Những Thành Phần Có Hại Cần Tránh Trong Mỹ Phẩm
Đa số mọi người đều chỉ biết đến một vài thành phần có hại trong mỹ phẩm nhưng trên thực tế có rất nhiều thành phần bị hạn chế hoặc bị cấm trong mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da. Bài viết này sẽ giúp bạn biết được những thành phần nào trong mỹ phẩm có hại cho môi trường, thành phần nào có hại cho con người và lý do chính xác tại sao chúng lại có hại.
Danh sách thành phần có hại trong mỹ phẩm
Khi mua mỹ phẩm, bạn nên đọc bảng thành phần và tránh những thành phần được nêu tên trong bài viết này. Lưu ý, bài viết chỉ nêu ra những thành phần có hại cho sức khỏe nói chung, có nghĩa là tất cả mọi người đều nên tránh chứ không xét đến yếu tố dị ứng, nhạy cảm với gluten và các vấn đề khác chỉ xảy ra ở một nhóm nhỏ người dùng.
Một số thành phần có hại trong mỹ phẩm:
- Ethanolamine
- Parabens
- Petrolatum và các thành phần gốc dầu mỏ
- Phthalates
- Phenoxyethanol
- Polyethylene glycol (PEG)
Định nghĩa thành phần có hại trong mỹ phẩm
Thành phần có hại trong mỹ phẩm có nghĩa là những thành phần không tốt cho sức khỏe hoặc da của người dùng. Có nhiều mức độ gây hại, từ gây kích ứng, dị ứng, nổi mụn trứng cá cho đến nguy hiểm đến tính mạng. Một số thành phần trong mỹ phẩm còn có thể gây hại cho môi trường. Bài viết này sẽ điểm tên một số thành phần có hại chính trong mỹ phẩm và giải thích lý do tại sao chúng lại có hại.
>>>> Xem thêm: tiêm meso exosome
Hóa chất có hại trong mỹ phẩm gây ra những vấn đề nào?
Hóa chất trong mỹ phẩm có thể gây ra nhiều vấn đề như:
- Ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe
- Vô sinh
- Kích ứng da và viêm
- Kích ứng mắt
- Kích ứng phổi
- Phản ứng dị ứng
- Phản ứng ngộ độc ánh sáng hoặc nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
- Khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên để lấy nguyên liệu
- Quá trình sản xuất thải chất độc ra môi trường, gây hại đến các loài thực vật và động vật
- Phá hủy hệ sinh thái tự nhiên
- Phá hủy rặng san hô
- Vi phạm nhân quyền
- Tăng sự thẩm thấu của các thành phần khác qua da
- Tăng nguy cơ phản ứng với các thành phần khác trong chu trình chăm sóc da
Có hại cho con người và cho môi trường
Tính an toàn của các thành phần trong mỹ phẩm được chia thành hai khía cạnh là: an toàn cho người dùng và an toàn cho môi trường.
Khi đánh giá độ an toàn của các thành phần trong mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da, điều quan trọng là phải phân biệt giữa tính an toàn đối với sức khỏe con người và tác động đến môi trường. Một thành phần gây hại cho môi trường chưa chắc sẽ có hại đối với sức khỏe con người khi bôi ngoài da. Mặt khác, một số thành phần có nguồn gốc từ thực vật có thể thân thiện với môi trường nhưng lại có thể gây dị ứng hoặc các vấn đề khác ở những người nhạy cảm. An toàn cho sức khỏe con người và an toàn cho môi trường là hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau.
Tác hại của các thành phần trong mỹ phẩm đến môi trường lại được chia nhỏ thành các loại như gây hại cho sinh vật biển, sử dụng thuốc trừ sâu, gây ô nhiễm nguồn nước, tính bền vững và tác hại tổng thể đến hệ sinh thái. Ví dụ, các hạt nhựa siêu nhỏ trong sản phẩm tẩy tế bào chết tuy rằng không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người nhưng có thể đi vào trong nguồn nước và các loài động vật hoang dã có thể sẽ nuốt phải. Tác hại đến môi trường của petrolatum xuất phát từ quá trình khoan và lọc dầu chứ bản thân thành phần này không có hại gì cho môi trường. Trồng các loại cây cần nhiều nước như hạnh nhân và lựu để lấy chiết xuất làm mỹ phẩm có thể ảnh hưởng xấu đến nguồn nước, đặc biệt là ở những nơi vốn có nguồn nước hạn chế. Và thuốc trừ sâu được sử dụng trong quá trình trồng trà xanh, hoa cúc và các loài thực vật được sử dụng làm mỹ phẩm khác có thể gây độc hại cho hệ sinh thái xung quanh.
