và tăng cân sẽ làm cho bệnh tiểu đường khó kiểm soát hơn.
Bạn nên ăn các loại thực phẩm lành manh như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và sữa ít béo. Hạn chế ăn đồ dầu mỡ, đồ chứa nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tránh bị tăng cân và kiểm soát tốt bệnh tiểu đường.
4. Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn. Và nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng tăng cao khi bước vào tuổi mãn kinh.
Mặc dù có những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch mà bạn không thể kiểm soát được, ví dụ như tuổi tác và mãn kinh nhưng cũng có những yếu tố mà bạn có thể thay đổi được giảm thiểu ngu cơ, gồm có ăn uống lành mạnh, tập thể dục, giảm cân nếu thừa cân và bỏ thuốc lá nếu hút.
Ngoài ra, hãy đo huyết áp thường xuyên. Nếu bị cao huyết áp, bạn cần dùng thuốc đều đặn và thay đổi lối sống để duy trì huyết áp ổn định.
Một điều quan trọng nữa là làm xét nghiệm cholesterol định kỳ. Nếu bị cholesterol cao, bạn cần dùng thuốc hạ mỡ máu và điều chỉnh chế độ ăn uống để đưa nồng độ cholesterol về mức khỏe mạnh.
5. Liệu pháp hormone thay thế
Liệu pháp hormone thay thế (hormone replacement therapy - HRT) có thể giúp kiểm soát các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm và khô âm đạo. Nghiên cứu cho thấy HRT còn giúp cải thiện độ nhạy insulin (phản ứng của các tế bào với insulin) ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. (1)
Tuy nhiên, HRT đi kèm tác dụng phụ, gồm có tăng nguy cơ đột quỵ, cục máu đông và ung thư tử cung và ung thư vú. Do đó, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử liệu pháp hormone thay thế, nhất là khi có tiền sử bệnh tim mạch và tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư.
Bắt đầu liệu pháp hormone thay thế càng sớm thì càng tốt. Bắt đầu HRT ngay từ sớm trong thời kỳ mãn kinh sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
6. Cải thiện đời sống tình dục
Sự thay đổi nội tiết tố vào thời kỳ mãn kinh cùng các triệu chứng của bệnh tiểu đường sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống tình dục. Nếu bạn bị khô âm đạo, đau rát khi quan hệ hoặc giảm ham muốn, hãy đi khám bác sĩ sản phụ khoa để được tư vấn giải pháp khắc phục.
Gel dưỡng ẩm, gel bôi trơn và estrogen tại chỗ có thể cải thiện tình trạng khô âm đạo và giảm đau rát khi quan hệ. Liệu pháp hormone thay thế cũng là một giải pháp để cải thiện tình trạng rối loạn chức năng tình dục do mãn kinh nhưng bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước.
7. Kiểm soát cân nặng
Có nhiều cách để tránh tăng cân trong thời kỳ mãn kinh, ví dụ như giảm lượng calo nạp vào và tập thể dục để tăng lượng calo đốt cháy. Nếu đã điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục mà vẫn không thể kiểm soát được cân nặng thì bạn có thể đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn.
8. Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu
Lượng đường trong máu cao tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Sự sụt giảm estrogen vào thời kỳ mãn kinh càng làm tăng thêm nguy cơ gặp phải vấn đề này.
Nếu bạn có các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu như buồn tiểu liên tục, nóng rát khi đi tiểu hoặc nước tiểu có mùi hôi thì nên đi khám ngay. Nếu đúng là nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Tóm tắt bài viết
Bệnh tiểu đường có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng mãn kinh và ngược lại, mãn kinh có thể khiến cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn.
Nếu bạn đang phải đối phó với thời kỳ mãn kinh và bệnh tiểu đường type 2 cùng một lúc, bạn có thể thực hiện các biện pháp kể trên để kiểm soát tốt các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng như bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh và suy giảm thị lực.
Khi đang trong giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ sẽ gặp phải nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau và mệt mỏi là một trong số đó.
“Sương mù não” là gì và tại sao phụ nữ lại gặp phải vấn đề này trong thời kỳ mãn kinh?
Các vấn đề về trí nhớ là một biểu hiện không hiếm gặp trong giai đoạn tiền mãn kinh – khoảng thời gian chuyển tiếp diễn ra trước mãn kinh.
Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp lần thứ hai trong đời sống sinh dục của người phụ nữ (lần thứ nhất là tuổi dậy thì). Vào thời kỳ mãn kinh, nội tiết tố có sự thay đổi, dẫn đến một loạt các triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, tăng cân, bốc hỏa, rụng tóc, tâm trạng thay đổi thất thường,... Hội chứng niệu dục thời kỳ mãn kinh (genitourinary syndrome of menopause - GSM) là một tình trạng mạn tính ảnh hưởng đến âm đạo, âm hộ và đường tiết niệu dưới.
Mãn kinh đánh dấu sự kết thúc chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Nếu đã qua 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt thì có nghĩa là bạn đã mãn kinh. Độ tuổi mãn kinh trung bình là 51 tuổi nhưng mãn kinh có thể xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn.. Nội tiết tố có sự thay đổi lớn vào thời kỳ mãn kinh. Ở giai đoạn này, nồng độ estrogen và progesterone sẽ sụt giảm. Điều này gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, gồm có khô âm đạo.