1

7 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thừa kẽm

Thừa kẽm có thể xảy ra khi dùng thực phẩm chức năng bổ sung kẽm quá liều. Khi lượng kẽm quá lớn thì còn có thể dẫn đến ngộ độc.
7 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thừa kẽm 7 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thừa kẽm

Kẽm là một khoáng chất thiết yếu tham gia vào hơn 100 phản ứng hóa học trong cơ thể.

Kẽm giúp tăng cường chức năng miễn dịch, cần thiết cho sự tăng trưởng và sự phát triển, quá trình tổng hợp DNA và khứu giác, vị giác. Ngoài ra, khoáng chất này còn có các tác dụng khác đối với sức khỏe, chẳng hạn như:

  • Điều trị tiêu chảy
  • Thúc đẩy chữa lành vết thương
  • Giảm stress oxy hóa và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, chẳng hạn như cao huyết áp, đái tháo đường và hội chứng chuyển hóa
  • Giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng do lão hóa
  • Cải thiện chức năng sinh sản
  • Giảm triệu chứng bệnh thần kinh
  • Hỗ trợ điều trị cảm cúm
  • Tăng cường chức năng não bộ

Các tổ chức y tế đã đưa ra mức giới hạn trên (upper limit - UL) đối với kẽm là 40 mg mỗi ngày ở người trưởng thành. Giới hạn trên có nghĩa là lượng chất dinh dưỡng tối đa mà đa số mọi người có thể tiêu thụ trong một ngày mà không gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Một số loại thực phẩm giàu kẽm gồm có thịt đỏ, thịt gia cầm, thủy hải sản, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt và sản phẩm từ sữa. Hàu là một trong những loại thực phẩm chứa hàm lượng kẽm cao nhất. Ước tính 85 gram hàu (không tính vỏ) có thể đáp ứng đến 493% nhu cầu kẽm hàng ngày.

Mặc dù một số loại thực phẩm có chứa lượng kẽm cao hơn nhiều so với mức giới hạn trên nhưng kẽm trong thực phẩm tự nhiên rất khó gây ra tình trạng thừa kẽm.

Tuy nhiên, thừa kẽm có thể xảy ra khi dùng thực phẩm chức năng, bao gồm cả viên uống kẽm hay viên uống vitamin tổng hợp có chứa kẽm. Nếu vô tình nuốt phải các vật liệu có chứa kẽm thì còn có thể bị ngộ độc kẽm.

Dưới đây là 7 dấu hiệu thường gặp nhất khi cơ thể bị thừa kẽm.

Các dấu hiệu thừa kẽm

1. Buồn nôn và nôn mửa

Buồn nôn và nôn là những dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng thừa kẽm.

Một bản đánh giá gồm có 17 nghiên cứu về hiệu quả của việc bổ sung kẽm trong điều trị cảm lạnh thông thường cho thấy kẽm giúp rút ngắn thời gian bị cảm lạnh nhưng lại đi kèm với các tác dụng phụ, ví dụ như buồn nôn. 46% người tham gia nghiên cứu cảm thấy buồn nôn khi uống bổ sung kẽm. (1)

Liều lớn hơn 225 mg có thể gây nôn mửa và hiện tượng này thường xảy ra xảy ra nhanh chóng sau khi uống kẽm. Trên thực tế đã từng có trường hợp bị buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng, bắt đầu chỉ trong vòng 30 phút sau khi uống 570 mg kẽm. (2)

Tuy nhiên, hiện tượng nôn mửa cũng có thể xảy ra khi dùng liều thấp hơn. Trong một nghiên cứu kéo dài 6 tuần, 47 người khỏe mạnh được cho uống 150 mg kẽm mỗi ngày và hơn một nửa trong số đó bị buồn nôn hoặc nôn. (3)

Mặc dù nôn sẽ giúp thải lượng kẽm thừa ra ngoài cơ thể nhưng có thể không đủ để ngăn ngừa các biến chứng về sau này.

Nếu lỡ uống liều lượng kẽm quá lớn thì cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Tóm tắt: Buồn nôn và nôn là những phản ứng phổ biến và thường xảy ra gần như tức thì khi uống một lượng kẽm quá lớn.

2. Đau bụng và tiêu chảy

Đau bụng và tiêu chảy thường xảy ra cùng với hiện tượng buồn nôn và nôn.