Khi một thành phần được gắn nhãn là "có hại", điều quan trọng là hiểu thành phần đó gây hại cho sức khỏe con người, cho môi trường hay cả hai. Những thành phần có nguồn gốc từ sản phẩm hoá dầu, ví dụ như petrolatum, thường chỉ gây ra tác dụng phụ không đáng kể trên da người nhưng lại có thể góp phần gây biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Mặt khác, các loại dầu thực vật có thể được trồng theo phương pháp hữu cơ để giảm thiểu tác hại đến môi trường nhưng lại có thể gây kích ứng da hoặc dị ứng ở những người nhạy cảm. Đánh giá tính an toàn của một thành phần mỹ phẩm đòi hỏi phải tìm hiểu kỹ lưỡng tác động của thành phần đó đến sức khỏe con người cũng như tính bền vững đối với môi trường.
Hóa chất có hại trong mỹ phẩm ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người dùng?
Danh sách các thành phần có hại trong mỹ phẩm rất dài và mỗi một thành phần trong đó có ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, không phải ai dùng những thành phần này cũng gặp phải vấn đề không mong muốn. Bạn nên tìm hiểu rõ về từng thành phần trước khi đưa chúng vào danh sách đen cần tránh. Ví dụ, retinoid có thể gây kích ứng da nhưng không nhất thiết phải tránh các sản phẩm chứa retinoid vì tác dụng phụ này chỉ xảy ra khi sử dụng sai cách.
Rủi ro đối với sức khỏe của các loại thành phần mỹ phẩm có thể được phân loại theo cơ quan hoặc hệ thống bị ảnh hưởng.
Gây rối loạn nội tiết tố
Nhiều người cho rằng một số thành phần trong mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da có thể gây rối loạn nội tiết tố (hormone). Điều này liệu có đúng hay không?
Để một thành phần bôi ngoài da có thể thực sự gây mất cân bằng nồng độ estrogen hoặc các hormone khác thì thành phần đó phải đi qua hàng rào bảo vệ da và thâm nhập sâu vào lớp trung bì rồi đi vào máu với lượng đáng kể trong một thời gian dài. Điều này rất khó xảy ra ở một làn da khỏe mạnh, nguyên vẹn (không có vết thương hở). Khi sử dụng một sản phẩm chỉ chứa một lượng nhỏ thành phần gây lo ngại trong thời gian ngắn hoặc không thường xuyên, thành phần đó sẽ rất khó được hấp thụ vào cơ thể đủ nhiều để gây ra tác dụng toàn thân. Cho dù bạn có sử dụng sản phẩm đó hàng ngày đi nữa thì hàm lượng thành phần đi vào máu cũng không đáng kể so với tổng lượng estrogen trong máu.
Các thành phần được quan tâm nhiều nhất là những thành phần đã được khoa học chứng minh là có khả năng liên kết với các thụ thể estrogen trong cơ thể và hoạt động tương tự như estrogen tự nhiên. Tuy nhiên, các nghiên cứu về khả năng hấp thu qua da cho thấy những thành phần này thẩm thấu qua các lớp da bên ngoài ở mức độ tối thiểu, ngay cả khi sử dụng nhiều lần. Tuy nhiên, mức độ hấp thu qua da tăng lên khi bôi sản phẩm toàn thân hàng ngày và bôi thêm một lớp kem dưỡng khóa ẩm bên trên. Do bôi lên diện tích bề mặt da lớn hơn nên sản phẩm có thể hấp thu vào cơ thể nhiều hơn. Sự hiện diện của chất tăng thấm (tăng cường khả năng thẩm thấu) trong các sản phẩm chăm sóc da cũng có thể làm tăng khả năng hấp thụ thành phần.
Người lớn ít có nguy cơ gặp phải các vấn đề về nội tiết khi sử dụng các sản phẩm bôi ngoài da trong thời gian ngắn. Nhưng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao hơn do các thành phần dễ thẩm thấu qua da hơn và tỷ lệ diện tích bề mặt da trên khối lượng cơ thể cao hơn. Cha mẹ nên cẩn thận, hạn chế để trẻ tiếp xúc với sản phẩm chứa các thành phần gây lo ngại như paraben hoặc phthalate.
Nói chung, mặc dù đúng là nên lưu ý đến các thành phần trong sản phẩm chăm sóc da nhưng không cần quá lo lắng nếu chỉ sử dụng sản phẩm ngoài da trong thời gian ngắn, nhất là những sản phẩm được rửa sạch sau một thời gian bôi lên da (rinse-off), ví dụ như mặt nạ hay sữa rửa mặt. Đó là lý do tại sao một số thành phần mặc dù bị cấm trong kem dưỡng ẩm nhưng lại được phép sử dụng trong các sản phẩm như sữa rửa mặt. Hãy tìm hiểu kỹ và tránh bôi quá nhiều, bôi lên vùng da rộng và sử dụng trong thời gian dài, đặc biệt là cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nhiễm độc gan
Gan là cơ quan xử lý độc tố nên đây là một trong những cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng bởi các chất độc hại, đặc biệt là những chất độc hại có trong thực phẩm và đồ uống. Giả sử một sản phẩm bôi ngoài da có thể đi vào máu thì dưới đây là những thành phần có thể gây hại cho gan nếu sử dụng lượng lớn trên diện tích da rộng trong thời gian dài:
- Allyl heptanoate: thành phần được sử dụng để tạo mùi thơm cho mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Có rất ít dữ liệu về độc tính của allyl heptanoate nhưng một nghiên cứu trên chuột cho thấy thành phần này có thể gây tổn thương gan khi dùng liều rất cao.
- Butoxyetanol: một loại dung môi được sử dụng trong mỹ phẩm. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy tiếp xúc với lượng butoxyetanol lớn trong thời gian dài có thể gây nhiễm độc gan. Tuy nhiên, mức độ tiếp xúc thấp với butoxyetanol trong mỹ phẩm không gây ra rủi ro đáng kể.
- Methoxyetanol: được sử dụng làm dung môi trong một số loại mỹ phẩm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng methoxyetanol có thể gây nhiễm độc gan, thận và cơ quan sinh sản khi tiếp xúc ở mức độ cao. Vì lý do này nên nhiều hãng sản xuất mỹ phẩm đã ngưng sử dụng methoxyetanol.
- Styrene/styrene acrylate copolyme: một chất tạo màng được sử dụng trong mỹ phẩm. Dữ liệu hiện tại không cho thấy thành phần này gây nhiễm độc gan.
- Tibetanene (musk tibetene): là một loại xạ hương tổng hợp được sử dụng làm nước hoa. Dữ liệu về độc tính của thành phần này còn hạn chế nhưng hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy tibetanene có thể gây tổn thương gan.
Chi tiết về những thành phần gây hại trong mỹ phẩm
Ethanolamine
Đây là một nhóm thành phần phổ biến trong mỹ phẩm, thường được sử dụng làm chất hoạt động bề mặt, hương liệu và chất nhũ hóa.
Ethanolamine có thể gây phản ứng dị ứng và có thể tạo thành nitrosamine gây ung thư khi kết hợp với một số chất bảo quản.
Tuy nhiên, nếu ethanolamine có trong các sản phẩm rửa trôi (rinse-off) và không được sử dụng cùng với các hợp chất chứa nitơ thì thành phần này được coi là an toàn.
Các thành phần trong nhóm ethanolamine
Các thành phần trong nhóm ethanolamine gồm có:
- cocamide DEA
- cocamide MEA
- diethanolamine
- triethanolamine (TEA)
- lauramide DEA
- linoleamide DEA
- oleamide DEA
Không sử dụng những thành phần này trong chu trình chăm sóc da với bất kỳ loại nitrosamine nào. Sử dụng chất chống oxy hóa như axit ascorbic trong chu trình chăm sóc da có thể giúp ngăn ngừa tác hại của các sản phẩm phụ không an toàn của ethanolamine.
Tác hại của ethanolamine
Ethanolamine có thể gây phản ứng dị ứng nhưng không phải ai cũng bị dị ứng khi sử dụng các thành phần này.
Một nghiên cứu cho thấy TEA trong petrolatum 2,5% có tỷ lệ test áp bì (patch test) dương tính ở người là 0,4%, nhưng tỷ lệ kích ứng cao hơn là dị ứng. Dị ứng cocamide DEA xảy ra ở những người bị viêm da tay do nước rửa tay nhưng thường gặp hơn ở những người làm công việc liên quan đến kim loại. Do đó, các ethanolamine này thường chỉ được sử dụng trong các sản phẩm rửa trôi để giảm thời gian tiếp xúc với da.