Trong bản đánh giá gồm có 17 nghiên cứu về tác dụng của việc bổ sung kẽm trong điều trị cảm lạnh, khoảng 40% người tham gia cho biết họ bị đau bụng và tiêu chảy.

Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng cũng có trường hợp bị kích ứng ruột và xuất huyết tiêu hóa khi bổ sung kẽm.

Trong một nghiên cứu trường hợp (case study), một người đã bị xuất huyết tiêu hóa sau khi uống 220 mg kẽm sulfat (zinc sulfate) hai lần mỗi ngày để trị mụn trứng cá. (4)

Ngoài ra, nồng độ kẽm clorua (zinc chloride) trên 20% có thể gây tổn thương ăn mòn trên diện rộng trong đường tiêu hóa.

Mặc dù kẽm clorua không được sử dụng trong thực phẩm chức năng nhưng ngộ độc kẽm có thể xảy ra do vô tình nuốt phải các vật liệu có chứa kẽm clorua như keo dán, vật liệu trám, vật liệu hàn, hóa chất tẩy rửa và các sản phẩm hoàn thiện gỗ.

Tóm tắt: Đau bụng và tiêu chảy cũng là những triệu chứng phổ biến của tình trạng thừa kẽm. Trong một số trường hợp, thừa kẽm hay ngộ độc kẽm gây tổn thương đường tiêu hóa nghiêm trọng và có thể dẫn đến xuất huyết.

3. Các triệu chứng giống cúm

Bổ sung lượng kẽm lớn hơn mức giới hạn trên có thể gây ra các triệu chứng giống như cảm cúm, chẳng hạn như sốt, ớn lạnh, ho, nhức đầu và mệt mỏi.

Đây cũng là những triệu chứng thường gặp khi bị ngộ độc các khoáng chất khác. Do đó, việc chẩn đoán thừa kẽm hay ngộ độc kẽm đôi khi rất khó khăn.

Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và hỏi chi tiết về chế độ ăn uống hàng ngày, sau đó tiến hành xét nghiệm máu để xác định loại khoáng chất gây ra các triệu chứng.

Cần liệt kê tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác vấn đề và đưa ra phương án điều trị thích hợp.

Tóm tắt: Các triệu chứng giống như cảm cúm có thể xảy ra khi bổ sung một số khoáng chất ở liều lượng lớn, bao gồm cả kẽm. Vì vậy cần báo cho bác sĩ về tất cả các loại thực phẩm chức năng đang dùng để có chẩn đoán chính xác.

4. Nồng độ HDL cholesterol thấp

HDL cholesterol hay cholesterol tốt giúp loại bỏ cholesterol khỏi các tế bào trong cơ thể, nhờ đó ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Đối với người trưởng thành, các tổ chức y tế khuyến nghị nên duy trì nồng độ HDL cholesterol trong máu ở mức tối thiểu là 40 mg/dL. Nồng độ HDL cholesterol thấp hơn mức này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Một số nghiên cứu về mối liên hệ giữa kẽm và cholesterol cho thấy rằng việc uống bổ sung nhiều hơn 50 mg kẽm mỗi ngày có thể làm giảm lượng HDL cholesterol trong cơ thể và không hề có bất kỳ tác động nào đến lượng LDL cholesterol hay cholesterol xấu. (5)

Các nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng việc bổ sung 30 mg kẽm mỗi ngày (dưới mức giới hạn trên) trong thời gian lên đến 14 tuần không ảnh hưởng đến lượng HDL cholesterol.

Mặc dù vẫn còn nhiều yếu tố khác tác động đến nồng độ cholesterol nhưng những kết quả nghiên cứu này là điều cần cân nhắc khi uống bổ sung kẽm thường xuyên.

Tóm tắt: Việc thường xuyên tiêu thụ lượng kẽm vượt quá mức giới hạn trên có thể làm giảm nồng độ cholesterol tốt và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

5. Thay đổi vị giác

Kẽm có vai trò rất quan trọng đối với khả năng cảm nhận hương vị. Trên thực tế, sự thiếu hụt kẽm có thể dẫn đến chứng giảm vị giác.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ lượng kẽm quá lớn cũng có thể gây ra những thay đổi về vị giác, ví dụ như miệng có vị kim loại.

Theo các nghiên cứu, hiện tượng này thường xảy ra khi sử dụng viên ngậm bổ sung kẽm, viên ngậm ho hoặc siro ho có chứa kẽm để điều trị cảm lạnh.

Liều lượng được sử dụng trong các nghiên cứu thường vượt quá 40 mg mỗi ngày và các tác dụng phụ xảy ra rất phổ biến.

Ví dụ, một nghiên cứu kéo dài một tuần đã cho các tình nguyện viên ngậm viên bổ sung kẽm 25mg cách 2 tiếng một lần và 14% người tham gia cho biết vị giác của họ có sự thay đổi. (6)

Trong một nghiên cứu khác sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung kẽm dạng lỏng, 53% người tham gia cho biết họ nhận thấy miệng có vị kim loại nhưng không rõ hiện tượng này kéo dài bao lâu. (7)

Cần lưu ý, nếu bổ sung kẽm ở dạng viên ngậm hoặc dạng lỏng thì những tác dụng phụ này có thể xảy ra ngay cả khi không dùng quá liều.

Tóm tắt: Kẽm đóng vai trò quan trọng đối với vị giác. Tình trạng thừa kẽm có thể gây ra hiện tượng miệng có vị kim loại, đặc biệt là khi bổ sung kẽm ở dạng viên ngậm hoặc dạng lỏng.

6. Thiếu hụt đồng

Kẽm và đồng đều được hấp thụ trong ruột non.

Việc tiêu thụ lượng kẽm quá lớn có thể gây cản trở khả năng hấp thụ đồng của cơ thể và theo thời gian, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt đồng.

Giống như kẽm, đồng cũng là một khoáng chất thiết yếu. Đồng hỗ trợ sự hấp thụ và chuyển hóa sắt cũng như là cần thiết cho sự sản sinh hồng cầu. Đồng còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành bạch cầu.

Hồng cầu là các tế bào máu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể, trong khi bạch cầu có chức năng quan trọng đối với hệ miễn dịch.

Thiếu hụt đồng do thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh về máu như:

  • Thiếu máu do thiếu sắt: tình trạng số lượng hồng cầu khỏe mạnh trong cơ thể ở mức thấp do không có đủ sắt.
  • Thiếu máu nguyên hồng cầu: thiếu hồng cầu khỏe mạnh do cơ thể không chuyển hóa sắt một cách bình thường.
  • Giảm bạch cầu trung tính: số lượng bạch cầu thấp do quá trình hình thành bạch cầu bị gián đoạn.

Tóm tắt: Việc thường xuyên bổ sung quá 40 mg kẽm mỗi ngày có thể gây cản trở sự hấp thụ đồng. Điều này dần dần sẽ dẫn đến thiếu hụt đồng và một số bệnh về máu.

7. Thường xuyên bị nhiễm trùng

Mặc dù kẽm là khoáng chất có vai trò quan trọng đối với chức năng hệ miễn dịch nhưng quá nhiều kẽm lại có thể gây cản trở đáp ứng miễn dịch.

Điều này thường là kết quả do thiếu máu và giảm bạch cầu nhưng cũng có thể là do những nguyên nhân khác ngoài các vấn đề về máu do thừa kẽm.

Trong các nghiên cứu trong ống nghiệm, tình trạng thừa kẽm làm giảm chức năng của tế bào T - một loại tế bào bạch cầu. Tế bào T đóng vai trò chính trong đáp ứng miễn dịch vì có khả năng gắn vào và tiêu diệt các mầm bệnh gây hại. (8)

Các nghiên cứu trên người cũng cho thấy kết quả tương tự nhưng kết quả không nhất quán bằng các nghiên cứu trong ống nghiệm.

Một nghiên cứu quy mô nhỏ được thực hiện ở 11 nam giới khỏe mạnh cho thấy đáp ứng miễn dịch giảm sau khi bổ sung 150 mg kẽm 2 lần một ngày trong vòng 6 tuần. (9)

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu khác, việc bổ sung 110 mg kẽm 3 lần một ngày trong vòng một tháng lại mang lại các tác động khác nhau ở người lớn tuổi. Một số người bị giảm đáp ứng miễn dịch trong khi một số khác lại nhận thấy chức năng miễn dịch có sự cải thiện. (10)

Tóm tắt: Bổ sung kẽm với liều lượng vượt quá mức giới hạn có thể làm giảm đáp ứng miễn dịch, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật.