Một vấn đề lớn của ethanolamine là khi được pha chế với một số chất bảo quản có thể phân hủy thành nitơ, ethanolamine sẽ tạo thành các nitrosamine, chẳng hạn như nitrosodietanolamine (NDEA), một chất gây ung thư. Ủy ban Châu Âu (The European Commission) đã cấm sử dụng DEA trong mỹ phẩm do lo ngại về sự hình thành các nitrosamine gây ung thư này. Một số tiêu chuẩn chỉ cho phép sử dụng ethanolamine trong các sản phẩm rửa trôi. Hội đồng CIR kết luận rằng dietanolamine và 16 loại muối của dietanolamine cũng như các hợp chất TEA, TE sẽ an toàn nếu không sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm có thể tạo thành hợp chất N-nitroso. FDA tuyên bố rằng không có lý do gì để người tiêu dùng phải lo lắng về việc sử dụng các chất này trong mỹ phẩm.
Các điều kiện đảm bảo tính an toàn khi sử dụng ethanolamine trong chu trình chăm sóc da cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng các sản phẩm tương thích với nhau. Một giải pháp an toàn là chỉ sử dụng ethanolamine trong các sản phẩm rửa trôi. Điều này nhằm đảm bảo sản phẩm chứa hợp chất N-nitroso trong chu trình chăm sóc da không thể kết hợp với ethanolamine và tạo thành nitrosamine. Tóm lại, sử dụng ethanolamine trong chăm sóc da sẽ an toàn nếu:
- thành phần này chỉ có trong sản phẩm rửa trôi (chẳng hạn như sữa rửa mặt)
- bạn không bị dị ứng với ethanolamine
- các sản phẩm khác trong chu trình chăm sóc da không chứa các hợp chất có nitơ như N-nitrosodietanolamine (NDELA) hoặc N-nitrosodiethylamine (NDEA).
Khi kết hợp với một số thành phần nhất định, ví dụ như hợp chất chứa nitơ, các thành phần vốn an toàn có thể biến thành chất gây hại. Đó là lý do tại sao bạn cần hiểu rõ về tất cả mọi thành phần trong chu trình chăm sóc da của mình.
Paraben
Paraben là một nhóm chất bảo quản đã được sử dụng trong mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da trong suốt nhiều thập kỷ. Paraben giúp ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật và kéo dài hạn sử dụng của sản phẩm.
Tuy nhiên, vào cuối những năm 1990, mối lo ngại về paraben xuất hiện. Chất này được cho là có thể gây rối loạn nội tiết và dị ứng. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ hơn, các nhà khoa học nhận thấy một số loại paraben không đáng lo ngại như nhiều người vẫn nghĩ. Một số người tránh dùng paraben nhưng trên thực tế, nhiều thành phần được sử dụng làm chất bảo quản thay cho paraben cũng có thể gây hại chứ không hề an toàn hơn paraben.
Các loại paraben
Có nhiều loại paraben và tính an toàn của mỗi loại là khác nhau. Các loại paraben phổ biến nhất là methylparaben (MP), ethylparaben (EP), propylparaben (PP) và butylparaben (BP).
Tác động của paraben đến nội tiết tố
Đã có những lo ngại về tác động của paraben đến nội tiết tố trong cơ thể do hoạt tính estrogen và kháng androgen của các chất này. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng paraben có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Khả năng liên kết với thụ thể estrogen của mỗi loại paraben là khác nhau, có nghĩa là mỗi loại paraben có mức độ rủi ro khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu về từng loại paraben.
- Butylparaben: có thể liên kết với thụ thể estrogen nhiều hơn so với các loại paraben khác trong danh sách này ngoại trừ isobutylparaben nhưng hoạt tính estrogen của butylparaben rất yếu và kém xa các thành phần được coi là an toàn như genistein.
- Isobutylparaben: có khả năng liên kết với thụ thể estrogen cao nhất trong số các loại paraben trong danh sách này.
- Methylparaben: có khả năng liên kết kém với thụ thể estrogen và không có bằng chứng về hoạt tính estrogen.
- Propylparaben: thể hiện hoạt tính estrogen không đáng kể trong các nghiên cứu đánh giá tính an toàn.
Hai loại paraben được quan tâm nhiều nhất là butylparaben và isobutylparaben do chuỗi alkyl dài hơn và khả năng liên kết với thụ thể estrogen cao hơn. Nếu bạn lo ngại về paraben, đang mang thai hoặc lựa chọn sản phẩm cho trẻ nhỏ thì hãy tránh các sản phẩm có chứa butylparaben hoặc isobutylparaben, đặc biệt là khi bạn có ý định sử dụng sản phẩm trên vùng da rộng (ví dụ như toàn thân) hoặc trong thời gian dài, ít nhất là cho đến khi có thêm nghiên cứu chứng minh tính an toàn của hai loại paraben này.
Mặc dù một số loại paraben thể hiện hoạt tính estrogen nhẹ trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm nhưng hiệu lực của chúng thấp hơn hàng nghìn lần so với estrogen tự nhiên. Không có bằng chứng nào cho thấy mức độ tiếp xúc thấp này khi sử dụng mỹ phẩm có thể dẫn đến tác dụng phụ ở người.
Các bằng chứng hiện tại chưa chứng minh bất kỳ nguy cơ ung thư vú rõ rệt nào do sử dụng paraben trên da khỏe mạnh. Từ các bằng chứng cho đến nay có thể thấy hầu hết các loại paraben dường như ít gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng ở mức độ thích hợp. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về độ an toàn của paraben và các chất bảo quản thay thế.
Phthalate
Các loại phthalate như diethylphthalate (DEP) và dimethylphthalate (DMP) thường được sử dụng làm dung môi và chất tạo mùi thơm trong mỹ phẩm. Chất dibutylphthalate (DBP) hiện đã bị cấm nhưng trước đây từng được sử dụng trong sơn móng tay. Di(2-ethylhexyl) phthalate (DEHP) có thể tồn tại trong sản phẩm do quá trình đóng gói không đảm bảo.
Bản thân phthalate không dễ thẩm thấu vào da nhưng lại được chuyển hóa thành monoester có thể đi vào máu. Mặc dù phthalate có hoạt tính estrogen yếu nhưng lại có đặc tính kháng androgen mạnh và có thể gây mất cân bằng hormone tuyến giáp.
Mối liên hệ giữa DBP và sự gia tăng nguy cơ ung thư vú chỉ xảy ra khi tiếp xúc mức độ cao mà điều này lại hiếm khi xảy ra khi sử dụng mỹ phẩm. Cần nghiên cứu thêm về mối liên hệ giữa các chất chuyển hóa DBP do sử dụng mỹ phẩm và sự giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới.
Mối lo ngại lớn nhất là về sự tiếp xúc với phthalate trong thời gian mang thai và ở trẻ sơ sinh. Đã có báo cáo về tác động của phthalate lên sự phát triển thần kinh, dậy thì sớm, thay đổi chuyển hóa và dị tật bộ phận sinh dục. Các vấn đề về hệ sinh dục như dậy thì muộn, lạc nội mạc tử cung và các vấn đề trong thai kỳ cũng có thể xảy ra sau khi tiếp xúc với DEHP.
Tuy nhiên, do chưa có nhiều dữ liệu nên chưa rõ mức liều lượng cụ thể dẫn đến vấn đề kể trên. Cần tiếp tục nghiên cứu thêm về sự hiện diện của phthalate trong sản phẩm do sai sót trong quá trình đóng gói và sự phơi nhiễm tích lũy. Các nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào các chất chuyển hóa DEP và DMP để làm rõ khả năng gây rối loạn nội tiết của các chất này.
Thành phần gốc dầu mỏ và dầu khoáng
Petrolatum, hay còn được gọi là sáp dầu khoáng (petroleum jelly), từ lâu đã được sử dụng trong mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da nhờ đặc tính giữ ẩm hiệu quả.
Ví dụ về các thành phần có nguồn gốc từ dầu mỏ gồm có:
- Ceresin
- Cera microcristallina
- Hydrogenated polyisobutene
- Microcrystalline wax (sáp vi tinh thể)
- Mineral oil (dầu khoáng)
- Ozokerite
- Paraffin
- Paraffinum liquidum
- Petrolatum
- Polybutene
- Polyethylene
- Polyisobutene
- Synthetic wax (sáp tổng hợp)
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy việc sử dụng petrolatum, đặc biệt là trên môi, có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Điều này là do độ bóng của petrolatum có thể tập trung bức xạ ánh nắng mặt trời lên da chứ không phải do thành phần này chứa bất kỳ chất gây ung thư nào. Nghiên cứu hiện tại không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy petrolatum được tinh chế đúng cách gây ung thư khi được sử dụng một cách thích hợp trong các sản phẩm chăm sóc da. Nguy cơ ung thư do sử dụng các sản phẩm có độ bóng có thể được giảm thiểu bằng cách thoa kem chống nắng.
Nhóm hoạt động vì môi trường (Environmental Working Group - EWG) đã đưa ra một thang điểm đánh giá mức độ an toàn của các thành phần trong mỹ phẩm. Theo đó, dầu khoáng được cho điểm là 1 - 2 nhưng petrolatum có số điểm là 2 - 5 do lo ngại về nguy cơ ung thư, dị ứng và tác hại đến hệ sinh dục mặc dù chưa có dữ liệu nghiên cứu thuyết phục nào đằng sau điều này. Tuy nhiên, nhiều người vẫn e ngại sử dụng các thành phần từ dầu mỏ do nguồn gốc của chúng. Trên thực tế, các thành phần có nguồn gốc từ dầu mỏ có độ tinh khiết cao đã được sử dụng một cách an toàn trong mỹ phẩm và dược phẩm trong suốt nhiều thập kỷ mà không gây ra bất kỳ vấn đề nào.
Mối quan tâm lớn nhất hiện nay xung quanh petrolatum là về tác động đến môi trường. Quá trình sản xuất dầu mỏ có thể phá hỏng hệ sinh thái và đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, điều quan trọng cần biết là dầu mỏ sẽ tiếp tục được khai thác làm nhiên liệu bất kể có được sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm hay không. Petrolatum chỉ là một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất dầu mỏ và việc sử dụng thành phần này trong sản xuất mỹ phẩm sẽ khong làm tăng sản lượng dầu mỏ.
Vì petrolatum đã được sản xuất rộng rãi nên việc sử dụng petrolatum không trực tiếp làm tăng tác hại đến môi trường. Tóm lại, theo các bằng chứng hiện tại thì petrolatum cấp độ y tế được tinh chế đúng cách an toàn khi sử dụng trên da. Nếu bạn muốn bảo vệ môi trường và vẫn muốn tránh các thành phần như vậy thì có thể chọn các loại dầu tự nhiên.
Phenoxyetanol
Phenoxyetanol là một loại cồn ether được sử dụng làm chất bảo quản trong nhiều loại mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân. Phenoxyetanol có đặc tính kháng vi sinh vật, có nghĩa là chống lại vi khuẩn và nấm men. Do có mùi thơm nên phenoxyetanol còn được sử dụng làm chất tạo mùi. Khi được sử dụng cho mục đích này, phenoxyetanol có thể không được liệt kê trong bảng thành phần.
Một số glycol ether như ethylene glycol ethyl ether đã cho thấy tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản và do đó bị cấm sử dụng ở Châu Âu.
Tuy nhiên, phenoxyetanol có đặc tính hóa học khác và chưa được xếp vào nhóm các chất gây hại cho chức năng sinh sản.
Ủy ban Khoa học EU về An toàn của Người tiêu dùng (The EU Scientific Committee on Consumer Safety) đã đưa ra kết luận vào năm 2016 rằng phenoxyetanol an toàn khi được sử dụng làm chất bảo quản với nồng độ lên tới 1%, kể cả trong các sản phẩm dành cho trẻ em. Các tác dụng phụ được quan sát thấy trong nghiên cứu trên động vật xảy ra ở mức độ tiếp xúc cao hơn nhiều so với sử dụng mỹ phẩm thông thường. Mặc dù được sử dụng rộng rãi nhưng phenoxyetanol hiếm khi gây ra phản ứng mẫn cảm và được coi là một trong những chất bảo quản được dung nạp tốt.
Mặc dù phenoxyetanol có thể gây khó chịu khi sử dụng ở nồng độ cao hơn nhưng nếu sử dụng đúng cách ở nồng độ 1% hoặc thấp hơn thì thành phần này hầu như không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, do chưa có quy định bắt buộc nên nhiều nhà sản xuất không ghi phenoxyetanol trong bảng thành phần của sản phẩm. Điều này khiến người tiêu dùng khó xác định sản phẩm nào chứa phenoxyetanol và nồng độ là bao nhiêu. Các hãng sản xuất nên ghi rõ trong bảng thành phần nếu sử dụng phenoxyetanol để người mua có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Polyethylene glycol (PEG)
Polyethylene glycol (PEG) là một hợp chất có nguồn gốc từ dầu mỏ được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm nhờ hoạt động giống như chất làm mềm, chất nhũ hóa, chất hút ẩm và chất tăng thấm. PEG đi kèm số biểu thị trọng lượng phân tử gần đúng, chẳng hạn như PEG-100 hoặc PEG-6. PEG cũng thường được liên kết hóa học với các phân tử khác, ví dụ như PEG-100 stearate.
Polyethylene có thể giúp các sản phẩm và thành phần khác hấp thu vào da tốt hơn. PEG có trọng lượng phân tử càng thấp thì càng dễ thâm nhập vào da.
Nếu được điều chế đúng cách, PEG sẽ an toàn khi bôi ngoài da nhưng quá trình sản xuất PEG có thể tạo ra các chất độc hại gây nguy hiểm. Các chất gây ung thư như 1,4-dioxane và ethylene oxide có thể hình thành dưới dạng sản phẩm phụ hoặc tạp chất của quá trình sản xuất PEG. Ethylene oxide là hợp chất có độc tính mạnh và trước đây đã được sử dụng làm chất độc thần kinh trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Quy trình tinh chế nghiêm ngặt là điều cần thiết để đảm bảo PEG cấp mỹ phẩm không chứa các chất gây nguy hiểm này. Mặc dù một lượng nhỏ các chất này vẫn có thể hình thành trong quá trình sản xuất PEG nhưng mức độ tiếp xúc thấp khi sử dụng mỹ phẩm sẽ không làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ vẫn đưa ra những hạn chế đối với sản phẩm chứa PEG, ví dụ như Sephora và Ulta.
Cuối cùng, sự minh bạch của các nhà sản xuất về việc kiểm soát chất lượng và kiểm tra độ tinh khiết là rất quan trọng để người tiêu dùng có thể biết được tính an toàn của các sản phẩm có chứa PEG.
Styrene
Styrene được sử dụng trong một số loại mỹ phẩm, bao gồm cả hương liệu tổng hợp và bao bì nhựa. Các nghiên cứu trên người cho thấy mức độ phơi nhiễm styrene cao trong môi trường làm việc có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư hạch bạch huyết – một dạng ung thư máu. Tuy nhiên, các bằng chứng trên người chưa chắc chắn và đều đến từ những công nhân thường xuyên phải tiếp xúc với nồng độ styrene rất cao. Chưa rõ liệu việc mức độ tiếp xúc thấp với styrene khi sử dụng mỹ phẩm có làm tăng nguy cơ ung thư hay không. Mặc dù cần nghiên cứu thêm về tính an toàn của styrene nhưng các sản phẩm chăm sóc da đều chỉ chứa một lượng styrene rất nhỏ. Để giảm thiểu tiếp xúc với styrene một cách tối đa, bạn hãy chọn những sản phẩm không có styrene trong bảng thành phần và hạn chế sử dụng các sản phẩm có mùi thơm.
Sản phẩm tự nhiên có an toàn hơn không?
Các sản phẩm tự nhiên thực ra không hề an toàn hơn các sản phẩm tổng hợp. Nhiều sản phẩm chăm sóc da mặc dù được dán nhãn "tự nhiên" (natural) nhưng có chứa các thành phần có thể gây hại không kém các thành phần tổng hợp. Một ví dụ là cocamide DEA. Đây là một chất hoạt động bề mặt có nguồn gốc từ dầu dừa, thường có trong các sản phẩm dán nhãn "tự nhiên". Tuy nhiên, cocamide DEA có thể phản ứng với các thành phần khác và tạo thành nitrosamine – một chất gây ung thư.
Vấn đề là hiện nay chưa có bất kỳ quy định nào quản lý việc sử dụng thuật ngữ “tự nhiên” trên nhãn sản phẩm. Các nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc cá nhân không bắt buộc phải liệt kê tất cả các thành phần, vì vậy nên người mua không thể biết được hết những thành phần có trong một sản phẩm được dán nhãn “tự nhiên”. Những sản phẩm này cũng có thể chứa một số thành phần có hại như hương liệu, chất tạo màu, chất bảo quản và chất gây dị ứng.
Các thành phần có nguồn gốc từ thực vật như thymol nghe thì có vẻ an toàn nhưng lại có thể gây dị ứng. Những cái tên chung chung như “hương liệu” có thể che giấu những hóa chất độc hại có liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe như rối loạn nội tiết tố, các vấn đề về hô hấp và thậm chí cả ung thư. Ngay cả " hương liệu tự nhiên" cũng có thể gây dị ứng vì không có tiêu chuẩn an toàn. Các cái tên chung chung khác mà bạn cần chú ý trong danh sách thành phần là "chất hoạt động bề mặt" (surfactant) và "chất bảo quản" (preservative).
Methylisothiazolinone (MIT) và methylchloroisothiazolinone (CMIT) là những chất bảo quản phổ biến có trong các sản phẩm tẩy rửa tự nhiên nhưng việc sử dụng những chất này bị hạn chế ở nhiều quốc gia do lo ngại về sức khỏe. Sodium laureth sulfate (SLES) là một chất hoạt động bề mặt có thể tạo ra sản phẩm phụ gây ung thư tên là 1,4-dioxane. Ngay cả các sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc từ cam quýt và dầu thông cũng có thể phản ứng tạo thành formaldehyde.
Tóm lại, “tự nhiên” không có nghĩa là an toàn hơn. Bạn nên cảnh giác với tất cả các thành phần, bất kể là tự nhiên hay tổng hợp, khi lựa chọn một sản phẩm nào đó.
Formaldehyde là một trong những thành phần gây dị ứng phổ biến nhất trong các sản phẩm chăm sóc da. Nếu bạn bị dị ứng formaldehyde thì nên tránh một số thành phần sau đây
Có rất nhiều thành phần chăm sóc da có thể gây dị ứng. Cách duy nhất để tránh bị dị ứng da là xác định thành phần gây dị ứng và lựa chọn những sản phẩm không chứa thành phần đó.
Nhóm các sản phẩm chống lão hóa cũng chiếm phần lớn trong số các loại sản phẩm dưỡng da và dường như mọi dòng sản phẩm chống lão hóa đều có chứa một thành phần nổi bật đóng vai trò duy trì sự trẻ trung cho làn da, ví dụ như peptide, yếu tố tăng trưởng, AHA, BHA,...
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bị dị ứng latex có nguy cơ cao cũng bị dị ứng với một số thành phần nguồn gốc thực vật trong các sản phẩm bôi ngoài da.
Chất chống oxy hóa có mặt trong nhiều loại sản phẩm chăm sóc da khác nhau như serum, kem dưỡng mắt, kem dưỡng ẩm, kem chống nắng… Những thành phần này mang lại nhiều lợi ích cho làn da, từ cải thiện kết cấu bề mặt da, chống lão hóa cho đến giải quyết các vấn đề về da như mụn trứng cá, bệnh trứng cá đỏ, nám… Vậy có những loại chất chống oxy hóa nào thường được sử dụng trong sản phẩm chăm sóc da? Những chất này có tác dụng gì đối với da và có cơ chế hoạt động ra sao? Và chất chống oxy hóa nào là tốt nhất? Những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
- 0 trả lời
- 758 lượt xem
Bác sĩ ơi, em đang stress quá. Bị mụn đã stress rồi, hết mụn lại để vài chục vết thâm càng stress hơn. Bác sĩ tư vấn giúp em sản phẩm nào trị thâm tốt với ạ. Da em là da dầu, lỗ chân lông to. Cảm ơn bác sĩ ạ!
- 0 trả lời
- 1120 lượt xem
Bác sĩ cho e hỏi e dùng TO buffet test 1 lượng nhỏ trên da thì sáng dậy bị như này có phải kích ứng k ạ? Nó khá ngứa ạ!
- 0 trả lời
- 1103 lượt xem
Bác sĩ ơi, tình hình là 3 năm nay em ra đường hay đi biển ko dám xức kem chống nắng lên tay với chân vì mỗi lần xức xong là nó NGỨA râm ran dưới da đến hết mùa hè luôn. Dù em chỉ bôi hoặc xịt 1 lần thôi, sau đó thấy NGỨA thì KHÔNG dùng nữa rồi. Tắm rửa, tẩy da chết da non các kiểu dưỡng da các thứ nhưng nó vẫn bị ngứa mất 2-3 tháng sau đó luôn!!! Em mỗi lần vậy là gãi điên cuồng cả tay cả chân như con ghẻ, dù nó ko hề nổi nốt trên người. Bác sĩ cho em biết tình trạng da em như vậy là bị làm sao ạ? Em có xem viên uống chống nắng nhưng nghe nói chỉ là đánh vào tâm lí thôi chứ ko có tác dụng thật sự như kem chống nắng BÁC SĨ CỨU LẤY LÀN DA NÀY VỚI Ạ!!! CẢM ƠN BÁC SĨ!
- 0 trả lời
- 720 lượt xem
Em đang muốn tìm một sản phẩm để dưỡng ẩm mà không biết nên mua loại nào, da em là da mụn giống y sì như trong ảnh luôn. Bác sĩ có thể đề xuất giúp em những sản phẩm dưỡng ẩm mà giá học sinh một chút được không, em cảm ơn nhiều lắm ạ