Điều trị ngộ độc kẽm

Nếu bổ sung liều lượng kẽm quá lớn và có các dấu hiệu ngộ độc thì cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Ngộ độc kẽm có thể đe dọa đến tính mạng nên cần phải can thiệp kịp thời.

Trước tiên có thể cần uống sữa vì lượng canxi và phốt pho cao trong sữa có thể giúp ức chế sự hấp thụ kẽm trong đường tiêu hóa. Than hoạt tính cũng có tác dụng tương tự.

Các chất tạo chelat hay chất tạo phức cũng có thể được sử dụng trong các trường hợp ngộ độc nặng. Những chất này giúp cơ thể loại bỏ lượng kẽm thừa bằng cách liên kết với kẽm trong máu. Sau đó, kẽm sẽ được thải ra ngoài qua nước tiểu thay vì hấp thụ vào các tế bào.

Tóm tắt: Ngộ độc kẽm có thể đe dọa đến tính mạng nên cần phải can thiệp điều trị ngay lập tức.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù một số loại thực phẩm có chứa hàm lượng kẽm rất cao nhưng kẽm trong thực phẩm tự nhiên rất khó gây thừa kẽm và không bao giờ gây ngộ độc kẽm.

Tuy nhiên, thừa kẽm có thể xảy ra khi dùng thực phẩm chức năng bổ sung kẽm quá liều. Khi lượng kẽm quá lớn thì còn có thể dẫn đến ngộ độc.

Thừa kẽm hay ngộ độc kẽm có thể gây ra cả tác động cấp tính và tác động mãn tính. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào liều lượng và thời gian bổ sung kẽm liều cao.

Việc tiêu thụ lượng kẽm quá lớn cùng một lúc có thể gây ra các triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng. Những trường hợp nghiêm trọng, chẳng hạn như vô tình nuốt phải các vật liệu có chứa kẽm, còn có thể xảy ra hiện tượng ăn mòn đường tiêu hóa và xuất huyết.

Thường xuyên tiêu thụ lượng kẽm vượt quá mức giới hạn cho phép có thể không gây ra tác dụng phụ ngay lập tức nhưng dần dần sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chẳng hạn như giảm nồng độ HDL cholesterol, thiếu hụt đồng và chức năng miễn dịch suy giảm.

Tóm lại, không được bổ sung kẽm liều cao nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: cơ thể, dấu hiệu
Tin liên quan
9 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu vitamin B6
9 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu vitamin B6

Mặc dù không được nhắc đến nhiều như các loại vitamin B khác nhưng vitamin B6 cũng là một chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng.

9 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu hụt đồng
9 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu hụt đồng

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp khi bị thiếu đồng gồm có mệt mỏi và uể oải, thường xuyên mắc bệnh, xương yếu và dễ gãy, trí nhớ giảm sút, đi lại khó khăn, hay cảm thấy lạnh, da nhợt nhạt, tóc bạc sớm và giảm thị lực.

5 Dấu Hiệu Cho Thấy Cơ Thể Đang Bị Thiếu Axit Béo Omega-3
5 Dấu Hiệu Cho Thấy Cơ Thể Đang Bị Thiếu Axit Béo Omega-3

Khi ăn quá ít thực phẩm tự nhiên giàu omega-3 và cũng không dùng thực phẩm chức năng để bổ sung thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt. Thiếu omega-3 sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Các dấu hiệu bạn đang bị thừa chất xơ
Các dấu hiệu bạn đang bị thừa chất xơ

Mặc dù thiếu chất xơ là vấn đề phổ biến hơn nhưng đôi khi, tình trạng thừa chất xơ cũng có thể xảy ra, đặc biệt là khi tăng lượng chất xơ quá nhanh.

Thèm uống sữa là dấu hiệu cho thấy điều gì?
Thèm uống sữa là dấu hiệu cho thấy điều gì?

Nếu bạn đã quen uống sữa hoặc các sản phẩm từ sữa mỗi ngày thì việc đột nhiên ngừng uống hoặc giảm lượng sữa có thể sẽ khó hơn bạn nghĩ. Giống như cà phê, việc đột ngột bỏ thói quen uống sữa cũng sẽ gây ra cảm giác thèm uống sữa thường trực.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây